Đề thi vào 10 văn bản Chuyện người con gái Nam Xương

Chị sẽ phân tích từ trung đại cho đến hiện đại nên mấy đứa thông cảm nếu bài mấy đứa cmt mà chưa được đăng nhé!
1. Tác giả- Nguyễn Dữ là gương mặt nổi bật của văn học Việt Nam thế kỷ 16, học trò của Tuyết giảng phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm.- Nổi bật là tập "Truyền kỳ mạn lục" được xem là "thiên cổ kỳ bút".

2. Tác phẩm.

- "Chuyện người con gái Nam Xương" thuộc thiên thứ 16 và là câu chuyện tiêu biểu cho tập truyện này, thể hiện niềm thương cảm đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến đồng thời khẳng định vẻ đẹp của họ.- Truyện lấy bối cảnh với các cuộc nội chiến kéo dài của các triều đại phong kiến mục nát Lê, Mạc, Trịnh đã gây nên bao oan trái, biết bao sự đổ vỡ của bao gia đình. Một gia đình sống ở bến sông Hoàng Giang vào thế kỷ 16, một cái chết oan uổng của người vợ trẻ đã thức tỉnh con người, căm phẫn và tố cáo chiến tranh phi nghĩa.

3. Phân tích


a) Vẻ đẹp của Vũ Nương.Mở đầu tác phẩm, tác giả đã có lời giới thiệu bao quát về Vũ Nương "Tính đã thùy mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp" tạo ấn tượng cho bạn đọc về chân dung một người phụ nữ Việt hoàn hảo cũng là cơ sở cho bạn đọc bênh vực Vũ Nương.Sau đó Nguyễn Dữ đi sâu vào miêu tả nét đẹp tâm hồn, phẩm chất của nhân vật trong các mối quan hệ và các tình huống khác nhau.

*Mối quan hệ vợ chồng để thấy được Vũ Nương là người phụ nữ thủy chung son sắt trong tình nghĩa vợ chồng.

+ Trong cuộc sống vợ chồng bình thường: biết Trương Sinh có tính đa nghi nên nàng luôn "giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hoà". Một người con gái tinh tế và khéo léo khi biết vun vén, giữ gìn hạnh phúc của chính mình, một người vợ hiền thục nết na và đúng mực.

+ Khi tiễn chồng đi lính: Hạnh phúc êm ấm tưởng bền lâu, không ngờ đất nước xảy ra binh biế , Trương Sinh phải đầu quân ra trận ở biên ải xa xôi. Buổi tiễn chồng đi lính, Vũ Nương rót chén rượu đầy, dặn dò chồng những lời tình nghĩa, xót xa, đằm thắm. Chén rượu biệt ly này lại càng mong sẽ có ngày trùng phùng. "Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng mong được đeo ấn hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo hai chữ bình yên, thế là đủ rồi"
*Mở rộng: liên hệ với "Nỗi oán của người phòng khuê" của Vương Xương Linh.
"Xa xa chợt thấy màu dương liễu.
Hối để chàng đi kiếm tước hầu."Từ đó thấy được ước mơ bình dị về một mái ấm của người phụ nữ. Vũ Nương đặt hạnh phúc gia đình lên trên, xem thường mọi công danh phù phiếm. Nàng còn cảm thông trước nỗi vất vả gian lao mà chồng chịu đựng "Chỉ e việc quân khó liệu, giặc cuồng còn lẩn lút mà mùa dưa chín quá kỳ, khiến thiếp ôm nỗi quan hoài, mẹ già triền miên lo lắng". Qua lời nói dịu dàng, nàng còn bộc lộ nỗi khắc khoải nhớ thương với Trương Sinh, không chỉ là cái tình mà còn là cái nghĩa đúng mực của người  vợ: " Nhìn trăng soi thành cũ, lại sửa soạn áo rét, gửi người ải xa, trông liễu rũ bãi hoang mà thổn thức tâm tình thương người đất thú! Dù có thư tín ngàn hàng cũng không sợ có cánh hồng bay bổng". Một trái tim giàu lòng yêu thương và mạnh mẽ, kiên định biết chịu đựng thử thách, biết đợi chờ để yên lòng người đi xa. Để rồi những lời nói của nàng khiến " mọi người đều ứa hai hàng lệ"+ Khi xa chồng: Vũ Nương ngày ngày đợi chờ, ngóng trông đến thổn thức. Tuổi xuân của người phụ nữ nhanh chóng lụi tàn, ai mà chẳng biết "Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi" người đi chinh chiến có mấy ai trở về, thế nhưng nàng vẫn nuôi hy vọng, vẫn luôn biết giữ mình, luôn vững tâm "ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót". Nỗi nhớ thương kéo dài theo năm tháng, thời gian là thước đo cho sự thủy chung và son sắt, trường độ nỗi nhớ ngày một kéo dài:" Mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được". Nàng thương chồng, cũng như thương cho chính mình đêm ngày đối mặt với nỗi cô đơn vò võ. Tâm trạng nhớ thương đau buồn ấy cũng là tâm trạng của bao người chinh phụ xưa kia.

*Mở rộng: "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn do Đoàn Thị Điểm dịch


"Lòng này gửi gió Đông có tiện?
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên
Non Yên dù chẳng tới miền
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong"

+ Khi bị chồng vu oan: Vũ Nương đã ra sức minh oan, phân trần để cứu vãn hạnh phúc gia đình. Nàng đã viện đến cả thân phận tấm lòng của mình để thuyết phục Trương Sinh "Thiếp vốn con kẻ khó", những câu văn biền ngẫu, điển tích đá Vọng Phu, cơn sóng lòng của Vũ Nương đã đạt đến mức cao trào, giọng nàng quyết liệt mà tràn đầy đớn đau :" Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió". Những lời nói nhún nhường tha thiết cho thấy thái độ trân trọng chồng cùng tổ ấm cũng như một tấm lòng trinh bạch bị nghi oan thất tiết. Để rồi nàng tuyên thề nếu trinh bạch giữ lòng thì xin trời đất chứng giám, làm ngọc Mị Châu dưới nước, làm cỏ Ngu mỹ trên mặt đất còn nếu có việc dối lừa "dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ"

+ Khi ở dưới thủy cung: sống nơi cung nước như tiên tử vẫn không nguôi nỗi nhớ chồng con, nghe Phan Lang kể lại tình cảnh gia đình nàng đã ứa nước mắt xót thương. Mặc dù thề sống thề chết với Linh phi nhưng nàng vẫn tìm cách trở về với chồng con trong giây lát để nói lời đa tạ. Rõ ràng trong trái tim người phụ nữ ấy, không bợn chút thù hận, không nhiễm bụi sân si thù hận của đời người, chỉ có tình thương và lòng vị tha.

* Trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu và với con cái để thấy được một người dâu thảo, một người mẹ hiền.- Trong ba năm chồng đi chiến trận, ở nhà nàng tảo tần, đảm đang và quán xuyến hết mọi việc. Vừa làm con vừa làm cha phụng dưỡng mẹ già, nuôi dạy con thơ.

* Mở rộng: "Vắng chàng thiếp đỡ hiếu nam


Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân"
- Trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu xưa nay luôn có xích mích và bất hoà "cơm không lành, canh không ngọt" nhưng Vũ Nương đã khéo léo vun vén, dùng tâm đối đãi như đối với cha mẹ đẻ. Mẹ chồng bệnh nàng hết sức thuốc thang lễ bái thần phật, lấy lời khôn khéo khuyên răn để bà vơi bớt đi nỗi nhớ con. Đến khi bà mất, nàng hết lời thương xót, ma chay tế lễ cẩn trọng. Tấm lòng ấy tựa thấu cả trời xanh, lời mẹ già là chính người trong cuộc- một nhân chứng tiêu biểu đã trăn trối: " Sau này trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ"- Với con thơ, nàng hết sức thương yêu, chăm chút. Sau khi chồng đi đầy tuần, nàng chuyển dạ sinh con mà không có chồng bên cạnh đỡ đần.

*Mở rộng:


" Đàn ông đi biển có đôi
Đàn bà vượt cạn mồ côi một mình"Chi tiết cái bóng: chỉ bóng mình trên vách bảo là cha Đản cũng xuất phát từ tấm lòng của người mẹ để con trai mình bớt đi cảm giác thiếu vắng tình cảm của người cha cũng như vơi đi nỗi cô đơn của bản thân :"Vợ với chồng như hình với bóng"

b) Số phận oan nghiệt

Vũ Nương trên cương vị nào cũng làm tròn bổn phận, tưởng đâu nàng sẽ được như lời trối của mẹ chồng, cả đời hạnh phúc. Nàng xứng đáng được hưởng hạnh phúc nhưng hạnh phúc chẳng mỉm cười với nàng.- Ngày Trương Sinh trở về đã thổi vào gia đình là những cát bụi nơi biên thùy. Từ lời nói ngây ngô của một đứa trẻ, từ chi tiết cái bóng với bản tính đa nghi cộng thêm gia trưởng thất học Trương Sinh đối xử với nàng hết sức tàn nhẫn. Thậm chí có chi tiết gỡ rối mọi hiểu lầm khi nàng hỏi lời này do ai nói, Trương Sinh lại giấu biệt nói bóng gió đuổi nàng đi. Dù nàng phân trần, dù xóm làng can ngăn Trương Sinh vẫn không tin. Bi kịch dâng đến đỉnh điểm khi Vũ Nương trầm mình dưới bến Hoàng Giang để chứng minh sự trong sạch của mình thế nhưng Trương Sinh vẫn không tin:" Chàng tuy giận là nàng thất tiết nhưng thấy nàng tự tận cũng động lòng thương"- Thật ra nỗi bất hạnh của Vũ Nương không phải bắt nguồn ở tấn bi kịch này, ngay từ đầu, cuộc đời nàng đã là bi kịch khi sinh ra ở xã hội nam quyền và sinh ra trong thời chiến loạn lạc.+ Một cuộc hôn nhân bằng tiềm bạc, ngay từ đầu không có tình yêu+ Gia thế không "môn đăng hộ đối" ở trong xã hội phong kiến được cho là trèo cao. "Thiếp vốn con kẻ khó" đã tạo cho Trương Sinh cái quyền đánh đuổi vợ không cần chứng cứ rõ ràng.+ Lấy chồng để có "thú vui nghi gia nghi thất". Nàng thiếu phụ tuổi xuân còn phơi phới đã gánh chịu nỗi buồn "chiếc bóng năm canh" của người chinh phụ vì chiến tranh phi nghĩa.+ Gánh nặng gia đình chồng cộng với nỗi cô đơn vắng vẻ nơi phòng không gối chiếc.

*Mở rộng:


"Có con phải khổ vì con
Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng"
+ Ngay cả cái kết cũng là một bi kịch, kẻ âm người dương cách biệt, Nguyễn Dữ dẫu cho nàng một thân phận tiên nữ chốn cung nước để linh ứng với lời thề, với quan niệm :"Ở hiền gặp lành" nhưng cũng không cho nàng một hạnh phúc trọn vẹn. Hạnh phúc dễ tan vỡ, vì vậy xin người hãy biết nắm bắt và giữ gìn, hạnh phúc không phải là chiếc bóng luôn đi theo chúng ta, ở ngoài ánh sáng sẽ thấy rõ, ở trong bóng tối sẽ biến mất. Đừng để hạnh phúc tan biến, để rồi nó lại trở thành cái bóng ám ảnh chúng ta cả đời.
3. Nghệ thuật- Nghệ thuật xây dựng cốt truyện với yếu tố và chi tiết bất ngờ ( cái bóng, lời nói bé Đản)- Bút pháp hiện thực và nhân đạo trong tác phẩm.- Miêu tả và khắc hoạ nhân vật sắc sảo, tinh tế.- Việc vận dụng linh hoạt ngôn ngữ, đối thoại, độc thoại, các câu văn biền ngẫu và điển tích điển cố đá Vọng Phu, cỏ Ngu mỹ, ngọc Mị Châu.- Chi tiết kỳ ảo, sáng tạo của Nguyễn Dữ so với nguyên tác "Vợ chàng Trương" đã thể hiện được lòng thương cảm và tinh thần nhân đạo của nhân dân ta.=> Xứng đáng là áng "thiên cổ kỳ bút", có giá trị giáo dục và nhân văn sâu sắc._______Hết_______:D có phần nào khó hiểu thì cmt bên dưới cho chị nhé! <3

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn năm học 2014-2015 trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương là đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn có đáp án, giúp các bạn ôn tập, hệ thống kiến thức, tự kiểm tra trình độ bản thân cũng như thêm tài liệu tham khảo, chuẩn bị tốt trước kì thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới.

Tổng hợp đề thi vào lớp 10 được tải nhiều nhất

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ Văn năm 2015 trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam

Tuyển tập đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn các tỉnh năm học 2014 - 2015

Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HẢI DƯƠNG
ĐỀ CHÍNH THỨC
KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT
NĂM HỌC 2014-2015
Môn thi: Ngữ văn
Thời gian làm bài: 120 phút
Ngày thi: 12 tháng 7 năm 2014
Đề thi gồm: 01 trang

Câu 1 (2 điểm):

Cho đoạn thơ sau:

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

a. Đoạn thơ trên được trích từ văn bản nào? Tác giả là ai?

b. Xác định từ láy và biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn thơ?

c. Đoạn thơ gợi tả cảnh gì?

Câu 2 (3 điểm): Suy nghĩ của em về đức tính trung thực.

Câu 3 (5 điểm): Vẻ đẹp và số phận bi thương của nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.

--------- Hết ---------

Họ và tên thí sinh : . ………………………………… SBD : …………….

Chữ kí của giám thị 1 : …………… Chữ kí của giám thị 2 : …………….

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn

HƯỚNG DẪN CHẤM

A. YÊU CẦU CHUNG

- Giám khảo nắm được nội dung trình bày trong bài làm của học sinh để đánh giá được một cách khái quát, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, nên sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.

- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho đủ điểm.

Lưu ý: điểm bài thi có thể lẻ đến 0,25 hoặc 0,75.

B. YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu 1 (2 điểm):

a. Đoạn thơ trên nằm trong văn bản Sang thu (0,25đ) của Hữu Thỉnh (0,25đ).

b.

  • Từ láy: dềnh dàng (0,25đ), vội vã (0,25đ).
  • Biện pháp tư từ: nhân hoá (0,5đ).

c. Đoạn thơ gợi tả cảnh giao mùa từ hạ sang thu (hoặc cảnh sang thu) (0,5đ).

Câu 2 (3 điểm):

a. Về kĩ năng:

  • Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội dạng bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí.
  • Bài làm cần có bố cục ba phần rõ ràng; lập luận chặt chẽ, mạch lạc; dẫn chứng phù hợp; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

b. Về kiến thức:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những nội dung cơ bản sau:

1. Giới thiệu được vấn đề nghị luận: đức tính trung thực.

2. Giải thích

- Trung thực là sự thật thà, ngay thẳng, không giả dối.
- Người có đức tính trung thực là người luôn nói và làm đúng sự thật, sẵn sàng bảo vệ cái đúng, lẽ phải…

3. Phân tích, bàn luận, mở rộng vấn đề:

- Trung thực là một phẩm chất tốt đẹp cần có ở mỗi con người.

  • Người có đức tính trung thực sẽ được mọi người tin tưởng, yêu quí, tôn trọng; Trung thực sẽ khiến cho tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng.(Dẫn chứng minh họa)
  • Trung thực là một trong những phẩm chất giúp con người thành công hơn trong cuộc sống. (Dẫn chứng minh họa)
  • Trung thực khiến cho mối quan hệ giữa những con người trong xã hội trở nên tốt đẹp hơn.(Dẫn chứng minh họa)

- Cần đề cao sự trung thực và trung thực phải đi đôi với sự chân thành, phải xuất phát từ thiện ý, mong muốn những điều tốt đẹp đến với những người xung quanh.

- Phê phán những người thiếu trung thực, giả dối, lừa lọc…

4. Bài học về nhận thức và hành động.

  • Nhận thức được tầm quan trọng của đức tính trung thực đối với mỗi người.
  • Liên hệ bản thân.

Câu 3 (5 điểm):

Về kĩ năng

  • Biết cách làm bài văn về tác phẩm truyện, thể hiện được năng lực cảm thụ về nhân vật văn học; dẫn chứng phù hợp, chính xác, lập luận thuyết phục, hành văn lưu loát, có cảm xúc.
  • Bố cục hợp lí, rõ ràng; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Về kiến thức

Trên cơ sở nắm vững kiến thức tác giả và về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương cần làm rõ các ý cơ bản sau:

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật

2. Vẻ đẹp và số phận bi thương của Vũ Nương

a. Vẻ đẹp của Vũ Nương

- Vẻ đẹp nhan sắc: tư dung tốt đẹp.

- Vẻ đẹp tâm hồn, phẩm hạnh:

  • Tình nghĩa, thuỷ chung son sắt: giữ gìn khuôn phép, coi trọng hạnh phúc gia đình; luôn nhớ thương chồng và một mực giữ gìn tiết hạnh…
  • Đảm đang, tháo vát: gánh vác, lo toan tất cả công việc nhà chồng; vừa nuôi con nhỏ, vừa phụng dưỡng mẹ chồng.
  • Hiếu thảo với mẹ chồng: chăm sóc, phụng dưỡng mẹ chồng khi mẹ ốm, lo việc ma chay tế lễ chu tất khi mẹ qua đời.
  • Yêu thương con hết mực: nuôi dạy con thơ, tìm cách khỏa lấp nỗi trống vắng về người cha trong lòng con, nàng đã chỉ bóng mình trên tường và nói đó là cha Đản.
  • Giàu lòng vị tha, trọng danh dự : sống ở nơi làng mây cung nước, nàng vẫn nhớ về nơi trần thế cùng mong muốn được giải oan, được phục hồi danh dự. Trở về trong lễ giải oan, nàng không trách Trương Sinh mà đa tạ chàng vì hiểu nỗi oan của mình…

=> Vũ Nương hội tụ tất cả những vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam truyền thống và xứng đáng được hưởng cuộc sống hạnh phúc.

b. Số phận bi thương

  • Bị chồng nghi oan, bị đối xử tàn nhẫn, nàng phải tìm đến cái chết chứng minh cho tấm lòng thuỷ chung.
  • Bi kịch của Vũ Nương còn được thể hiện ở chi tiết kì ảo cuối truyện. Vũ Nương được cứu sống, đưa về thuỷ cung; được chồng lập đàn giải oan, nàng đã hiện về cùng với lời tạ từ, rồi biến mất.
  • Nguyên nhân của bi kịch: do lễ giáo phong kiến hà khắc và cuộc chiến tranh phi nghĩa đương thời; Do sự ghen tuông và hồ đồ, độc đoán của Trương Sinh… bi kịch của Vũ Nương cũng là bi kịch chung của người phụ nữ trong xã hội xưa.

c. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

  • Khắc họa tính cách nhân vật qua ngôn ngữ, hành động và nội tâm; xây dựng tình huống bất ngờ, kịch tính.
  • Lối kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn; kết hợp yếu tố hiện thực với yếu tố hoang đường, kì ảo làm nên đặc trưng của thể loại truyện truyền kì, hoàn thiện vẻ đẹp của nhân vật.

3. Đánh giá

  • Vũ Nương là người phụ nữ có vẻ đẹp hoàn mĩ song số phận nàng thật bi thương, bất hạnh.
  • Với tấm lòng đồng cảm sâu sắc, Nguyễn Dữ bày tỏ biết bao tình cảm trân trọng, thương xót. Chính điều đó đã tô đậm giá trị hiện thực và nhân đạo cho tác phẩm.