Dự thảo Chiến lược phát triển khoa học công nghệ

Ngày 23/11/2021, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Phiên họp trực tuyến Ban Soạn thảo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) giai đoạn 2021-2030.

Phiên họp được tổ chức để xin ý kiến các thành viên Ban Soạn thảo về Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Dự thảo Quyết định ban hành Chiến lược và Báo cáo thuyết minh xây dựng Chiến lược để Bộ KH&CN tiếp thu hoàn thiện trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược.

Dự thảo Chiến lược phát triển khoa học công nghệ

Phiên họp trực tuyến Ban Soạn thảo Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2030

Tham dự phiên họp có đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban Soạn thảo; đồng chí Bùi Thế Duy, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Phó Trưởng Ban Soạn thảo, Tổ trưởng Tổ Biên tập; các đồng chí Thứ trưởng Bộ KH&CN; các đồng chí thành viên Ban Soạn thảo là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; các đồng chí là thành viên Tổ Biên tập, Thường trực Tổ Biên tập; đại diện các đơn vị thuộc Bộ KH&CN.

Phát triển KH,CN&ĐMST được khẳng định là một nội dung đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Việc xây dựng Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 là một bước cụ thể hóa các nội dung về KH,CN&ĐMST được đề cập trong các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 kế thừa có chọn lọc quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và bổ sung những nội dung mới cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Cụ thể Chiến lược bổ sung nội hàm về ĐMST, là cầu nối đưa KH&CN vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm. Trong xu thế của toàn thế giới ngày nay, KH&CN gắn liền với sản xuất kinh doanh, gắn với quá trình thương mại hóa kết quả tạo thành một chuỗi KH,CN&ĐMST. Trong đó, KHCN tạo ra tri thức, còn ĐMST nhằm biến tri thức thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ứng dụng vào cuộc sống.

Mục tiêu trong 10 năm tới, ngành KH&CN sẽ đóng góp 45 - 50% vào chỉ số năng suất nhân tố tổng hợp (TFP); Đạt tối thiểu 45% tỷ trọng giá sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo; Đến năm 2030, đầu tư cho KH&CN đạt 1,5% - 2% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển đạt 1% - 1,2% GDP và đóng góp từ xã hội chi cho nghiên cứu và phát triển chiếm từ 65% - 70%. Phấn đấu đến năm 2030, số doanh nghiệp đạt tiêu chí của doanh nghiệp KH&CN và số doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tăng khoảng 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp...

Xây dựng và phát triển các hệ sinh thái ĐMST trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu, các cụm liên kết ngành, trong đó các doanh nghiệp lớn có vai trò trung tâm dẫn dắt các hoạt động sản xuất, kinh doanh và ĐMST. Các cơ quan quản lý Nhà nước có vai trò kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi, quan hệ liên kết giữa các doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất, các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức hỗ trợ để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và ĐMST nhằm nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế…

Phát biểu khai mạc phiên họp, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, sau phiên họp Ban Soạn thảo ngày 20/8/2021, Tổ Biên tập đã điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Chiến lược để gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Bộ KH&CN đã gửi các tài liệu để lấy ý kiến gồm Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Dự thảo Quyết định ban hành Chiến lược và Báo cáo thuyết minh xây dựng Chiến lược đến 28 bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đến nay, hầu hết các đơn vị đã gửi ý kiến góp ý.

Đồng thời, trong 2 tháng qua, Bộ KH&CN đã tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, hội nghị ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam (tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh) với sự tham dự của các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia công nghệ để góp ý cho Dự thảo Chiến lược.

Theo Bộ trưởng, trong suốt quá trình xây dựng Chiến lược, Bộ KH&CN đã nhận được sự quan tâm, phối hợp, cung cấp thông tin, đóng góp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, 2 Viện Hàn lâm, 2 Đại học Quốc gia, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân. Qua nhiều hoạt động, đến nay, Dự thảo Chiến lược về cơ bản đã được hoàn thiện.

“Phiên họp hôm nay được tổ chức để xin ý kiến các thành viên Ban Soạn thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược. Do tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên phiên họp được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Rất mong các đồng chí tiếp tục đóng góp ý kiến để có thể hoàn thiện tốt nhất Dự thảo Chiến lược để chúng ta có thể trình Thủ tướng Chính phủ một bản Chiến lược chất lượng và khả thi”, Bộ trưởng cho biết thêm.

Dự thảo Chiến lược phát triển khoa học công nghệ

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt “Phiên họp được tổ chức để xin ý kiến các thành viên Ban Soạn thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược”

Bộ trưởng khẳng định, với nỗ lực xây dựng một bản Chiến lược vừa có tính đột phá vừa có tính khả thi, thời gian qua Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập, các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, trường đại học và doanh nghiệp mà đại diện là các đồng chí trong Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập đã phối hợp, chung tay, cộng sức trong nhiều hoạt động của quá trình xây dựng Chiến lược.

Thay mặt Tổ Biên tập, ông Hoàng Minh, Giám đốc Học viện KH,CN&ĐMST, Tổ phó Tổ Biên tập đã báo cáo tóm tắt tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương. Theo đó, Bộ KH&CN đã gửi tài liệu gồm Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Góp ý Dự thảo Quyết định ban hành Chiến lược và Góp ý Báo cáo thuyết minh xây dựng Chiến lược tới 17 bộ, 3 cơ quan ngang bộ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 2 Viện Hàn lâm, 2 Đại học quốc gia, 3 tổ chức  hội và hiệp hội, 63 UBND tỉnh, thành phố. Nhìn chung các ý kiến về cơ bản nhất trí với Dự thảo Chiến lược và cho rằng, Dự thảo Chiến lược đã được chuẩn bị công phu, bài bản, nghiêm túc, phương pháp phù hợp, đảm bảo luận cứ khoa học và thực tiễn và được trình bày theo đúng quy định hiện hành. Bên cạnh đó, có một số ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện Dự thảo Chiến lược. Tổ Biên tập đã chuẩn bị báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình và nghiêm túc nghiên cứu, chắt lọc các ý kiến để điều chỉnh, hoàn thiện Dự thảo Chiến lược.

Tại Phiên họp, các thành viên Ban Soạn thảo đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và đóng góp ý kiến đối với nội dung được trình bày trong dự thảo Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 và dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ. Các thành viên Ban Soạn thảo đều nhất trí cao với dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ, dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 và dự thảo Báo cáo thuyết minh xây dựng Chiến lược. Ban Soạn thảo đánh giá cao phương pháp thực hiện bài bản, khoa học cũng như việc chuẩn bị tài liệu công phu của Bộ KH&CN.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, phiên họp ngày hôm nay Bộ KH&CN đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu, trí tuệ, tâm huyết của các thành viên Ban Soạn thảo với mong muốn cùng hướng tới sự phát triển chung của ngành KH&CN, đồng thời nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự đóng góp của KH,CN&ĐMST vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sau phiên họp này, Tổ Biên tập, Thường trực Tổ Biên tập sẽ khẩn trương tiếp thu ý kiến và hoàn thiện Dự thảo Chiến lược để trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 11/2021.

Trong thời gian tới, Bộ KH&CN mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hợp tác của các thành viên Ban Soạn thảo cũng đồng thời là lãnh đạo các bộ, ngành trong việc có ý kiến ủng hộ để Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 được ban hành trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt, quan trọng hơn, sau khi Chiến lược được ban hành, Bộ KH&CN hy vọng các các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp cùng quan tâm, đồng hành để tổ chức triển khai thực hiện thành công Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 vào thực tiễn có hiệu quả và thực chất.

Dự thảo Chiến lược phát triển khoa học công nghệ

Toàn cảnh Phiên họp tại Trụ sở Bộ KH&CN

Theo most.gov.vn

Ngày 11/5/2022, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Về phía thành phố Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đang hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội đến năm 2030. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, những năm qua, thành phố đã và đang ưu tiên phát triển nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên địa bàn nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô, đồng thời nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, viện nghiên cứu trên địa bàn thành phố.

Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế-xã hội, phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã đề ra mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là của khu vực Đông Nam Á trên một số lĩnh vực.

Thực hiện những mục tiêu này, thành phố đã giao Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội đến năm 2030. Dự thảo Chiến lược xác định ba khâu đột phá và bảy giải pháp để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa Thủ đô và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp các chuyên gia triển khai nghiên cứu, xây dựng dự thảo và xin ý kiến các các sở, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu lớn trên địa bàn Hà Nội về đánh giá thực trạng và gợi ý định hướng chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố. Đồng thời, tổ chức điều tra, khảo sát, các cuộc tọa đàm xây dựng dự thảo Chiến lược, gửi xin ý kiến của các chuyên gia có uy tín trên địa bàn.

Hầu hết các chuyên gia, nhà khoa học đã đồng tình với quan điểm, mục tiêu, nội dung của dự thảo Chiến lược. Đồng thời, nhấn mạnh dự thảo Chiến lược phải nêu bật được vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong đóng góp vào sự phát triển hiện đại, bền vững của Thủ đô và cả nước. Đặc biệt, cần nhấn mạnh tầm quan trọng vị trí, vai trò của Thủ đô như “Hà Nội đi trước”, “Hà Nội đi đầu”, “Hà Nội vượt trội”. Như mục tiêu tới năm 2025, Hà Nội ở vị trí tốp 3 cả nước về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo… Trong đó, tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả hệ thống đổi mới sáng tạo của Thủ đô, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đóng vai trò dẫn dắt.

GS,TS Trần Khắc Thi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho rằng, dự thảo Chiến lược cần phân tích những thành tựu và tồn tại trong hoạt động phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn Hà Nội, nêu rõ nguyên nhân cơ bản của những tồn tại để có mục tiêu và giải pháp phù hợp. Về giải pháp, nên khuyến khích các trường đại học, các viện hàn lâm, viện nghiên cứu ứng dụng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ tham gia nghiên cứu các yêu cầu cụ thể để phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Đẩy mạnh kết nối, liên kết hệ thống cơ sở dữ liệu về khoa học, công nghệ trên toàn thành phố, trong nước và quốc tế.

PGS, TS Vũ Văn Tích, Trưởng ban Khoa học và công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đề xuất, trong phần giải pháp của dự thảo Chiến lược có thể bổ sung hai giải pháp: Đó là đề xuất đề án thí điểm mô hình sandbox (cho phép một số ít doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ, dịch vụ, sản phẩm, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn nhưng có phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý) để thử nghiệm ứng dụng các chính sách khoa học và công nghệ. Đồng thời, thành phố cũng nên chú trọng giải pháp về P&C (tạo sản phẩm và thương mại hóa) bởi thời gian qua, thành phố mới chỉ tập trung cho R&D (nghiên cứu và phát triển).

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, thành phố mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp trí tuệ, ý kiến xây dựng quý báu, từ đó là cơ sở giúp Sở tổng hợp, hoàn chỉnh dự thảo. Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội đến năm 2030 sẽ là bước đột phá quan trọng trong giai đoạn tới, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, góp phần phát triển Thủ đô hiện đại, văn minh.