Nhà nước kiến tạo phát triển là gì năm 2024

Thật ra, khái niệm phổ biến trên thế giới là nhà nước kiến tạo phát triển trong đó có chính phủ, chứ không hẳn chính phủ kiến tạo phát triển trong một nhà nước. Khái niệm này được nhà nghiên cứu Chalmers Johnson đưa ra từ năm 1982, khi ông nghiên cứu về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản. Ông nhận thấy rằng trong sự phát triển thần kỳ ấy có vai trò rất quan trọng của nhà nước. Nhà nước Nhật Bản đã không chỉ tạo ra khuôn khổ cho sự phát triển, mà còn định hướng và thúc đẩy sự phát triển đó. Sau này, ngoài Nhật Bản ra, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều được xem là những nhà nước kiến tạo phát triển. Theo các nhà nghiên cứu, đây là mô hình nhà nước nằm ở giữa hai loại hình nhà nước là: nhà nước điều chỉnh (theo chủ thuyết thị trường tự do) và nhà nước kế hoạch hóa tập trung (theo mô hình xã hội chủ nghĩa truyền thống). Nhà nước kiến tạo phát triển không đứng ngoài thị trường, nhưng cũng không làm thay thị trường. Mà nhà nước chủ động can thiệp vào thị trường để thúc đẩy phát triển và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đã được đề ra. Thực tế cho thấy nhà nước kiến tạo phát triển có thể thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn. Thí dụ, để đạt được mức tăng trưởng GDP gấp đôi, một nhà nước điều chỉnh (như Hoa Kỳ) sẽ phải mất đến 50 năm, trong lúc đó một nhà nước kiến tạo phát triển (như Trung Quốc) chỉ mất 10 năm. Như vậy, nhà nước kiến tạo phát triển là mô hình nhà nước kết hợp được ưu điểm, đồng thời khắc phục được nhược điểm của cả hai mô hình nhà nước điều chỉnh và nhà nước kế hoạch hóa tập trung.

Vấn đề cốt tử ở đây là nhà nước can thiệp vào thị trường như thế nào và can thiệp ở mức bao nhiêu để vừa phát huy được ưu thế của cơ chế thị trường, vừa khắc phục được những khiếm khuyết của nó, đồng thời vừa thúc đẩy được sự phát triển. Đây lại là vấn đề không dễ trả lời và không có một câu trả lời được đóng gói sẵn cho tất cả mọi quốc gia.

Thế thì nhà nước kiến tạo phát triển cần phải làm những gì?

Trước hết, nhà nước kiến tạo phát triển phải hoạch định đường lối phát triển cho đất nước (đặc biệt là đường lối công nghiệp hóa; chương trình đổi mới và nâng cao chất lượng y tế, giáo dục; chương trình xóa đói giảm nghèo...) và thúc đẩy việc hiện thực hóa đường lối đó. Thúc đẩy việc hiện thực hóa thì không có nghĩa là làm thay người dân và các doanh nghiệp, mà tối thiểu phải làm được những việc sau đây:

Trước hết, Nhà nước phải tạo ra được hệ thống khuyến khích để các nguồn lực của xã hội được tập trung đầu tư cho các mục tiêu phát triển. Hệ thống khuyến khích đó có thể là chi tiêu công, là thuế, là tín dụng, là thương quyền... Ngoài ra, Nhà nước còn cần phải phát huy thế mạnh của nhà nước điều chỉnh là tạo ra khuôn khổ thể chế và mọi điều kiện cần thiết khác để từng người dân có thể dễ dàng làm ăn và mưu cầu hạnh phúc. Khi và chỉ khi hàng triệu người dân Việt Nam có điều kiện làm ăn dễ dàng, có năng lực làm chủ cuộc sống và sáng tạo tương lai thì sự giàu có và thịnh vượng bền lâu mới đến với đất nước ta. Và đó cũng mới chính là sự phát triển thực chất nhất. Điều quan trọng là phải xây dựng cho được những khuôn khổ thể chế cần thiết để cho công việc làm ăn của người dân ngày một dễ dàng hơn. Quan trọng nhất ở đây là quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tài sản, quyền tự do kế ước... phải được bảo đảm; sự minh bạch phải được tăng cường; các hợp đồng phải được tôn trọng và bảo vệ; các tranh chấp phải được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả. Ngoài ra, một điều kiện không thể thiếu ở đây là việc bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô. Vì thiếu sự ổn định kinh tế vĩ mô, không doanh nghiệp cũng như một người dân nào có thể làm ăn dễ dàng được. Đây vì vậy là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nhà nước kiến tạo phát triển.

Hai là, Nhà nước cần tìm mọi cách để cung cấp các dịch vụ công chất lượng, giá rẻ cần thiết cho sự phát triển năng lực người dân và bảo đảm điều kiện cho việc làm ăn của các doanh nghiệp. Muốn làm được điều này, phải xây dựng được một bộ máy hành chính-công vụ hết sức chuyên nghiệp, hiệu quả và liêm chính. Bộ máy này phải được tuyển dụng, bổ nhiệm dựa vào sự nghiêm ngặt trên cơ sở của trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Ba là, Nhà nước phải biết tạo ra cạnh tranh lành mạnh để tất cả mọi chủ thể trong xã hội đều phải vươn lên và để thu hút được người tài. Tiêu chí để cạnh tranh trong đời sống kinh tế là chất lượng hơn và giá rẻ hơn. Tiêu chí để cạnh tranh trong đời sống chính trị là tài giỏi hơn và đạo đức hơn. Trong đời sống kinh tế, thúc đẩy cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và kiểm soát gắt gao những doanh nghiệp còn chiếm giữ vị thế độc quyền là rất quan trọng. Độc quyền không chỉ dẫn đến lạm quyền, mà còn làm cho hoạt động kinh tế kém hiệu quả, và xã hội kém năng động. Một cơ chế để người tài được tuyển chọn cũng hết sức quan trọng. Một phần của cơ chế này là áp đặt chế độ trách nhiệm rất rõ ràng, để những người đứng đầu bắt buộc phải chọn cho được người tài (không chọn được người tài không thể hoàn thành được công việc). Tất nhiên, chúng ta cũng phải trao quyền tuyển chọn cho những quan chức này.

Với một khuôn khổ khái niệm như trên và trong mô hình của chúng ta, Đảng đóng một vai trò hết sức quan trọng ở đây. Trước hết, Đảng là thiết chế quan trọng nhất trong việc hoạch định đường lối phát triển cho đất nước. Đồng thời, Đảng cũng đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong việc sắp đặt nhân sự để triển khai thực hiện đường lối phát triển đó.

Quốc hội cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phân bổ nguồn lực cho các chương trình phát triển, đồng thời tạo khuôn khổ thể chế cho người dân và doanh nghiệp làm ăn dễ dàng.

Cuối cùng, trong quá trình đổi mới, Nhà nước ta quả thực đã có những bước chuyển mình rất cơ bản sang mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Vấn đề là chúng ta cần sớm làm rõ khung khái niệm của nhà nước kiến tạo phát triển để có những bước tiến mạch lạc và vững chắc hơn.