Sản lượng lương thực tăng có ý nghĩa như thế nào trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia

Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia

Thứ Năm, 20-08-2020, 02:23
Facebook Email Bản in +

Mới đây, Bộ Chính trị đã ký ban hành Kết luận số 81-KL/TW về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030. Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo các địa phương, đơn vị nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, sản lượng lúa hằng năm đạt ít nhất 35 triệu tấn, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; sử dụng hiệu quả quỹ đất lúa với kế hoạch chặt chẽ; cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập của người dân khu vực nông thôn gấp hơn hai lần so với năm 2020

Có thể thấy, bảo đảm an ninh lương thực vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nước ta, nhất là trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động như hiện nay. Cụ thể, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và thiên tai, các hình thái thời tiết cực đoan (bão, lũ lụt, hạn hán, quá nóng hoặc quá lạnh). Do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nông nghiệp Việt Nam có nguy cơ giảm 7,2 triệu tấn lúa và ảnh hưởng đến 32,2% diện tích đất nông nghiệp vào cuối thế kỷ 21. Còn nếu nhiệt độ trung bình tăng thêm 10C, năng suất lúa sẽ giảm khoảng 10%, ngô giảm 5 đến 20%, nhu cầu nước tưới tăng thêm 10%. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến sản lượng lương thực và đe dọa an ninh lương thực nhóm người nghèo, cận nghèo. Trong khi đó, trên toàn cầu, nhu cầu lương thực cũng tăng lên do dân số tăng, tăng thu nhập bình quân đầu người và thay đổi chế độ ăn uống. Công bố của Liên hợp quốc nêu rõ, dân số sẽ tăng từ 7,5 tỷ người hiện nay lên khoảng 10 tỷ người vào năm 2050. Theo đó, sản xuất nông nghiệp cần tăng thêm 70% so với hiện nay để đáp ứng nhu cầu về lương thực của con người vào thời điểm đó.

Trước những điều kiện chủ quan và khách quan nêu trên, nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trở nên vô cùng cấp thiết, trong đó lúa gạo là mặt hàng chiến lược, tác động trực tiếp đến an ninh lương thực và sự ổn định kinh tế - xã hội, nên càng cần được quan tâm đúng mực. Song song với việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa thì một vấn đề lớn đặt ra là phải tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người trồng lúa. Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã có các chủ trương, chính sách hỗ trợ người trồng lúa. Tuy nhiên, ở nhiều thời điểm, nông dân vẫn chịu thua thiệt khi giá lúa giảm sút, thậm chí giá bán xuống thấp hơn giá thành sản xuất khiến nhiều hộ nông dân thua lỗ, không mặn mà với nghề trồng lúa, dẫn đến tình trạng nông dân bỏ ruộng ở một số địa phương.

Vì vậy, để triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 81-KL/TW về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân thật sự phù hợp và hiệu quả. Từ đó, hỗ trợ phát triển hộ trồng lúa thành hộ sản xuất chuyên nghiệp, khuyến khích phát triển sản xuất lúa hàng hóa theo hình thức liên kết hợp tác xã, doanh nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ; xây dựng hiệu quả các cánh đồng lớn, vùng sản xuất quy mô lớn có chỉ dẫn địa lý, kết nối thị trường. Đặc biệt, thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi, hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp về máy móc, vật tư, áp dụng thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật để từng bước hiện đại hóa ngành hàng lúa gạo, vừa góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực, vừa nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.

Tiến Anh
Facebook Twitter Link EmailQuay lại