Giá trị văn hóa cốt cách con người năm 2024

Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Hồ Bá Thâm, Phó chủ tịch Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài TP.HCM cho rằng hệ giá trị con người là một đại lượng khái quát còn rất chung. Do đó, hệ giá trị con người cần được cụ thể hóa thành hệ chuẩn mực mới dễ đi vào cuộc sống. Điều này giống như quy phạm pháp luật hay quy ước của các hương ước, gia ước, gia phong...

Giá trị văn hóa cốt cách con người năm 2024

Bác Hồ đưa ra nhiều chuẩn mực giá trị cho những người làm việc lĩnh vực khác nhau

ảnh tl

Ông Thâm cũng nêu những chuẩn mực mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một cách gọn ghẽ, cho các đối tượng khác nhau. Với các cháu thiếu niên nhi đồng có Năm điều Bác dạy: "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/Học tập tốt, lao động tốt/Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/Giữ gìn vệ sinh thật tốt/Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm".

Bác cũng có sáu điều dạy công an nhân dân: “Đối với mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đôi với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải kiên quyết, khôn khéo”. Bác lại nhắc cán bộ, đảng viên: “Cần kiệm - Liêm chính - Chí công - Vô tư”.

Ông Thâm cũng điểm đến 3 giá trị cốt lõi mà cố Tổng bí thư Lê Duẩn luôn nhấn mạnh của người Việt là 'lao động - tình thương và lẽ phải'. “Riêng về giá trị lao động giỏi thì chuẩn mực là lao động chăm chỉ, có kỷ luật, kỹ thuật, sáng tạo và năng suất lao động cao. 5 chuẩn mực này rất đúng với những người trong tuổi lao động, có sức lao động”, ông Thâm nói.

Giá trị văn hóa cốt cách con người năm 2024
Đại úy Thái Ngô Hiếu nhiều lần cứu người đuối nước

ảnh Vũ đoan

PGS-TSKH Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhắc tới quan điểm của nhà văn hóa Đào Duy Anh trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương. Trong đó, nhà văn hóa Đào Duy Anh đưa ra 7 giá trị như là bản sắc văn hoá Việt, gồm: sức ký ức (trí nhớ) tốt, thiên về nghệ thuật và trực giác; ham học, thích văn chương; ít mộng tưởng (thiết thực); sức làm việc khó nhọc (cần cù) ở mức độ ít dân tộc bì kịp; giỏi chịu… khổ và hay nhẫn nhục; chuộng hòa bình, song ngộ sự thì cũng biết hy sinh vì đại nghĩa; khả năng bắt chước, thích ứng và dung hóa rất tài.

Tuy nhiên, theo ông Hải, nếu xem xét kỹ lưỡng thì thấy đúng ra đó mới chỉ là những đặc tính nhất định của con người hoặc xã hội Việt Nam ở một giai đoạn lịch sử nào đó chứ chưa phải toàn bộ những nội dung mà họ nêu đều đã là những giá trị Việt hay hệ giá trị con người Việt Nam.

Ông Hải cũng trích dẫn đúc kết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021. Theo đó, Tổng bí thư khái quát các giá trị con người Việt Nam gồm: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

Theo ông Hải, đây có thể xem là những giá trị cơ bản, chủ yếu, cốt lõi trong hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay. Những giá trị này vừa là kết tinh những truyền thống tốt đẹp hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ đất nước, vừa là yêu cầu, đòi hỏi con người Việt Nam đương đại phải thực hiện, phải tuân thủ, phải xem là khung khổ, khuôn mẫu, tiêu chí để suy nghĩ và hành động.

Theo GS, TS. Ngô Thắng Lợi, Đại học Kinh tế quốc dân, mục tiêu cuối cùng của phát triển bền vững, đó là phát triển con người, tăng trưởng kinh tế cũng là để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về vật chất và tinh thần của từng cá nhân cũng như cả cộng đồng. Hiểu theo nghĩa này, phát triển văn hóa chính là mục tiêu của tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng là một trụ cột của phát triển bền vững.

Văn hóa trở thành nền tảng tinh thần và tạo ra những động lực mới đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế. Vì thế, việc tách biệt một cách rạch ròi hai chiều tác động qua lại giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa là điều không khả thi. Tuy nhiên, nhận diện những kênh tác động chính từ tăng trưởng kinh tế đến phát triển văn hóa và ngược lại để từ đó có những đề xuất chính sách cụ thể hơn nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ nói trên lại là cần thiết.

Giá trị văn hóa cốt cách con người năm 2024
Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Háng Phúng Lìu, Khâu Vai được xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bối cảnh mới của mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa ở Việt Nam GS, TS. Ngô Thắng Lợi phân tích, nền kinh tế nước ta đang đứng trước những tác động rất lớn của bối cảnh quốc tế. Xét về tác động đến văn hóa, có thể thấy toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0 sẽ có ảnh hưởng rõ nét nhất.

Thứ nhất là toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Toàn cầu hóa đang tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho sự phát triển kinh tế ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đến lượt mình, những cơ hội và thách thức này lại tạo ra những tác động hai chiều (tích cực và tiêu cực) đến phát triển văn hóa ở nước ta.

Về mặt tích cực, toàn cầu hóa có thể giúp các quốc gia đạt mục tiêu phát triển văn hóa nhanh hơn. Các quốc gia tham gia sớm và sâu vào quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sẽ có nhiều cơ hội tranh thủ được nguồn vốn, khoa học - công nghệ, thị trường, hệ thống phân công lao động quốc tế… từ các quốc gia khác, từ đó thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của lực lượng sản xuất trong nước. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn, các quốc gia sẽ nhanh chóng tạo dựng và tích lũy được một cơ sở vật chất lớn mạnh hơn để đầu tư vào các mục tiêu phát triển văn hóa.

Ngoài ra, toàn cầu hóa và xu thế hội nhập mạnh mẽ sẽ mở ra nhiều cơ hội giao lưu văn hóa giữa các quốc gia. Văn hóa và di sản của Việt Nam sẽ được giới thiệu đến với đông đảo bạn bè quốc tế hơn và ngược lại, Việt Nam cũng có thể tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa thế giới một cách nhanh chóng và có chọn lọc hơn.

Chính nhờ sự so sánh, học hỏi từ các nền kinh tế tiên tiến mà chúng ta có thể hoàn thiện được văn hóa của mình, bảo đảm hội nhập thành công về văn hóa với thế giới nhưng cũng không làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc đã hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử.

Về mặt tiêu cực, toàn cầu hóa có thể kéo theo sự phân phối cơ hội và lợi ích kinh tế không đồng đều giữa các quốc gia, trong đó các nền kinh tế có tiềm lực nhỏ bé như Việt Nam có thể sẽ gặp nhiều bất lợi. Điều này có thể khiến những quốc gia tiếp nhận nhiều nguồn lực từ bên ngoài trở nên phụ thuộc nhiều hơn về kinh tế, và từ đó kéo theo sự lệ thuộc về chính trị và văn hóa.

Trong bối cảnh thể chế kém phát triển, các “hàng rào” ngăn chặn tác động tiêu cực về văn hóa chưa đầy đủ và kém hiệu lực, toàn cầu hóa sẽ dẫn đến nguy cơ du nhập ồ ạt văn hóa ngoại lai, lối sống thực dụng và các tư tưởng phản động, đi ngược lại các giá trị chân thiện mỹ đã được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Hệ lụy của việc mất đi bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc, đến lượt nó, sẽ gây bất ổn chính trị xã hội và trở thành yếu tố phản phát triển.

Thứ hai là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi triệt để cách sống, làm việc và quan hệ giữa các cá nhân trong xã hội loài người, có nghĩa là sẽ làm thay đổi trực tiếp đến văn hóa. Trong bối cảnh này, tính đổi mới sáng tạo từ con người và ứng dụng tính đổi mới sáng tạo đó vào đời sống sẽ được đề cao. Vì thế, về mặt tích cực, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi mỗi quốc gia phải xây dựng được một hệ thống đổi mới sáng tạo để chuyển đổi nền công nghiệp hiện hành lên một vị thế cao hơn, giá trị hơn, cùng với đó là hình thành một nền văn hóa năng động, sáng tạo và năng suất cao hơn.

Mặt khác, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư luôn tạo ra những cái mới, sản phẩm mới, hấp dẫn, lôi cuốn và rất dễ dẫn đến tình trạng “sùng ngoại” không chỉ ở phương diện văn minh, mà còn ở lĩnh vực văn hóa, lối sống, cách giao tiếp, ứng xử... Nhiều thói quen trong nhận thức rất dễ bị thay đổi. Những chuẩn mực, giá trị văn hóa, đạo đức được tôn thờ qua nhiều thế hệ cũng có những nguy cơ bị mai một. Con người trong cộng đồng, xã hội dần mất đi nét đẹp trong giao tiếp của “tình làng, nghĩa xóm”, thay vào đó là quan hệ công việc đơn thuần. Sự giao tiếp rộng, nhưng hạn chế chiều sâu, tầm cao tạo ra những quan hệ “ảo”.

Từ những phân tích đó, GS, TS. Ngô Thắng Lợi nêu vấn đề, quá trình tận dụng cơ hội, tiếp nhận thành tựu văn minh, tinh hoa của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để làm giàu tri thức và tiến lên phía trước là tất yếu, cần thiết, nhưng làm thế nào để giữ vững cốt cách, tâm hồn, phẩm giá, khí phách con người Việt Nam trong xây dựng nền văn hóa dân tộc sẽ là một bài toán hóc búa.