Hướng dẫn chơi need for speed most wanted năm 2024

Có lẽ, không cần phải giới thiệu dông dài về loạt game đua xe trứ danh Need For Speed của đại gia EA. Các phiên bản gần đây nhất, Need For Speed Underground 1 và 2 đã đưa tên tuổi dòng game này trở thành tựa game hàng đầu về lĩnh vực đua xe đường phố, bỏ xa những đối thủ cạnh tranh khác trên PC như Midnight Club hay Juiced. Nối tiếp thành công, cuối năm qua, EA Games tiếp tục “lôi kéo” các gamer đam mê tốc độ quay lại những vòng đua sôi động và rực lửa bằng phiên bản NFS tiếp theo, với cái tên đầy thách thức: Need For Speed Most Wanted.

Bản “danh sách đen”

Hướng dẫn chơi need for speed most wanted năm 2024

Vẫn lấy đề tài là các cuộc đua xe đường phố quyết liệt, nhưng Need For Speed Most Wanted (NFSMW) tạo cho người chơi một ấn tượng ban đầu khá sâu sắc, khi lồng ghép vào phần chơi đơn một cốt truyện khá lôi cuốn (điều mà các bản Underground thể hiện chưa được thành công). Trong phần Career Mode, người chơi khởi đầu từ một tay đua vô danh. “Vô danh” ở đây có nghĩa: chúng ta không biết được tên tuổi, mặt mũi anh chàng này ra sao, chứ không phải anh ta là một “tay mơ” trong làng đua xe tại thành phố Rockport (bối cảnh chính của trò chơi).

Ngược lại, anh ta là một tay lái rất giàu thành tích và sở hữu một “con xe” hàng hiệu “thứ dữ” - BMW M3. Với chiếc xe này, anh chàng hầu như không gặp chút khó khăn gì trong các cuộc tỉ thí cùng các tay đua khác và luôn giành chiến thắng. Thế nhưng, “cao nhân tắc hữu cao nhân trị”, trong một cuộc đọ sức cùng một “quái xế” ma mãnh có tên là Razor, nhân vật chính của chúng ta bị thua cuộc và phải trả một cái giá rất đắt: bị Razor tịch thu chiếc xe thân yêu.

rong khi anh chàng tội nghiệp bỗng chốc trắng tay, thậm chí còn bị cảnh sát “mời uống trà”, thì Razor, với “con chiến mã” mới đoạt được, đã nhanh chóng đánh bại tất cả các tay đua lừng danh khác trong thành phố và leo lên vị trí đầu bảng những tay đua khét tiếng nhất. Để lấy lại những gì đã mất, cộng với sự trợ giúp nhiệt tình của cô nàng Mia Townsend xinh đẹp (dĩ nhiên, cũng là một tay đua có nghề), bạn bắt đầu lại từ đầu với nhiệm vụ đặt ra khá cam go và nặng nề: lần lượt đánh bại các tay đua tài giỏi nhất trong bản “danh sách đen” (Blacklist) của thành phố Rockport. Dĩ nhiên, người đứng đầu bảng danh sách này không ai khác chính là Razor...

Thử thách gian nan

THÔNG TIN VỀ GAME

Tên game: Need for Speed Most Wanted

Phát triển: EA Canada

Phát hành: Electronic Arts

Thể loại: Mô phỏng/Đua xe

Hệ máy: PC

Cấu hình tối thiểu: P4 1,4GHz+, 256MB RAM, VGA 32MB GeForce 2MX+, HDD 3GB, Windows 2K/XP

Cấu hình đề nghị: P4 2,4GHz+ hoặc Athlon64 3200+, 512MB RAM, VGA 128MB GeForce 4 Ti4200 +

Dung lượng: 4 CD

Khởi đầu, với một số vốn nhỏ trong tay, bạn sẽ được Mia hướng dẫn mua một chiếc xe vừa đủ để làm “công cụ hành nghề”. Sau đó, bắt tay ngay vào việc thách đấu với từng tay đua trong “danh sách đen”. Tuy nhiên, trước khi có thể đối đầu trực tiếp với họ, các tay đua này luôn luôn đòi hỏi bạn phải hoàn thành một số mục tiêu hoặc điều kiện nào đó. Thông thường, bạn phải thỏa mãn ba yêu cầu chính: chiến thắng trong một số chặng đua nhất định (Races), đạt được mục tiêu đề ra trong các mục Milestones và một số điểm Bounty cần thiết. Ở đây, chúng ta sẽ gặp lại một số phong cách chơi quen thuộc đã có từ các bản Underground, cũng như những bổ sung mới xuất hiện trong phiên bản này. Hãy xem thử có những thay đổi gì mới nhé: Races: Các kiểu đua “nhẵn mặt” trong các bản Underground.

Có thể điểm mặt nào là Circuit (đua theo vòng), Sprint (chạy từ điểm đầu đến điểm cuối), Lap Knockout (người về chót mỗi vòng sẽ bị loại) hay Drag (đua xe lên số tay). Duy chỉ có mục đua Drift (đua lết bánh) là “vắng bóng” lần này. Tuy nhiên, NFSMW đã bổ sung thêm một số dạng đua mới. Có thể kể đến Tollbooth - một kiểu đua xe tính giờ (sẽ có các checkpoint để bạn có thể cộng thêm thời gian chạy), hay Speedtrap, một kiểu đua khá lạ mắt. Mỗi vòng đua kiểu này bao gồm 4 tay đua, nhưng việc phân định thứ hạng không phải dựa vào nhất nhì mà là trên đường đua sẽ có những mốc ghi nhận tốc độ tại thời điểm xe phóng qua, ai tích lũy được tổng số tốc độ cao nhất sẽ là người thắng cuộc. Nói chung, mục Races này ít có thay đổi đáng kể so với các phiên bản trước.

• Milestones: Gọi nôm na là các cột mốc mà bạn phải hoàn thành. Phần chơi này là điểm chính làm nên nét đặc trưng của NFSMW. Ở đây, bạn thường không phải đua tốc độ với các tay đua khác mà là với... cảnh sát. Dù gì đi nữa, việc đua xe trên đường phố là một việc phạm pháp tại thành phố Rockport và cảnh sát rất quan tâm đến những tay đua như bạn. Các mục tiêu trong phần Milestones này hoàn toàn không “dễ xơi” tí nào, vì bạn chỉ có một mình.

• Bounty: Bên cạnh hai phần nhiệm vụ chính là Races và Milestones, còn có sự hiện diện của điểm số Bounty mà các tay đua thường yêu cầu bạn phải đạt được. Điểm số này chính là những điểm tổng kết lại các “thành tích” bạn đã thực hiện trong phần chơi Milestones.

Tuy hai phần Races và Milestones nằm riêng biệt với các nhiệm vụ riêng lẻ, nhưng đôi lúc chúng hòa nhập thành một. Chẳng hạn khi đang đua với những tay đua khác, đột nhiên bị cảnh sát phát hiện, lúc này bạn vừa phải hoàn thành chặng đua, vừa phải tìm cách thoát khỏi vòng vây. Khi cuộc đua kết thúc, trò chơi sẽ tự động nhảy qua phần Milestones để bạn thực hiện tiếp các nhiệm vụ còn dở dang của phần này, cho đến khi bạn an toàn thoát nạn thì thôi.

Nét bổ sung nhỏ nhưng hiệu quả: Để hỗ trợ các tay đua trên những chặng đua đầy khó khăn và thử thách, bên cạnh tính năng Nitro tăng tốc quen thuộc, EA còn bổ sung thêm một chức năng mới là khả năng làm chậm thời gian (Bullet Time). Tính năng này đặc biệt hiệu quả mỗi khi bạn phải “ôm” những khúc cua gắt trên đường, giúp bạn bẻ lái dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khi ở tốc độ cao, xe của bạn rất dễ bị trượt bánh. Vì vậy, muốn thành thục “tuyệt chiêu này”, người chơi có lẽ sẽ phải luyện tập không ít. Nhưng một khi đã “nhuyễn”, bạn sẽ thấy kỹ năng này thực sự hữu ích, nhất là khi cần quẹo những khúc cua gắt hoặc phải “cắt đuôi” những kẻ săn đuổi.

“Độ” xe: chưa thuyết phục!

Hướng dẫn chơi need for speed most wanted năm 2024

Bên cạnh các chặng đua nóng bỏng, EA cũng không quên đưa vào game yếu tố đã khiến hàng loạt gamer say mê sêri Underground trước đây. Đó là khả năng “độ” xe, cùng với những chiếc xe “hàng hiệu” bóng bẩy. Việc độ xe trong NFSMW về cơ bản không khác biệt mấy so với các bản Underground, ngoài một thay đổi nhỏ nhưng khá tiện dụng: game đã “gom” các cửa hàng “độ” lại làm một. Nghĩa là giờ đây bạn có thể nâng cấp máy móc, thiết kế lại hình dáng xe cũng như sơn phết, cắt dán Vynil, Decal... chỉ tại một nơi duy nhất, không cần phải chạy lòng vòng tốn thời gian như trước nữa. Tuy nhiên, có lẽ nhà sản xuất không còn chú trọng phần này nên việc “độ” xe không còn phong phú như trong Underground nữa. Các tùy chọn nâng cấp, thay đổi hình dạng... ít hơn rất nhiều. Điển hình, trước đây bạn có thể dán đến bốn lớp Vynil, nay chỉ còn có một, thêm nữa đa phần các thiết kế chi tiết bên ngoài xe và kiểu Vynil bị trùng lặp so với phần trước quá nhiều, ít có kiểu dáng mới. Tuy nhiên, việc độ xe trong phần này có một cái hay: không chỉ làm đẹp, mà còn giúp bạn ngụy trang chiếc xe của mình (thể hiện qua vòng tròn màu cam bao quanh khung bản đồ ở dưới góc trái màn hình). Do đó, khi chơi game, người chơi bắt buộc phải thay đổi màu sơn, hoa văn cũng như hình dáng chiếc xe một cách liên tục, nếu không muốn thường xuyên bị “làm phiền”.

Nói về bộ sưu tập xe trong game, NFSMW quy tụ khoảng 32 chiếc xe thuộc đủ nhãn hiệu nổi tiếng đến từ khắp nơi: như Nhật thì có Toyota, Mazda, Mitsubishi... Âu, Mỹ thì “lên mặt” với Chevrolet, BMW, Aston Martin... và dĩ nhiên, không thể thiếu các chiếc “siêu xe” hiện nay như Lamborghini Murcielago, Ford GT và đặc biệt là hai chiếc xe nổi tiếng Mercedes-Benz SLR McLaren và Porsche Carrera GT- hiện đang nằm trong top 10 siêu xe đắt tiền nhất thế giới, với giá bán đều trên mức 400.000 USD. Nói một cách khách quan, số lượng xe của NFSMW không là gì cả so với những bộ sưu tập hàng trăm chiếc trong các game cùng loại như Gran Turismo 4 hay Forza Motorsport. Nhưng với con số 32 này, thiết nghĩ cũng không đến nỗi quá thiếu thốn để bạn chọn một “chiến mã” ưng ý cho riêng mình.

Đồ họa

Sẽ thật thiếu sót nếu bàn về một game đua xe mà không nói đến cơ chế đồ họa sử dụng trong game. Về mặt này, theo nhận xét cá nhân, NFSMW đã có tiến bộ rất nhiều so với phiên bản gần nhất là NFS Underground 2. Các điểm nổi bật chính là những hiệu ứng ánh sáng, thời tiết và Motion Blur (hiệu ứng làm mờ). Khác với loạt game Underground với thời gian diễn ra ban đêm, bối cảnh trong NFSMW chủ yếu là ban ngày, nên bạn có thể chiêm ngưỡng được ánh nắng mặt trời chói lòa phản chiếu lên từng chiếc xe, mặt đường. Bên cạnh đó, hiệu ứng thời tiết rất phong phú và ấn tượng: trời đang nắng chang chang không chút gợn mây, bỗng đâu mây đen kéo đến, bầu trời chuyển qua màu xám xịt rồi mưa như trút nước làm tung bọt trắng xóa dưới những bánh xe đang quay tít, văng cả vào... màn hình người chơi. Hiệu ứng Motion Blur trong game được thể hiện tốt hơn hẳn so với Underground: khi xe chạy ở tốc độ cao, bạn chỉ còn thấy các cảnh vật ven đường lướt qua loang loáng như những vệt sáng, thể hiện rất trung thực sự di chuyển nhanh như xé gió của con “chiến mã”. Nói chung, hầu như không có gì để phàn nàn về cơ chế hình ảnh của NFSMW, ngoại trừ tông màu sử dụng trong game có phần ngả về màu vàng xám hơi nhiều.

Đôi điều nhắn gửi

Nói gì thì nói, tuy phần nội dung không được “đúng đắn” cho lắm khi nói về các tay đua xe đường phố. Nhưng bạn cũng nên nhớ: NFSMW chỉ là một trò chơi thuần về mặt giải trí, những gì chúng ta thể hiện chỉ diễn ra trong game và tuyệt đối không được áp dụng vào đời sống thực tế. Nhà sản xuất cũng rất chú trọng đến điều này, nên mỗi lần vào game, chúng ta luôn được cô người mẫu Josie Maran (trong vai Mia) nhắc nhở “Make sure you do all the racing in the game. On the streets, drive safely and responsibly, and wear your seat-belt!” (tạm dịch: Việc đua xe chỉ dành cho chơi game, còn trên đường phố, bạn nên chú ý lái xe một cách an toàn, có trách nhiệm và luôn nhớ cài dây an toàn). Hãy nhớ kỹ điều đó nhé các bạn. Còn bây giờ, nào 3... 2... 1... Xuất phát!