Nơi làm việc của vua gọi là gì

Nằm trên trục chính của hệ thống Hoàng cung Huế và tọa lạc bên trong Tử Cấm Thành, điện Cần Chánh giữ một vai trò rất quan trọng trong sinh hoạt của triều đình và hoàng gia nhà Nguyễn.

Đây là nơi vua làm việc văn phòng hàng ngày, và những khi nhiều việc thì làm cả ban đêm nữa. Ngoài ra, điện Cần Chánh cũng đã được dùng vào một số công việc khác, chẳng hạn như:

  • Tổ chức lễ Thường triều mỗi tháng 4 lần vào các ngày 5, 10, 20, 25 âm lịch (Lễ Đại triều thì tổ chức ở điện Thái Hòa).
  • Vua tiếp kiến sứ bộ ngoại quốc, các thành viên trong hoàng tộc hoặc các đại thần đến chiêm bái, bái mạng.
  • Nơi diễn ra các buổi yến tiệc và ca múa trong những dịp vui mừng (khánh hỷ) mang tính quốc gia và hoàng gia.

Tuy Tử Cấm Thành là khu vực dành riêng cho các sinh hoạt mang tính “thâm cung” hoặc “nội đình” của hoàng gia, nhưng trên thực tế, điện Cần Chánh chưa phải là nơi cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Nó vẫn còn là nơi sinh hoạt chung giữa vua và một số thành phần quan trọng khác ngoài hoàng gia ở một mức độ có giới hạn. Bưc bình phong dài ngăn sau điện Cần Chánh mới thực sự là chỉ giới ngăn cách sinh hoạt giữa triều đình và gia đình nhà vua.

Điện Cần Chánh là một trong những công trình kiến trúc xuất hiện sớm nhất ở Hoàng cung Huế. Ngôi điện này đã được xây dựng từ tháng 4 – 1804 đến tháng 3 -1805. Sau đó, nó đã được trùng tu nhiều lần, vào các năm 1811, 1827, 1831, 1850… điện Cần Chánh không nằm đơn lẻ, chung quanh nó còn có một số công trình kiến trúc phối thuộc.

Trước mặt điện Cần Chánh là Đại Cung Môn, cửa chính của Tử Cấm Thành. Đại Cung Môn là một công trình kiến trúc bằng gỗ có 5 gian, lợp ngói ống hoàng lưu ly, bên trong trổ ra 3 cửa vòm làm 3 lối đi: lối chính giữa dành cho vua, 2 lối 2 bên dành cho đình thần và các thành phần khác trong đoàn Ngự đạo. Giữa Đại Cung Môn và điện Cần Chánh là một cái sân rộng lát gạch Bát Tràng, chỉ có đường Dũng đạo (đường dành riêng cho vua đi) nằm ở trục chính là lót đá Thanh. Ngày xưa, cái sân này được gọi là sân Thường triều hoặc là sân Bái mạng. Hai bên đường Dũng đạo, đặt 2 cái vạc đồng rất lớn đúc vào những năm 1660 và 1662 thời chúa Nguyễn Phúc Tần. Gần 2 rìa sân là 2 dãy “phẩm sơn” bằng đá Thanh ghi rõ phẩm trật để các quan nhìn vào đó mà sắp hàng khu đứng dự lễ. Ở 4 góc sân trồng 4 cây ngô đồng, biểu tượng của sự thái bình. Hai bên sân là 2 nhà phục vụ của điện Cần Chánh, gọi là nhà Tả Vu và nhà Hữu Vu. Mỗi nhà 5 gian 2 chái, được dùng vào các công việc khác nhau tùy theo từng giai đoạn lịch sử, nhưng đều liên quan đến những sinh hoạt của vua. Bốn dực lang có mái che nối Đại Cung Môn với Tả Vu, Hữu Vu và nối 2 nhà này với điện Cần Chánh. Mái của 4 dực lang và Tả Hữu Vu đều lợp bằng ngói ống thanh lưu ly. Ở xa xa 2 bên điện Cần Chánh còn có 2 ngôi điện tương đối nhỏ với mặt bằng hình vuông, cũng lợp ngói thành lưu ly. Đó là điện Văn Minh và điện Võ Hiển, nơi vua họp bàn với các triều thần cao cấp về việc văn và việc võ.

Riêng điện Cần Chánh là tòa nhà lớn nhất trong khu vực này. Nó được thiết kế theo kiến trúc đặc biệt của loại cung điện Huế: trùng lương trùng thiềm. Chính doanh (nhà sau) có 5 gian 2 chái kép và tiền doanh có 7 gian 2 chái đơn; nối lại với nhau bằng trần thừa lưu. Mái điện lợp ngoái hoàng lưu ly. Cuối các bờ nóc và bờ quyết đắp hình hồi long (rồng quay đầu lại). Giữa bờ nóc là bình thiên hồ bằng pháp lam, có 2 con rồng ở 2 bên chầu vào.

Nền điện cao 0.97m, vỉa ốp bằng đá Thanh, mặt trước trổ 3 bậc thềm để lên xuống, mỗi bậc thềm có 5 bậc cấp, cũng xây bằng đá Thanh. Bộ vì kèo chồng rường giả thủ ở tiền doanh được chạm trổ rất tỉ mỉ và công phu. Các liên ba thành vọng đều được được chia ra thành ô hộc và trang trí theo lối nhất thi nhất họa.

Trong lần trùng tu điện Cần Chánh vào năm 1899 dưới thời Thành Thái, nền điện bằng gạch Bát Tràng được thay thế bằng gạch hoa; và trong lần trùng tu vào năm 1923 dưới tời Khải Định, bộ sườn bằng gỗ của ngôi điện này đã được sơn son thếp vàng một cách lộng lẫy.

Với quy mô to lớn gần bằng điện Thái Hòa, điện Cần Chánh là một công trình kiến trúc đẹp tuyệt với. Nội ngoại thất của nó đều được trang trí vô cùng hoàn mỹ và trang hoàng cực kỳ sang trọng. Ngoài các chức năng chính và phụ nói trên, ngôi điện này còn là nơi trưng bày rất nhiều bảo vật bằng vàng, bằng ngọc, bằng sứ, bằng gỗ quí hiếm nhất trong nước, có giá trị vô lượng. Vào năm 1913, một quan chức người Pháp, Robert R. de la Susse, sau khi chiêm ngưỡng những bảo vật đó, đã nhận định: “Có thể xem đây như một Bảo tàng độc đáo vì nét dị biệt, sự chọn lọc và tính phong phú của các bảo vật”.

Nhưng đáng tiếc thay, điện Cần Chánh đã bị đốt cháy vào đầu tháng 2 năm 1947, chỉ còn lại cái nền. Đến năm 1981, UNESCO và nhà nước VIệt Nam đã có ý định phục hồi ngôi điện này với kinh phí dự tính là là 1.300.000 USD. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được ý định tốt đẹp đó.

Thông tin du lịch:

Khu vực điện Cần Chánh hiện nay chỉ còn lại nhà Tả Vu, Hữu Vu và một bức bình phòng cao, dài. Còn điện Cần Chánh thì chỉ còn lại nền móng. Sau khi ra khỏi điện Thái Hòa thì các bạn sẽ thấy nền móng của Đại Cung Môn (cửa chính vào Tử Cấm Thành). Sau Đại Cung Môn là nền móng của điện Cần Chánh (cách 1 cái sân), ngay trước bức bình phong.

Tham khảo: Phan Thuận An – HUẾ – Kinh Thành và Cung Điện

Nếu lần đầu du lịch Huế thì các bạn tham khảo thêm thông tin ở bài viết bên dưới:Du lịch Huế: Ăn gì ? Chơi gì ? và Ở đâu ?

Mời các bạn ghé đọc chuỗi bài viết trong chuyên mục KHÁM PHÁ HUẾ của Lá Quê để tìm hiểu thêm về lịch sử Huế

Kinh thành, địa danh và một vài công trình liên quan

Cửa biển Thuận An qua các thời kỳ thay đổi như thế nào ?

Tìm hiểu về hệ thống thành quách ở cố đô Huế

Chợ Đông Ba có từ khi nào ?

Sông Hương có từ bao giờ ? – Khám Phá Huế

Lăng Cơ Thánh – Vì sao được gọi là lăng Sọ ?

Tên gọi của 13 cửa ra vào Kinh Thành Huế không phải ai cũng biết !

Hoàng thành, Tử Cấm thành và các cung điện

Điện Thái Hòa – Nơi diễn ra các nghi lễ trọng đại của triều Nguyễn

Thế Miếu – Nơi thờ phụng các vua Nguyễn

Hưng Miếu – Nơi thờ thân phụ và thân mẫu vua Gia Long

Cửu đỉnh – Nơi khắc ghi sự giàu có của Tổ Quốc

Ở Kinh đô Huế, triều đình nhà Nguyễn đã cho xây dựng đến 3 vòng thành, ngoài lớn, trong nhỏ dần: Kinh thành (chu vi 10km), Hoàng thành (chu vi hơn 2.450m) và Tử Cấm thành (chu vi hơn 1.220m). Chúng tạo thành một hệ thống thành quách chặt chẽ dùng để phòng thủ và bảo vệ cho sinh hoạt của triều đình và hoàng gia. Nhưng, xét về phạm vi của từng địa phận, mỗi vòng thành có chức năng riêng của nó. Riêng Tử Cấm thành đã được xem là cốt lõi, cái lõm hoặc là cái rốn của hệ thống thành quách ấy, vì đây là nơi ăn ở và làm việc hàng ngày của vua và gia đình, cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt đến mức tối đa.

Như Hoàng thành ở bên ngoài, Tử Cấm thành Huế cũng được xây dựng vào năm 1804 dưới thời Gia Long. Bấy giờ, nó được đặt tên là Cung thành (với nghĩa đen là tòa thành bao quanh các cung điện, nơi hoàng gia sinh sống). Nhưng đến năm 1822, để tăng thêm tính nghiêm cẩn và tầm quan trọng của chốn thâm cung này, vua Minh Mạng đã cho đổi tên Cung thành là Tử Cấm thành. Tử nghĩa là màu tím, màu tía, như được nghe nói đến trong nhóm từ “lầu son gác tía” (nơi vua chúa ăn ở). Cấm là người ngoài không được tự do lai vãng để dòm ngó những gì bí mật ở bên trong phạm vi quy định. Pháp luật Triều Nguyễn quy định rất chặt chẽ và rõ ràng về hình phạt đối với những người đi vào trong Tử Cấm thành mà không có phép. Có một số điều lệ cụ thể như sau: Người nào vô cớ đi vào bên trong Tử Cấm thành thì bị phạt 100 trượng, phát phối ra biên giới, sung lính. Nếu ai đó mang theo vũ khí, dù chỉ là một mũi nhọn, thì bị tử hình (“Hoàng Việt luật lệ” quyển 10). Trong gần một thế kỷ rưỡi tồn tại của nó dưới 13 đời vua nhà Nguyễn (1802-1945) từ Gia Long đến Bảo Đại, Tử Cấm thành là nơi đã từng diễn ra nhiều sự kiện liên quan đến cuộc sống riêng tư trong nội bộ hoàng gia mà không mấy ai biết đến, thường được gọi là chuyện thâm cung bí sử.

Xem thêm:  Tìm hiểu về hệ thống thành quách ở cố đô Huế

Cũng như Kinh thành và Hoàng thành, Tử Cấm thành quay mặt về hướng nam. Tòa thành này có mặt bằng hình chữ nhật. Mặt nam và mặt bắc đều dài 324m. Mặt đông và mặt tây đều dài 290m. Thành được xây bằng gạch, cao 3.72m, dày 0.72.

Có một điểm đặc biệt là chung quanh bên ngoài Tử Cấm thành không có hệ thống hào nước. Nếu chung quanh Hoàng thành từ xưa đến nay chỉ có 4 cửa thì chung quanh Tử Cấm thành từ xưa đã có 7 cửa. Mặt nam trổ 1 cửa duy nhất ở ngay chính giữa, là Đại Cung Môn. Mặt bắc trổ 2 cửa nằm đối xứng nhau: bên tả là cửa Tường Loan và bên hữu là cửa Nghi Phụng. Mặt đông có 2 cửa mang tên Hưng Khánh và Đông An. Mặt tây cũng trổ 2 cửa là: Gia Tường và Tây An. Về sau, ở mặt đông còn trổ thêm 2 cửa là Cấm Uyển Môn và Duyệt Thị Môn; và ở mặt bắc trổ thêm một cửa nữa là Văn Phòng Môn (khi xây dựng tòa nhà Ngự tiền Văn phòng vào khoảng năm 1933). Vậy Tử Cấm thành có tất cả 10 cửa ra vào.

Bên trong vòng thành được bảo vệ nghiêm cẩn ấy là một hệ thống kiến trúc cung điện, lầu đài, đình tạ, vườn ngự, nhà hát…, gồm khoảng 50 công trình chính phụ, lớn nhỏ khác nhau, đã được xây dựng với mật độ dày đặc. Dưới thời Gia Long, các công trình kiến trúc ở đây còn tương đối thưa thớt và đơn giản, nhưng qua thời Minh Mạng, kể từ thời điểm nhà vua cho quy hoạch lại và nâng cấp Tử Cấm thành (cùng đợt với Hoàng thành) vào năm 1833, thì hệ thống kiến trúc tại đó trở nên phong phú và đa dạng hơn. Nó đã được bổ sung vào đời vua kế nhiệm là Thiệu Trị và Tự Đức. Đặc biệt là đến thời Khải Định (1916 – 1925), một số cung điện đã được trùng tu, nâng cấp và một số khác được cải tạo hoặc xây mới bằng vật liệu hiện đại: bê tông cốt thép.

Nhưng nhìn chung, tính đến năm 1945, quy cách và diện mạo của tổng thể kiến trúc trong Tử Cấm thành vẫn không bị xáo trộn và thay đổi đáng kể. Ở trục giữa của nó là các cung điện chính, kể theo thứ tự từ trước đến sau: Đại Cung Môn, điện Cần Chánh, điền Càn Thành, cung Khôn Thái, lầu Kiến Trung (nơi ăn ở của vua Khải Định, rồi gia đình vua Bảo Đại, xây năm 1923). Ở 2 bên trục chính ấy là hàng chục công trình kiến trúc phụ dành cho vua giải trí, thư giãn, như Đông Các (thư viện), Thái Bình Lâu (nơi vua đọc sách), Duyệt Thị Đường (nhà hát) và dành làm nơi ăn chốn ở cho hàng trăm thành viên trong gia đình nhà vua.

Rất đáng tiếc là tất cả các cung điện, vàng son lộng lẫy nhất trong Tử Cấm thành đều bị hư hỏng rất nặng nề trong chiến dịch Tiêu thổ kháng chiến vào đầu tháng 2-1947. Trong mấy chục năm qua, bằng những nguồn đầu tư kinh phí trong và ngoài nước, chỉ một số ít công trình kiến trúc tại đây được trung tu: Tả Hữu Vu (của điện Cần Chánh), Thái Bình Lâu, Duyệt Thị Đường và hệ thống Trường lang… Với tốc độ này, có lẽ ngành bảo tồn phải cần rất nhiều năm nữa mới có thể phục hồi diện mạo đầy đủ cho Tử Cấm thành.

Tham khảo: Phan Thuận An – HUẾ – Kinh Thành và Cung Điện

Nếu lần đầu tiên đến với Huế, bạn có thể tham khảo các bài viết bên dưới

Du lịch Huế: Ăn gì ? Chơi gì ? và Ở đâu ?

Dịch vụ du lịch Huế

Dịch vụ cho thuê xe du lịch ở Huế giá rẻ

Dịch vụ cho thuê xe du lịch ở Huế giá rẻ

Mời các bạn ghé đọc chuỗi bài viết trong chuyên mục KHÁM PHÁ HUẾ của Lá Quê để tìm hiểu thêm về lịch sử Huế

Kinh thành, địa danh và một vài công trình liên quan

Cửa biển Thuận An qua các thời kỳ thay đổi như thế nào ?

Chợ Đông Ba có từ khi nào ?

Sông Hương có từ bao giờ ? – Khám Phá Huế

Tên gọi của 13 cửa ra vào Kinh Thành Huế không phải ai cũng biết !

Hoàng thành, Tử Cấm thành và các cung điện

Điện Thái Hòa – Nơi diễn ra các nghi lễ trọng đại của triều Nguyễn

Thế Miếu – Nơi thờ phụng các vua Nguyễn

Hưng Miếu – Nơi thờ thân phụ và thân mẫu vua Gia Long

Cửu đỉnh – Nơi khắc ghi sự giàu có của Tổ Quốc