Mono brand là gì

Dạo gần đây mình nhận được rất nhiều lời hỏi thăm về việc các bạn trẻ muốn xây dựng cửa hàng & nhập hàng hoá từ các thương hiệu trang phuc thể thao lớn như Nike, adidas, Asics, Puma, Converse, Trong quá trình hơn 7 năm làm việc trong ngành trang phục thể thao, nay mình viết bài này nhằm giúp các bạn hiểu rõ hơn về quy trình vận hành của các thương hiệu tại thị trường để các bạn có cái nhìn & hình dung rõ hơn nhé. Bài viết theo kiến thức, kinh nghiệm cá nhân của mình sau khi làm việc tại thương hiệu adidas, cụ thể là Phòng Brand Communications, cũng như trong hơn 4 năm qua làm việc full-time & xây dựng SNKRVN cho đến nay, nếu có điều gì sai sót, mình mong các bạn sẽ đóng góp & nếu đúng mình sẽ tiếp tục chỉnh sửa trong vài viết.

Đầu tiên về khái niệm, mình sẽ phân ra như sau:

1. Thương hiệu (Brand): là các thương hiệu lớn có nguồn gốc từ nước ngoài như: Nike (Mỹ), adidas (Đức), Reebok (Mỹ), Puma (Đức), Converse (Mỹ), New Balance (Mỹ), Onitsuka Tiger (Nhật), và rất nhiều thương hiệu khác.2. Nhà phân phối (Distributor): Đây là những Công ty có pháp nhân làm việc trực tiếp với Đại diện / Văn phòng đại diện quản lý tại thị trường được phân bổ.

3. Thị trường theo khu vực (Regional Market): Việt Nam là một thị trường theo 1 nước, gom cụm chung thì gọi là Khu vực thị trường Đông Nam Á Thái Bình Dương SEAPAC (South East Asia and Pacific), Châu Á Thái Bình Dương (bao gồm cả Úc & các nước khác) APAC (Asia & Pacific), Europe, North America,

4. Own-retail Store: Là cửa hàng trực tiếp được đầu tư, quản lý bởi pháp nhân đại diện tại một nước nhất định.

5. Mono Store: Cửa hàng chỉ kinh doanh một thương hiệu (có thể có thương hiệu nhánh sub-brand).

6. Multi-brand Store: Cửa hàng kinh doanh nhiều thương hiệu khác nhau. Điển hình các bạn có thể thấy là Foot Locker hay SuperSports tại Việt Nam, Thái Lan,

7. Brand Outsourcing: Là một công ty quản lý toàn bộ vận hành, phối hợp, làm việc cùng các nhà máy sản xuất. Có thể trực thuộc trực tiếp Headquarter (HQ) của thương hiệu đó, tuy nhiên họ sẽ không tham gia vào quy trình bán hàng trực tiếp, đặt hàng để bán tại thị trường, hay quản lý các nhà phân phối. Đây là một nhánh riêng tách ra giữa khâu sản xuất và khâu bán lẻ (Retailing) nhé các bạn.

Vậy là có ba khái niệm cơ bản bạn nắm rồi ha. Bây giờ nói về tổng quan chung của các thương hiệu đang vận hành ở Việt Nam nhé.

  1. adidas đã được thành lập tại thị trường Việt Nam và cấp Giấy Phép Kinh doanh từ năm 2009. Công ty adidas Việt Nam hoạt động bao gồm nhiều phòng ban và quy mô chuyên nghiệp. Có bộ phân Sales Trade Marketing, Marketing, Operations, HR, Admin, Customer Services, Riêng thương hiệu Onitsuka Tiger từ Nhật Bản thì đã thành lập pháp nhân và đại diện là một người nước ngoài đang làm việc tại Văn phòng Onitsuka Tiger Singapore.
  2. Nike, adidas, Puma, Converse, Reebok, (theo hiểu biết của mình) chưa thành lập pháp nhân tại thị trường Việt Nam. Tất cả các cửa hàng tại thị trường Việt Nam đều tuân thủ theo quy chuẩn thiết kế được đặt ra bởi Brand nhé các bạn.

Nike thì được phân phối độc quyền về Mono-store bởi nhà phân phối ACFC thương hiện này các bạn không còn xa lạ tại thị trường Việt Nam, là công ty con của IPP được điều hành bởi Johnathan Hạnh Nguyễn.
Reebok thì được phân phối độc quyền bởi Nhà phân phối HSV (Tập đoàn HSV phân phối rất nhiều các thương hiệu khác nhau)
Puma tại Việt Nam thì được phân phối độc quyền bởi Distributor Maison Chắc nhiều bạn nghe sẽ thấy lạ nhưng đây đều là những Tập đoàn có tiềm lực tài chính rất mạnh, bởi trong tay họ là nhiều thương hiệu từ Luxury cho đến Mass.
Converse, Vans, Palladium, KWISS thì theo mình nắm thì được phân phối bởi Tập đoàn Nghị Hưng,
Li-ning thì các bạn có thể biết về nhà Phân phối của nó là Phoenix.
Hay thương hiệu Under Armour thì của một nhà phân phối mang tên SPORTVISION.
Và rất rất nhiều thương hiệu khác được phân phối độc quyền tại thị trường Việt Nam mà trong bài viết này mình không thể liệt kê ra đầy đủ, mong các bạn thông cảm nhé.

Tiếp đến, quy luật vận hành hay nôm na là muốn nhập hàng chính hãng của các thương hiệu lớn tại thị trường Việt Nam thì làm sao? Nếu các bạn vào trang Nike hay adidas hoặc type chữ How to become the retailers of Nike, or adidas,bạn sẽ được điền vào 1 chiếc biểu mẫu mô tả về công ty bạn, tại sao bạn lại muốn phân phối hàng của chúng tôi, blah blah, Tuy nhiên, họ cũng có note 1 câu rất rõ là Bạn nên liên lạc với khu vực mà bạn đang muốn kinh doanh. Tại sao lại vậy.

Thị trường mà mình nhắc phía trên là theo khu vực, mỗi khu vực mà bạn quản lý sẽ thấy rằng đi từ một market (một nước), cao hơn là một nhóm các nước sẽ được đặt tên (SEAPAC, PAC, Europe, North America,..). Từ các chỗ này mới phát sinh nhiều câu hỏi.

Nếu giờ mình có quan hệ với ai đó TOP LEVEL ở Mỹ, Úc, Pháp, Đức, thì mình cũng sẽ lấy hàng ở chỗ đó đem về Việt Nam bán được mà phải không? Theo như ý kiến & kiến thức của mình thì mình xin tư vấn là KHÔNG ĐƯỢC (tỷ lệ này 99%, có thể mình sai). Vì hàng hoá được quản lý theo từng nước, từng khu vực. Các bạn không thể đem hàng hoá mà mình deal được ở một thị trường khác để nhập vô Việt Nam mà bán được, vì tại Việt Nam đều có thương hiệu tại nước sở tại được cấp phép phát nhân, hoặc là nhà phân phối được cấp phép (Authorized Distributors/Retailers)

Tại sao ở Việt Nam hàng hoá không nhiều như nước ngoài? Xét ở đây là về Market Size thì Bắc Mỹ & Châu Âu nó quá lớn, nguyên một hệ thống phân phối chia theo tầng lớp rất khác nên rất nhiều các thương hiệu lớn ở cả Châu Âu và Bắc Mỹ đều có collab với các brand họ phân phối. Điển hình như SNS x adidas, Size?, Về cơ bản thì thị trường sẽ đi từ quy mô đang phát triển(Developing) đến phát triển (Developed). Sau này chắc chắn Việt Nam mình nếu chỉ xài đồ authentic mà bài trừ fake thì nói thiệt là cỡ gì mình cũng sẽ có rất nhiều sản phẩm Exclusive Line (Dòng sản phẩm đặc quyền cho từng thị trường) để mà line up / camping đó các bạn.

Một thương hiệu thì họ sẽ có bao nhiêu nhà phân phối tại Việt Nam? Theo như mình được biết thì hiện tại adidas Việt Nam đã có không dưới 10 nhà NPP theo quy mô từ lớn đến bé, vì bản thân các bạn thấy hơn 60 cửa hàng toàn quốc thì một mình adidas Việt Nam không thể đầu tư được. Bên cạnh đó cũng như Converse cũng sẽ có rất nhiều các nhà PP khác nhau khác bên dưới (?!?). Ngoài ra như Nike hay Puma thì mình nghĩ là họ tự đầu tư toàn bộ các cửa hàng & vận hành nó theo tiêu chuẩn của thương hiệu.

Nếu mình vẫn mở cửa hàng và bán hàng xách tay về, một hồi sau khi thị trường phát triển thì brand có chú ý tới mình không? Cơ hội là vẫn còn cho những ai mong muốn xây dựng lâu dài đó các bạn ơi, thật sự thì sau này khi thị trường bắt đầu phát triển sâu hơn thì những boutique sneakers shop sẽ vẫn còn đất sống và chắc chắn nếu một năm bạn đủ sức mạnh bán cả triệu đôi sneakers thì tiềm năng còn hợp tác sâu rộng nữa, quan trọng là bạn có trường vốn, trường đam mê để đi tới đó hay không thôi? Tuy nhiên, bạn chỉ đang tham gia vào thị trường Thứ cấp (Secondary Market), còn lại thị trường Sơ cấp (Primary Market) thì là cuộc chơi của brand và các nhà PP đó. ĐỌC BÀI NÀY ĐỂ HIỂU HƠN NHÉ.

Xét duyệt để trở thành nhà phân phối có khó không? Mình không thật sự hiểu biết sâu về chuyện trở thành nhà phân phối, nhưng chắc chắn bạn phải chứng minh được nguồn lực tài chính, có kinh nghiệm và có sự phát triển trong ít nhất 5 năm. Về cơ bản thì không phải cứ có mỗi tiền không là được, vì hệ thống nhà phân phối đều được tìm kiếm một cách lâu dài, mỗi lần ký hợp đồng chiến lược đều rất lâu, có khi từ 10 năm trở lên. VD như ACFC thì các bạn thấy đến nay thì vẫn là nhà PP độc quyền về Mono Store ở Việt Nam. Nhiều đơn vị khác là Multi-brand Store thì cũng phải lấy hàng từ nhà NPP cấp 1 độc quyền này. Theo mình hiểu là như vậy.

Vài thông tin để các bạn nắm, mình chào đón mọi ý kiến đóng góp từ tất cả các bạn và hy vọng mình sẽ học hỏi thêm được từ các bạn nếu có. Hãy góp ý dựa trên tinh thần xây dựng & văn minh nhé, vì kiến thức & trải nghiệm của mình không phải là biết hết.

Bình luận