Những bài hát thay thế hàng đầu năm 2005 năm 2022

 Tân Nhàn sinh ra và lớn lên ở xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. “Tuổi thơ của em đẹp nhưng dữ dội như một bản Sonat” - Lời nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng thốt lên khi nghe cô ca sỹ sinh năm 1982 này dốc bầu tâm sự, gợi cảm hứng cho anh sáng tác ca khúc “Quê mẹ” mà cô đặt hàng đã thâu tóm khá toàn diện khung trời kí ức tuổi thơ nghèo khó và đượm buồn của cô. Và rồi mỗi lần hát “Quê mẹ” mắt Tân Nhàn lại rưng rưng lệ bởi nó như những thước phim tái hiện quá khứ: “Quê hương xưa hoài niệm, tuổi thơ thơm ngọt, ruộng đồng bát ngát, nắng lấp loáng chiều vàng mênh mang chân trời, ta lưng trâu về nghe xa lời mẹ gọi, đơn sơ mái tranh nghèo cò thương con dại, lặn lội phương xa, vách núi gió ùa về, đêm co ro ngồi nghe mưa đông lạnh thương ai mong ai. Phận đời nào trôi cơ cực nhiều lam lũ gió sương, nơi quê xưa nghèo lắm, đêm năm canh mòn mỏi”… Chưa một lần Tân Nhàn phủ nhận thời thơ ấu bởi dù buồn hay vui đó cũng là một phần trong cuộc sống, đã cho cô những trải nghiệm quý giá.

          Mẹ là công nhân nhà máy gạch, công việc bận rộn, lại phải làm ca nên ngày bé Tân Nhàn thường lủi thủi ở nhà một mình. Ngoài người bạn thân thiết là chiếc đài catset cũ kỹ có chương trình “Dân ca và nhạc cổ truyền”  Tân Nhàn thích thú nhất, cô còn có thói quen lắng nghe những lời ru con, ru cháu vọng sang từ bên nhà hàng xóm. Và cứ thế, âm nhạc dần thấm vào tâm hồn khiến cô bé Tân Nhàn đam mê.

          18 tuổi, rời quê lên Hà Nội, được sự định hướng và giúp đỡ của người chị họ là ca sĩ Lan Anh, Tân Nhàn lựa chọn theo đuổi dòng nhạc dân gian. Với Nhàn, đó không chỉ là những ca từ hay, những giai điệu sâu lắng mà còn là hồn dân tộc. Giải nhất Sao Mai điểm hẹn năm 2005 là dấu mốc đáng nhớ trên con đường nghệ thuật của Tân Nhàn bởi nó đưa tên tuổi cô đến gần hơn với công chúng. Nhưng không thể phủ nhận những cố gắng, nỗ lực của Tân Nhàn. Sau khi tốt nghiệp cao học chuyên ngành nhạc thính phòng cổ điển, Tân Nhàn hiện là giảng viên Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Cô cũng là ca sỹ thể hiện thành công nhiều ca khúc trữ tình như: “Tình ta biển bạc đồng xanh”, “Trăng khuyết”, “Xa khơi”, “Người ơi hãy về”... Chia sẻ lý do gắn bó với dòng nhạc dân gian, Tân Nhàn cho biết: “Sinh ra và lớn lên bên lũy tre làng, nơi có cây đa, giếng nước, sân đình, cánh cò, đồng lúa…. nơi hội tụ tất cả những giá trị mang hồn Việt. Hình ảnh quê hương luôn ẩn hiện trong lòng nên từ nhỏ tôi đã yêu thích các làn điệu dân ca và những ca khúc mang âm hưởng dân gian đó gắn bó với tôi đến tận bây giờ”. Chính bởi tình yêu tha thiết đó, Tân Nhàn thường xuyên về quê hương biểu diễn và bài hát cô tâm đắc nhất là một sáng tác mang tựa đề “Hà Nam quê hương tôi”. Nhàn chia sẻ rằng mỗi lần thể hiện giai điệu ngọt ngào ấy, đặc biệt là khi trình diễn trong các chương trình được tổ chức tại quê nhà lại như một lần cô nói với chính lòng mình: “Khi tôi hát về quê hương. Là dòng sông uốn quanh đôi bờ. Là hàng tre xanh mát tuổi thơ. Là hàng cau sân nhà em hương thơm vào nỗi nhớ. Con sông tắm mát tuổi thơ tôi. Câu thơ của mẹ ru hời. Đã dạy tôi khôn lớn nên người. Đã cùng tôi năm tháng buồn vui. Mãi trong tôi một trời tuổi thơ. Hà Nam quê hương ơi. Nơi có dòng Châu Giang, nơi có ngọn núi Đọi. Và những người con đã rạng danh quê hương đất nước. Hà Nam quê hương ơi! Dù đi bốn phương trời. Qua bao rừng bao núi. Tôi vẫn thầm mơ quê hương mình thương quá. Hà Nam ơi!”.

          Được coi là thế hệ kế tục triển vọng của những nghệ sĩ thành danh ở dòng nhạc chính thống như: Nghệ sỹ nhân dân Thu Hiền, Nghệ sỹ nhân dân Thanh Hoa, ca sỹ Anh Thơ, Lan Anh… nhưng Tân Nhàn không an phận. Anbum “Yếm đào xuống phố” phát hành gồm 7 bài hát vốn là những làn điệu chèo cổ được thể hiện trên nền nhạc Jazz là bước đột phát trong sáng tạo của Tân Nhàn. Trải qua hơn 2 năm kể từ lúc “thai nghén” ý tưởng, thu âm với sự cộng tác đắc lực của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng - tác giả của những tác phẩm khí nhạc, thanh nhạc kết hợp tài tình giữa các yếu tố của âm nhạc dân gian Việt Nam với âm nhạc đương đại của thế giới, anbum của Tân Nhàn phát hành được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Trong chương trình “Bài hát yêu thích tháng 10” năm 2015 do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức, ca khúc “Đào liễu” do Tân Nhàn thể hiện đã được giới chuyên môn đánh giá cao. Nhạc sỹ Nguyễn Cường thốt lên: “Tân Nhàn đã theo đuổi dòng nhạc dân gian trong thời gian khá dài. Nhưng đây là thành công đánh dấu bước tiến mới”. Còn nghệ sỹ Chiều Xuân thì thừa nhận rất ấn tượng với phần thể hiện của Tân Nhàn: “Tân Nhàn hát trên sân khấu với bộ phục trang không phải là yếm như các cô đào liễu nhưng vẫn khiến khán giả cảm thấy điều gì đó sục sôi, đẹp đẽ, quyến rũ lòng người. Chất giọng đẹp đến thế, hay đến thế, Tân Nhàn mang điệu chèo lên sân khấu đã làm sân khấu sáng lên, làm lòng người say đắm”. “Đào liễu” được coi là điểm nhấn hấp dẫn và nhiều tuần liên tiếp đứng thứ hạng cao trong bảng xếp hạng những ca khúc được bình chọn nhiều của “Bài hát yêu thích”. Tân Nhàn chia sẻ rằng động lực làm anbum này xuất phát từ tình yêu lớn lao cô dành cho âm nhạc truyền thống nên tha thiết muốn kéo khán giả trẻ về với âm nhạc truyền thống, mà cụ thể là chèo. Không thể hát chèo như một nghệ sỹ chuyên nghiệp nên Nhàn tìm tòi lối thể hiện mới: kết hợp kỹ thuật giả thanh của hát opera với giai điệu chèo cổ. Đây là một thử nghiệm táo bạo bởi chèo là thể loại âm nhạc truyền thống, còn Jazz  lại hiện đại nên kết hợp với nhau sao cho hài hòa rất khó. Tân Nhàn đã dày công tìm đến các nghệ nhân dân gian, các nghệ sỹ chèo nổi tiếng để nghe, thấm, ngấm rồi mô phỏng lại 80 đến 90% giai điệu chuẩn của chèo cổ trên nền nhạc Jazz được phối khí mới lạ tạo thành bản hòa tấu. Sự cổ vũ, khích lệ của các ca sĩ đàn anh, đàn chị được Tân Nhàn cho nghe thử bản đề mô đã tạo cho cô niềm tin để tiếp tục với những cách tân thú vị. Những làn điệu như: “Đường trường phải chiều”, “Đào liễu”, “Mục hạ vô nhân”, “Xẩm nhị tình”… phần hòa âm không sử dụng nhạc cụ đệm truyền thống của chèo (đàn tranh, bộ gõ, sáo, nhị…) mà thay thế bằng các nhạc cụ phương tây hiện đại (trống, piano, bass…) nhưng thật độc đáo, cuốn hút và không hề “làm biến dạng” chèo dân gian mà đem đến cho người nghe sự đa âm sắc rất lý thú bởi phần hát chỉ tựa một loại nhạc cụ trong bản hòa tấu tổng thể của Jazz - thể loại đang được giới trẻ yêu thích.

          Tân Nhàn luôn tin vào sức sống mãnh liệt của âm nhạc truyền thống trong sự phát triển của xã hội. Tuy không phải là người khởi xướng xu hướng kết hợp giữa âm nhạc dân gian Việt Nam với âm nhạc thế giới đương đại (trước cô, nhạc sỹ Quốc Trung, Nguyên Lê từng thử nghiệm) nhưng nỗ lực của Tân Nhàn đã góp phần khẳng định một làn sóng âm nhạc Việt mới, bắt nguồn từ truyền thống.