Hoàng Sa, Trường Sa thời nhà Nguyễn

Trong số 34.619 tấm mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới, hiện được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc  gia IV – Đà Lạt, có rất nhiều bản khắc liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa...

Hoàng Sa, Trường Sa thời nhà Nguyễn
Mộc bản triều Nguyễn ghi rõ: “Cương giới mặt biển nước ta có đảo Hoàng Sa rất là hiểm yếu.”

Về vị trí của quần đảo Hoàng Sa, mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 6, mặt khắc 18 ghi rõ: “Đảo Hoàng Sa: ở phía Đông đảo Lý (Cù Lao Ré). Từ bờ biển Sa Kỳ đi thuyền ra, thuận gió thì độ 3, 4 ngày đêm có thể đến nơi, trên đảo quần tụ rất nhiều núi, có đến hơn 130 đảo nhỏ cách nhau hoặc một ngày đường, hoặc mấy trống canh. Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là bãi “Vạn Lý Trường Sa” (Bãi cát dài vạn dặm), trên đảo có nguồn nước ngọt chảy ra, chim biển quần tụ…”.

Với ý thức giữ gìn biển đảo thiêng liêng của tổ quốc, các triều đại Việt Nam, trong đó có vương triều Nguyễn, đã hết sức đề cao, coi trọng việc thực thi chủ quyền. Năm Tân Mão (1711), chúa Nguyễn Phúc Chu đã phái người ra Trường Sa đo đạc. Trong mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 8, mặt khắc 10 ghi rõ: tháng 4 mùa hạ, năm Tân Mão (1711): “Sai người đi đo đạc bãi biển Trường Sa, chiều dài, ngắn, rộng, hẹp là bao nhiêu”.

Dưới thời các chúa Nguyễn, đội Hoàng Sa được thành lập, đây  được xem là sự sáng tạo độc đáo của phương thức xác lập và thực thi chủ quyền của nước nhà đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đến Nguyễn Ánh lên ngôi (1802), ông là người có ý thức sâu sắc về giá trị và tầm quan trọng của biển đảo, đã để tâm ngay đến việc tái lập đội Hoàng Sa. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 22, mặt khắc 2 có ghi: tháng 7, năm Quý Hợi (1803): “Lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”. Vua đã phái đội Hoàng Sa ra đảo thám đạc thủy trình, mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 50, mặt khắc 6 có ghi: tháng 2, năm Ất Hợi (1815), vua “Sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò, đo đạc thủy trình”. Trên cơ sở của các cuộc thăm dò đường biển đến đảo Hoàng Sa, tiếp nối sự nghiệp của vua cha, vua Minh Mạng đã nhiều lần phái người ra vẽ bản đồ của đảo. Có thể nói, hoạt động thực thi chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa dưới triều vua Minh Mạng đã phát triển cao và toàn diện hơn so với trước đó. Năm Quý Tỵ (1833), vua Minh Mạng đã chủ trương đưa người ra Hoàng Sa dựng miếu, trồng cây và cắm mốc chủ quyền quốc gia. Các năm sau đó, vua Minh Mạng tiếp tục phái người ra dựng miếu, lập đền, dựng bia đá… Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 154, mặt khắc 4 ghi rõ: tháng 6, năm Ất Mùi (1835): “Dựng đền thờ thần ở đảo Hoàng Sa – Quảng Nghĩa. Hoàng Sa ở hải phận Quảng Nghĩa, có một cồn cát trắng, cây cối xanh um. Giữa cồn cát có giếng, phía tây nam có miếu cổ, có tấm bài khắc bốn chữ: “Vạn Lý Ba Bình – có nghĩa: Vạn dặm sóng êm”. Cồn Bạch Sa (tức “Cồn cát trắng”) có chu vi 1.070 trượng, tên cũ là núi Phật tự, bờ phía đông, tây, nam, đều có đá san hô vòng quanh mặt nước, phía bắc tiếp giáp với một cồn toàn đá san hô, nổi lên sừng sững, có chu vi rộng 340 trượng, cao 1 trượng 3 thước, sánh cùng với đồi cát gọi là bàn than thạch” (bãi đá lớn).

Năm ngoái, vua đã đến nơi này để dựng miếu lập bia, nhưng vì sóng to gió lớn nên không làm được. Đến đây bèn sai Cai đội thủy quân Phạm Văn Nguyên đem lính thợ Giám thành cùng với phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định vận chuyển vật liệu đến dựng miếu (cách miếu cổ 7 trượng). Bên trái miếu dựng bia đá, phía trước miếu dựng bình phong, mươi ngày làm xong rồi về”.

Hoàng Sa, Trường Sa là nơi hiểm yếu,  án ngữ con đường giao thương trên biển, nhiều tàu thuyền nước ngoài đã bị gặp nạn. Xuất phát từ truyền thống nhân ái của dân tộc, đồng thời thực thi trách nhiệm và nghĩa vụ của nước có chủ quyền trên biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Triều đình cũng như ngư dân vùng biển đã nhiều lần cứu hộ tàu, thuyền nước ngoài gặp nạn ở Hoàng Sa. Năm Canh Dần (1830), thuyền buôn của Pháp bị mắc cạn và đắm tại phía tây đảo Hoàng Sa, viên Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng đã ra lệnh cho thuyền của cảng mang theo nước ngọt ra biển tìm kiếm, hộ tống những người gặp nạn trên biển đưa về cảng an toàn…

Hành xử chủ quyền bằng hoạt động cứu hộ trên đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn được khắc ghi trong mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 176, cho biết: “Mùa đông, tháng 12, năm Bính Thân (1836), thuyền buôn Anh Cát Lợi đi qua Hoàng Sa, mắc cạn, bị vỡ và đắm, hơn 90 người đi thuyền sam bản đến bờ biển Bình Định.

Vua nghe tin, dụ: Cho các tỉnh thần lựa nơi cho họ trú ngụ, hậu cấp tiền và gạo. Lại phái thị vệ thông ngôn đến phiên dịch để gửi lời thăm hỏi, tuyên chỉ ban cấp. Bọn họ đều quỳ dài, khấu đầu không thôi. Sự cảm kích biểu lộ ra lời nói và nét mặt. Phái viên về tâu.

Vua nói: “Họ, tính vốn cứng đầu, kiêu ngạo, nay được đội ơn, bỗng cảm hóa đổi được tục man di, thật rất đáng khen”. Sai thưởng cho thuyền trưởng và đầu mục mỗi người 1 áo đoạn vũ hàng màu, 1 quần vải tây và 1 chăn vải, những người tùy tùng mỗi người 1 bộ quần áo bằng vải màu. Sắc sai phái viên sang Tây là Nguyễn Tri Phương và Vũ Văn Giải đưa họ sang đầu bến tàu Hạ Châu, cho về nước”.

Qua những thông tin khắc trên tài liệu mộc bản triều Nguyễn, thêm một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hoàn toàn có cơ sở pháp lý. Việc các triều đại nhà Nguyễn tổ chức cho các hải đội ra đảo Hoàng Sa để thăm dò, khai thác, cắm mốc bảo vệ chủ quyền là một việc làm hợp pháp đã được các triều đại phong kiến Trung Quốc thừa nhận.

Có thể nói, mộc bản triều Nguyễn tư liệu, chứng cứ quan trọng, có giá trị lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Nhà nước ta. Đây là di sản quốc gia của Việt Nam, là nguồn tư liệu có giá trị cao để khẳng định một cách trực tiếp và mạnh mẽ chủ quyền của vương triều Nguyễn Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.

THƠM QUANG

Đội Hoàng Sa- một tổ chức Nhà nước đầu tiên quản lý trên Biển Đông, là bằng chứng hùng hồn về việc xác lập chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Không những vậy, qua nhiệm vụ của Đội Hoàng Sa, càng thấy rõ Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hoà bình, liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Hoàng Sa, Trường Sa thời nhà Nguyễn
Hoàng Sa, Trường Sa thời nhà Nguyễn
Từ trên không trung (từ vệ tinh, hay máy bay) mọi người đều có thể nhìn thấy lá cờ sao vàng đỏ thắm tại đảo Trường Sa Lớn (Ảnh: Thể thao Văn hoá)

Các chúa và vua nhà Nguyễn đã tỏ rõ ý chí nhà nước của mình, thành lập các đội đi biển có tính nhà nước. Hoạt động này được tiến hành hàng năm và được đặt dưới kỷ luật nhà nước. Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên của Đội Hoàng Sa là khai thác các tài nguyên sản vật trên biển.

Bộ sách Phủ Biên tạp lục, viết năm 1776, của Lê Quý Đôn ghi rõ: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng ba nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền tiểu câu ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến các đảo ấy rồi ở lại đó. Tha hồ kiếm lượm, bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì đen, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên cùng là kiếm lượm mai đồi mồi, mai hải ba, hải sâm, hột ốc hoa, rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp. Cân và định hạng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc hoa, hải ba, hải sâm, rỗi lĩnh bằng trở về".

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiệm vụ chính của Đội Hoàng Sa là kiểm soát, bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc. Ông nói: Chức năng chính của Đội Hoàng Sa là kiểm tra, kiểm soát và bảo vệ vùng biển đảo mà chúa Nguyễn đã khẳng định thuộc chủ quyền của mình. Khi chủ quyền biển, đảo của chúng ta được mở rộng, bản thân Đội Hoàng Sa không quản lý hết được nên chúa Nguyễn đã quyết định mở thêm đội mới, Đội Bắc Hải, một phân viện của Đội Hoàng Sa. Nó cũng có nhiệm vu bảo vệ, quản lý vùng biển, đảo phía Nam như Trường Sa, đảo Côn-Lôn, Phú Quốc…”.

Sách Đại Nam thực lục chính biên (1848) ghi nhận một loạt các hoạt động thuộc về cách ứng xử của nhà nước thông qua các hoạt động của Đội Hoàng Sa.

Năm 1815, 1816, vua Gia Long cử Đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa xem xét và đo đạc thuỷ trình. Nhiệm vụ được quy định rất rõ ràng. Đại Nam thực lục chính biến cũng như Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ghi như sau: “Không cứ đảo nào, cửa bể nào thuyền chạy đến, sẽ đo nơi ấy chiều dài, chiều ngang, bề cao, bề rộng, chu vi bao nhiêu, rà bên bờ nước nông hay sâu. Có cát ngầm, đá mỏm hay không, ở tình thế hiểm trở hay bình thường, xem đo tỏ tường vẽ thành đồ bản, chiếu khi khởi hành, do cửa bể nào ra bể, trông phương hướng nào mà lái đến nơi ấy, cứ theo đường thuỷ đã đi khấu tính ước được bao nhiêu dặm đường? Lại ở chốn ấy trông vào bờ bể đối thẳng là tỉnh hạt nào và phương hướng nào? Ước lượng cách bờ bao nhiêu dặm đường? Ghi nói minh bạch trong hoạ đồ để trình lên”.

Các chuyến đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng. Chỉ đạo ở trên có Hoàng đế và Bộ Công, thi hành có vệ thuỷ quân là chính, phối hợp với vệ giám thành và tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Chính Vua Minh Mạng đã nhiều lần ra chỉ dụ thưởng phạt. Thường thì dân binh Đội Hoàng Sa luôn được thưởng 1 hay 2 quan tiền và miễn thuế vì sự vất vả và nguy hiểm.

Đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833), Vua Minh Mạng chỉ thị cho Bộ Công phái người ra Hoàng Sa dựng bia chủ quyền và từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), cứ hàng năm, cử người ra Hoàng Sa ngoài việc đo đạc thuỷ trình, vẽ bản đồ còn cắm cột mốc, dựng bia.

Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, ghi rõ: “Vua Minh Mạng đã y theo lời tâu của Bộ Công sai suất đội thuỷ quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo 10 cái bài gỗ dựng làm mốc dấu. Mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 6 tấc và dày 1 tấc, mặt bia khắc những chữ: “Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thuỷ quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh ra Hoàng Sa xem xét, đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ”.

Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, hành động này đánh dấu mốc rất quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam. GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nói: Người ta coi đó là đỉnh cao của hoạt động chủ quyền khi cắm lá cờ chủ quyền trên mảnh đất đó. Ngoài việc tuyên bố chủ quyền, khẳng định chủ quyền như vậy, nhà vua còn cho người ra đo đạc thuỷ trình, nghiên cứu, khảo sát, rồi có cả kế hoạch trong việc kiểm tra, kiểm soát thực thi chủ quyền của mình”.

Các vị vua chúa Việt Nam còn rất quan tâm đến việc dựng chùa, miếu mạo và trồng cây tại quần đảo Hoàng Sa. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), Vua Minh Mạng đã cử cai đội thuỷ quân là Phạm Văn Nguyên đem lính và giám thành cùng phu thuyền 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu, sai trồng cây vì cho rằng, gần đây, thuyền buôn thường bị hại nên trồng cây làm dấu để cho tàu thuyền dễ nhận biết mỗi khi qua lại…

Những hoạt động này đều được văn bản hoá như Châu bản của Triều đình nhà Nguyễn cũng như các văn bản khác của chính quyền địa phương hiện đang được lưu giữ tại các cơ quan lưu trữ có liên quan.

Như vậy, từ đầu thế kỷ XVII thời các chúa Nguyễn đến nửa đầu thế kỷ XIX thời nhà Nguyễn, Đội Hoàng Sa đã làm nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa. Điều này cho phép khẳng định, Việt Nam đã thụ đắc chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa theo đúng các quy tắc của luật pháp quốc tế áp dụng vào thời điểm đó.

Đáng chú ý, việc khẳng định chủ quyền này không bị bất cứ quốc gia nào phản đối. TS. Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu lịch sử Hoàng Sa – Trường Sa, Hội Lịch sử Việt Nam cho biết:Đội Hoàng Sa hoạt động như thế có gì trở ngại đâu. Trong Phủ biên tạp lục và chính sử của mình có nói, một cái thuyền của Đội Hoàng Sa, trong khi trôi dạt 2 người vào đảo Hải Nam (Trung Quốc), chính quyền đảo Hải Nam đã hỗ trợ đưa người về mà chính quyền Hải Nam biết rằng là hai người đó đi công tác ở Hoàng Sa như vậy”.

Điều đó được xem là quản lý lãnh thổ một cách hoà bình và không gián đoạn. GS. Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Australia phân tích: "Trung Quốc cho rằng, họ có bằng chứng không thể chối cãi về việc Hoàng Sa thuộc chủ quyền nước này. Tuy nhiên, những tài liệu về Đội Hoàng Sa cho thấy, chủ quyền về Hoàng Sa mà Trung Quốc từng tuyên bố là vấn đề còn tranh cãi. Trong khi đó, quan điểm của Việt Nam có cơ sở vững chắc. Đội Hoàng Sa có chức năng kinh tế, quốc phòng. Vào thời điểm đó, cách thức để duy trì việc quản lý chủ quyền là thông qua các cuộc thăm viếng thường xuyên để quản lý các nguồn tài nguyên và bảo vệ đảo. Và Đội Hoàng Sa của Việt Nam đã thực hiện các chức năng này".

Rõ ràng, Nhà nước Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã xác lập chủ quyền của mình tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Việc thực thi chủ quyền này là thực sự, liên tục, hoà bình, phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế. Chúng ta đã có đầy đủ các bằng chứng pháp lý và cứ liệu lịch sử có giá trị để chứng minh sự thật hiển nhiên này. Vì vậy, mọi tranh chấp chủ quyền với Việt Nam là hành động trái với luật pháp quốc tế./.