Phim Tình mẫu tử diễn viên

Câu chuyện về gia đình và tình thương của người mẹ dành cho các con làm người xem xúc động. Không chỉ dừng lại ở đó, “Tình mẫu tử” (THVL1) còn ám ảnh người xem bởi cách cư xử của những người con với cha mẹ ruột của mình...

Phim Tình mẫu tử diễn viên

Một cảnh trong phim “Tình mẫu tử”.

Sức hút của từng tập phim “Tình mẫu tử”, bộ phim truyền hình do đạo diễn Hoàng Tuấn Cường, từng thành công với nhiều phim truyền hình, điện ảnh như: “Oan nghiệt”, “Xóm trọ 3D”, “Nếu còn có ngày mai”, “Cung đường tội lỗi”…, thực hiện. Phim chuyển thể từ vở cải lương nổi tiếng của soạn giả Viễn Châu, là câu chuyện về bà Sáu, người phụ nữ Nam bộ, nghèo, tảo tần cả đời nuôi 4 đứa con nên người. Thế nhưng, khi con trưởng thành cũng là lúc bà sống trong tận cùng đau khổ vì lối sống ích kỷ, bất hiếu của các con. Tuổi già, bà phải lần ôm mấy bộ đồ cũ đến nương náu nhà các con, nhưng lại bị đối xử lạnh nhạt…

Với cốt truyện hấp dẫn, nhiều tình tiết dẫn đến cao trào, tạo sự cuốn hút, phim khiến người xem khó lòng bỏ qua mỗi tập phim để dõi theo diễn biến câu chuyện. Cảm phục và trân trọng bà Sáu, một người mẹ cao cả, cả đời hy sinh cho chồng, cho con. Bà cũng giống như bao người mẹ khác, dành trọn tình thương cho gia đình. Sự thành đạt, nên người của các con chính là hạnh phúc của bà. Bất hạnh cho bà khi có 4 đứa con, thì có đến 3 người sống ích kỷ, không màng đến người mẹ nghèo mà mải lo cho cuộc sống riêng tư. Có khi các con còn gây ra nợ nần để bà phải gánh. Rồi ngay cả sự ganh ghét, đố kỵ giữa các con cũng diễn ra hàng ngày làm cho nỗi đau chồng chất nỗi đau khiến cho người phụ nữ ấy cạn nước mắt. Thế nhưng, may mắn là bà vẫn còn có một đứa con hiếu thảo, lo toan, trở thành niềm an ủi duy nhất để bà vượt qua những tháng ngày cuối đời…

Câu chuyện phim khiến người xem xúc động nhưng cũng không thôi ám ảnh người xem. Nhiều người nghĩ đó chỉ là câu chuyện phím, những tình tiết được đẩy lên cao trào để lấy nước mắt cũng như sự căm phẫn của người xem. Thế nhưng, trong xã hội, điều gì cũng có thể xảy ra và rất nhiều trên các phương tiện thông tin, vẫn có những vụ con cái bạo hành, không chăm sóc cha mẹ, nên câu chuyện phim càng làm cho người xem suy ngẫm, rút ra cho mình những bài học hay về lòng hiếu thảo. Càng xem, khán giả càng mong chờ một biến cố nào đó xảy ra cho những đứa con của bà Sáu, để họ quay đầu lại, cùng chăm lo cho bà lúc tuổi già…

Không chỉ hấp dẫn ở cốt truyện hay, tình tiết hấp dẫn, “Tình mẫu tử” còn tạo dấu ấn riêng bởi dàn diễn viên diễn xuất có hồn. Đảm nhận vai bà Sáu là nghệ sĩ ưu tú Kim Xuân. Có thể xem đây là vai diễn thành công của bà. Chia sẻ trên báo giới khi thể hiện vai diễn đầy nội tâm này, nghệ sĩ nói, bà thường nghĩ đến sự tảo tần của chính mẹ bà, cả đời lo cho các con. Nghệ sĩ diễn nhập tâm, thể hiện hết sự hy sinh, cả đời cam chịu của người mẹ. Sự đau đớn đến tột cùng của bà mẹ đó chưa hẳn ở sự ích kỷ của những đứa con đối xử với mình, mà chính là sự xâu xé, tranh giành quyền lợi, dẫn đến đố kỵ, ganh ghét nhau của các con… Ngoài ra, các diễn viên khác: Quốc Cường, Thanh Hiền, Đình Hiếu, Lương Thế Thành, Thanh Duy… đã khai thác diễn biến tâm lý nhân vật rất kỹ để có lối diễn phù hợp, khai thác hết tính cách nhân vật, tạo cho nhân vật có chỗ đứng riêng, khó hòa lẫn.

Sự tròn trịa từ cốt truyện đến sự diễn xuất thành công của đội ngũ diễn viên giàu kinh nghiệm đã tạo nên sức hút cho phim “Tình mẫu tử”. Tình tiết phim đang ngày một gay cấn, hứa hẹn sẽ mang đến cho người xem nhiều điều thú vị. Phim đang phát sóng 20 giờ từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần trên THVL1.

THẢO HƯƠNG

Chuyển thể từ vở cải lương nổi tiếng cùng tên của soạn giả Viễn Châu, “Tình mẫu tử” là câu chuyện về người mẹ nghèo đã phải sống trong những tháng ngày tận cùng đau khổ, khi bị chính những người con ruột quay lưng. Phim dài 38 tập, phát sóng lúc 20 giờ, từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần trên kênh THVL1.

Phim Tình mẫu tử diễn viên

Bà Sáu (NSƯT Kim Xuân) luôn phải sống trong cảnh đau khổ vì các con.

Bà Sáu (NSƯT Kim Xuân) có 4 người con: Mai (Đinh Quốc Cường), Điểu (Thanh Hiền), Tùng (Lương Thế Thành) và Lộc (Thanh Duy). Mặc dù gia cảnh nghèo khó nhưng ông bà Sáu rất thương con, đã không ngại bán đi ruộng vườn để giúp các con dựng vợ gả chồng, có vốn làm ăn. Trong số 4 người con, chỉ có Tùng là chịu nhiều thiệt thòi khi hy sinh hết mọi thứ cho anh chị và em trai. Tùng vẫn đi làm thuê làm mướn nuôi tía má, chính vì thế mà Tùng bị gia đình Lan- người yêu Tùng, phản đối chuyện kết hôn của cả hai.

Mai ở rể nên không có tiếng nói với vợ, còn vợ chồng Điểu thì rượu chè cờ bạc nên lúc nào cũng nợ nần. Chỉ riêng Lộc được học hành tới nơi tới chốn. Vợ chồng Lộc có cuộc sống khá giả với tiệm thuốc ở chợ, nhưng Lộc lại ích kỷ và nhu nhược, chỉ nghe lời vợ. Mọi chuyện trở nên trái ngang khi Điểu ăn trộm chiếc bình cổ của ông Hai trong xóm. Thương con, ông Sáu tính đứng ra nhận tội thay Điểu, nhưng Tùng lại không thể nhìn cảnh cha vướng vòng lao lý, đã đứng ra nhận tội. Điều này làm ông Sáu uất ức đau buồn sinh bệnh rồi qua đời. Những người con đã buộc bà Sáu phải bán đi ngôi nhà và chia tài sản. Cuộc sống của bà Sáu cũng từ đây trở nên đau khổ và chật vật, khi cứ phải lần lượt ôm mớ đồ cũ đến nương náu cùng những đứa con ruột thịt, nhưng bị đối xử chẳng khác người dưng. Đau khổ hơn khi bà liên tục phải chứng kiến cảnh trái ngang trong mỗi mái nhà, những nơi không có chỗ cho bà dừng chân, nương tựa.

“Tình mẫu tử” là câu chuyện buồn, đau xót về mối quan hệ giữa con cái với bậc sinh thành. Suốt cuộc đời mình, bà Sáu đã cho đi tình thương vô bờ bến và không điều kiện, nhưng nhận lại chỉ là nỗi cay đắng, phụ bạc, rẻ khinh từ chính những người con mà bà hết lòng yêu thương. Những người con của bà Sáu chưa bao giờ chịu hiểu sự hy sinh của cha mẹ mà chỉ oán trách, sống ích kỷ và đầy toan tính. “Tình mẫu tử” không chỉ là câu chuyện màn ảnh mà còn là câu chuyện đời về thái độ, trách nhiệm của con cái đối với bậc sinh thành khi già yếu. Nhìn cảnh bà Sáu âm thầm chịu đựng, hy sinh một đời vì con, bất kể ai trong chúng ta cũng ngậm ngùi và càng biết quý trọng gia đình, quý trọng đấng sinh thành. Phim giàu cảm xúc và lấy đi không ít nước mắt của khán giả bởi sự cay đắng của cuộc đời, bất công với bà Sáu, bên cạnh vẫn có sự ấm áp, hiếu thảo, hy sinh, hiểu đạo lý của một người con như Tùng.

NSƯT Kim Xuân lấy nước mắt người xem khi vào vai người mẹ tần tảo, khổ cực và chịu nhiều đớn đau; còn Lương Thế Thành để lại ấn tượng về hình ảnh người con chân chất, sống nghĩa tình, hiếu thảo.

Bảo Lam