Giải pháp nâng cao trách nhiệm giải trình trong quản lý ngân sách nhà nước

Giải pháp nâng cao trách nhiệm giải trình trong quản lý ngân sách nhà nước
Cơ chế đấu thầu tốt, đảm bảo minh bạch sẽ hút nhà đầu tư
Giải pháp nâng cao trách nhiệm giải trình trong quản lý ngân sách nhà nước
Hải quan TPHCM triển khai nhiều nhiệm vụ cấp bách thu ngân sách sau dịch
Giải pháp nâng cao trách nhiệm giải trình trong quản lý ngân sách nhà nước
Khảo sát độ công khai minh bạch ngân sách toàn cầu, Việt Nam tăng 14 bậc
Giải pháp nâng cao trách nhiệm giải trình trong quản lý ngân sách nhà nước
Bộ Tài chính đã mở chuyên mục Công khai ngân sách để công khai đầy đủ, kịp thời các tài liệu, số liệu về NSNN Ảnh: T.Hằng

Nhiều bước tiến đáng ghi nhận

Tại các kỳ họp Quốc hội, tình trạng chấp hành kỷ luật NSNN ở nhiều nơi, nhiều chỗ còn chưa nghiêm thường xuyên được các đại biểu Quốc hội đặt ra.

Trong thu NSNN, tình trạng kê khai thiếu số thuế phải nộp; gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế còn xảy ra ở nhiều nơi... Minh chứng dễ thấy nhất đó là từ 18.329 cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai trong 5 tháng đầu năm 2020, ngành Tài chính đã kiến nghị xử lý tài chính gần 24.000 tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu hồi nộp ngân sách 7.200 tỷ đồng. Trong lĩnh vực chi NSNN, vẫn còn tình trạng chi sai quy định, vượt tiêu chuẩn định mức; dự toán nhiều công trình đội vốn cao; nợ đọng xây dựng cơ bản.

Với thực trạng trên, việc công khai, minh bạch hoạt động tài chính NSNN là một bước để nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị; đồng thời tăng cường sự giám sát của các cấp, các ngành cũng như của cộng đồng.

Điều này được ghi nhận thông qua kết quả khảo sát toàn cầu về Chỉ số công khai ngân sách mở (OBS) 2019 vừa được công bố. Trong đó, điểm số công khai, minh bạch ngân sách của Việt Nam đã tăng mạnh so với các kỳ đánh giá trước đó. Điểm số công khai, minh bạch ngân sách của Việt Nam đạt mức 38/100 điểm đối với trụ cột Công khai ngân sách, tăng 23 điểm so với năm 2017; 11/100 điểm đối với trụ cột Sự tham gia của công chúng, tăng 4 điểm so với năm 2017; 74/100 điểm đối với trụ cột Giám sát, tăng 2 điểm so với năm 2017.

Về xếp hạng quốc gia, Việt Nam xếp thứ 77/117 nước, tăng 14 bậc so với năm 2017. Theo xếp hạng OBS 2019, Việt Nam được đánh giá đã có nhiều nỗ lực và bước tiến đáng ghi nhận về mức độ công khai, minh bạch ngân sách.

Theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính, đạt được bước tiến đáng ghi nhận nêu trên, trước hết là nhờ Quốc hội đã thông qua Luật NSNN năm 2015 (có hiệu lực từ năm ngân sách 2017) với những quy định mở rộng về phạm vi, đối tượng, nội dung và hình thức công khai, chẳng hạn như việc công khai số liệu và báo cáo thuyết minh về dự toán ngân sách khi Chính phủ trình Quốc hội...

Cho đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện công bố công khai 8 tài liệu ngân sách chủ chốt theo thông lệ tốt của quốc tế, gồm: Định hướng xây dựng ngân sách, dự thảo dự toán ngân sách trình Quốc hội, dự toán ngân sách được Quốc hội quyết định, báo cáo ngân sách công dân, báo cáo ngân sách quý, báo cáo ngân sách 6 tháng, báo cáo ngân sách cuối năm, báo cáo kiểm toán. Trong đó, 7/8 tài liệu được Tổ chức Quan hệ đối tác ngân sách quốc tế (IBP) công nhận và tính điểm. Riêng báo cáo ngân sách 6 tháng tạm thời chưa được tính điểm do chưa đưa ra các thông tin định lượng về dự báo NSNN cả năm. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để hoàn thiện, bổ sung thêm các thông tin trong báo cáo đánh giá 6 tháng nhằm đáp ứng yêu cầu đề ra.

Cũng theo ông Tân, nhằm tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận, tham gia xây dựng dự toán ngân sách và giám sát quá trình quản lý, sử dụng NSNN, báo cáo ngân sách công dân được xây dựng với ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu. Đồng thời, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính cũng đã mở chuyên mục Công khai ngân sách để công khai đầy đủ, kịp thời các tài liệu, số liệu về NSNN; chuyên mục Hỏi và đáp để tiếp nhận và giải đáp kịp thời các ý kiến thắc mắc, góp ý của người dân.

Tăng cường sự tham gia của công chúng

Thực tế, kết quả đánh giá trên một mặt thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, chế độ, chính sách nhằm tăng cường công khai minh bạch ngân sách. Tuy nhiên, kết quả đánh giá cũng chỉ ra hạn chế hiện nay là điểm số đối với trụ cột Sự tham gia của công chúng còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu do các tiêu chí đánh giá được xây dựng dựa trên thông lệ tốt của các nước OECD, chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Song về chủ quan, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng cũng cần rút kinh nghiệm trong việc thông tin, tuyên truyền cho người dân đảm bảo đầy đủ, kịp thời hơn và có giải pháp khuyến khích người dân tham gia chủ động, tích cực hơn vào việc hoạch định chính sách tài chính ngân sách.

Để thực hiện tốt công tác công khai NSNN, trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị trong ngành Tài chính tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý về công khai tài chính - NSNN, hướng tới chuẩn mực quốc tế như: công khai các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, công khai chi tiết kế hoạch tài chính NSNN 3 năm, công khai các dự báo về tình hình thực hiện NSNN cả năm từ giữa năm ngân sách, Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công khai ngân sách để tạo điều kiện tối đa cho người dân được tiếp cận và khai thác thông tin NSNN.

Khuyến nghị ở góc độ khách quan, bà Ngô Minh Hương Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) cho rằng: Điều quan trọng nhất là cần thiết lập cơ chế để tăng cường sự tham gia của công chúng trong cả chu trình NSNN. Đơn cử như, cần thiết lập cơ chế để người dân có thể có tiếng nói trong quá trình giám sát NSNN của cơ quan lập pháp cũng như thiết lập cơ chế giải trình công khai giữa cơ quan lập pháp và người dân trong quá trình xây dựng, phê duyệt ngân sách, thực hiện ngân sách. Đặc biệt, cơ chế này cần được thiết lập để người dân có thể tham gia liên tục, cũng như bao quát đến đông đảo đối tượng người dân trong xã hội, đặc biệt là những nhóm yếu thế

Khảo sát về minh bạch ngân sách (OBS) là sáng kiến nhằm thúc đẩy công khai minh bạch ngân sách do Tổ chức Quan hệ đối tác ngân sách quốc tế (IBP) tiến hành định kỳ 2 năm/lần kể từ năm 2006 và thực hiện tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Từ đó, cho điểm để đánh giá mức độ công khai minh bạch ngân sách của các nước, các nền kinh tế khác nhau về ba trụ cột của trách nhiệm giải trình ngân sách.

Hồng Vân