Nhà xuất bản theo mô hình sự nghiệp

Theo đánh giá của người làm nghề thì những năm qua, hoạt động xuất bản Việt Nam luôn tồn tại mâu thuẫn giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị và kinh doanh. Một trong những điểm bất cập hiện nay của ngành xuất bản là mô hình tổ chức hoạt động chưa thống nhất.

Hiện có 2 mô hình nhà xuất bản phổ biến là doanh nghiệp do nhà nước làm chủ và đơn vị sự nghiệp công. Điều này dẫn tới hoạt động của ngành xuất bản trong nhiều năm qua chưa hiệu quả.

Trong báo cáo tổng kết thực hiện Chỉ thị 42 -CT/TW của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông thì doanh thu của các nhà xuất bản hiện chỉ từ 1-5 tỷ mỗi năm, trong đó rất nhiều đơn vị có doanh thu dưới 1 tỷ đồng. Vì vậy, tính đến năm 2015, chỉ có 33/61 nhà xuất bản đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.

Nhà xuất bản theo mô hình sự nghiệp
Buổi tổng kết thực hiện chỉ thị 42-CT/TW tại TP HCM. Ảnh: Bá Ngọc

Ngành xuất bản chưa phát triển đưa tới chỉ tiêu về phát triển số lượng sách và chất lượng sách cũng không đạt. Nếu chỉ tiêu trong chỉ thị 42-CT/TW là 6 bản sách/người vào năm 2010 thì đến nay mới đạt 4 đầu sách/người. Con số này ít hơn nhiều so với 15 đầu sách/ người ở các nước phát triển.

Theo ý kiến của các đại biểu tham gia Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW, ngành xuất bản khó phát triển còn do chính những quy định ràng buộc của pháp luật. Ông Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch Hội Xuất bản, cho rằng, ngành xuất bản vẫn tồn tại khó khăn của 10 năm trước, thuế dành cho doanh nghiệp xuất bản chưa phù hợp. Đặc biệt, mới đây bộ Luật hình sự 2015 lại hình sự hóa những vấn đề liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ của ngành xuất bản.

Phát biểu trong buổi tổng kết, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: "Hơn 60% các nhà xuất bản đang gặp khó khăn, nhiều nơi còn chết lâm sàng, cần phải tổ chức sắp xếp lại cho hiệu quả hơn...

Do thiếu nhận thức, nhiều quy định về xuất bản không làm tăng nguồn lực mà còn làm nguồn lực hạn chế đi, không gỡ rào cản mà còn dựng lên rào cản... Những vấn đề bất cập trong các quy định quản lý như nghị định, luật cần phải xem xét lại".

Nhà xuất bản theo mô hình sự nghiệp
Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự Hội nghị Báo cáo tổng kết chỉ thị 42-CT/TW. Ảnh: Bá Ngọc

Chỉ thị 42-CT/TW của Ban bí thư Trung ương Đảng về Nâng cao chất lượng toàn diện của ngành xuất bản ra đời năm 2004. Sau 10 năm thực hiện, đến năm 2015, toàn ngành xuất bản đã có 29.000 đầu sách, đạt trên 369 triệu bản. Hệ thống nhà xuất bản liên tục tăng từ 48 nhà xuất bản lên 61.