Nhiễm trùng tiết niệu là gì

Nhiễm trùng tiết niệu là gì?

Đó là tình trạng nhiễm trùng cấp hoặc mạn tính của các bộ phận trong hệ tiết niệu: thận (nơi sản xuất ra nước tiểu), niệu quản (2 ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang), bàng quang (nơi chứa nước tiểu), niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ dưới bàng quang ra ngoài qua lỗ tiểu). Ở nam giới còn có thêm tuyến tiền liệt (là 1 tuyến bọc quanh niệu đạo ở ngay dưới cổ bàng quang). Vi khuẩn thường gặp là loại vi khuẩn có nguồn gốc từ đường tiêu hóa (Entérobacteries): Eschrichia Coli (80%), Proteus mirabilis (là loại vi khuẩn dễ tạo ra sỏi), Enterobacter, Citrobacter...

Nhiễm trùng tiết niệu (NTTN) được chia làm 2 loại: NTTN cao (viêm thận bể thận, viêm niệu quản, ứ mủ thận, áp xe thận) và NTTN thấp (viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn). Ở phụ nữ, do cấu tạo giải phẫu, rất hay gặp viêm bàng quang. Trong khi đó, viêm tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn hay gặp ở nam giới.

Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và cách dự phòng nhiễm trùng tiết niệu

Nước tiểu là môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi phát triển của các loại vi khuẩn nói trên. Khi số lượng vi khuẩn trong nước tiểu đạt số lượng cao sẽ gây nhiễm trùng tiết niệu.

Ở phụ nữ: Việc lau tại chỗ từ sau ra phía trước sau khi đi vệ sinh dễ gây nhiễm trùng tiết niệu do đã kéo vi khuẩn có trong phân từ hậu môn đến lỗ tiểu. Do vậy nên thay đổi thói quen này và lau từ phía trước ra sau.

Nên đi tiểu ngay sau khi giao hợp (để đào thải ngay vi trùng vừa mới chui vào niệu đạo do động tác giao hợp gây ra).

Tránh táo bón: sự ứ đọng phân lâu ngày trong trực tràng là nguồn cung cấp vi trùng dồi dào.

Với những trường hợp viêm bàng quang tái phát ở phụ nữ (>3 lần /năm) phải được khám tại chỗ bộ phận sinh dục ngoài để phát hiện và xử lý các nguyên nhân do bất thường giải phẫu (hẹp lỗ tiểu, túi thừa niệu đạo...). Tỷ lệ hẹp lỗ tiểu gây viêm bàng quang tái phát do luồng trào ngược nước tiểu từ niệu đạo lên bàng quang rất hay gặp và phẫu thuật tạo hình lỗ tiểu luôn đem lại kết quả tốt.

Ở nam giới: Trước 50 tuổi, NTTN thường gặp là viêm niệu đạo do quan hệ tình dục không an toàn.

Ở đàn ông cao tuổi, nhiễm trùng tiết niệu thường gặp nhất liên quan đến bệnh phì đại tuyến tiền liệt gây chèn ép niệu đạo gây tắc dưới cổ bàng quang dẫn đến sự ứ đọng nước tiểu.

Tất cả những nguyên nhân gây tắc, cản trở việc thoát nước tiểu đều là những yếu tố quan trọng gây NTTN: sỏi, hẹp niệu quản, chèn ép đường tiết niệu, xơ cứng cổ bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo...

Ngoài ra, những rối loạn điều hòa thần kinh bàng quang, những tình trạng nhiễm trùng của các cơ quan lân cận (phụ khoa, hậu môn trực tràng) cũng là nguyên nhân gây NTTN.

Ở trẻ em: Đứng trước tình trạng NTTN ở trẻ em thì việc làm đầu tiên là phải tìm ngay nguyên nhân, hay gặp nhất là các dị dạng tiết niệu bẩm sinh và điều trị nguyên nhân đó: luồng trào ngược bàng quang - thận, thận niệu quản đôi, van niệu đạo sau...

Triệu chứng của nhiễm trùng tiết niệu

Đôi khi, nhiễm trùng tiết niệu không có triệu chứng gì, nhất là ở người cao tuổi, ngoài sốt đơn thuần. Xét nghiệm nước tiểu có nhiều bạch cầu và nitrit. Cấy nước tiểu giúp xác định loại vi trùng và kháng sinh đồ rất hữu dụng cho việc lựa chọn kháng sinh hiệu quả nhất.

Viêm bàng quang thể hiện với tiểu buốt và tiểu dắt, tiểu máu. Nước tiểu đục, hôi. Thường kèm đau vùng bụng dưới.

Viêm niệu đạo có biểu hiện như viêm bàng quang và có thể kèm theo có mủ chảy ra từ lỗ tiểu.

Viêm thận, bể thận là 1 bệnh cảnh nhiễm trùng nặng nề với sốt cao 39-40 độ C, kèm theo rét run, toàn trạng suy sụp. Đau vùng thắt lưng. Khám vùng thận có phản ứng. Có thể kèm theo các dấu hiệu tiểu tiện bất thường như trong viêm bàng quang.

Viêm tuyến tiền liệt có các triệu chứng tiểu buốt, tiểu gấp, tiểu dắt nhưng mỗi lần đi tiểu chỉ với số lượng ít. Đồng thời bệnh nhân luôn có sốt cao, rét run, hội chứng cúm với đau mỏi cơ, nước tiểu có thể đục và thậm trí có mủ chảy qua niệu đạo. Đặc biệt là khi thăm khám trực tràng sẽ thấy tuyến tiền liệt rất đau. Có thể có cầu bàng quang.

Tiến triển của nhiễm trùng tiết niệu

NTTN có thể dẫn đến các diễn biến xấu.

NTTN thấp (viêm bàng quang, viêm niệu đạo) nếu điều trị muộn hoặc điều trị không hiệu quả sẽ diễn biến thành nhiễm trùng tiết niệu cao gây viêm thận bể thận.

Tất cả các NTTN có sốt (viêm thận bể thận, viêm tuyến tiền liệt) có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng máu (vi trùng xâm nhập máu) với nguy cơ sốc nhiễm trùng rất nguy hiểm đến tính mạng cần phải được hồi sức tích cực.

Nhiễm trùng có thể gây áp xe thận, hủy hoại thận hoặc theo chiều hướng khác dẫn đến suy chức năng thận.

Viêm tuyến tiền liệt có thể gây biến chứng đặc hiệu là bí tiểu cấp tính hoặc viêm tinh hoàn.

Với phụ nữ có thai, tất cả các dạng NTTN đều nguy hiểm cho mẹ và cả thai nhi với nguy cơ sảy thai hoặc đẻ non.

Điều trị nhiễm trùng tiết niệu

Nguyên tắc cơ bản trong điều trị NTTN là: Kháng sinh + Uống nhiều nước + Xử lý yếu tố nguy cơ. Cơ thể con người có một phản ứng tự nhiên chống lại NTTN một cách hiệu quả nhờ việc tăng bài tiết nước tiểu để làm loãng số lượng vi trùng và tăng khả năng đào thải nước tiểu kèm theo vi trùng. Do vậy, điều trị và ngăn ngừa NTTN là uống nhiều nước (trên 2 lít/ngày) và đi tiểu thường xuyên. Dùng thuốc phải tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu gặp ở cả 2 giới và mọi lứa tuổi.

Nhiễm trùng tiết niệu gây viêm thận, bể thận

Theo Báo Sức khỏe đời sống

This post is also available in: English (English)

Nhiễm trùng đường tiết niệu là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ. Thống kê cho thấy những phụ nữ đã lập gia đình có nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu ít nhất một lần trong đời. Những trường hợp viêm bàng quang cấp ở phụ nữ có thể điều trị đơn giản tại nhà bằng thuốc kháng sinh trong thời gian từ 3 đến 7 ngày.
Những trường hợp nhiễm trùng đường tiểu lan lên thận – bể thận thì cần được nhập viện theo dõi và điều trị kháng sinh thông qua đường tĩnh mạch. Các trường hợp viêm thận – bể thận này thường xảy ra trên những cơ địa đặc biệt như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch hoặc bị tắc nghẽn đường tiểu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường xảy ra ở nữ giới.

Nhiễm trùng đường tiết niệu là bệnh gì?

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) xảy ra khi có sự xuất hiện của vi khuẩn ở bất kỳ cơ quan nào thuộc đường tiết niệu. Đường tiết niệu bao gồm các cơ quan sản xuất, lưu trữ và đào thải nước tiểu bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Trong đó, bàng quang và niệu đạo thường bị nhiễm trùng nhất.

Những ai thường mắc phải bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu?

Bệnh có thể xảy ra ở mọi người bất kể tuổi tác và giới tính. Tuy nhiên, nữ giới có tỷ lệ bị bệnh cao hơn nam giới, vì họ có niệu đạo ngắn hơn nên dễ bị nhiễm trùng hơn.

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu là gì?

Các triệu chứng chung của nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm: buồn tiểu thường xuyên, tiểu buốt, tiểu lắt nhắt, không kiểm soát được dòng chảy, nước tiểu đục hoặc có mùi hôi, có mủ hoặc máu trong nước tiểu. Người bệnh, đặc biệt là phụ nữ sẽ cảm thấy đau vùng xương mu. Ngoài ra, tùy vào cơ quan bị nhiễm trùng, các triệu chứng khác nhau sẽ xuất hiện:

  • Nếu thận bị nhiễm trùng, bệnh nhân có thể bị sốt, buồn nôn, nôn mửa, hay run rẩy hoặc đau lưng;
  • Nếu bàng quang bị nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ thấy đau tức (bụng dưới), thường xuyên đi tiểu nhưng tiểu buốt và ra máu;
  • Nếu niệu đạo bị nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ đi tiểu buốt và có dịch tiết ra từ niệu đạo;

Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Hãy liên hệ bác sĩ ngay khi phát hiện các triệu chứng của bệnh lý này

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào kể trên, đặc biệt là tiểu buốt, thì bạn nên khám bác sĩ. Bạn cũng có thể thắc mắc viêm đường tiết niệu nên uống thuốc gì, tuy nhiên đừng tự ý kê toa cho chính mình. Hãy gọi bác sĩ nếu bạn vẫn còn sốt sau khi dùng kháng sinh được 48 giờ hay các triệu chứng xuất hiện trở lại sau khi uống thuốc xong.

Nguyên nhân nhiễm trùng đường tiết niệu là gì?

Nguyên nhân phổ biến nhất là do vi khuẩn Escherichia coli (E.coli) được tìm thấy ở trong ruột, dù bệnh vẫn có thể gây ra do một số loại vi khuẩn khác. Khuẩn E.coli khi ở trên da hoặc gần hậu môn có thể vào trong đường tiết niệu và di chuyển lên trên các bộ phận khác. Ở phụ nữ, vì đường tiểu và hậu môn gần nhau hơn ở nam, nên nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu sẽ cao hơn.

Vi khuẩn có khả năng đi vào trong đường tiết niệu qua các ống thông dùng trong điều trị y khoa hoặc khi sỏi hoặc các dị tật bẩm sinh làm tắc nghẽn đường tiểu hoặc sau khi quan hệ tình dục.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu cũng có thể xảy ra do nhiễm trùng từ nơi khác đến thận. Nhiễm trùng đường tiết niệu thường không lây nhiễm, nhưng quan hệ tình dục khi đang bị nhiễm trùng có thể gây đau và nên được tránh.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng đường tiết niệu là do nhiễm khuẩn, thường là do vi khuẩn Escherichia coli.

Tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ có thể xảy ra do quan hệ tình dục. Tuy nhiên, các cô gái không quan hệ tình dục vẫn có thể bị nhiễm trùng đường tiểu vì khu vực bộ phận sinh dục nữ là nơi các vi khuẩn rất dễ phát triển.

Ngoài nhiễm trùng, vẫn có một số các nguyên nhân khác có thể khiến cho đường tiết niệu bị viêm bao gồm:

  • Một số loại thuốc, đặc biệt là các loại thuốc hóa trị như cyclophosphamide và ifosfamide;
  • Xạ trị ở khu vực xương chậu;
  • Đặt ống thông cơ thể trong một thời gian dài;
  • Chất hóa học: một số chất hóa học trong các sản phẩm như xà phòng tạo bọt, thuốc xịt vệ sinh phụ nữ,… có thể gây dị ứng ở một số người. Tình trạng dị ứng này có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu;
  • Do biến chứng của một số bệnh khác như tiểu đường, sỏi thận, u xơ tuyến tiền liệt,…

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu?

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu, bao gồm:

  • Giới tính: niệu đạo nữ ngắn hơn nam nên con đường vi khuẩn đến bàng quang ngắn hơn, khiến nữ dễ bệnh hơn nam;
  • Hoạt động tình dục không an toàn;
  • Sử dụng các biện pháp tránh thai: phụ nữ sử dụng màng ngăn hoặc thuốc diệt tinh trùng có khả năng mắc bệnh cao hơn;
  • Đã mãn kinh: sau mãn kinh, sự thiếu hụt estrogen gây thay đổi đường tiết niệu, làm bạn dễ nhạy cảm với nhiễm trùng hơn;
  • Bất thường đường tiết niệu: trẻ sơ sinh có dị tật đường tiết niệu làm cho nước tiểu không thải ra ngoài như bình thường được hoặc làm nước tiểu ứ lại trong niệu đạo có nguy cơ mắc bệnh cao;
  • Bị tắc nghẽn đường tiểu: sỏi hoặc tuyến tiền liệt phì đại có thể làm nước tiểu bị ứ lại trong bàng quang;
  • Bị suy giảm miễn dịch: tiểu đường và các bệnh lý khác gây suy yếu hệ miễn dịch có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu;
  • Đặt ống thông tiểu: gặp ở những người không thể tự đi tiểu được và phải đặt ống thông để rút nước tiểu ra. Đó có thể là những bệnh nhân đang nằm viện, bệnh nhân bị bệnh lý thần kinh không kiểm soát được chức năng tiểu tiện và bệnh nhân bị liệt.

Những phương pháp nào dùng để chữa nhiễm trùng đường tiết niệu?

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Bệnh nhân thường sẽ dùng kháng sinh trong 3-10 ngày và cần uống nhiều nước để giúp rửa trôi đường tiểu. Ngoài ra, việc uống nước ép trái cây và bổ sung vitamin C để làm tăng axit trong nước tiểu có thể hữu ích, nên tránh các đồ uống có cồn hoặc caffeine.

Bác sĩ sẽ kê thuốc phenazopyridine để giảm đau khi tiểu. Loại thuốc này sẽ làm đổi màu nước tiểu. Các thuốc giảm đau như acetaminophen, ibuprofen cũng được dùng nếu cần. Bệnh nhân có thể ngồi ngâm trong nước ấm để làm dịu cơn khó chịu. Hãy nghỉ ngơi đầy đủ cho đến khi hết sốt và đau.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu?

Xét nghiệm nước tiểu (tổng phân tích nước tiểu) sẽ được tiến hành. Mẫu nước tiểu phải là nước tiểu không bị ngoại nhiễm. Để lấy mẫu nước tiểu này, bệnh nhân cần lấy nước tiểu giữa dòng. Phân tích nước tiểu đôi khi được kèm với cấy nước tiểu – một xét nghiệm dùng mẫu nước tiểu để nuôi cấy vi khuẩn trong phòng thí nghiệm. Xét nghiệm này sẽ cho bác sĩ biết được loại vi khuẩn nào gây nhiễm trùng đường tiết niệu và xác định loại thuốc kháng sinh hiệu quả nhất.

Nếu bác sĩ nghi ngờ có bất thường ở đường tiết niệu khiến bệnh tái phát, bạn sẽ được siêu âm hoặc chụp CT để có hình ảnh rõ ràng hơn. Trong một số tình huống, bác sĩ có thể dùng thuốc cản quang để làm rõ cấu trúc đường tiết niệu. Một xét nghiệm khác là chụp cản quang đài-bể thận bằng tia X cùng chất cản quang để thu được hình ảnh. Trước đây, những xét nghiệm này thường được sử dụng để ghi hình ảnh đường tiết niệu, nhưng chúng đang dần được thay thế bằng siêu âm hoặc CT.

Nếu bạn bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, bác sĩ có thể sử dụng một ống dài, mỏng có đèn soi để quan sát bên trong niệu đạo và bàng quang. Đèn soi được đưa vào niệu đạo và luồn tới bàng quang.

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu?

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể được hạn chế nếu bạn:

  • Uống 6-8 cốc nước mỗi ngày. Nước lọc và nước ép giúp lọc đường tiết niệu và hỗ trợ điều trị;
  • Vệ sinh sạch sẽ. Phụ nữ sau khi vệ sinh nên lau chùi từ trước ra sau. Tránh thụt rửa và xịt nước sâu vào âm đạo. Nên tắm vòi sen hơn là tắm bồn. Mặc quần lót làm từ cotton và tránh các loại quần chật;
  • Giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Phụ nữ nên đi tiểu và vệ sinh sạch trước và sau khi quan hệ tình dục. Tránh đặt màng ngăn tinh trùng hoặc dùng thuốc diệt tinh trùng;
  • Nên tiểu thường xuyên và làm rỗng bàng quang hoàn toàn;
  • Báo cho bác sĩ biết nếu bạn đang uống thuốc tránh thai. Một số loại kháng sinh có thể tương tác với thuốc tránh thai.

Dùng thuốc kháng sinh cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn. Nếu bạn hay bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh cho bạn để phòng ngừa bệnh.

Nhiễm trùng đường tiểu ở nữ giới

Các thói quen vệ sinh đúng khi tiêu tiểu hoặc quan hệ tình dục là biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa nhiễm trùng tiểu ở phụ nữ. Còn đối với nam giới, nếu có nhiễm trùng tiểu xảy ra, bạn nên đến khám bác sĩ sớm vì bệnh thường do nguyên nhân bất thường đường tiểu như sỏi thận hoặc phì đại tiền liệt tuyến gây ra.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về bệnh lý như nhiễm trùng đường tiểu uống thuốc gì?, nhiễm trùng đường tiết niệu điều trị ra sao?,… hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị kịp thời. Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Hãy chủ động quan tâm đến sức khỏe của bản thân và gia đình thông qua việc thăm khám, điều trị và sở hữu loại bảo hiểm sức khỏe phù hợp với nhu cầu.

Pacific Cross Việt Nam cung cấp các chương trình bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm du lịch phù hợp với từng yêu cầu và ngân sách của khách hàng. Cho dù là chương trình bảo hiểm cho cá nhân bạn, cho gia đình bạn hoặc doanh nghiệp của bạn, chúng tôi ở đây để đảm bảo rằng bạn nhận được sản phẩm bảo hiểm tốt nhất.

Nếu bạn chưa chắc chắn về chương trình bảo hiểm nào phù hợp với nhu cầu của mình, hãy sử dụng Chương trình Lựa Chọn Bảo Hiểm của chúng tôi hoặc liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí qua email: .

Nguồn tham khảo

  • Ferri, Fred. Ferri’s Netter Patient Advisor. Philadelphia, PA: Saunders / Elsevier, 2012. Bản tải về
  • Porter, R. S., Kaplan, J. L., Homeier, B. P., & Albert, R. K. (2009). The Merck manual home health handbook. Whitehouse Station, NJ, Merck Research Laboratories. Trang 303
  • Cystitis – Prevention. //www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cystitis/basics/prevention/con-20024076. Ngày truy cập 15/09/2015
  • Cystitis – Risk factors. //www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cystitis/basics/risk-factors/con-20024076. Ngày truy cập 15/09/2015
  • Ngày đăng: Tháng Chín 16, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Chín 16, 2017

Video liên quan

Chủ đề