Nguyên nhân khó nuốt

Khó nuốt là một triệu chứng thường gặp. Thỉnh thoảng chúng ta gặp phải vấn đề này khi ăn quá nhanh hoặc không nhai kĩ thức ăn, những trường hợp như vậy thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu nó xảy ra thường xuyên thì có thể có nguyên nhân bệnh lý và chúng ta cần tìm tới bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Khó nuốt có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào nhưng phổi biến hơn ở người già. Bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên sẽ đề cập tới các bệnh lý liên quan và tổng quan các cách điều trị. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé.

Khó nuốt là gì?

Khó nuốt là triệu chứng cơ năng xảy ra khi có sự suy giảm hoặc thay đổi cơ chế nuốt, khiến chúng ta mất nhiều sức và thời gian hơn để chuyển thức ăn hoặc chất lỏng từ miệng xuống dạ dày. Thông thường triệu chứng này kèm theo đau khi nuốt. Trường hợp nặng người bệnh đôi khi không thể nuốt được.

Quá trình nuốt là một quá trình phức tạp liên quan tới nhiều cơ và thần kinh khác nhau. Do đó, khó nuốt có thể do bất thường trong bất kì đâu trong quá trình nuốt và được chia thành ba loại chính:

  • Khó nuốt do miệng: nguyên nhân từ miệng, hoặc do yếu lưỡi sau đột quỵ. Hệ quả là làm người bệnh khó nhai thức ăn hoặc khó đưa thức ăn từ miệng xuống.
  • Khó nuốt do hầu: nguyên nhân từ họng, thường do các bệnh thần kinh (Parkinson, đột quỵ…)
  • Khó nuốt do thực quản: nguyên nhân từ thực quản, do tắc nghẽn hoặc kích thích. Vì vậy, loại này thường cần phải phẫu thuật.
Nguyên nhân khó nuốt
Khó nuốt là triệu chứng cơ năng xảy ra khi có sự suy giảm hoặc thay đổi cơ chế nuốt

Xem thêm: Đột quỵ: Nên chuẩn bị những gì để phòng ngừa

Nguyên nhân nào thường gặp?

  • Co thắt tâm vị: do cơ vòng thực quản dưới không dãn đủ rộng làm thức ăn trào ngược lên họng.
  • Đột quỵ: do các tế bào chịu trách nhiệm cho việc nuốt bị chết do thiếu oxi. Vòng thực quản: một phần thực quản hẹp lại ngăn cản thức ăn đặc đi xuống dạ dày.
  • Xơ cứng bì: do sự phát triển của các mô dạng sẹo sẽ dần cứng lên, làm yếu đi cơ vòng thực quản. Hệ quả là acid dạ dày bị trào lên thực quản và gây ra ợ nóng.
  • Bệnh nhược cơ (Goldflam disease): là một bệnh tự miễn về thần kinh khiến cho các cơ vận động tự chủ bị nhanh mệt và yếu.
  • Bệnh Parkinson: là một bệnh thần kinh thoái hóa tiến triển từ từ làm suy giảm chức năng vận động của bệnh nhân.
  • Tia xạ: một số bệnh nhân trải qua xạ trị vùng đầu và cổ có thể bị nuốt khó do viêm và sẹo thực quản.
  • Sứt môi và hở hàm ếch: các xương vùng đầu hợp nhất không hoàn toàn. Kết quả là hình thành các khe giữa vòm miệng và từ môi tới vùng mũi.
  • Ung thư thực quản: liên quan tới rượu hoặc thuốc lá, hay bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
  • Hẹp thực quản: thường do bệnh trào ngược dạ dày thực quản tạo ra mô sẹo hoặc một khối u của thực quản.
  • Túi thừa thực quản (túi thừa Zenker): là một túi bất thường ở thành thực quản, nơi thức ăn có thể ứ đọng. Biểu hiện thường gặp là khó nuốt, tiếng ồng ộc khi nuốt, hơi thở hôi hoặc ho.
  • Dị vật: thường ở người già có dùng răng giả hoặc người có vấn đề về nhai.

Các biểu hiện có thể gặp

Vài bệnh nhân gặp phải nuốt khó mà không nhận ra nên không được chẩn đoán và điều trị. Kết quả là nguy cơ viêm phổi hít, mất nước hay suy dinh dưỡng. Vì vậy nhận biết sớm là rất quan trọng. Một số biểu hiện liên quan như:

  • Sặc khi ăn.
  • Ho khi nuốt.
  • Nhỏ dãi.
  • Thức ăn hoặc acid dạ dày trào ngược lên họng.
  • Ợ nóng.
  • Khàn giọng.
  • Sụt cân không giải thích được.
  • Viêm phổi tái đi tái lại.
  • Không tự chủ được việc tiết nước bọt.

Điều trị như thế nào?

Điều trị khó nuốt do miệng – hầu

Vì các nguyên nhân này thường do bệnh liên quan thần kinh nên không dễ để có một điều trị hiệu quả.

  • Liệu pháp nuốt: được thực hiện với một nhà trị liệu ngôn ngữ. Bệnh nhân sẽ học nuốt đúng cách. Ở đó các bài tập sẽ cải thiện các cơ và cách chúng đáp ứng trong quá trình nuốt.
  • Chế độ ăn: một vài loại thức ăn hay nước uống có thể dễ nuốt hơn. Nhưng quan trọng không kém là vẫn phải đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.
  • Nuôi ăn qua ống: khi có nguy cơ viêm phổi, mất nước hoặc suy dinh dưỡng. Có thể nuôi ăn qua ống mũi-dạ dày hoặc mở dạ dày ra da qua nội soi.

Điều trị khó nuốt do thực quản

Loại này thường cần phải can thiệp phẫu thuật.

  • Nong rộng thực quản: khi thực quản cần mở rộng (ví dụ trong trường hợp co thắt). Bác sĩ sẽ đưa một bóng nhỏ vào lòng thực quản sau đó làm phồng lên. Kết quả là thực quản được nong rộng dần ra.
  • Liệu pháp Botulinum: thường được sử dụng nếu cơ thực quản trở nên cứng nhắc. Botulinum là một độc tố mạnh gây liệt các cơ bị cứng, giảm sự co thắt.

Nếu là ung thư cần chuyển khoa ung bướu và có thể cần phẫu thuật cắt khối u.

Nguyên nhân khó nuốt
Điều trị khó nuốt như thế nào ?

Phòng ngừa khó nuốt được không?

Chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ nuốt khó bằng cách ăn chậm và nhai kĩ thức ăn. Ngoài ra, cần phát hiện sớm và điều trị có hiệu quả bệnh trào ngược dạ dày thực quản để giảm nguy cơ khó nuốt liên quan tới tình trạng co thắt thực quản.

Nguyên nhân khó nuốt
Phòng ngừa khó nuốt được không

Khó nuốt là triệu chứng thường gặp, tần suất khác nhau ở mỗi người và đôi khi khó nhận biết. Một số là biểu hiện thông thường và không đáng lo ngại. Tuy nhiên một số khác lại ẩn chưa một bệnh lý đằng sau. Do đó cần chú ý tới những biểu hiện tinh tế có thể liên quan tới nuốt khó và đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể. Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Điều quan trọng nhất là phát hiện sớm sẽ giúp cho điều trị đúng bệnh và hiệu quả.