Nhượng quyền mua bán hàng hoá là gì

Nghĩa vụ của các chủ thể

- Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên uỷ thác có các nghĩa vụ sau đây:

1. Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;

2. Trả thù lao uỷ thác và các chi phí hợp lý khác cho bên nhận ủy thác;

3. Giao tiền, giao hàng theo đúng thoả thuận;

4. Liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp bên nhận uỷ thác vi phạm pháp luật mà nguyên nhân do bên uỷ thác gây ra hoặc do các bên cố ý làm trái pháp luật.

- Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên nhận uỷ thác có các nghĩa vụ sau đây:

1. Thực hiện mua bán hàng hoá theo thỏa thuận;

2. Thông báo cho bên uỷ thác về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;

3. Thực hiện các chỉ dẫn của bên uỷ thác phù hợp với thoả thuận;

4. Bảo quản tài sản, tài liệu được giao để thực hiện hợp đồng uỷ thác;

5. Giữ bí mật về những thông tin có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;

6. Giao tiền, giao hàng theo đúng thoả thuận;

7. Liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của bên ủy thác, nếu nguyên nhân của hành vi vi phạm pháp luật đó có một phần do lỗi của mình gây ra.

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhượng quyền có các nghĩa vụ sau đây:

1. Cung cấp tài liệu hướng dẫn về hệ thống nhượng quyền thương mại cho bên nhận quyền;

2. Đào tạo ban đầu và cung cấp trợ giúp kỹ thuật thường xuyên cho thương nhân nhận quyền để điều hành hoạt động theo đúng hệ thống nhượng quyền thương mại;

3. Thiết kế và sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng chi phí của thương nhân nhận quyền;

4. Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được ghi trong hợp đồng nhượng quyền;

5. Đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền trong hệ thống nhượng quyền thương mại.

- Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền có các nghĩa vụ sau đây:

1. Trả tiền nhượng quyền và các khoản thanh toán khác theo hợp đồng nhượng quyền thương mại;

2. Đầu tư đủ cơ sở vật chất, nguồn tài chính và nhân lực để tiếp nhận các quyền và bí quyết kinh doanh mà bên nhượng quyền chuyển giao;

3. Chấp nhận sự kiểm soát, giám sát và hướng dẫn của bên nhượng quyền; tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ của thương nhân nhượng quyền;

4. Giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại kết thúc hoặc chấm dứt;

5. Ngừng sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và các quyền sở hữu trí tuệ khác (nếu có) hoặc hệ thống của bên nhượng quyền khi kết thúc hoặc chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại;

6. Điều hành hoạt động phù hợp với hệ thống nhượng quyền thương mại;

7. Không được nhượng quyền lại trong trường hợp không có sự chấp thuận của bên nhượng quyền.

Mục lục bài viết

  • 1. Khái niệm hoạt động nhượng quyền thương mại
  • 2. Đặc điểm pháp lý của nhượng quyền thương mại
  • 3. Các hình thức nhượng quyền thương mại

Trả lời:

1. Khái niệm hoạt động nhượng quyền thương mại

- Khái niệm nhượng quyền thương mại dưới góc độ kinh tế

Nhìn nhận dưới góc độ kinh tế, nhượng quyền thương mại là một hoạt động thương mại nhằm mở rộng hệ thống kinh doanh, phân phối hàng hoá, dịch vụ của các thương nhân thông qua yiệc chia sẻ quyền kinh doanh trên một thương hiệu, bí quyết kinh doanh cho một thương nhân khác. Hoạt động này được tạo lập bởi ít nhất là hai bên chủ thể: bên nhượng quyền - là bên có quyền sở hữu đối với “quyền thương mại” và bện nhận quyền - là bên độc lập, muốn kinh doanh bằng “quyền kinh doanh”, hay còn gọi là “quyền thương mại” của bên nhượng quyền. Các bên thỏa thuận: bên nhượng quyền trao cho bên nhận “quyền kinh doanh” bao gồm quyền sử dụng mô hình, kĩ thuật kinh doanh sản phẩm, dịch vụ dưới tên thương mại hoặc nhãn hiệu hàng hoá của minh và nhận lại một khoản phí hay phần trăm doanh thu trong một khoảng thời gian nhất định; bên nhận quyền sử dụng “quyền kinh doanh” của bên nhượng quyền để tiến hành hoạt động kinh doanh nhưng phải chấp nhận tuân thủ một số điều kiện mà bên nhượng quyền đưa ra. Như vậy, dưới góc độ kinh tế, bản thân nhượng quyền thương mại không phải là một cơ sở kinh doanh mà là một cách thức kinh doanh. Thông qua cách thức kinh doanh này, bên nhượng quyền và bên nhận quyền đều hướng tới những khoản doanh thu trực tiếp do các hoạt động thương mại tương đối độc lập đem lại.

Có thể khẳng định, dưới góc độ kinh tế, hoạt động nhượng quyền thương mại chính là một cách thức kinh doanh thu lợi nhuận nhưng cũng chính là một cơ hội đầu tư xúc tiến thương mại hoặc một cơ hội nhằm hạn chế rủi ro trong những hoạt động kinh doanh độc lập của các bên nhận quyền và nhượng quyền thương mại.

- Khái niệm nhượng quyền thương mại dưới góc độ pháp lý

Dưới góc độ pháp lý, một trong những khái niệm sớm nhất về hoạt động thương mại này chính là một phần đặc biệt trong một phán quyết của Toà án phúc thẩm Paris ngày 20/4/1978. Theo đó, nhượng quyền thương mại được định nghĩa như:

(i) Một phương pháp hợp tác giữa hai hoặc nhiều doanh nghiệp, một bên là bên nhượng quyền, bên kia là bên được nhượng quyền, trong đó, bên nhượng quyền - chủ sở hữu của tên thương mại hoặc tên pháp lý quen thuộc, các ký hiệu, các biểu tượng, nhãn hiệu hàng hoá, nhắn hiệu thương mại hoặc nhãn hiệu dịch vụ, một bí quyết đặc biệt, (ii) trao cho người khác quyền sử dụng một tập hợp các sản phẩm, dịch vụ nguyên gốc hoặc đặc biệt, để độc quyền khai thác chúng một cách bắt buộc và hoàn toàn theo cách thức thương mại đã được thử nghiệm, được chỉnh sửa và hoàn thiện định kì, để có được ảnh hưởng tốt nhất đối với thị trường và để đạt được sự phát triển tăng tốc của hoạt động thương mại của doanh nghiệp liên quan, để (iii) đổi lấy tiền bản quyền hoặc một lợi thế; theo hợp đồng, có thể (iv) có sự hỗ trợ về sản xuất, thương mại hoặc tài chính, để bên được nhượng quyền hội nhập vào hoạt động thương mại của bên nhượng quyền và bên nhượng quyền có thể tiến hành một số kiểm soát đối với bên được nhượng quyền về việc thực hiện một phương pháp độc đáo hoặc một bí quyết đặc biệt để duy trì hình ảnh của nhãn hiệu dịch vụ hoặc sản phẩm bán ra và phát triển khách hàng với giá rẻ nhất, với khả năng sinh lợi lớn nhất của cả hai bên, theo đó, (v) hai bên vẫn độc lập hoàn toàn về mặt pháp luật.

Khái niệm này đã miêu tả khá chi tiết các đặc điểm cơ bản, đồng thời cũng xác định quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên chủ thể trong quan hệ nhượng quyền thương mại. Theo Bộ Quy chế của châu Âu về nhượng quyền thương mại do Hiệp hội châu Âu về nhượng quyền thương mại ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/01/1992, hoạt động này được gọi bằng một tên khác: chuyển nhượng quyền sử dụng thương hiệu và được định nghĩa như sau:

“Chuyển nhượng quyền sử dụng thương hiệu được định nghĩa là một hệ thong thương mại hoá các sản phẩm và/hoặc các dịch vụ và/hoặc các công nghệ, được xây dựng dựa trên mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và liên tục về pháp lý và tài chính giữa các doanh nghiệp khác nhau và hoạt động độc lập với nhau, giữa một bên là người chuyển nhượng quyền sử dụng thương hiệu và một bên là những người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng thương hiệu, trong đó, người chuyển nhượng quyền sử dụng thương hiệu chấp nhận cho những người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng thương hiệu quyền và nghĩa vụ khai thác kinh doanh đối tượng chuyển nhượng của người chuyển nhượng quyền sử dụng thương hiệu”.

Như vậy, về bản chất, hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng thương hiệu được nói đến trong khái niệm này có cùng bản chất với hoạt động nhượng quyền thương mại mà Toà án Paris đã đề cập đến trong phán quyết của mình.

Một khái niệm khác về nhượng quyền thương mại đã được đưa ra bởi Hiệp hội Nhượng quyền thương mại Quốc tế (The Intemational Franchise Association), theo đó, nhượng quyền thương mại là mối quan hệ theo hợp đồng, giữa bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng, trong đó, bên chuyển nhượng đề xuất hoặc phải duy trì sự quan tâm liên tục tới doanh nghiệp của bên nhận trên các khía cạnh như: bí quyết kinh doanh, đào tạo nhân viên; bên nhận chuyển nhượng hoạt động dưới nhãn hiệu hàng hoá, phương thức, phương pháp kinh doanh do bên chuyển nhượng sở hữu hoặc kiểm soát và bên nhận chuyển nhượng đang hoặc sẽ đầu tư đáng kể vốn vào doanh nghiệp bằng các nguồn lực của minh.

Như vậy, xét dưới cả góc độ kinh tế và góc độ pháp lý, với những đặc điểm đã phân tích, có thể xây dựng được một khái niệm cơ bản về hoạt động nhượng quyền thương mại với tư cách là một hoạt động thương mại đặc thù. Nhượng quyền thương mại được hiểu là một hoạt động thương mại được xây dựng nên bởi ít nhất hai bên, bên nhượng quyền thương mại và bên nhận quyền thương mại trong đó, bên nhượng quyền thương mại cho phép bên nhận quyền thương mại sử dụng một “gói” các quyền thương mại của mình mà chủ yếu là các quyền liên quan đến đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ để tiến hành kinh doanh với một tư cách pháp lý độc lập. Đổi lại, bên nhận quyền phải trả phí nhượng quyền cho bên nhượng quyền thương mại, phí này có thể bao gồm phí nhượng quyền ban đầu và phí nhượng quyền trả định kì dựa trên doanh thu hàng tháng, hàng năm của bên nhận quyền thương mại. Ngoài ra, bên nhượng quyền thương mại có thể ràng buộc bên nhận quyền thương mại bởi các thỏa thuận nhằm duy trì tính hệ thống hóặc để kiểm soát hoạt động của bên nhận quyền thương mại trên cơ sở có hỗ trợ về mặt kĩ thuật và đào tạo nhân lực cũng như một số cơ sở vật chất cần thiết cho bên nhận quyền thương mại.

2. Đặc điểm pháp lý của nhượng quyền thương mại

Có thể nói, cho dù nhượng quyền thương mại được nhìn nhận dưới góc độ nào và ở những noi khác nhau, hoạt động này được gọi bằng những cái tên không giống nhau, nhưng về bản chất, nhượng quyền thương mại luôn được xác định với những đặc trưng cơ bản không thể khác, ít nhất là trong các vấn đề nổi bật sau đây:

Một là, trong quan hệ nhượng quyền thương mại, tính chất độc lập của các bên nhượng quyền và nhận quyền được thể hiện rõ nét. Mặc dù, có sự hỗ trợ và kiểm soát qua lại giữa các bên nhưng tư cách pháp lý và trách nhiệm tài chính của các bên luôn độc lập với nhau.

Hai là, có sự thống nhất, đồng bộ về mặt hình thức biểu hiện trong cách thức tiến hành hoạt động thương mại của bên nhượng quyền và bên nhận quyền, hay rộng hơn, trong cả hệ thống nhượng quyền. Đây là đặc điểm không thể thiếu ở quan hệ nhượng quyền thương mại. Sự thống nhất này có được và được quy định bởi tính chất đặc biệt của quan hệ nhượng quyền thương mại.

Ba là, hoạt động nhượng quyền thương mại chính là sự kết hợp của nhiều hoạt động thương mại khác nhau như: li-xăng, chuyển giao công nghệ; đại lý ... Thông thường, những hoạt động thương mại này có thể được các thương nhân thực hiện độc lập, tuy nhĩên, trong hoạt động nhượng quyền thương mại, không thể tìm thấy sự độc lập này. Vì vậy, có thể coi hợp đồng nhượng quyền thương mại là một “búi” các hợp đồng không thể tách rời, thể hiện tính chất của các loại hợp đồng li-xăng, chuyển giao công nghệ và đại lý. Đây chính là điểm đặc biệt của hoạt động nhượng quyền thương mại trong tương quan so sánh với các loại hợp đồng thương mại cùng loại khác.

Bốn là, về chủ thể, bên nhượng quyền bắt buộc phải có một hệ thống, cơ sở kinh doanh có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Hệ thống kinh doanh này phải có sự trải nghiệm thị trường đủ để tạo ra một giá trị “quyền thương mại” hợp lý và tạo niềm tin cho bên nhận quyền. Mặt khác, dưới góc độ pháp luật, để đáp ứng yêu cầu của pháp luật, bên nhận quyền là một doanh nghiệp độc lập về mặt pháp lý, tài chính và đầu tư, đồng thời chấp nhận rủi ro đối với vốn bỏ ra để thực hiện việc tham gia vào hệ thống nhượng quyền của bên nhượng quyền. Rất nhiều nước trên thế giới, khi quy định về điều kiện để trở thành các bên của một quan hệ nhượng quyền thương mại, đều nêu cao tiêu chí yêu cầu cả bên nhận quyền và bên nhượng quyền phải có tư cách thương nhân. Tiêu chí này chứng tỏ nhượng quyền thương mại là một hoạt động đặc trưng của thương mại, vì vậy, hầu như hoạt động này chỉ dành riêng cho các thương nhân.

Năm là, về đối tượng của hoạt động nhượng quyền thương mại, nội dung của khái niệm “quyền thương mại” cũng phát triển rất phong phú, bao gồm: hàng tiêu dùng; công việc kinh doanh; dịch vụ; dịch vụ chuyên môn; dịch vụ đặc biệt (thuộc Chính phủ); các phương thức kinh doanh. “Quyền thương mại” trong hoạt động nhượng quyền thương mại là một khái niệm mở, cho phép các chủ thể của quan hệ nhượng quyền cụ thể hoá từng nội dung bao gồm trong đó. “Quyền thương mại” có thể chỉ đơn giản là bí quyết kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu hàng hoá, công nghệ sản xuất nhất định hoặc là tổng hợp tất cả những quyền đối với hầu hết các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ để bên nhận quyền có thể sử dụng để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ giống với những sản phẩm hoặc dịch vụ mà bên nhượng quyền tạo ra. Tuy nhiên, tính chất “tổng hợp”, “kết hợp” giữa các quyền đối với các đối tượng của sở hữu trí tuệ là yếu tố không thể thiếu của “quyền thương mại”, giúp cho hoạt động nhượng quyền thương mại có thể được phân biệt một cách tương đối trong tương quan so sánh với những quan hệ thương mại tương tự khác.

3. Các hình thức nhượng quyền thương mại

Pháp luật nhượng quyền thương mại Việt Nam hiện hành không quy định trực tiếp việc phân loại các hình thức nhượng quyền thương mại. Mặc dù vậy, vẫn có thể tìm thấy những quy định gián tiếp hướng tới việc phân loại hình thức hoạt động nhượng quyền thương mại. Tại Điều 3 của Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại, khi giải thích các từ ngữ có liên quan đã đề cập đến những tên gọi khác nhau dành cho các chủ thể của các hợp đồng nhượng quyền thương mại với nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể là, điều luật này đã nhắc đến “bên nhận quyền sơ cấp”; “bên nhượng quyền thứ cấp”; “bên nhận quyền thứ cấp” - đó chính là các tên gọi khác nhau của các bên nhượng quyền thương mại và nhận quyền thương mại khi họ tham gia vào các hình thức nhượng quyền thương mại khác nhau như hoạt động nhượng quyền thương mại trực tiếp và hoạt động nhượng quyền thương mại gián tiếp.

Theo điều luật này, “Bên nhượng quyền thứ cấp” là thương nhân có quyền cấp lại quyền thương mại mà mình đã nhận tù Bên nhượng quyền ban đầu cho bên nhận quyền thứ cấp; “Bên nhận quyền sơ cấp” là thương nhân nhận quyền thương mại từ Bên nhượng quyền ban đầu. “Bên nhận quyền sơ cấp” là Bên nhượng quyền thứ cấp trong mối quan hệ với Bên nhận quyền thứ cấp; “Bên nhận quyền thứ cấp” là thương nhân nhận lại quyền thương mại từ Bên nhượng quyền thứ cấp (Khoản 3, 4, 5 Điều 3 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP). Như vậy, một cách gián tiếp, pháp luật về nhượng quyền thương mại của Việt Nam cũng phân chia các hình thức hoạt động nhượng quyền thương mại thành nhượng quyền thương mại trực tiếp và nhượng quyền thương mại gián tiếp, trong đó, điểm khác biệt cơ bản là trong hình thức hoạt động nhượng quyền thương mại gián tiếp, bên nhượng quyền thứ cấp không phải là chủ sở hữu của “quyền thương mại” - đối tượng của hợp đông nhượng quyền thương mại ký với các bên nhận quyền thứ cấp.

Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam có quy định về “quyền thương mại chung”, “hợp đồng phát triển quyền thương mại” và “hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp” - Điều 3 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP. Điều này chứng tỏ pháp luật về nhượng quyền thương mại của Việt Nam hướng tới việc chỉ ra những loại hợp đồng nhượng quyền thương mại với tính chất khác biệt, đó chính là một trong những cách phân chia hình thức hoạt động nhượng quyền thương mại. Theo điều luật này, “Hợp đồng phát triển quyền thương mại” là hợp đồng nhượng quyền thương mại, theo đó bên nhượng quyền cấp cho bên nhận quyền được phép thành lập nhiều hơn một cơ sở của mình để kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại trong phạm vi một khu vực địa lý nhất định; “Quyền thương mại chung” là quyền do Bên nhượng quyền trao cho Bên nhượng quyền thứ cấp được phép cấp lại quyền thương mại cho các Bên nhận quyền thứ cấp. Bên nhận quyền thứ cấp không được phép cấp lại quyền thương mại chung đó nữa; “Hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp” là hợp đồng nhượng quyền thương mại ký giữa Bên nhượng quyền thứ cấp và Bên nhận quyền thứ cấp theo quyền thương mại chung. Như vậy, có thể kết luận, mặc dù hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam không quy định trực tiếp về việc phân loại các hình thức hoạt động nhượng quyền thương mại, nhưng theo tinh thần của Điều 3 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP, ở Việt Nam, cũng có sự tồn tại của việc phân tách các hình thức hoạt động nhượng quyền thương mại khác nhau, ít nhất là sự phân tách giữa hai hình thức hoạt động nhượng quyền thương mại trực tiếp và nhượng quyền thương mại gián tiếp.

Tuy nhiên, so với cách thức phân loại theo quy định của một số quốc gia trên thế giới cũng như quy ước của các thương nhân trong quá trình thực tiễn thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại, sự phân loại gián tiếp như trên của pháp luật Việt Nam vẫn còn chưa đủ để có thể giải quyết được những sự kiện pháp lý, hậu quả pháp lý có thể nảy sinh khi các thương nhân lựa chọn các hình thức nhượng quyền thương mại khác nhau để tiến hành hoạt động nhượng quyền thương mại.

Luật Minh KHuê (sưu tầm & biên tập)