Mơ ngủ thấy bị đuổi bắt là hiện tượng gì

Mơ một giấc mơ tương tự, lần này sang lần khác là một hiện tượng phổ biến - gần như hai phần ba dân số nói rằng họ đều mơ những giấc mơ lặp đi lặp lại. Bạn mơ thấy bị rượt đuổi, thấy mình khỏa thân ở nơi công cộng, chạy trốn khỏi thiên tai, gãy răng hoặc quên đến lớp trong suốt một học kỳ. Tất cả điều kể trên là những kịch bản lặp đi lặp lại điển hình trong giấc mơ.

Nhưng hiện tượng này xuất phát từ đâu? Khoa học của những giấc mơ cho rằng những giấc mơ lặp lại có lẽ phản ánh những bất đồng chưa được giải quyết trong cuộc sống của một người mơ mộng.

Những giấc mơ lặp đi lặp lại thường diễn ra trong giai đoạn căng thẳng, trong thời gian dài, thỉnh thoảng nhiều năm hoặc cả đời người. Những giấc mơ này có các chủ đề như nhau, và chúng cũng lặp lại những câu chuyện tương tự từ đêm này qua đêm khác.

Nội dung chính xác trong những giấc mơ tiếp diễn này là riêng biệt với mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, vẫn có những chủ đề phổ biến tương đồng giữa các cá nhân, và thậm chí giữa những nền văn hóa và giai đoạn khác nhau. Ví dụ như bị rượt đuổi, té ngã, không chuẩn bị cho kỳ thi, đi trễ hoặc cố làm một thứ gì lặp đi lặp lại là những kịch bản thường gặp nhất.

Đa số những giấc mơ lặp đi lặp lại có nội dung tiêu cực liên quan đến các cảm xúc như là sợ hãi, buồn bã, tức giận và tội lỗi. Hơn một nửa số giấc mơ này liên quan đến tình huống nguy hiểm mà những người mơ thấy. Nhưng một vài chủ đề mơ tiếp diễn khác cũng có thể tích cực, thậm chí là sảng khoái, như là giấc mơ khám phá những căn phòng mới trong nhà, những giấc mơ tình dục hoặc bay đến nơi nào đó.

Trong vài trường hợp, những giấc mơ lặp lại thường bắt đầu từ thời thơ ấu và có thể kéo dài đến khi trưởng thành.

Những giấc mơ này có thể biến mất trong một vài năm. Chúng xuất hiện lại khi phát hiện một nguồn căng thẳng mới, và lại biến mất khi tình trạng này kết thúc.

Những mâu thuẫn không được giải quyết

Tại sao bộ não của chúng ta lại lặp lại những giấc mơ tương tự ngày qua ngày như vậy? Nhiều bài nghiên cứu cho rằng những giấc mơ, nói chung sẽ giúp ta điều hòa cảm xúc và tiếp nhận các sự kiện căng thẳng. Kết hợp những nguyên liệu cảm xúc vào trong giấc mơ sẽ cho phép người mơ xử lý qua một sự kiện đau thương hoặc khó khăn.

Với trường hợp những cơn mơ tiếp diễn, nội dung lặp đi lặp lại là kết quả của một nỗ lực bất thành khi phải hòa nhập những trải nghiệm khó khăn. Nhiều giả thuyết đồng ý rằng những giấc mơ lặp lại này liên quan đến các chướng ngại vật chưa được giải quyết hoặc mâu thuẫn trong cuộc đời của người mơ.

Sự hiện diện của những giấc mơ tiếp diễn cũng liên quan đến mức độ sức khỏe tâm lý thấp hơn và mức độ hình thành triệu chứng lo âu, trầm cảm. Những giấc mơ này có xu hướng lặp lại trong các tình huống căng thẳng và sẽ kết thúc khi người đó đã giải quyết xong mâu thuẫn cá nhân, thể hiện tình trạng sức khỏe đã cải thiện.

Ngoài ra, chúng thường xuyên ngầm phản ánh những mối bận tâm về cảm xúc cho người khi mơ. Ví dụ như khi mơ về một cơn sóng thần, điều này là phổ biến sau chấn thương và ngược đãi. Đây là ví dụ điển hình của phép ẩn dụ tượng trưng cho cảm xúc bất cần, hoang mang và sợ sệt mà bạn phải trải qua khi thức dậy.

Tương tự, ăn mặc không phù hợp trong một giấc mơ của ai đó, khỏa thân hoặc không thể tìm thấy nhà vệ sinh đều thể hiện các kịch bản của sự bối rối hoặc khiêm tốn.

Những chủ đề này có thể được xem như là kịch bản hoặc tình huống mà bạn sẵn lòng mơ đến, vì chúng cung cấp cho ta không gian để sắp xếp những cảm xúc mâu thuẫn của riêng mình. Ta cũng có thể sử dụng kịch bản tương tự cho các tình huống khác nhau và vẫn trải nghiệm cảm xúc y như thế. Đây là lý do tại sao một số người, khi đối mặt với một tình huống căng thẳng hoặc một thử thách mới, sẽ mơ về khung cảnh khi họ không chuẩn bị cho một bài thi toán, dù cho đã học được vài năm trong một ngôi trường. Dù hoàn cảnh khác nhau thì cảm giác căng thẳng hoặc khao khát được giỏi giang có thể tạo ra kịch bản mơ tương tự một lần nữa.

Một miền liên tục lặp lại

William Domhoff - một nhà nghiên cứu và nhà tâm lý học tại Mỹ đã đề ra một khái niệm về miền liên tục lặp lại của giấc mơ. Tại điểm cuối của miền, những cơn ác mộng gây chấn thương sẽ trực tiếp sản sinh một chấn thương còn hoạt động - một trong những triệu chứng chính của rối loạn căng thẳng sau chấn thương.

Sau đó những giấc mơ lặp lại xuất hiện, khi mà nội dung mơ tương tự hiện lên một phần hoặc toàn bộ. Không giống những giấc mơ chấn thương, những giấc mơ lặp lại hiếm khi gợi lại sự kiện hoặc gây mâu thuẫn trực tiếp, mà chúng sẽ phản ánh ẩn dụ thông qua cảm xúc trung tâm.

Xa hơn miền liên tục này là các chủ đề lặp lại trong cơn mơ. Những giấc mơ tiếp diễn có xu hướng gợi lại một tình huống tương tự, như là bị trễ, bị rượt, hoặc bị lạc. Nhưng nội dung chính xác của giấc mơ sẽ khác nhau từ lần này sang lần khác, như là trễ một chuyến tàu hơn là trễ một kỳ thi.

Cuối cùng, tại cực cuối còn lại của miền, ta sẽ thấy các yếu tố chắc chắn trong giấc mơ diễn ra với một người: như là nhân vật, hành động và đồ vật. Tất cả những giấc mơ này sẽ phản ánh một nỗ lực khi phải giải quyết những vấn đề về cảm xúc ở nhiều mức độ khác nhau.

Thay đổi từ mức độ căng thẳng sang mức độ thấp hơn trên miền liên tục lặp lại này thường là dấu hiệu cho thấy trạng thái tâm lý của một người đang dần cải thiện. Ví dụ như khi nhắc đến ác mộng gây chấn thương, những thay đổi tiếp diễn hoặc tích cực thường được thấy ở những người đã trải qua sang chấn vì họ dần dần vượt qua các khó khăn của họ.

Các hiện tượng sinh lý học

Tại sao những chủ đề này có xu hướng xuất hiện tương tự từ người này sang người khác? Lời giải thích hợp lý cho điều này đó là vài đoạn kịch bản được dự trữ sẵn trong con người là do những lợi ích tiến triển mà họ đem lại. Bằng cách kích thích một tình huống đang bị đe đoạ như là giấc mơ bị rượt đuổi, sẽ cung cấp cho bạn một không gian để luyện tập cách tiếp nhận và trốn thoát động vật ăn thịt trong giấc ngủ.

Một vài chủ đề phổ biến cũng được giải thích, một phần là do hiện tượng sinh lý học xảy ra trong lúc ngủ. Một nghiên cứu năm 2018 của một nhóm nghiên cứu ở Israel cho rằng, việc mơ thấy mất răng không liên kết cụ thể đến các triệu chứng của lo lắng, thay vào đó lại liên quan đến việc nghiến răng trong giấc ngủ hoặc cơn đau răng khi thức giấc.

Khi chúng ta ngủ, bộ não ta không hoàn toàn bị tách khỏi thế giới bên ngoài. Nó tiếp tục nhìn nhận các tác nhân kích thích bên ngoài, như là âm thanh, mùi hương, hoặc giác quan từ bộ phận bên trong cơ thể. Điều đó có nghĩa là những chủ đề khác, như là không thể tìm thấy nhà vệ sinh hay khỏa thân ở một nơi công cộng, thật ra có thể bị kích thích bởi nhu cầu đi tiểu vào ban đêm hoặc mặc đồ ngủ rộng trên giường.

Mơ ngủ thấy bị đuổi bắt là hiện tượng gì

Một vài hiện tượng vật lý, cụ thể là giấc ngủ REM - một giai đoạn của giấc ngủ khi chúng ta mơ nhiều nhất, cũng có thể ảnh hưởng. Trong giấc ngủ REM, cơ bắp ta bị tê liệt, điều mà có thể thúc giục giấc mơ tạo ra những bàn chân nặng nề hoặc bị tê liệt trên giường.

Tương tự, một số tác giả khác cũng cho rằng, ta mơ thấy việc ngã hoặc bay là do hệ thống tiền đình của chúng ta. Hệ thống này đóng góp vào sự cân bằng và được khởi hoạt lại một cách tự nhiên trong giấc ngủ REM. Đương nhiên, những giác quan này không đủ để giải thích cho việc xuất hiện những giấc mơ lặp lại với một vài người và sự xuất hiện đột ngột của chúng trong thời kỳ căng thẳng. Tuy nhiên, chúng có thể đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu xây dựng của những giấc mơ điển hình nhất này.

Phá vỡ quy trình

Những người trải qua cơn ác mộng tiếp diễn có nhiều lúc bị kẹt lại khi phản hồi kịch bản giấc mơ và dự đoán về nó. Các phương pháp trị liệu được phát triển để cố giải quyết sự lặp lại này và phá vỡ vòng luẩn quẩn của những cơn ác mộng.

Có một kỹ thuật chính là hình dung ra cơn ác mộng khi thức giấc, và viết lại nó. Điều này làm thay đổi câu chuyện bằng cách thay đổi một phương diện, ví dụ như cuối giấc mơ sẽ trở nên tích cực hơn. Giấc mơ sáng suốt (Lucid dream) cũng có thể là giải pháp.

Chúng ta có thể nhận thức được rằng ta đang mơ và đôi khi có thể ảnh hưởng đến nội dung của giấc mơ trong những giấc mơ sáng suốt này. Trở nên sáng suốt trong một cơn mơ tiếp diễn có thể cho phép ta nghĩ và phản ứng một cách khác biệt, từ đó giúp thay đổi bản chất lặp lại của nó.

Tuy nhiên, không phải tất cả những giấc mơ lặp lại đều tệ hại. Chúng có thể có ích khi thông báo cho ta biết rằng ta đang có những mâu thuẫn cá nhân. Hãy để ý đến những yếu tố lặp lại của giấc mơ vì nó giúp ta hiểu rõ hơn và giải quyết những khao khát vĩ đại hoặc những cơn dằn vặt.

Mơ ngủ thấy bị đuổi bắt là hiện tượng gì

-- Tác giả: Misha Ketchell

Link bài gốc: Being chased, losing your teeth or falling down? What science says about recurring dreams

Dịch giả: Thu Mai - ToMo - Learn Something New

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Thu Mai - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.