Nghị quyết hướng dẫn về tội gây rối trật tự công cộng

An ninh trật tự công cộng, an toàn công cộng có liên quan chặt chẽ đến các hoạt động kinh tế - văn hóa cũng như đời sống của toàn dân. Việc bảo vệ trật tự công cộng luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Tuy nhiên, xuất phát từ nền kinh tế thị trường, quy định pháp luật ở một số lĩnh vực cũng như nhận thức pháp luật chưa đồng đều ở một bộ phận người dân nên hiểu biết và nhận thức về hành vi gây rối trật tựở mỗi nơi có cách hiểu khác nhau. Theo từ điển Luật học thì Trật tự công cộng là trạng thái ổn định, có tổ chức, có kỷ luật ở nơi công cộng. Những nơi phục vụ lợi ích công cộng như đường phố, quảng trường, công viên, bệnh viện, nhà hát, rạp chiếu bóng, bãi biển, khu nghỉ mátđược tổ chức sắp xếp ngăn nắp, các quy ước chung được mọi người tôn trọng, thực hiện nghiêm chỉnh. Quy tắc bắt buộc phải tuân theo để bảo vệ lợi ích chung của xã hội, thể hiện toàn bộ yêu cầu cơ bản của xã hội về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ đó có thể thống nhất với nhau về khái niện hành vi rối trật tự công cộng là: hành vi hò hét, làm náo động, phá phách, hành hung người khác hoặc có hành vi khác làm rối loạn các hoạt động ở những nơi công cộng, gây thiệt hại cho trật tự an toàn công cộng do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Tội Gây rối trật tự công cộng là tội phạm đã được quy định từ rất sớm trong các Sắc luật của Nhà nước ta trước đây và được Bộ luật hình sự năm 1985 quy định tại Điều 198. Tuy nhiên, qua thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội phạm này trong nhiều năm, trong từng giao đoạn khác nhau nhà làm luật đã kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, đảm bảo tính kế thừa và phát triển. Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định có 02 (hai) căn cứ cấu thành cơ bản của tội gây rối trật tự công cộng là trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng và trường hợp đã bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Bộ luật hình sự năm 2015 quy định cấu thành của tội Gây rối trật tự công cộng cũng tương tự giống như quy định của Bộ luật hình sự năm 1999, nhưng chỉ khác ở chỗ gây hậu quả nghiêm trọng được thay bằng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Theo hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao tại Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/ 4/2003, tiểu mục 5.1, mục 5, phần I hướng dẫn về cấu thành cơ bản của điều 245 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 đối với tình tiết cấu thành gây hậu quả nghiêm trọng và phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ một trong những các căn cứ sau: Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ; Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân; Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên; Làm chết người hoặc gây thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ cho người khác với tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên; Gây cho nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên; Gây cho người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên; Gây cho nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên. Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khoẻ và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không.

Ngày 27/11/2015 Quốc Hội thông qua Bộ luật hình sự năm 2015 và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016; cùng thời điểm Quốc Hội ban hành Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27 /11/2015 quy định: Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 Bộ luật hình sự 2015 được áp dụng như sau: Tất cả các điều khoản của Bộ luật hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016; các điều khoản của Bộ luật hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, xóa bỏ một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với tất cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích... Các tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số lượng rất lớn, số lượng đặc biệt lớn, thu lợi bất chính lớn, thu lợi bất chính rất lớn, thu lợi bất chính đặc biệt lớn, đất có diện tích lớn, đất có diện tích rất lớn, đất có diện tích đặc biệt lớn, giá trị lớn, giá trị rất lớn, giá trị đặc biệt lớn, quy mô lớn đã được áp dụng để khởi tố bị can trước 00 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 thì vẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Quá trình xây dựng pháp luật đã xảy ra một số thiếu sót, có lỗi kỹ thuật nên Bộ luật hình sự năm 2015 đã được Quốc Hội ra Nghị quyết lùi lại hiệu lực thi hành. Tuy nhiên vẫn tiếp tục thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình 2015 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự; tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109/2015/QH13.

Như vậy, trong thời điểm chờ Quốc Hội sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự 2015, các cơ quan tiến hành tố tụng phải sử dụng đồng hành hai Bộ luật hình sự (Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và Bộ luật hình sự năm 2015) để đối chiếu và áp dụng các quy định theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội. Vấn đề đặt ra trong thực tiễn áp dụng pháp luật có khó khăn vướng mắc khi xử lý tội Gây rối trật tự công cộng thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo khoản 1, Điều 245 tội Gây rối trật tự công cộng của Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định: Người nào gây rối trật tự cộng cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt về hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Khoản 1, Điều 318 tội Gây rối trật tự công cộng của Bộ luật hình sư năm 2015 quy định: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm".

So sánh quy định về cấu thành cơ bản của tội Gây rối trật tự công cộng của 02 (hai) Bộ luật hình sự có quy định khác nhau (không tính trường hợp xác định về nhân thân có tiền sự, tiền án chưa được xóa), cụ thể: Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 có quy định gây hậu quả nghiêm trọng; Bộ luật hình sự năm 2015 quy định gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đối với hai bộ luật hình sự thì Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi năm 2009 thì trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng đã bị bãi bỏ và thay vào đó là quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015 về trường hợp gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội . Như vậy, cấu thành cơ bản gây hậu quả nghiêm trọng của Bộ luật hình sự năm 1999 không còn hiệu lực thi hành; quy định gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Bộ luật hình sự năm 2015 chưa có hiệu lực thi hành và chưa có văn bản hướng dẫn, đây là khoảng chống của pháp luật về điều chỉnh mối quan hệ xã hội về trật tự công cộng. Mặt khác pháp luật yêu cầu trong thời điểm hai Bộ luật hình sự cùng được áp dụng như hiện nay cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng nguyên tắc cũng như các tình tiết có lợi cho người phạm tội nên chưa có căn cứ để xác định giữa gây hậu quả nghiêm trọng; và gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội quy định nào có lợi hơn cho người phạm tội.

Từ những phân tích các quy định nêu trên, theo quan điểm của cá nhân tác giả thì trong thời gian chờ Quốc Hội sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2015 thì tội Gây rối trật tự công cộng có hiệu lực thi hành và được áp dụng để xử lý người phạm tội khi người thực hiện hành vi gây rối nơi công cộng có nhân thân đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; ngoài ra các hành vi gây rối nơi cộng cộng gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng nhân thân người thực hiện hành vi gây rối chưa có tiền sự về hành vi này, chưa có tiền án về tội này (trừ trường hợp hành vi cấu thành một tội phạm khác) thì không cấu thành tội Gây rối trật tự công cộng, không bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Để đảm bảo tính nghiêm minh, thống nhất, nguyên tắc của pháp luật mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nhanh chóng; nghiêm trị kẻ chủ mưu cầm đầu, ngoan cố chống đối, côn đồ; nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp...; đồng thời khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng... chúng tôi đề nghị các cơ quan pháp luật Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để các cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ để xử lý đúng người, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm cũng như không làm oan người vô tội. Từ đó tạo điều kiện cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn giảm kềm chế hành vi gây rối trật tự công cộng, đảm bảo kỷ cương, tạo niềm tin và sự đồng thuận của xã hội.

Minh Tuấn, Nguyệt Ánh - Phòng 1 VKS thành phố