Hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu năm 2024

Đồng thời, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả là: Đình chỉ toàn bộ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm, thời hạn đình chỉ là 02 (hai) tháng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hoá giả mạo nhãn hiệu.

Trước đó, thực hiện Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 18/12/2023 Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 4 tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với Hộ kinh doanh Đào Việt Bắc (Cửa hàng Men Store), địa chỉ: TDP Tân Chiền, Thị trấn Lập Thạch, Huyện Lập Thạch, Tỉnh Vĩnh Phúc. Tại thời điểm kiểm tra Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang trưng bày để bán 1745 sản phẩm, hàng hóa là quần áo, giày dép có gắn nhãn hiệu nổi tiếng như: GUCCI, Louis vuitton, Dior, BURBERRY, HERMES.

Hộ kinh doanh Đào Việt Bắc trưng bày để bán 1745 sản phẩm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu

Toàn bộ số hàng hóa trên có nhãn hiệu được gắn trực tiếp lên sản phẩm không thể tách rời hàng hóa; nhãn hiệu có phông chữ (font), cỡ chữ (font size), đường chỉ không đúng với quy cách và tiêu chuẩn của chủ sở hữu các nhãn hiệu (GUCCI, Louis vuitton, Dior, BURBERRY, HERMES); không có mã code riêng cho từng sản phẩm; giá bán sản phẩm tại Cửa hàng rẻ hơn nhiều so với hàng hóa chính hãng. Đồng thời, ông Đào Việt Bắc (Đại diện hộ kinh doanh) không xuất trình được tài liệu, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của toàn bộ số hàng hóa nêu trên. Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định xử phạt VPHC đối vơi Hộ kinh doanh Đào Việt Bắc về hành vi: Trưng bày để bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu với mức tiền xử phạt là 102.500.000 đồng.

Qua quá trình thẩm tra, xác minh và làm việc với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Căn cứ hồ sơ, tài liệu và tang vật vi phạm, Đội QLTT số 4 kết luận: Hộ kinh doanh Đào Việt Bắc; Địa chỉ: TDP Tân Chiền, Thị trấn Lập Thạch, Huyện Lập Thạch, Tỉnh Vĩnh Phúc, do ông Đào Việt Bắc làm đại diện đã có hành vi vi phạm: Trưng bày để bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu. Trị giá hàng hóa vi phạm là: 187.140.000đ (Một trăm tám mươi bảy triệu một trăm bốn mươi nghìn đồng).

Trong thời gian tới, bám sát Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 và các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Đội Quản lý thị trường số 4 tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm từ đó bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Giả mạo nhãn hiệu hàng hóa là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hành chính với mức phạt tiền lên đến 50 triệu đồng hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhãn hiệu là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Thuật ngữ này được sử dụng từ lâu và phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), nhãn hiệu là “các dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự của cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau”. Theo Luật SHTT thì nhãn hiệu là “dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau” (khoản 16 Điều 4).

Chức năng của nhãn hiệu là phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các nhà sản xuất, cung ứng khác nhau nên một tổ chức, cá nhân có thể sử dụng và đăng ký bảo hộ cho một hoặc nhiều nhãn hiệu nhằm phù hợp với nhu cầu kinh doanh từng chủng loại và từng khu vực cụ thể, theo quy định của pháp luật.

Thực tế cho thấy, nhiều tổ chức, cá nhân vì mục đích thu lợi bất chính hoặc làm giảm uy tín để cạnh tranh không lành mạnh mà xâm phạm nghiêm trọng đến nhãn hiệu của các tổ chức, cá nhân khác đã được đăng ký bảo hộ thông qua hành vi giả mạo nhãn hiệu đó. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và tùy theo mức độ vi phạm việc giả mạo nhãn hiệu hàng hóa sẽ có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ảnh minh hoạ.

Đối với trường hợp xử lý hành chính, theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP, căn cứ vào mục đích của hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, cá nhân có thể bị xử phạt hành chính về hành vi buôn bán hoặc sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

Về hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa để buôn bán kiếm lời: bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1.000.000 đồng và mức cao nhất là 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu (Điều 11 Nghị định);

Về hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu: bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1.000.000 đồng và mức cao nhất là 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu (Điều 12 Nghị định).

Đối với trường hợp xử lý hình sự, hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ xâm hại chế độ quản lý của Nhà nước trong hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo vệ. Do đó, hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội sau: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192 BLHS) hoặc Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp (Điều 226 BLHS).

Về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả: Điều 192 BLHS quy định người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc các trường hợp được quy định thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khung hình phạt cao nhất đối với hành vi này là từ 07 năm đến 15 năm tù, khi có tình tiết sau: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; Làm chết 02 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp: Điều 226 BLHS quy định người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam mà thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm: Xâm phạm với quy mô thương mại; Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng.

Nếu thực hiện hành vi giả mạo nhãn hiệu thuộc một trong các trường hợp sau, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu 500.000.000 đồng trở lên; Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

Việc xác định hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả hay tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên từ thực tiễn xét xử hành vi trên, cá nhân chỉ nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp để tăng lợi nhuận kinh doanh chứ không nhằm lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm thì sẽ bị xử lý về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; còn nếu hành vi giả mạo đồng thời nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu hợp pháp các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp và lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa thì xử lý về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Như vậy, giả mạo nhãn hiệu hàng hóa là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hành chính với mức phạt tiền lên đến 50 triệu đồng hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả với mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù hoặc tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp với mức phạt cao nhất là 03 năm tù.

Chủ đề