Khó khăn trong xây dựng môi trường văn hóa năm 2024

BDK.VN - Việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa (TCVH) cấp xã và ấp trên địa bàn tỉnh những năm qua gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM). Hiện nay, toàn tỉnh có 81 xã có trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng (VHTT&HTCĐ) đạt chuẩn NTM; 344/953 ấp, khu phố có nhà văn hóa (NVH) đạt chuẩn 100 chỗ ngồi trở lên. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng và phối hợp trong khâu quản lý, hướng dẫn chuyên môn, kỹ năng tổ chức hoạt động. Nhưng thực tế, TCVH xã, ấp, khu phố hiện có chưa được khai thác, phát huy hiệụ quả. Nguyên nhân chính xuất phát từ 3 khó khăn cơ bản: cơ sở vật chất, kinh phí, con người.

Khó khăn trong xây dựng môi trường văn hóa năm 2024

Hoạt động chuyên đề được tổ chức tại hội trường Văn hóa xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm. Ảnh: Thanh Đồng

Những khó khăn cơ bản

Hiện nhiều ấp, khu phố chưa có NVH hoặc NVH tạm không đạt chuẩn (609/953 ấp/khu phố chưa có NVH hoặc có NVH tạm không đạt chuẩn 100 chỗ ngồi trở lên) nhưng không có quỹ đất, kinh phí để xây dựng hoặc mở rộng. Trong khi đó, yêu cầu về xây dựng xã NTM là mỗi ấp phải có NVH đạt chuẩn. Các phường, thị trấn đang thực hiện bộ tiêu chí xây dựng danh hiệu “Phường, thị trấn đô thị văn minh” nhưng chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất và trang cấp trang thiết bị để thực hiện đạt tiêu chí phường, thị trấn đô thị văn minh (15/15 phường, thị trấn và 85 ấp, khu phố thuộc các phường, thị trấn chưa được trang cấp trang thiết bị thông tin văn nghệ). Mặt khác, người dân nông thôn ít có thói quen sinh hoạt ở các NVH nên nhiều NVH ấp, khu phố mặc dù được xây dựng đạt chuẩn nhưng chưa thu hút được người dân đến để sinh hoạt, luyện tập thể dục, thể thao.

Hiện việc xây dựng NVH ấp đạt chuẩn không còn được ngân sách hỗ trợ kinh phí sau khi Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND14 được ban hành. Việc hỗ trợ kinh phí trang cấp thiết bị và hoạt động cho các TCVH cơ sở theo quy định tại Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND15 chỉ áp dụng đối với các xã xây dựng NTM, còn lại các phường, thị trấn không được hỗ trợ, trong khi các phường, thị trấn cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Việc đầu tư nguồn tài lực, vật lực cho VH chưa đúng mức. Cụ thể, xây dựng cơ sở vật chất VH và trang cấp trang thiết bị nhiều năm qua được gắn với xây dựng NTM nên chỉ có các xã đạt chuẩn NTM mới có TCVH đạt quy định. Các ấp chưa có nơi sinh hoạt riêng muốn tổ chức hoạt động phải mượn cơ sở vật chất của ấp lân cận. Trang thiết bị trang cấp chỉ đáp ứng được cho hội họp, địa phương phải thuê mướn âm thanh của bên ngoài mới có thể đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí hoạt động của địa phương vô cùng hạn hẹp. Nhiều địa phương không phân bổ được kinh phí hoạt động hàng năm cho Trung tâm VHTT&HTCĐ cấp xã, và hỗ trợ NVH - khu thể thao ấp. Từ đó, lực lượng làm công tác quản lý và tổ chức hoạt động TCVH không chủ động được việc xây dựng kế hoạch và đề ra chỉ tiêu hoạt động trong năm. Dẫn đến năm 2022, nhiều địa phương không hoàn thành kế hoạch đề ra. Có những nơi không tìm được nguồn xã hội hóa đã không giữ được lòng nhiệt tình của lực lượng cộng tác viên cùng hỗ trợ tổ chức phong trào (các đội, nhóm, câu lạc bộ sở thích giảm nhiều so với trước đây).

Mặt khác, nguồn nhân lực công chức VH - xã hội thực hiện công tác quản lý và tổ chức hoạt động VH ở cơ sở kiêm nhiệm quá nhiều việc, thực hiện nhiệm vụ luôn ở trong trạng thái sự vụ sự việc, tập trung hoàn thành các việc được phân công từng lúc, nên không có điều kiện để nghiên cứu sâu về chuyên môn. Một số cán bộ VH chưa thực sự tâm huyết với lĩnh vực phụ trách, hoặc chưa phù hợp với nhiệm vụ đòi hỏi yếu tố năng khiếu, kỹ năng chuyên môn, năng lực vận động quần chúng nên hiệu quả hoạt động TCVH cơ sở một số địa phương chưa đạt yêu cầu.

Giải pháp của ngành

Theo báo cáo giải trình của Sở VHTT&DL với giám sát của HĐND tỉnh, giải pháp để khai thác, sử dụng có hiệu quả các TCVH đã được đầu tư trong thời gian tới là tăng cường trách nhiệm hướng dẫn, định hướng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực và kỹ năng tổ chức hoạt động TCVH cơ sở phát huy tốt hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ. Thường xuyên nghiên cứu đổi mới phương pháp theo hướng thực hành và trao đổi chuyên môn. Tổ chức hướng dẫn đến tận cơ sở như các kỹ năng: tuyên truyền, tổ chức hoạt động, khai thác nguồn lực, sử dụng thiết bị thông minh, khai thác thế mạnh của mạng xã hội. Tổ chức các hoạt động mẫu mang tính định hướng mô hình, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức phong trào và các hoạt động kết nối. Tổ chức các hội thao, hội diễn, hội thi để kích thích phong trào, phát hiện nhân tố mới.

Bên cạnh đó là củng cố, duy trì và phát triển các hoạt động đội, nhóm, câu lạc bộ sở thích... Đồng thời,hình thành đội ngũ làm làm công tác VH vừa có tài, vừa có tâm, với đầy đủ ý thức trách nhiệm, chủ động, tâm huyết, không trông chờ vào cấp trên. Tăng cường công tác quản lý, khảo sát, giám sát, kiểm tra các hoạt động VH văn nghệ, thể dục thể thao tại cơ sở bằng nhiều hình thức, kịp thời hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn của địa phương để khai thác hiệu quả hoạt động TCVH cơ sở đã được đầu tư, tránh bỏ trống lãng phí.

Tiếp tục trình cấp có thẩm quyền xem xét có cơ chế hỗ trợ, đầu tư hợp lý về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí tổ chức hoạt động. Cụ thể, tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ kinh phí cho các hoạt TCVH theo 2 nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ kinh phí hoạt động và chế độ phụ cấp kiêm nhiệm cho người quản lý TCVH cơ sở. Đồng thời, phối hợp với các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, hoàn thiện hệ thống thiết TCVH cơ sở, xác định rõ lộ trình xây dựng, trình UBND tỉnh xem xét có cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí phù hợp để các địa phương xây dựng TCVH ấp đạt chuẩn.

Qua giám sát của Ban VH - Xã hội, HĐND tỉnh cho thấy, đa số các TCVH xã, ấp, khu phố hiện có chưa được khai thác, sử dụng đúng chức năng theo quy định. Phần lớn TCVH được sử dụng làm nơi làm việc, tổ chức hội họp và sinh hoạt của hệ thống chính trị tại cơ sở. Các hoạt động VH, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra ở các Trung tâm VHTT&HTCĐ, NVH ấp, khu phố chưa nhiều. Ngoài ra, việc quản lý, bảo quản cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường xung quanh NVH ấp chưa được các địa phương quan tâm đúng mức nên mau hư hỏng, xuống cấp.