Học sinh cần làm gì de phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo

17/11/2021 19:25

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư

Đây là đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam, một dân tộc vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Truyền thống ấy đã gắn liền với lịch sử tồn tại và phát triển của đất nước và không ngừng được phát huy. Trong thời đại phong kiến, người xưa quan niệm quân, sư, phụ. Vị trí người thầy được đặt lên hàng thứ hai, chỉ sau vua. Vinh dự to lớn đó của người thầy không phải tự nhiên mà có, đó là cả một quá trình rèn luyện, phấn đấu, cống hiến của biết bao thế hệ thầy cô. Không ít bậc thầy đã dành cả đời mình để đào tạo hiền tài cho đất nước, lưu tiếng thơm muôn đời cho hậu thế.

Học sinh cần làm gì de phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo

Các thế hệ thầy cô giáo, học sinh Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau) tặng hoa tri ân Nhà giáo Ưu tú Hà Văn Biên, nhân dịp vinh danh nhà giáo tiêu biểu năm 2017. Ảnh: MỘNG THƯỜNG

Thầy giáo Chu Văn An là một trong những tấm gương nổi bật nhất của nền giáo dục Việt Nam. Ông nổi tiếng cương trực, luôn giữ mình trong sạch, không cầu lợi lộc. Thế nên, thi đỗ Thái học sinh (tiến sĩ), nhưng ông lại không ra làm quan, mà ở nhà mở trường dạy học. Ông răn dạy học trò nên gắng sửa mình theo đức lễ, nghĩa, trí, tín của người quân tử. Nhiều học trò của ông đã đổ đạt, làm quan, nổi bật nhất là Lê Quát, Phạm Sư Mạnh đều đỗ Thái học sinh, làm quan to dưới triều Trần, nhưng mỗi lần đến thăm thầy đều quỳ gối xin được thọ giáo. Với thầy Chu Văn An, học trò không chỉ tôn thờ ông bởi tài năng xuất chúng mà còn ngưỡng mộ cái đức độ ở đạo làm người của ông.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc, nhiều bậc thầy đã vượt xa nhiệm vụ dạy chữ, dạy người, tỏ rõ trí tuệ uyên thâm, từ cái tài đến cái tâm đều ngời sáng, luôn là ánh đuốc soi đường mở mang trí tuệ, khơi dậy lòng yêu nước, thương dân, xả thân vì nghĩa cả. Ðã có biết bao thầy, cô giáo hết lòng vì học sinh thân yêu, không chỉ đào tạo cho đất nước những con người tài năng, đức độ mà còn sẵn sàng hy sinh vì dân, vì nước; là tấm gương mẫu mực trong cuộc sống thường nhật, là lá chắn thép để chống lại sự tha hoá về đạo đức. Nổi bật nhất ở thế kỷ XX là thầy giáo Nguyễn Tất Thành, người đã làm rạng danh đất nước. Người không chỉ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, khơi dậy tinh thần yêu nước mà còn là vị cứu tinh của dân tộc. Trong lúc dân tộc ta đang khủng hoảng con đường cứu nước thì chính Người đã tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, thắp lên ngọn đuốc soi đường, lãnh đạo toàn dân tộc đấu tranh đánh đổ ách đô hộ của ngoại xâm. Dưới sự lãnh đạo của người thầy vĩ đại ấy, toàn dân tộc Việt Nam đã đoàn kết, một lòng theo Ðảng, nhất tề đứng lên đập tan xiềng xích, giải phóng đồng bào khỏi đêm dài nô lệ, đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ, noi gương sáng của tiền nhân, đặc biệt là tấm gương của thầy giáo Nguyễn Tất Thành, đã có biết bao thầy cô giáo, vừa hết lòng vì học sinh thân yêu, vừa anh dũng chống giặc. Tay bút, tay súng đã xây nên hình ảnh bất tử của thầy, cô giáo trong lòng dân tộc. Thầy giáo Phan Ngọc Hiển ở Cà Mau là một trong những tấm gương tiêu biểu của lực lượng giáo viên kháng chiến ở mũi đất cực Nam của Tổ quốc. Thầy đã khơi dậy trong người Cà Mau một niềm tin mãnh liệt về sự tất thắng của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ Nhân dân, một niềm tin chính nghĩa tất thắng.

Trong Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới (tháng 10/1968), Bác Hồ căn dặn:

Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hoá, chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra....

Bác cũng căn dặn: Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Ðảng và Nhân dân ta, do đó, các ngành, các cấp Ðảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu, giáo viên là chiến sĩ cách mạng trên mặt trận ấy. Thầy, cô giáo không chỉ đơn thuần là người truyền thụ kiến thức, mà phải là tấm gương tiêu biểu cả về kiến thức lẫn phẩm hạnh để học trò noi theo. Xã hội càng phát triển, trình độ chuyên môn, cái tâm và cái tầm của người thầy càng phải cao hơn, xa hơn cái chuẩn về bằng cấp. Trong công cuộc kiến quốc, đã có hàng vạn tấm gương tiêu biểu của thầy, cô giáo được vinh danh càng khẳng định tầm quan trọng của giáo viên trong xã hội và càng củng cố vững chắc vị trí người thầy trong lòng dân tộc. Trong giai đoạn khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay, quán triệt lời dạy của Bác Hồ: Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt, đội ngũ thầy, cô giáo đang nỗ lực sáng tạo, đưa kiến thức đến học trò không chỉ bằng công nghệ mà bằng cả cái tâm của người thầy trong tình hình mới

Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa. Không ai khác hơn là những người làm thầy phải đảm nhận vai trò quan trọng này. Ðây là trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang của thầy, cô giáo. Bởi thế, ngoài sự phấn đấu của thầy cô giáo, thì Ðảng, Nhà nước, xã hội phải cùng chung sức, chung lòng giúp thầy cô giáo làm tròn trọng trách cao quý đó. Ðây chính là lòng tri ân và là biện pháp tốt nhất để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu nhân lực cho công cuộc xây dựng một đất nước phồn vinh, hiện đại mà Ðảng và Nhân dân ta đang hướng tới./.

Huỳnh Châu