Kết cấu hạ tầng giao thông là gì

Kết cấu hạ tầng là gì?

Hiểu một cách khái quát, kết cấu hạ tầng là một bộ phận đặc thù của cơ sở vật chất kỹ thuật trong nền kinh tế quốc dân có chức năng, nhiệm vụ cơ bản là đảm bảo những điều kiện chung cần thiết cho quá trình sản xuất và tái sản xuất mở rộng được diễn ra bình thường, liên tục. Kết cấu hạ tầng cũng được định nghĩa là tổng thể các cơ sở vật chất, kỹ thuật, kiến trúc đóng vai trò nền tảng cho các hoạt động kinh tế xã hội được diễn ra một cách bình thường.

Toàn bộ kết cấu hạ tầng có thể được phân chia thành nhiều loại khác nhau dựa trên các tiêu chí khác nhau. Cụ thể như:

Nếu căn cứ theo lĩnh vực kinh tế- xã hội, thì kết cấu hạ tầng có thể được phân chia thành: kết cấu hạ tầng phục vụ kinh tế, kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động xã hội, và kết cấu hạ tầng phục vụ an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, trên thực tế, ít có loại kết cấu hạ tầng nào hoàn toàn chỉ phục vụ kinh tế mà không phục vụ hoạt động xã hội và ngược lại.

Nếu căn cứ theo sự phân ngành của nền kinh tế quốc dân, thì kết cấu hạ tầng có thể được phân chia thành: kết cấu hạ tầng trong công nghiệp, trong nông nghiệp, giao thông vận tải, bưu chính- viễn thông, xây dựng, hoạt động tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục, văn hóa- xã hội

Nếu căn cứ theo khu vực dân cư, vùng lãnh thổ, thì kết cấu hạ tầng có thể được phân chia thành: kết cấu hạ tầng đô thị, kết cấu hạ tầng nông thôn; Kết cấu hạ tầng kinh tế biển(ở những nước có kinh tế biển, và nhất là khi kinh tế biển lớn như ở nước ta), kết cấu hạ tầng đồng bằng, trung du, miền núi, vùng trọng điểm phát triển, các thành phố lớn

Kết cấu hạ tầng trong mỗi lĩnh vực, mỗi ngành, mỗi khu vực bao gồm những công trình đặc trưng cho hoạt động của lĩnh vực, ngành, khu vực và những công trình liên ngành đảm bảo cho hoạt động đồng bộ của toàn hệ thống. Trong nhiều công trình nghiên cứu về kết cấu hạ tầng, các tác giả thường phân chia kết cấu hạ tầng thành hai loại cơ bản, gồm: kết cấu hạ tầng kinh tế và kết cấu hạ tầng xã hội.

(1) Kết cấu hạ tầng kinh tế: thuộc loại này bao gồm các công trình hạ tầng kỹ thuật như: năng lượng (điện, than, dầu khí) phục vụ sản xuất và đời sống, các công trình giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông, đường hàng không, đường ống), bưu chính- viễn thông, các công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp Kết cấu hạ tầng kinh tế là bộ phận quan trọng trong hệ thống kinh tế, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển nhanh, ổn định, bền vững và là động lực thúc đẩy phát triển nhanh hơn, tạo điều kiện cải thiện cuộc sống dân cư.

(2) Kết cấu hạ tầng xã hội: xếp vào loại này gồm nhà ở, các cơ sở khoa học, trường học, bệnh viện, các công trình văn hóa, thể thao và các trang, thiết bị đồng bộ với chúng. Đây là điều kiện thiết yếu để phục vụ, nâng cao mức sống của cộng đồng dân cư, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Như vậy, kết cấu hạ tầng xã hội là tập hợp một số ngành có tính chất dịch vụ xã hội; sản phẩm do chúng tạo ra thể hiện dưới hình thức dịch vụ và thường mang tính chất công cộng, liên hệ với sự phát triển con người cả về thể chất lẫn tinh thần.

Vai trò của kết cấu hạ tầng đối với sự phát triển

Với tính chất đa dạng và thiết thực, kết cấu hạ tầng là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia cũng như mỗi vùng lãnh thổ. Có kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững. Có rất nhiều công trình nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng, phát triển kết cấu hạ tầng có tác động tích cực đến phát triển kinh tế- xã hội ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Trình độ phát triển của kết cấu hạ tầng có ảnh hưởng quyết định đến trình độ phát triển của đất nước.

Cesar Calderon và Luis Serven (2004) sau khi nghiên cứu bộ dữ liệu ở 121 nước trong thời kỳ 1960-2000 đã đưa ra hai kết luận quan trọng là: (1) trình độ phát triển kết cấu hạ tầng có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế; và (2) trình độ phát triển kết cấu hạ tầng càng cao thì mức độ bất bình đẳng về thu nhập trong xã hội càng giảm. Từ hai kết luận này, các tác giả đã đưa ra một kết luận chung là trình độ phát triển kết cấu hạ tầng có tác động mạnh đến công tác xoá đói, giảm nghèo.

Naoyuki Yoshino và Masaki Nakahigashi (2000)2 đã nghiên cứu về vai trò của kết cấu hạ tầng đối với sự phát triển kinh tế ở các nước Đông Nam Á và đưa ra kết luận rằng, kết cấu hạ tầng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của các nước vì hai lý do: (1) phát triển kết cấu hạ tầng góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế; và (2) phát triển kết cấu hạ tầng có tác động rất tích cực đến giảm nghèo. Còn tác giả Kingsley Thomas (2004) cho rằng, kết cấu hạ tầng đóng vai trò quan trọng không chỉ vì nó là điều kiện thiết yếu đối với hoạt động sản xuất- kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như đời sống của các hộ gia đình, mà kết cấu hạ tầng còn là lĩnh vực kinh tế chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của một nước. Đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng thường chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư và chiếm từ 40-60% đầu tư công ở hầu hết các nước đang phát triển. Tính trung bình, lượng đầu tư này chiếm 4% GDP của các nước đang phát triển, cá biệt có nước chiếm hơn 10%.

Nghiên cứu về tác động của việc phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam, tác giả Phạm Thị Tuý (2006) đã phát hiện ra sáu tác động quan trọng sau đây:

(1) Kết cấu hạ tầng phát triển mở ra khả năng thu hút các luồng vốn đầu tư đa dạng cho phát triển kinh tế- xã hội;

(2) Kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại là điều kiện để phát triển các vùng kinh tế động lực, các vùng trọng điểm và từ đó tạo ra các tác động lan toả lôi kéo các vùng liền kề phát triển;

(3) Kết cấu hạ tầng phát triển trực tiếp tác động đến các vùng nghèo, hộ nghèo thông qua việc cải thiện hạ tầng mà nâng cao điều kiện sống của hộ.

(4) Phát triển kết cấu hạ tầng thực sự có ích với người nghèo và góp phần vào việc giữ gìn môi trường;

(5) Đầu tư cho kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn, đem đến tác động cao nhất đối với giảm nghèo; và

(6) Phát triển kết cấu hạ tầng tạo điều kiện nâng cao trình độ kiến thức và cải thiện tình trạng sức khỏe cho người dân, góp phần giảm thiểu bất bình đẳng về mặt xã hội cho người nghèo.

Tóm lại, kết cấu hạ tầng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của một quốc gia, tạo động lực cho sự phát triển. Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Ngược lại, một hệ thống kết cấu hạ tầng kém phát triển là một trở lực lớn đối với sự phát triển. Ở nhiều nước đang phát triển hiện nay, kết cấu hạ tầng thiếu và yếu đã gây ứ đọng trong luân chuyển các nguồn lực, khó hấp thụ vốn đầu tư, gây ra những nút cổ chai kết cấu hạ tầng ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Thế giới (2000) trong một nghiên cứu về 60.000 người nghèo trên thế giới cũng chỉ ra rằng, kết cấu hạ tầng yếu kém dẫn đến chất lượng cuộc sống thấp kể cả khi thu nhập có tăng nhanh.

Thực tế trên thế giới hiện nay, những quốc gia phát triển cũng là những nước có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia đang phát triển đang có hệ thống kết cấu hạ tầng kém phát triển. Chính vì vậy, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đang là ưu tiên của nhiều quốc gia đang phát triển. Ở Việt Nam, với quan điểm kết cấu hạ tầng đi trước một bước, trong những năm qua Chính phủ đã dành một mức đầu tư cao cho phát triển kết cấu hạ tầng. Khoảng 9-10% GDP hàng năm đã được đầu tư vào ngành giao thông, năng lượng, viễn thông, nước và vệ sinh, một tỷ lệ đầu tư kết cấu hạ tầng cao so với chuẩn quốc tế. Và nhiều nghiên cứu kinh tế vi mô cũng cho thấy rằng có mối liên hệ mạnh mẽ giữa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với tăng trưởng và giảm nghèo ở Việt Nam. Độ dài của mạng lưới đường bộ đã tăng hơn gấp đôi tính từ năm 1990, và chất lượng cũng cải thiện đáng kể. Tất cả các khu vực thành thị và 90% hộ dân nông thôn được tiếp cận với điện. Số đường điện thoại cố định và di động trên 100 dân tăng gấp mười lần từ năm 1995. Tiếp cận nước sạch tăng từ 26% dân số lên 57% trong khoảng thời gian từ năm 1993 đến năm 2004, và trong cùng giai đoạn này tiếp cận nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn tăng từ 10% lên 31% dân số. Rõ ràng, đây là những thành tựu rất đáng ghi nhận.