Nguyên nhân của các vụ án oan, sai

Nếu không bắt được đối tượng thực sự gây án, cho đến chết, họ và gia đình những đối tượng mang án oan này phải mang theo nỗi nhục giết người, cướp của đến vài thế hệ và những người tham gia tố tụng vẫn được khen thưởng vì thành tích phá trọng án!?

Nguyên nhân của các vụ án oan, sai

Ông Nguyễn Văn Dũng (thứ tư, từ trái sang) và người thân trình bày vụ việc với nhà báo Người Lao động

Trong bài “Một gia đình có 8 người bị giam oan” đăng trên Dân trí, sau khi có quyết định đình chỉ điều tra vụ án, chỉ có 1 trong 8 người bị giam oan được bồi thường. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chưa bàn đến vấn đề cực kỳ vô lý: 8 người bị giam oan lại chỉ một người được đền bù, mà chúng tôi đề cập đến việc ép cung, nhục hình trong vụ án này.

Theo đó, khoảng 23 giờ ngày 26-7-1979, xảy ra vụ cướp có vũ trang tại nhà ông Nguyễn Văn Dơ (ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh). Do ông Dơ báo trong đám cướp ngoài súng M16, súng ngắn còn có con dao trắng thường sử dụng bán bánh mì. Chỉ vì ông Hồ Long Chánh có con dao loại này, công an bắt ngay ông Chánh. Vì không chịu nổi nhục hình, ông Chánh khai một số người, họ liền bị bắt. Đến lượt những người bị bắt sau cũng không chịu nổi nhục hình, tiếp tục khai một số người khác, tổng cộng tất cả 8 đối tượng bị bắt. Trong đó có ông Nguyễn Văn Dũng, quân nhân mới từ chiến trường Campuchia về nước thăm gia đình mấy ngày.

Sau gần 4 năm, vì không đủ chứng cứ ngày 11.5.1983, VKSND tỉnh Tây Ninh đình chỉ điều tra vụ án. Sau nhiều lần gõ cửa các cơ quan chức năng, mãi 34 năm sau, tháng 4.2017 VKSND tỉnh Tây Ninh mới mời ông Dũng lên làm việc liên quan đến việc bồi thường, nhưng chỉ đồng ý bồi thường với số tiền gần 600 triệu đồng.

Chưa bàn đến việc vì sao chỉ có một mình ông Dũng được đền bù, mà ngay như những dấu hiệu các điều tra viên ngày đó sử dụng nhục hình là rất rõ, nhưng vì sao không một ai bị xử lý về tội này vẫn đang là câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ.

Nhìn lại một loạt vụ án nổi đình đám khác thấy rất rõ dấu hiệu sử dụng nhục hình và bỏ lọt loại tội phạm này.

Chẳng hạn, vụ án ông Hàn Đức Long bị khép tội giết người, hiếp dâm cháu gái ở Bắc Giang. Ông Hàn Đức Long sau khi được minh oan tố cáo: Cũng chỉ vì không chịu nổi ép cung, tra tấn ông đã phải nhận tội hiếp dâm, giết cháu bé hàng xóm.

Lúc đầu, từ đơn thư tố cáo, công an Bắc Giang khởi tố, bắt giam ông Long về tội hiếp dâm một bà già và con dâu của bà này (dù hai gia đình đang mâu thuẫn). Chỉ mấy ngày nằm ở công an, không chịu nổi tra tấn, ông Long phải nhận tội hiếp dâm, giết cháu gái vụ án đã xảy ra cách đó mấy tháng. Nhưng khi xét xử, tội hiếp dâm hai mẹ con bà hàng xóm đã được minh oan. Hóa ra, vụ án này chỉ là cái cớ để cơ quan điều tra “cố” tìm ra được đối tượng trong vụ án hiếp dâm, giết hại cháu gái đang bị bế tắc.

Cũng tại Bắc Giang, vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn chỉ được minh oan khi đối tượng hiếp dâm, giết nạn nhân ra đầu thú. Thử hỏi, nếu không bị ép cung, sử dụng nhục hình như ông Chấn tố cáo, thì vì lẽ gì ông Chấn không gây tội ác mà vẫn phải nhận tội “ trời không dung, đất không tha”: Hiếp dâm và giết người!?

Điển hình hơn là vụ án ông Huỳnh Văn Nén, cùng lúc mang hai án oan giết người. Tháng 4.1998, ông bị cáo buộc dùng dây thừng giết bà Lê Thị Bông cướp nhẫn vàng. Sau đó, ông bị TAND Bình Thuận tuyên phạt tù chung thân về tội giết người, cướp tài sản và tội cố ý hủy hoại tài sản. Trong thời gian bị điều tra vụ án này, ông Nén và 9 người bên vợ (cũng do không chịu được nhục hình, đành khai ra người nhà cùng gây án) tiếp tục bị cáo buộc giết bà Dương Thị Mỹ trong "kỳ án vườn điều" xảy ra 5 năm trước. Nhưng tất cả những đối tượng gây án oan cho ông không ai bị khởi tố, dù ông Nén tố cáo đích danh những người sử dụng nhục hình đối với ông.

Vụ án ông Nén có nét giống vụ án ông Hàn Đức Long ở chỗ, khởi tố một vụ án rồi gán tội cho đối tượng vụ trọng án khác đang rơi vào bế tắc. Và nó giống vụ án ông Chấn ở chỗ, chỉ khi bị bắt được đối tượng gây án thật sự, ông Nén mới được minh oan.

Điều này cho thấy, nếu không bắt được đối tượng gây án, cho đến chết, họ và gia đình những đối tượng mang án oan này phải mang theo nỗi nhục giết người, cướp của đến vài thế hệ, và những người tham gia tố tụng vẫn được khen thưởng vì thành tích phá trọng án!?

Làm gì để hạn chế tối đa những vụ án oan này? Theo tôi, cần có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn tối đa nạn sử dụng nhục hình. Mà một trong số đó là cần bắt buộc phải ghi âm, ghi hình khi hỏi cung, đặc biệt với các vụ trọng án. Mặt khác, phải sớm giải quyết để các luật sư tham gia ngay từ đầu của giai đoạn tố tụng.

Ngày 15-10, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) tổ chức xin lỗi, cải chính công khai đối với ông Bùi Xuân Quang (44 tuổi, trú tại xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) tại trụ sở xã Hố Nai 3. Ông Quang bị truy tố oan sai về tội “trộm cắp tài sản”. Theo hồ sơ vụ án, ngày 9-11-2015, Công an huyện Vĩnh Cửu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Quang để điều tra về hành vi trộm 922 cây tràm (định giá 27 triệu đồng) của một người dân ở huyện Vĩnh Cửu. Tháng 1-2016, Viện KSND huyện Vĩnh Cửu ra quyết định truy tố ông Quang. Hai tháng sau, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Vĩnh Cửu xét xử vụ án và tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung. Quá trình điều tra sau đó xác định không có căn cứ kết luận hành vi của ông Quang là “trộm cắp tài sản”. Vướng oan sai, ông Quang đã bị tạm giam bốn tháng và chín ngày.

Đó là một trong nhiều vụ án oan sai được phát hiện trong thời gian gần đây. Trước đó, dư luận hết sức bất bình với hai bản án oan sai gây chấn động ngành Tư pháp Việt Nam của ông Nguyễn Thanh Chấn (ở Bắc Giang, oan sai hơn 10 năm) và ông Huỳnh Văn Nén (ở Bình Thuận, oan sai hơn 17 năm). Đáng chú ý, những vụ án oan sai nêu trên chỉ được phát hiện sau khi có sự vào cuộc không ngừng nghỉ của gia đình, luật sư và báo chí. Ngày 2-6-2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đến nay, sau 13 năm thực hiện nghị quyết, chất lượng hoạt động tư pháp không ngừng được nâng lên, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện. Về cơ bản, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, các vụ án oan sai vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Vì sao?

Theo một số chuyên gia pháp luật, nguyên nhân dẫn đến án oan sai phần nhiều do trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức của điều tra viên hạn chế, dẫn đến sự chủ quan trong quá trình điều tra; khởi tố, truy tố khi chưa đủ cơ sở buộc tội; chưa bảo đảm nguyên tắc “suy đoán vô tội”, hồ sơ vụ án mang nặng tính buộc tội. Các cơ quan tố tụng cũng chưa thật sự phối hợp chặt chẽ, quyết liệt trong việc phát hiện oan sai, các cơ quan chưa thực hiện tốt chức năng giám sát lẫn nhau trong quá trình điều tra, xét xử. Ngoài ra, bệnh thành tích cũng như áp lực “chỉ tiêu” số vụ án được khởi tố, truy tố và xét xử của các cơ quan tố tụng cũng một phần dẫn đến oan sai. Tình trạng “hình sự hóa dân sự” xảy ra ở nhiều địa phương, tiêu biểu là vụ án quán cà-phê Xin Chào xảy ra tại huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) vào năm 2016. Còn tồn tại tình trạng bức cung, nhục hình, ép cung, mớm cung. Trong khi đó, hệ thống pháp luật và việc thực thi pháp luật ở nước ta vẫn có những bất cập. Nhiều quy định chưa đầy đủ, chặt chẽ và hoàn thiện dẫn đến bỏ lọt tội phạm và gây oan sai.

Mặc dù những người phải gánh chịu oan sai đã trở về với gia đình, cộng đồng, nhưng Nhà nước đã phải bồi thường số tiền rất lớn cho sai phạm của một vài cá nhân. Những người có trách nhiệm liên quan đã bị xử lý, nhưng những vụ án oan sai đã ảnh hưởng nghiêm trọng về tinh thần, thể chất, uy tín của người bị kết án, gia đình và tạo nên sự bức xúc trong dư luận xã hội. Vì thế, việc ngăn chặn, phát hiện sớm các vụ án oan sai là trách nhiệm lớn của các cơ quan tố tụng. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 hay Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17-3-2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra đều là những văn bản quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của hệ thống chính trị trong việc ngăn ngừa, hạn chế oan sai trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, trước tình hình tội phạm gia tăng, xuất hiện thêm nhiều loại tội phạm mới, đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật liên quan, tránh hiện tượng “bẻ luật”, áp dụng luật sai tội danh, kết án oan. Cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng bởi đây là đội ngũ chính trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Các cơ quan đại diện cho người dân như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp cần nhanh chóng vào cuộc, bảo vệ lợi ích công dân khi phát hiện dấu hiệu oan sai.

Quan trọng là cần nâng cao năng lực, chuyên môn, nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức của cán bộ tư pháp, nhất là những người tham gia tiến hành tố tụng, có biện pháp xử lý nghiêm những cán bộ để xảy ra oan sai. Điều tra viên phải áp dụng triệt để nguyên tắc “suy đoán vô tội”, bởi theo Điều 31, Hiến pháp năm 2013: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”, tức là trước khi bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật thì các bị can, bị cáo đều được coi là không có tội.