So sánh nho giáo giữa việt nam và hàn quốc năm 2024

Gia đình Hàn – Việt có nhưng yếu tố văn hóa tương đồng là do cùng chung loại hình văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước lại có quá trình giao lưu tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa trong bối cảnh đồng văn nhất là ảnh hưởng của Nho giáo. Tuy nhiên, nếu xét tổng thể và xét riêng từng thành tố văn hóa thì cho thấy gia đình truyền thống của người Hàn và Việt có những nét khác biệt. Điều này được giải thích là do nguồn gốc và lịch sử tộc người của hai dân tộc Hàn, Việt là khác nhau, cách thức tiếp nhận văn hóa Trung Hoa trong quá trình bản địa hóa là khác nhau. Hơn nữa, hai tộc người này lại sinh sống trong môi trường sinh thái khác nhau.

Có thể nhận thấy, gia đình người Hàn về đại thể chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa nhất là Nho giáo sâu đậm hơn, tuân thủ các giáo lý và nghi lễ Nho giáo sâu đậm hơn. Điều này có thể giải thích được, là do cội nguồn văn hóa Hàn và Hán có những yếu tố tương đồng trong cách thức tổ chức xã hội như tính tôn ty, trật tự theo thứ bậc trên dưới, trước sau theo trật tự đẳng cấp rất khó thay đổi. Trong khi đó, văn hóa Việt thuộc văn hóa Đông Nam Á thời cổ, yếu tố mẫu hệ bảo lưu đậm nét hơn, nó làm mềm đi những yếu tố mang tính quân quyền phụ quyền mang tính đẳng cấp của Nho giáo khi du nhập và tiếp biến văn hóa.

SIMILARITIES AND DIFFERENCES BETWEEN VIETNAMESE FAMILY AND KOREAN FAMILY

Prof.Dr. NGUYEN VAN TIEP

ABSTRACT

Vietnamese-Korean families share to some extent a similar culture because of their common cultural type, which is agricultural. Besides, both cultures are profoundly influenced by Chinese culture, particularly Confucianism. However, in examining each feature of family traditions in the cultures in general as well as in particular one may see discrete distinctiveness. This comes from the fact that the peoples have their own ethnic origin and history as well as different ways of localizing Chinese cultural influence. Also, habitats of the peoples are quite different.

In general, Korean families are under more profound impacts of Confucianism in terms of doctrine and rituals than their Vietnamese counterparts. This is derived from the fact that Korean and Chinese cultural roots are similar in their social structure, particularly the strictness in social order and hierarchy. On the other hand, Vietnamese culture belongs to ancient Southeast Asian culture in which matrilineal features are highly reserved. As a result, they soften Confucian monarchical and patriarchal influences in Vietnam.

-***

ĐẶT VẤN ĐỀ

Việt Nam là một quốc gia ở vùng Đông Nam Á, còn Hàn Quốc là quốc gia ở vùng Đông Bắc Á, nhưng hai tộc người Hàn và Việt lại có những nét tương đồng trong sinh hoạt đời sống gia đình. Lý giải vấn đề này về mặt văn hóa có thể thấy hai quốc gia này có những nét đồng quy văn hóa là do có cùng một loại hình văn hóa nông nghiệp lúa nước như là cơ tầng của văn hóa truyền thống tạo nên những mô thức văn hóa tương đồng trong hoạt động mưu sinh, cách thức tổ chức đời sống xã hội và cả trong đời sống tinh thần tâm linh. Mặt khác, văn hóa Việt và Hàn trong thời gian dài của lịch sử đã chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Hán qua giao lưu tiếp xúc văn hóa, thuộc về khu vực bị Hán hóa, nằm trong khối “đồng văn” ( Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản) mà từ lâu các học giả Đông phương học từng nói đến. Trong sự ảnh hưởng văn hóa Hán, Nho giáo ghi dấu ấn sâu đậm hơn cả trong lĩnh vực sinh hoạt đời sống gia đình Việt và Hàn. Chính yếu tố này làm cho văn hóa hai dân tộc này có những nét tương đồng rất dễ nhận diện.

Tuy nhiên, bên cạnh những nét tương đồng nêu trên văn hóa Việt, Hàn cũng có những nét dị biệt do điều kiện tự nhiên và sinh thái khác nhau, truyền thống lịch sử và văn hóa tộc người khác nhau và cách thức tiếp nhận văn hóa Hán cũng khác nhau giữa hai tộc người. Chính sự khác biệt này tạo nên những bản sắc riêng của văn hóa hai tộc người không lẫn vào đâu được. Đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm trong bối cảnh hội nhập văn hóa giữa hai dân tộc trong những thập niên gần đây.

1. TIẾP NHẬN NHO GIÁO TẠO NÊN BỐI CẢNH ĐỒNG VĂN TRONG GIA ĐÌNH HÀN, VIỆT

Nho giáo là một học thuyết chính trị xã hội và đạo đức do Khổng Tử ( 551- 479 TCN) sáng lập vào thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc. Học thuyết Nho giáo rất coi trọng gia đình và dòng họ chứa đựng nhiều nội dung thâm thúy, ý nghĩa sâu xa, liên quan đến nhiều phạm trù đạo đức và cuộc sống của con người. Khi coi gia đình là cơ sở của xã hội, Nho giáo nêu cao nguyên lý “ thiên hạ quốc gia” và dẫn giải rằng “ Gốc của thiên hạ là ở nước, gốc của nước là ở nhà” ( Thiên hạ chi bản tại quốc, quốc chi bản tại gia) ( Mạnh Tử, Ly lâu thượng 5). Bởi vậy, muốn trị quốc, trước hết phải yên nhà. Nho giáo xây dựng nên những mối quan hệ chặt chẽ trong gia đình: “ cha nên cha, con nên con, anh nên anh, em nên em, chồng nên chồng, vợ nên vợ thế là gia đạo chính” ( phụ phụ, tử tử, huynh huynh, đệ đệ, phu phu, phụ phụ, nhi gia đạo chính) (Kinh dịch). Trong ba mối quan hệ cha con, chồng vợ, anh em thì quan hệ cha con, anh em tiêu biểu bằng chữ Hiếu và Đễ được Nho giáo tôn lên rất cao, đặt vào vị trí đặc biệt quan trọng trở thành cái cốt lõi của các quan hệ xã hội trong năm mối ( ngũ luân) là vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bè bạn và các mối quan hệ khác: thầy trò, lớn bé, chủ khách.

Nho giáo coi có được hiếu, đễ ắt có được các đức khác. Hiếu đễ là gốc mà người quân tử phải nắm lấy, vì “ cái gốc được vững tốt, tự nhiên đạo lý từ đó mà sinh ra”. Nho giáo đề cao chữ hiếu lên tột đỉnh: “ Hành vi của người ta không gì lớn bằng chử hiếu”. và trong các tội thì cũng “không có tội nào lớn hơn tội bất hiếu”. Nho giáo cho rằng “ làm cha mẹ được tôn trọng là bậc thánh hiếu cao nhất, không làm nhục đến cha mẹ là bậc hiếu thứ hai, có thể nuôi cha mẹ là bậc hiếu cuối cùng”. Nho giáo rất coi trọng giáo dục gia đình. Đó là trường học đầu tiên để con người đi vào xã hội “ thân yêu cha mẹ mình, kế đó mà cư xử có nhân với người đời”. Cũng vậy, muốn đánh giá đúng phẩm chất của một con người ở ngoài xã hội, muốn xem có nên sử dụng hoặc cân nhắc họ hay không, thì trước hết phải xem tư cách, thái độ của người đó trong gia đình ra sao. Có đối xử tốt trong gia đình, thì mới có đối xử tốt ngoài xã hội “ bậc quân tử có ăn ở hợp ý mọi người trong nhà, mới có thể dạy người trong nước”.

Nếu như trong một nước quyền uy tuyệt đối của nhà vua được xác lập bởi lẽ “ dưới gầm trời không chỗ nào là không phải đất của vua” thì ở trong nhà quyền uy tuyệt đối thuộc về người cha, người chủ sở hữu chính thức toàn bộ tài sản, ruộng đất của gia đình. Nho giáo thường tuyệt đối uy quyền của vua và của người cha, đồng thời cũng chỉ nhắc tới bổn phận đơn phương của bề tôi đối với vua, của người con đối với cha mẹ mà thôi.

Cuộc sống vợ chồng là cơ sở tồn tại của gia đình. Nhưng xuất phát từ quan điểm coi trọng huyết thống và thái độ coi rẻ phụ nữ ( xếp đàn bà và bọn tiểu nhân vào cùng một duộc là hạng người khó nuôi dạy), Nho giáo đặt tình nghĩa anh em cao hơn tình nghĩa vợ chồng. Vợ chết có thể lấy vợ khác, chứ anh em không còn biết ai mà thay thế. Bất bình đẳng nam nữ được Nho giáo đề cao bởi “ tứ đức” ( công, dung, ngôn, hạnh – hiểu theo lúc bấy giờ), người phụ nữ phải ghép vào khuôn phép, biết tự kiềm chế, chịu thuần dưỡng để nghe lời, nhường nhịn, chịu đựng hy sinh. Phải đeo đẳng cái đạo tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử): ở nhà theo cha, qua nhà người theo chồng, chồng chết theo con, người đàn bà suốt đời phụ thuộc vào người đàn ông, dù đó là cha, là chồng, hay con trai của mình. Cũng không kém phần ác nghiệt là đạo lý về “tiết hạnh”. Người đàn ông có thể năm thê, bảy thiếp nhưng người đàn bà không thể lấy hai chồng cũng ví như bậc trung thần không thể thờ hai vua.

Cũng từ quan niệm coi trọng huyết thống, Nho giáo đòi hỏi sự gắn bó chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình, một dòng họ. Nho giáo kêu gọi tình yêu thương đùm bọc. Những người cùng nhà, cùng họ khuyến khích cổ vũ lẫn nhau để giữ gìn danh dự và phát huy truyền thống gia đình, của dòng họ. Những nghi thức ứng xử hàng ngày, những lời răn dạy của ông cha với những gia huấn, gia ngữ được lưu truyền đời đời con cháu. Việc thờ cúng ông bà, tổ tiên, cha mẹ, việc xây dựng nhà thờ, việc sửa sang mồ mả, ghi chép gia phả… đều góp phần làm khăng khít thêm mối quan hệ gia đình, gia tộc. Đó là điều tốt đẹp của tình người được nảy sinh từ đó. Tuy nhiên, trên bình diện khác, khi những quan hệ trên bị chi phối bởi những điểm lệch lạc về huyết thống, bởi lòng tham ích kỷ nhất là sự tranh dành quyền lợi kinh tế, địa vị chính trị, xã hội trong làng xã thì không ít những tiêu cực diễn ra. Nho giáo hô hào: “ Người nhân phải yêu thương tất cả, nhưng trước hết phải yêu thương kẻ thân tộc và người tài đức” (Nhân giả vô bất ái giả, cấp thân hiền chi vụ ) ( Mạnh Tử, Tận tâm, Thượng 46).

Hoặc “ bậc quân tử không nên bỏ rơi người thân thích” ( Quân tử bất thí kỳ thân) ( Luận ngữ, Vi tử, 10).

Và thực tế hơn “ Đối với kẻ thân tộc mình cứ đặt lên những chức vụ cao, gia tăng bổng lộc cho họ, dòng họ yêu ghét ai mình cũng yêu ghét theo” ( Tôn kỳ vị, trọng kỳ lộc, đồng kỳ hiếu ố) ( Trung dung, 20). Sự thiên vị trong quan hệ huyết thống dẫn đến tình vị kỷ gia đình, chủ nghĩa bè phái diễn ra gây nhiều tiêu cực trong làng xã các nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo.

Ở Việt Nam, Nho giáo được truyền bá từ thời Bắc thuộc theo gót chân xâm lược của phong kiến phương bắc, nhưng ảnh hưởng của nó trong thời kỳ này không sâu đậm vì đó là hệ tư tưởng của kẻ xâm lược. Trong thời kỳ phong kiến độc lập tự chủ sau năm 938 cho đến cuối thời nhà Nguyễn, Nho giáo mà chủ yếu là Tống Nho lại được tiếp nhận một cách hệ thống hơn để đáp ứng nhu cầu xây dưng một nhà nước theo mẫu hình Nho giáo. Từ thời Lý Nho giáo được du nhập, nhưng phải đến Lê sơ thì mới trở thành quốc giáo, tiếp theo đó cho tới thời kỳ nhà Nguyễn Nho giáo là hệ tư tưởng của giai cấp phong kiến thống trị ở Việt Nam. Khác với các tôn giáo khác, Nho giao đi sâu vào các lĩnh vực giáo dục quốc học, ngấm sâu vào suy nghĩ và hành vi của con người trở thành những phong tục tập quán trong đời sống sinh hoạt thường nhật của người Việt nhất là tầng lớp trên trong xã hội. Những giá trị của Nho giáo trở thành chuẩn mực đạo đức mà mọi người phải noi theo và thực hành kể cả những mặt tiêu cực của nó. Vào những thập niên đầu thế kỷ XX giáo dục Nho giáo suy tàn, tư tưởng Nho giáo băng hoại nhưng nó được thừa kế trao truyền quan nhiều thế hệ cho tới ngày nay trong phong tục tập quan, lối sống gia đình, quan hệ dòng họ không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà cả trong đời sống tinh thần tâm linh.

Nho giáo được du nhập vào Hàn Quốc từ thời kỳ ba vương quốc (vào khoảng thế kỷ thứ IV) nhưng phát huy ảnh hưởng nhiều hơn ở thời kỳ Koryo, khi Tân Nho giáo bắt đầu lan truyền ở Hàn Quốc. Tân Nho đã trở thành tư tưởng chủ đạo trong triều đại phong kiến của nhà Yi Choson, lập nên vào năm 1392. Nho giáo đã được xem như là một tư tưởng hoàn hảo để xây dựng một nhà nước tốt. Nho giáo ngày càng được quan tâm nhiều hơn trong thời kỳ trị vì của vương triều Yi Choson. Trong thời kỳ thứ hai ( thế kỷ XVI được đánh dấu bởi sự xuất hiện của các nhà triết học lỗi lạc nhất của nền Nho giáo Hàn Quốc như Lý Hoáng và Lý Nhị. Vào thời kỳ thứ ba ( thế kỷ XVII) bộc lộ qua sự thay đổi trong họ tộc và gia đình, nhấn mạnh vai trò trưởng nam trong hệ thống phụ hệ. Đến thế kỷ XVIII thì triều đình kể từ vua đến các quan lại đều là những Nho gia. Cuối thế kỷ XIX khi bối cảnh chính trị xã hội thay đổi Nho giáo bị suy vi và có nhiều học giả đã phê bình, chỉ trích Nho giáo.

So với các tôn giáo khác Nho giáo có ảnh hưởng sâu đậm hơn cả, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân Hàn Quốc hơn bất kỳ một tôn giáo và tư tưởng triết học khác. Cũng như ở Việt Nam, Nho giáo Hàn Quốc ăn sâu vào những giá trị đạo đức qua hệ thống giáo dục Nho giáo, sinh hoạt Nho giáo trở thành tập tục trong cuộc sống thường nhật từ nghi lễ cho đến tín ngưỡng trong gia đình và xã hội, lưu truyền qua truyền thống văn hóa, xã hội trong quá trình tiếp biến văn hóa.

Chính sự tiếp nhận Nho giáo Việt Nam và Hàn Quốc trong một thời kỳ lịch sử dài đã tạo nên mẫu số chung cho sự tương đồng giữa văn hóa Hàn và Việt mà sự thể hiện rõ nét nhất là trong đời sống sinh hoạt gia đình, dòng họ, làng xã và cả quốc gia mà cho tới hiện nay dù Nho giáo không còn tồn tại nữa thì ảnh hưởng của nó vẫn còn sâu đậm trong nếp cảm, nếp sống và ứng xử của con người trong quan hệ gia đình, dòng họ, làng xã và ngoài xã hội.

Dĩ nhiên, khi Nho giáo du nhập vào Hàn Quốc và Việt Nam trong những bối cảnh lịch sử và văn hóa khác nhau và sự tiếp biến văn hóa cũng khác nhau trong quá trình bản địa hóa Nho giáo để hình thành một bản sắc Nho giáo Hàn Quốc và Nho giáo Việt Nam thì đương nhiên có sự dị biệt là điều không còn bàn cãi.

2. SỰ TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT TRONG SINH HOẠT GIA ĐÌNH VIỆT, HÀN

Cùng tiếp nhận Nho giáo, nhưng cơ tầng xã hội và văn hóa truyền thống của hai dân tộc là khác nhau; trong lúc cơ tầng văn hóa người Việt còn bảo lưu khá đậm nét yếu tố văn hóa mẫu hệ của văn hóa Đông Nam Á thì cơ tầng văn hóa người Hàn trước khi chịu ảnh hưởng của Nho giáo đã mang đậm yếu tố văn hóa phụ quyền với một xã hội coi trọng tôn ti, thứ bậc và được tổ chức theo chế độ đẳng cấp. Bởi vậy khi tiếp thu Nho giáo văn hóa Việt đã tiếp biến; một mặt vẫn tiếp nhận văn hóa Nho giáo mang đậm yếu tố phụ quyền nhưng vẫn bảo lưu những yếu tố văn hóa mẫu hệ truyền thống; trong khi đó văn hóa Hàn vốn mang đậm yếu tố phụ quyền, tôn ti, thứ bậc, đẳng cấp khi tiếp nhận Nho giáo vốn đề cao quân quyền và phụ quyền với trật tự thứ bậc nên yếu tố văn hóa phụ quyền đậm nét hơn và tiêu biểu hơn thể hiện rõ nét trong quan hệ gia đình và dòng họ và mở rộng ra trong các quan hệ xã hội khác.

Cùng chịu ảnh hưởng của Nho giáo, gia đình Hàn, Việt thường có hai loại hình cơ bản: gia đình mở rộng ( đại gia đình) và tiểu gia đình.

Đại gia đình

Viết về gia đình truyền thống của người Hàn trong lịch sử, nhà nghiên cứu Hàn Quốc Kim Myung Ja viết: “ Gia đình truyền thống của người Hàn là loại gia đình trực hệ thường có 3, 4 thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. Loại gia đình này coi trọng quan hệ bố con hơn là mối quan hệ vợ chồng theo quan niệm duy trì truyền thống gia đình. Gia đình này có thể gồm những thành viên trực hệ hoặc chưa lập gia đình và những quan hệ hôn nhân như dâu rể” ( Kim Hyun Jae, 2005, tr 26). Kiểu gia đình lớn này vẫn tồn tại cho đến ngày nay là nhờ những nghi lễ, phép tắc, huấn điều cũng như những luật lệ, tập quán xã hội. Các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình mở rộng thể hiện ở cách ăn nói, xưng hô, giao tiếp. Trong khi người phương Tây chấp nhận một cách gọi chung, chẳng hạn tiếng Anh chỉ dùng một từ “ aunt” chỉ chung cho cả cô, dì, thím, mợ, bác gái hặc từ “ grandfather”, “ grandmother” để chỉ ông nội lẫn ông ngoại, bà nội lẫn bà ngoại thì trong tiếng Hàn có nhiều từ để phân biệt giữa anh, em trai của mẹ ( cậu) “oe suk bu’ hoặc oe sam chon’” với anh em trai của bố hoặc chú “ suk bu” hoặc “sam chon”. Người Việt cũng có cách xưng hô giống tiếng Hàn trong cách gọi ông bà nội, ba, mẹ, chú, bác, cậu, cô, dì v.v…

Loại gia đình từ ba thế hệ trở lên thường là những gia đình trong đó ông, bà được người trưởng nam nuôi dưỡng theo quan niệm truyền thống theo nguyên tắc trưởng thượng của Nho giáo. Chính vì vậy, người trưởng nam vẫn được coi là người kế thừa gia tài và có đầy đủ quyền hành cùng nghĩa vụ duy trì, phát triển gia phả, tộc họ. Khi chia tài sản cho các con ở riêng, bao giờ con trai cả cũng được phần hơn, ngược lại con gái khó có thể được chia tài sản, chỉ được nuôi nấng cho đến khi lấy chồng theo quan niệm “xuất giá ngoại nhân” của người Hàn hay “ con gái là con người ta” của người Việt, lấy chồng rồi thì thuộc gia đình chồng.

Trong gia đình truyền thống ngưới Hàn có sự phân chia ngôi thứ rõ rệt để duy trì tôn ty trật tự giữa các thành viên trong gia đình. Mối quan hệ giữa cha mẹ, con cái, anh em, vợ chồng đều là mối quan hệ chi phối, phục tùng. Quan niệm này ảnh hưởng đến quan niệm hôn nhân là cô dâu phải phục tùng bố mẹ chồng và các bậc có vai vế cao hơn chồng theo đúng thứ bậc thích hợp trong gia đình. Cô dâu được xem là người ngoài nhập vào gia đình người chồng, nên nàng được mẹ chồng đào tạo, dạy dỗ để thích ứng và hòa nhập vào gia đình chồng.

Thông thường quy mô đại gia đình của người Hàn cũng giống như Việt là đại gia đình gồm ba thế hệ có 2 cặp vợ chồng gồm bố mẹ già và vợ chồng người con trai trưởng và con cháu của họ, cùng sống chung, có cơ sở kinh tế chung. Loại gia đình này có xu hướng hạt nhân hóa khi bố mẹ già yếu và mất đi chỉ còn lại cặp vợ chồng con trai trưởng và con cái của họ. Các con trai thứ khi lập gia đình thường tách hộ ra sống ở riêng. Xét về quy mô và cấu trúc đại gia đình Hàn và Việt có những điểm chung là quy mô nhỏ ( 3 thế hệ, 2 cặp vợ chồng). Loại gia đình này thích hợp với nền kinh tế nông nghiệp tiểu nông truyền thống. Điều này khác với đại gia đình người Hán Trưng Quốc là tam, từ đại đồng đường gồm nhiều thế hệ, cùng nhiều cặp vợ chồng và con cháu của họ cùng ở chung hình thành nên các gia trang lớn như Vương gia trang, Quách gia trang… nhất là những gia đình danh gia vọng tộc của quý tộc, quan lại phong kiến xưa.

Tiểu gia đình

Bên cạnh đại gia đình, tiểu gia đình vẫn là loại hình chiếm đa số trong xã hội truyền thống của người Hàn cũng tương tự như người Việt. Lý do đơn giản là, trong nền kinh tế nông nghiệp tiểu nông, tiểu gia đình dễ dàng hơn trong việc tổ chức sản xuất cũng như quan hệ gia đình cũng ít phức tạp hơn. Phần lớn tiểu gia đình được tách ra từ đại gia đình khi các con trai thứ lấy vợ sau một thời gian chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tách hộ ở riêng. Gia đình nhỏ, cơ cấu đơn giản chỉ có vợ chồng và con cái chưa kết hôn.

Quan hệ gia đình

Gia đình là một xã hội thu nhỏ, trong đó mỗi thành viên trong gia đình được thiết lập trên cơ sở gắn bó với nhau bởi quan hệ huyết thống ( bố mẹ với con cái và con cái với nhau) và quan hệ hôn nhân (vợ với chồng) từ các mối quan hệ này dẫn đến các mối quan hệ khác về kinh tế, pháp lý, đạo đức, tâm lý…Gia đình người Hàn kế thừa và bảo lưu các giá trị truyền thống, đặc biệt dưới thời đại Chosun ( 1392-1910) do chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo nhờ đó các thiết chế hoặc quan hệ gia đình trực hệ được xác lập chính thức và phổ biến. Gia đình người Hàn cũng như người Việt theo chế độ phụ quyền, người cha, người chồng là người lãnh đạo gia đình điều hành mọi công việc từ sản xuất, làm ăn đến những công việc khác như ma chay, cưới xin. Trong gia đình người Hàn có sự phân biệt tôn ti trật tự rõ rệt hơn người Việt. Quyền hành trong gia đình thuộc về thế hệ cao tuổi, và trong cùng một thế hệ người trên bao giờ cũng có quyền hơn kẻ dưới. Tôn ti trật tự đó đã ăn sâu vào tâm trí người Hàn từ xưa đến nay. Đặc biệt người cha có quyền tuyệt đối trong gia đình “quân, sư, phụ nhất thể” ( vua, thầy, cha là như nhau). Các quyền hạn của người cha thường trao cho con trai trưởng và sau đó là cháu đích tôn. Thành phần gia trưởng này luôn được ưu đãi, có quyền và chịu trách nhiệm nuôi dưỡng bố mẹ già, thừa kế gia tài, gia nghiệp, thờ phụng và lưu giữ huyết thống… trong chế độ gia trưởng và phụ quyền. Khi ông bà còn sống thì quyền đó thuộc về ông bà. Người cha hay con trai trưởng thay thế, sử dụng phụ quyền khi ông, bà qua đời. Quyền thừa kế tài sản dành riêng cho con trai, nhất là con trai cả được phần nhiều hơn vì phải nuôi dưỡng bố mẹ già và thờ cúng tổ tiên; trong khi đó con gái không được quyền thừa kế tài sản, vì khi đi lấy chồng thuộc về người nhà chồng. Chính vì thế, người Hàn thường dạy từ tấm bé rằng, con trai thường thể hiện tính ra oai, con gái dạy tính khiêm nhường và phục tùng. Quan hệ trong gia đình rất tự nhiên khiến quan niệm trọng nam khinh nữ và việc ưu tiên sinh con trai là phổ biến cho tới ngày nay.

Do chế độ gia trưởng phụ quyền, nhiều người Hàn vẫn nói rằng, “ đàn ông không được xuống bếp” và đàn ông lo việc bên ngoài và đàn bà lo việc bếp núc và nội trợ. Quan niệm này ăn sâu vào quan hệ gia đình và cũng là cách được phái mày râu hoặc bố, mẹ chồng bảo vệ để giáo huấn cho vợ và con dâu phục tùng họ. Sau khi đi lấy chồng, người phụ nữ đổi sang họ nhà chồng, trong gia phả không bao giờ ghi tên của người vợ, trái lại nphụ nữ Việt khi lấy chồng vẫn mang họ nhà mình. Cùng chịu ảnh hưởng Nho giáo nhưng quan hệ trong gia đình Việt không có quá sự cách biệt, ít nhiều bình đẳng hơn mặc dù vẫn giữ phép tôn ti. Chẳng hạn, khi cha mẹ già còn sống, nhưng luống tuổi thì quyền hành trong gia đình sớm trao lại cho con trai trưởng, quyền hành của người cha già chỉ mang tính biểu tượng. Quan hệ vợ chồng cũng bình đẳng hơn. Theo nguyên lý Nho giáo, người vợ ở thân phận phụ thuộc, nhưng trên thực tế, người vợ không chỉ lo công việc đồng áng mà còn lo các công việc khác trong gia đình, mua sắm đồ dùng, công việc nội trợ và là người giữ tay hòm chìa khóa, người giữ tiền bạc chi tiêu mọi công việc trong gia đình mà không cần thiết hỏi ý kiến chồng trừ những công việc đại sự. Việc nuôi dạy con cái dường như người mẹ giữ vai trò chính. Người phụ nữ theo luật Hồng Đức thời Lê sơ còn được thừa kế tài sản, được chia tài sản của cha mẹ. Trong việc mua bán điền sản, luật Hồng Đức quy định phải có ý kiến của người vợ thì việc mua bán mới có đầy đủ giá trị pháp lý. Trong quan hệ vợ chồng, trong nhiều trường hợp luật pháp cho phép người vợ làm chủ sở hữu ruộng đất trong các khế ước mua bán đất đai. Trong quan hệ hôn nhân, luật Hồng Đức quy định, nếu người chồng xa nhà 5 tháng mà không có đoái hoài tới gia đình vợ con, muộn hơn là 3 năm mà không có tin tức về với gia đình thỉ người vợ được quyền viết đơn ly dĩ và trình với quan chức sở tại giải quyết không chờ ý kiến của người chồng. Trong quan niệm dân gian cũng có sự bình đẳng nam nữ trong gia đình “ của chồng, công vợ”. Nho giáo thường ảnh hưởng đậm hơn trong gia đình quan lại, những người Nho học, còn những người nông dân ở làng xã ít ảnh hưởng Nho giáo thì tính tôn ti, phụ quyền ít ảnh hưởng hơn. Lùi về phía nam, trong quá trình nam tiến, người Việt Nam Bộ, ảnh hưởng Nho giáo nhạt nhòa hơn thì quan hệ gia đình càng dân chủ, bình đẳng hơn. Người thờ cúng tổ tiên và nuôi dưỡng bố mẹ già không nhất thiết là con trai trưởng mà có thể là con trai thứ thậm chí là con gái và rể nuôi bố mẹ vợ. Phân chia tài sản trong gia đình chia đều cho cả con trai và con gái bất luận cả, thứ. Nguyên tắc phụ quyền và trưởng thượng không còn có uy quyền tuyệt đối.

Trong đại gia đình phổ biến là cặp vợ chồng con trai cả ở chung với bố mẹ già, vì vậy quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu luôn là vấn đề căng thẳng. Truyền thống văn hóa gia đình Hàn coi trọng thứ bậc, tuổi tác cả về hai giới: nam và nữ. Vì vậy, quan hệ mẹ chồng nàng dâu là quan hệ trên dưới, nàng dâu phải phục tùng mẹ chồng theo quy phạm gia trưởng đã quy định. Người con dâu phải có trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ chồng theo hình thức “ Si-chip-sa-ri” (ba năm mù, ba năm điếc, ba năm câm) của con dâu trong gia đình. Người ta luôn đề cao sự hi sinh cuộc sống lứa đôi của vợ chồng để con dâu phụng dưỡng bố mẹ chồng. Xung đột tâm lý diễn ra trong gia đình khi mẹ chồng dành tình cảm cho con trai và coi nhẹ con dâu; trong khi đó con dâu lại muốn chồng dành tình yêu cho mình nhiều hơn gây nên sự khó xử cho người con trai.

Quan hệ anh em được Nho giáo đề cao với chữ Đễ, tức anh em phải thương yêu, giúp đỡ lẩn nhau. Vợ có thể bỏ nhưng anh em không thể bỏ nhau. Người Hàn và Việt cũng vậy. Quan hệ anh em là quan hệ cốt nhục sinh thành, có những quy định ràng buộc thiêng liêng. Trong gia đình người Hàn, thông thường người anh cả có trách nhiệm nuôi dưỡng bố mẹ già, thờ phụng tổ tiên và là người đại diện cho anh em trong nhà, quyền hạn chỉ sau cha mẹ, được mong đợi ứng xử tốt với họ hàng thân tộc và hàng xóm láng giềng cùng người thân trong gia đình. Vì thế, người con trai trưởng thường được mọi thành viên khác trong gia đình yêu thương tôn trọng và được anh em yêu quý. Chính vì vậy, trưởng nam tạo ra và tìm cách duy trì mối quan hệ anh em hòa thuận, tương thân, tương ái lẫn nhau, giúp các thành viên khác có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với gia đình và cố gắng hòa thuận để cha mẹ yên lòng. Mối quan hệ anh em trong xã hội Hàn Quốc được coi trọng. Anh em người Hàn dù ở riêng, vẫn đoàn kết tương thân, tương ái lẫn nhau và thường họp mặt trong những ngày giỗ tổ hay dỗ ông bà, để quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Đối với anh cả, em trai, em gái phải ăn nói lễ phép, dùng những từ tôn kính đối với anh cả, tôn trọng những ý kiến của anh cả. việc phân chia tài sản thường ưu tiên cho anh cả vì phải nuôi dưỡng và chăm sóc bố mẹ già. Thí dụ trong một gia đình có 3 con, thì anh cả luôn được hưởng ½ tài sản, hai người em còn lại mỗi người chỉ được hưởng ¼ tài sản (Jeong Nam Song. 1996).

Dựa vào quan niệm của Nho giáo nên người Hàn coi trọng tôn ti trật tự về tuổi tác, giai cấp, thế hệ trong gia đình và ngoài xã hội ở mức độ mạnh hơn so với người Việt. Người Hàn tôn trọng “quyền huynh thế phụ” và vai trò của người trưởng nam thể hiện trong ngôn ngữ: nhà hay gia đình của người con trai trưởng gọi là “nhà lớn” (k’ un chip) còn của con trai thứ gọi là “ nhà nhỏ” (chagun chip). Anh cả được quyền là người đại diện thay thế gia đình khi người cha mất. Họ thường suy nghĩ, gia đình là xã hội thu nhỏ, mỗi thành viên là một phần tử của tế bào xã hội đó. Nền tảng gia đình có vững thì đất nước mới phát triển.

Do chịu ảnh hưởng Nho giáo, gia đình người Việt vẫn đề cao nguyên tắc trưởng thượng, nhưng quan hệ anh em ít nhiều dân chủ hơn. Người anh cả không phải là quyền uy tuyệt đối. Trong việc quyết định công việc của gia tộc có sự tham khảo ý kiến của các anh em trai thứ và cả các cô con gái với sự đồng thuận chung về những công việc quan trọng như trách nhiệm và nghĩa vụ nuôi dưỡng bố mẹ già, phân chia tài sản, ma chay, cưới xin, dỗ , tết…

Quan hệ con cái đối với bố mẹ theo Nho giáo thể hiện bằng đạo Hiếu. Đạo Hiếu được Nho giáo đề cao tột đỉnh khi du nhập vào Hàn Quốc và Việt Nam nó trở thành một giá trị của gia đình truyền thống. Nho giáo coi Hiếu là nết đầu trong trăm nêt, người quân tử lập thân lấy hiếu làm gốc. Hiếu là kính trong cha, mẹ, chăm sóc cha mẹ lúc già yếu, lo tang ma cha mẹ chu tât khi cha mẹ mất và thờ cúng tổ tiên, cha mẹ khi đã qua đời và lập thân, nêu cao thanh danh để làm vinh hiển cha mẹ. Hiếu là một phạn trù đạo đức, giá trị nền tảng của gia đình Hàn, Việt.

Chức năng của gia đình

Đối với người con dâu, khả năng sinh con được xem là điều cực kỳ quan trọng. Và việc sinh con trai để nối dõi tông đường lại càng đặc biệt quan trọng hơn. Vì vậy, người phụ nữ chịu nhiều sức ép phải có con nối dõi. Ngoài động cơ muốn có con nối dõi tông đường, lưu truyền huyết thống, con cái còn là nguồn nhân lực, là sự bảo đảm cho cha mẹ lúc tuổi già, sức yếu, con cái còn làm cho vợ chồng gắn kết hơn. Vì lý do này, trong gia đình cả người Hàn và người Việt, tuyệt tự tức là không có con trai nối dõi là niềm bất hạnh lớn nhất. Vì vậy, người con dâu khi về nhà chồng mà chưa có con trai thì địa vị chính thức của họ chưa được khẳng định vẫn còn là người ngoài. Khi sinh con trai họ mới an tâm trở thành thành viên chính thức trong gia đình nhà chồng. Cũng từ quan niệm này, theo Nho giáo, người vợ không sinh được con trai, người chồng có quyền bỏ vợ lấy người vợ khác. Trong một số trường hợp, người vợ cả có nghĩa vụ đi hỏi vợ lẽ cho chồng để tiếp tục sinh con trai duy trì nòi giống. Quan niệm này kéo dài cho tới thời gian cách đây không lâu. Đây cũng là lý do nếu không có con trai, người vợ phài tiếp tục sinh con làm cho số con trong gia đình đông thêm.

Gia đình là một đơn vị kinh tế thực hiện chức năng sản xuất phân phối và tiêu dùng trong gia đình. Người Hàn và người Việt trong xã hội truyền thống là cư dân nông nghiệp lấy hộ gia đình là đơn vị kinh tế chính. Trong gia đình có tài sản chung như ruộng đất, công cụ sản xuất, nhà cửa và các đồ dùng trong nhà. Gia đình là một đơn vị sản xuất khép kín: tổ chức sản xuất, thu hoạch, chế biến và phân phối các sản phẩm làm ra cho các thành viên trong gia đình. Phân công lao động thường theo giới tính và tuổi tác. Tuy nhiên vai trò của vợ và chồng trong hoạt động kinh tế của người Hàn và Việt cũng có sự khác nhau. Nếu như phụ nử Hàn chủ yếu làm công việc nội trợ trong gia đình, sinh con và nuôi dạy con cái là chính thì phụ nữ Việt ngoài công việc nội trợ còn tham gia sản xuất các công việc trên đồng áng. Riêng phụ nữ Việt đảm nhận công việc “tay hòm chìa khóa”, tức giữ tiền chung cho cả gia đình và quyết định chi tiêu hàng ngày. Công việc thương nghiệp (buôn bán nhỏ ở chợ làng) thường nằm trong tay phụ nữ. Khác với người Hàn, người chồng nắm giữ vai trò kinh tế, quyết dịnh chi tiêu và nằm tài khoản tiền bạc trong gia đình.

Cùng tiếp nhận Nho giáo, người Hàn và Việt trong thời gian dài của lịch sử cũng lấy giáo dục Nho giáo làm nền tảng của giao dục từ quốc gia đến gia đình. Giáo dục con cái trong gia đình là một chức năng cực kỳ quan trọng trong gia đình. Gia đình là nơi tạo niềm vui sướng cho con người, nơi truyền thụ, lưu giữ ý thức tự giác của cá nhân và tập thể một cách tự nhiên trong cuộc sống gia đình. Đối với mọi người, gia đình là môi trường sinh sống đầu tiên của con người. Chính vì vậy, nhân cách cá nhân, tính tình, quan niệm đạo đức, cách suy nghĩ, thuật đối nhân xử thế được hình thành hầu hết trong môi trường sinh sống đầu tiên cũng là trường học đầu tiên của con người khi bước vào xã hội. Nho giáo đã đề cao những phạm trù của giáo dục gia đình: gia giáo, gia phong, gia đạo, gia lễ, gia thế và các phạm trù này được thực hành trong cuộc sống.

Giáo dục gia đình Hàn, Việt người phụ nữ (người bà, mẹ) giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Từ xưa đến nay, người vợ lý tưởng Hàn Quốc được gọi là “ Hiền Mẫu Lương Thê” nghĩa là người mẹ tài đức, vợ hiền. Người mẹ là người trực tiếp sinh ra đứa bé, nuôi dưỡng từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành. Quan niệm này cũng tương tự người Việt, trong giáo dục con cái, người mẹ, bà nội chịu trách nhiệm chính “ con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Khác với người Hàn theo chế độ phụ quyền và chế độ tôn ti, người cha bắt mọi người phải phục tùng nguyên lý Âm Dương, trong đó người cha thuộc Dương chỉ huy tất cả, kể cả việc giao dục con cái. Ngược lại ở người Việt thiên về nguyên lý Âm. Về hình thức trong gia đình người cha là người chỉ huy, nhưng thực tế lại do người mẹ quản lý. Trong giáo dục gia đình người Việt đánh giá công bằng giữa “ công cha và nghĩa mẹ” ( Công cha như núi thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn đạo Hiếu mới là làm con”.

Nghi lễ gia đình

Nghi lễ gia đình của người Hàn, Việt có nhiều yếu tố giống nhau do cùng tiếp thu văn hóa Hán qua giáo dục Nho giáo trong đó có Hiếu kinh và Chu tử gia lễ . Các phong tục như sinh đẻ, chẵn tháng, chẵn năm, cưới hỏi, mừng thọ, nghi lễ tang ma và thờ cúng tổ tiên cũng có những nét giống nhau được quy phạm hóa thành gia phong, gia lễ. Tuy nhiên qua quá trình hành lễ do phong tục truyền thống khác nhau nên cũng có những nét khác biệt trong lễ thức mà khi văn hóa Hán du nhập vào chịu sự tiếp biến văn hóa.

Nghi lễ trong sinh đẻ

Việc sinh đẻ là sự kiện quan trọng trong gia đình Hàn và Việt. Việc sinh đẻ làm cho người chồng và vợ “lên chức” ở vị trí làm cha, làm mẹ. Đứa bé sinh ra là niềm vui, niềm hạnh phúc của cả gia đình và dòng họ. Đặc biệt đối với cô dâu được chuyển từ vị trí người ngoài gia đình chính thức trở thành người trong gia đình khi sinh được đứa con trai đầu lòng để nối dõi tông đường nhà chồng. Người chồng một khi đã có con trai nối dõi được xem là người con có hiếu, hoàn thành nghĩa vụ đối với gia đình, tổ tiên. Nỗi mong muốn có đứa con trai của người đàn bà làm nẩy sinh những phong tục cầu khấn thần thánh cho đứa con lập tự về sau. Nghi lễ này được người Hàn gọi là “ Kỳ Tử” được tiến hành dưới hình thức cầu Phật ở chùa, trừ tà tại nhà, hoặc cầu xin thần thánh ở núi, sông, biển. Còn người Việt thì cầu tự tại đền, chùa, đình, miếu là những nơi linh thiêng. Người Hàn tin rằng có thần phụ trách việc sinh đẻ ra đứa bé gọi là “ Tam Thần” hoặc “ Bà Tam Thần” ( thần nữ). Khi người đàn bà bắt đầu có thai, thì họ đặt trên bàn một chén gạo tinh khiết ở nơi sạch sẽ, khô ráo, không có uế khí và cầu nguyện Bà Tam Thần bảo vệ thai nhi và sản phụ. Khi người mẹ sinh con thì họ lấy gạo tinh khiết, rong biển nấu cơm và canh và lập một bàn thờ cúng Bà Tam Thần rồi cho sản phụ ăn. Việc cúng Bà Tam Thần mang ý nghĩa cảm tạ bà phù hộ cho mẹ tròn con vuông và mong muốn tiếp tục chăm sóc trẻ sơ sinh và người mẹ có sữa đầy đủ. Người Việt chăm sóc trẻ sơ sinh cũng chú ý đến việc cúng lễ cho đứa trẻ được khỏe mạnh, mau ăn, chóng lớn. Khi đứa trẻ đầy cữ: bé trai 7 ngày, bé gái 9 ngày, người ta cúng bà mụ. Người Việt tin rằng có 12 Bà Mụ cùng hợp nhau tạo thành hình hài đứa bé, mỗi người nặn nên một vài bộ phận đứa bé. Việc cúng đồ lễ phải được sửa soạn cho 12 bà mụ, mỗi đồ lễ phải chẵn con số 12: 12 đôi hài, 12 cái nón, 12 bộ quần áo, 12 trâm vàng, một đĩa có bày 12 trái cây, 12 chiếc bánh, 12 con ốc, 12 miếng trầu. Cúng bà mụ nhằm để tạ ơn các bà đã nặn nên đứa bé.

Với kỳ vọng sinh được một đứa bé khỏe mạnh, thông minh, sáng dạ và trở thành một người tốt làm vinh danh cho gia đình và họ tộc, người Hàn và Việt đã giáo dục thai nhi từ trong bụng mẹ được gọi là thai giáo. Trong thời kỳ mang thai người phụ nữ Hàn và Việt phải kiêng khem đủ điều như chăm sóc sức khỏe, giữ gìn thân thể, tinh thần trong sáng, lành mạnh. Người phụ nữ mang thai chỉ ăn những thức ăn tốt cho thai nhi, tránh không quan hệ tình dục, giữ gìn thân thể ấm áp, ý tứ trong lời ăn tiếng nói và phải tuân theo những điều kiêng cữ được quy định chi tiết và tỷ mỉ.

Ở người Hàn, em bé sinh ra được 100 ngày thì gia đình tổ chức mừng tiệc 100 ngày cho bé ( nghi lễ bách nhật). Người Hàn quan niệm em bé qua 100 ngày coi như đã vượt qua giai đoạn hiểm nguy có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, khi đứa bé tròn 100 ngày gia đình làm lễ để mừng cho đứa bé cả trai lẫn gái không có sự phân biệt. Đầy 100 ngày cũng là ngày đầu đứa bé được bồng ra mắt với người đời, không còn được “ Tam Thần” chăm sóc nữa. Còn người Việt cũng làm lễ đầy tháng tương đương lễ 100 ngày như người Hàn. Cúng đầy tháng người Việt cũng cúng mụ như khi đầy cử. Đồ lễ cũng tương tự như cúng đủ cữ. Những gia đình khá giả mời người thân, bạn bè tới ăn cỗ và mừng quà cho đứa bé. (Lê Trung Vũ. Nghi lễ đời người. NXb, Văn hóa dân tộc, tr.33). Tại buổi lễ 100 ngày của người Hàn, bé được mặc quàn áo và cạo trọc đầu để bé có nhiều tóc. Theo người Hàn và người Việt cạo trọc tóc sẽ loại bỏ tóc thai làm cho đứa trẻ mọc tóc mới dày và đen hơn. Trong ngày này, gia đình người Hàn lập bàn thờ cúng Tam Thần lần cuối cầu xin cho đứa bé dồi dào sức khỏe, sống phúc, lộc, thọ. Những món cúng chính là một chén cơm trắng và một tô canh Mi yok. Người Hàn thường chuẩn bị những món ăn dành cho lễ chúc mừng như các loại bánh gạo hấp truyền thống mang ý nghĩa biểu trưng. Bánh gạo hấp trắng mang ý nghĩa chúc phúc cho đứa trẻ được thanh khiết. Bánh gạo đậu đỏ thì chống khí uế, quỷ thần bởi màu đỏ của đậu đỏ. Còn bánh dạng bán nguyệt có 5 màu mang ý nghĩa: Ngũ hành, ngũ đức, ngũ vị được chia cho các nhà hàng xóm ăn chung để chúc mừng cho đứa bé có nhiều phúc lộc và khỏe mạnh.

Người Hàn cũng như người Việt có nghi lễ thôi nôi. Đứa bé lớn tới 12 tháng nhà làm lễ mừng bé đầy năm ( người Hàn gọi là lễ “Dol”, người Việt gọi là lễ “ thôi nôi”). Ở người Hàn trong ngày này, đứa bé được đặt trước bàn bày la liệt các thứ như: cung tên, bút mực, tiền sách, sợi chỉ, bún miến luộc, táo tàu cho bé trai; còn bé gái thì để thước đo, gạo thay cho cung tên. Sau dây phút ngỡ ngàng hào hứng, bé sẽ nhặt một hay vài thứ trên đó. Người Hàn căn cứ vào đồ vật bé cầm đầu tiên để dự đoán tương lai tự chọn của bé. Người Hàn cho rằng, nếu bé chọn tiền hoặc gạo thì sau này sẽ giàu có, nếu chọn bún, miến hoặc sợi chỉ sẽ trường thọ, chọn táo tàu sẽ nhiều con, chọn cung tên sẽ thành tướng quân, chọn bút nghiên sẽ uyên bác về văn chương… Người Việt cũng có quan niệm và phong tục nói trên tương tự như người Hàn do cùng chịu ảnh hưởng văn hóa Hán. Tuy nhiên, giữa người Hàn và Việt cũng có sự khác nhau trong lễ thôi nôi. Người Việt trong ngày này thì làm lễ cúng gia tiên, vì sinh con là tin mừng cần trình báo tổ tiên để tổ tiên mừng phù hộ cho đứa bé. Trong lúc đó, người Hàn không có lễ cáo gia tiên mà chỉ cúng mụ.

Cùng chịu ảnh hưởng văn hóa Hán, coi trọng người già như là một thứ bậc trong xã hội, người Hàn và Việt đều có nghi lễ mừng thọ từ xa xưa cho đến hiện nay. Ở người Hàn lễ mừng thọ được tổ chức theo tuổi. Lễ mừng thọ vào tuổi 60 được gọi là Hồi giáp, hoặc Hoàn giáp, hoặc Hoa giáp. Còn lễ mừng thọ vào tuổi 70 gọi là Cổ Hy, tuổi 77 được gọi là Hỉ Thọ, tuổi 88 gọi là Mễ Thọ, tuổi 99 được gọi là Bạch Thọ. Trong các lễ mừng thọ thì lễ mừng thọ tuổi 60 được tổ chức lớn nhất và phổ biến nhất. Vì xưa kia người ta sống không lâu như ngày nay. Người nào sống đến 60 coi như trường thọ và hạnh phúc. Người Hàn cho rằng tuổi 60 là thời điểm 60 can chi đã quy một vòng rồi lặp lại. Vì vậy, sinh nhật 60 tuổi vừa là đánh dấu sự kết thúc “ Lục Thập Giáp Tử”: 60 can chi vừa là điểm xuất phát mới như thể một người vừa được tái sinh. Lễ mừng thọ là dịp để con cháu mừng bố, mẹ, ông bà và người trong họ mừng người cao tuổi họ mình. Đây là dịp con cháu bày tỏ lòng yêu thương vô bờ, sự tôn vinh, kính trọng và sự biết ơn đối với bậc bề trên ông, bà, cha mẹ và bậc cao niên trong họ hàng. Lễ mừng thọ, con cháu dâng rượu chúc mừng ông, bà, cha mẹ theo thứ tự nam trước nữ sau, con trưởng trước, con thứ sau. Người Việt cũng như người Hàn quan niệm Thọ là một trong 3 điều hạnh phúc: Phúc, Lộc, Thọ. Người Việt có truyền thống tôn trọng người già “ kính lão đắc thọ”, “ triều đình thượng tước, hương đảng thượng xỉ”. Khác với người Hàn, lễ mừng thọ của người Việt không chỉ gói gọn trong gia đình, dòng họ mà cả làng xã. Xã cũng đứng ra tổ chức mừng thọ hàng năm cho người già. Thông thường người Việt lễ mừng thọ từ 50 tuổi đã tổ chức ăn mừng. Có trường hợp bước sang tuổi 49 đã mừng thọ để được lên lão tránh tuổi hạn “ 49 chưa qua, 53 lại đến” là lứa tuổi thường hay bị chết đối với nam giới. Người Việt mừng thọ theo tuổi chẵn: 50, 60, 70, 80, 90,100. Sự khác biệt giữa lễ mừng thọ người Việt và Hàn là ở chỗ, người Việt thường mừng thọ vào dịp Tết Nguyên đán hay trong 3 tháng mùa xuân là mùa lễ hội, vui chơi; còn người Hàn làm lễ mừng thọ đúng vào ngày sinh nhật của các cụ lên lão.

Nghi lễ tang ma

Theo Nho giáo, hiếu, nghĩa là giá trị đạo đức quan trọng trong gia đình và thân tộc. Vì vậy, nghi lễ tang ma là nghi lễ quan trọng trong gia đình. Ở người Hàn, nghi lễ tang ma rất phức tạp gồm 11 giai đoạn chính và người Việt về cơ bản vẫn theo các nghi lễ này mặc dù tên gọi có khác nhau gồm: sơ chung, tập liệm, thành phục, trị táng, thiên cửu, phát dẫn, hạ quan, thành phần, phản khốc, ngu tế, thoát tang hay xả tang. Mỗi giai đoạn chính trên được chi thành những bước nhỏ hơn được thực hiện tuần tự theo các nghi lễ cúng tế. Trong nghi lễ tang ma Hàn, Việt có một số tục khác nhau như: khi lâm chung theo quan niệm người nữ không được nhìn phút lâm chung của người nam và ngược lại vì quan niệm nam nữ thụ thụ bất thân; còn người Việt thì không. Người Hàn không có tập tục khi người chết đã chết hẳn người nhà khiêng xác đặt xuống đất trong dây lát rồi lại khiêng lên giường có ý nghĩa con người để cho người chết hấp thụ sinh khí của đất may ra sống lại ( Toan Ánh, 1998, tr.320). Có sự khác biệt giữa người Hàn và Việt là quan niệm cha mẹ để tang con. Thọ mai gia lễ quy định cha mẹ phải để tang con mà không chỉ cha mẹ mà cả ông bà, cụ kỵ cũng để tang hàng cháu chắt. Trong khi đó, quan niệm của người Hàn theo Nho giáo : phụ bất bái tử, có nghĩa là cha mẹ không lạy con, con chết trước cha mẹ là nghịch tử, tội bất hiếu là lớn nhất. Vì vậy, cha mẹ và các bậc ông bà không để tang cho đến này nay.

Thờ cúng tổ tiên

Theo quan niệm của người Hàn và Việt những thế hệ cha, mẹ, ông, bà cố sơ khi chết linh hồn vẫn còn tồn tại và linh hồn tổ tiên thường đi lại thăm viếng, quẩn quanh với người sống để bỏ vệ họ khỏi tai ương, hoạn nạn và chăm sóc việc làm ăn của con cháu. Vì vậy, người Hàn, Việt dù theo tôn giáo khác như Phật giáo, Công giáo vẫn thờ cúng tổ tiên. Dưới ảnh hưởng của Nho giáo, thờ cúng tổ tiên của người Hàn và Việt đã được hệ thống hóa, lý luận hóa và được phổ biến thành phong tục được ghi chép thành sách vở truyền thừa qua nhiều thế hệ cho tới ngày nay. Có tổ tiên của người Hàn và Việt, đó là các vị tổ tiên đích thực trong mối quan hệ cội nguồn, huyết thống giữa các thế hệ từ Thủy tổ -> Cao tổ -> Tằng tổ -> Tổ phụ -> Hiển khảo/ tỷ ( phụ mẫu) cho tới con cháu hôm nay chứ không phải tổ tiên huyền thoại. Việc thờ cúng trong phạm vi gia đình (thờ gia tiên) ở hai dân tộc đều dừng lại ở 4 thế hệ người chết gần nhất so với đương tế: cụ, cố, ông/bà, cha/mẹ ( cao - tằng – tổ - khảo/tỷ). Việc cúng tế 4 thế hệ này diễn ra chủ yếu vào dịp kỷ niệm chu niên ngày mất của người quá cố ( giỗ/kỵ) ( cao Thế Trình, tr.60; Kim Hyun Jae, tr. 115). Các thế hệ cao hơn từ năm đời ( ngũ đại cho tới thủy tổ chỉ thực hiện một năm vài lần tại từ đường dòng họ).

Lễ thờ cúng của người Hàn được chia thành 5 lễ: Kỵ tế, Trà tế, Tứ thời tế, Mộ tế, Ly tế. Kỵ tế là lễ được tổ chức vào ngày kỵ nhật tức ngày người đó từ trần do người con trai trường đảm nhận làm dỗ tại nhà con trai trưởng. Trà lễ là lễ tế tổ chức vào ngày đầu trong tháng, ngày lễ và ngày sinh nhật của người quá cố. Người Việt không có lễ này. Tứ thời tế là tế lễ được tổ chức bốn lần vào ngày tốt của tháng hai, tháng 5, tháng 8 và tháng 11 âm lịch. Bốn thời điểm này là tháng thứ hai của một quý vừa là tháng ở giữa bốn mùa ở Hàn Quốc. Vì vậy lễ này được gọi là Tứ trọng thời tế. Ngày nay lễ tế này không còn phổ biến. Ở người Việt không có lễ tế này. Mộ tế là lễ được tổ chức trước mộ tổ tiên. Ở người Hàn đây là một trong những lễ rất phổ biến được tiến hành vào dịp tết Nguyên Đán, tết Hàn Thực, tết Thanh Minh, tết Đoan Ngọ và tết Trung Thu hàng năm. Ly tế là là tế lễ chỉ dành cho cha mẹ. Nghi lễ này thường tổ chức vào ngày tốt trong tháng 9 vì đây là nghi lễ để nhớ tới công ơn cha mẹ và đãi những đồ ăn, trái cây mới thu hoạch được trong năm ấy. Người Việt cúng mộ tế chỉ vào dịp trước tết đi tảo mộ tổ tiên hay khi cải táng.

Người Hàn cũng có bàn thờ tổ tiên. Dụng cụ chủ yếu là tế sàng: cái bàn bày đồ cúng lên đó thường là một chiếc bàn vuông nhỏ. Đồ đặt bài vị có hình dạng cái ghế; hương trác là bàn nhỏ đặt lư hương và đồ đựng nhang. Bài vị của người quá số thường làm bằng cây hạt dẻ dài 24 cm, ngang 6 cm. Người Hàn gọi bài vị gỗ này là Thần chủ. Có khi bài vị được làm bằng giấy gọi là Chí bảng.

Vào những dịp cúng tế người Hàn mới bài trí bàn thờ và sau khi tế lễ xong họ lại dọn dẹp cất đi. Do tấm gỗ làm bàn thờ không đủ diện tích cho việc bày biện lễ vật rất nhiều hàng chục món nên vào dịp tế lễ họ kê thêm một chiệc bàn vuông thường có kích cỡ 1,2 x 1,2 m, cách mặt đất khoảng 0,4 m tương tự như chiếc bàn ăn bình thường. Trong khi đó ở người Việt bàn thờ tổ tiên thường được đặt trong gian chính của nhà và khi có sự kiện quan trọng trong gia đình ngươi ta thắp hương thờ khấn tổ tiên phù hộ. Gian thờ là nơi linh thiêng, trang trọng ít khi phụ nữ tới. Nhìn chung bàn thờ người Việt thường có linh vị bằng gỗ sơn son thếp vàng và gần đây là di ảnh của người đã khuất cùng với bát hương, chân đèn, lọ hoa. Trên bàn thờ người Hàn và Việt đều có lư hương, cây nến, bình rượu ( thanh chước) và những băng giấy ghi tên thụy hiệu của người được thờ phụng.

Bản chúc văn của người Hàn và Việt có những điểm tương đồng và dị biệt sau:

Điểm chung dễ nhận thấy là các bản chúc văn đó đều được soạn thảo bằng chữ Hán theo phong cách Hán ngữ trung đại (chưa sử dụng hệ thống dấu chấm câu) mở đầu bằng thán từ “Duy” được đọc lên theo phiên âm của mỗi dân tộc (Hán – Hàn, Hán – Việt), nội dung của nó chỉ có những người có trình độ Hán văn nhất định mới hiểu được, còn phần đông là không hiểu ( người Việt) và hiểu đại khái ( người Hàn).

Một điểm tương đồng có thể nhận biết qua linh/bài vị là bản chúc văn Hàn và Việt đều sử dụng hệ thống Thụy Hiệu của 4 thế hệ người quá cố gần nhất so với đương tế theo văn hóa Hán: Cao – Tằng – Tổ - Khảo, cũng như các từ tôn xưng phủ quân, nhụ nhân gắn liền với nữ.

Bên cạnh những điểm giống nhau giữa hai bản chúc văn cũng có những điểm khác biệt. Trong phần mở đầu bản chúc văn ở người Việt nêu rõ thời gian, địa điểm và thành phần tham dự lễ, trong khi đó bản chúc văn người Hàn không có yếu tố địa điểm diễn ra tế lễ và thành phần tham gia chỉ nêu tên chủ tế ( hiếu tử) mà không đề cập tới những người tham gia khác ( tử tôn, hôn tế, nội ngoại, thượng hạ đẳng) như bản chúc văn của người Việt. Một điểm khác nữa là mỹ tự tôn xưng trong thụy hiệu người quá cố giữa hai dân tộc Hàn, Việt. Trong bản chúc văn của người Việt các từ tôn xưng dành cho nam giới là quý công, trong khi đó người Hàn là học sinh hay tiến sĩ. Điểm đáng chú ý là trên bài vị của nam giới Hàn không có họ tên người mất và nếu là nữ chỉ có họ: Nghĩa Thành Kim thị ( họ Kim từ đất Nghĩa Thành). Ngược lại người Việt tên tuổi người quá cố dù là nam hay nữ đều thể hiện ( Hiển khảo Nguyễn quý công tự văn A phủ quân hay hiền tỉ Nguyễn đương chính thất Lê thị hàng hiệu tự B nhụ nhân, tức ông Nguyễn văn A, bà Lê thị B).

Điều khác biệt nữa là trong hai bản chúc văn thờ cúng tổ tiên của người Việt và người Hàn liên quan đến đối tượng thờ phụng là ở chỗ chúc văn của người Việt có “ thỉnh” ( (mời) thêm Bản gia ngũ tự phúc thần, Đông trù tư mệnh táo phủ thần quân – tức các vị gia thần trong nhà gia đình Việt. Trong những dịp giỗ/ kỵ người Việt không chỉ “thỉnh” cá nhân đối tượng thờ phụng chính (cha/mẹ, ông/bà, cố/cụ) mà còn “thỉnh” thêm “bản gia bá thúc huynh đệ, cô, dì, tị, muội , táo sinh tao lạc” – nghĩa là mời hương hồn tất cả nhửng người đã khuất trong gia đình về “hâm hưởng”. Rõ ràng, trong trường hợp này, đối tượng thờ cúng tổ tiên của người Việt mở rộng hơn so với người Hàn ( Cao Thế Trình, tr. 60-61).

Lễ vật trong cúng tổ tiên người Hàn và Việt cũng có sự tương đồng và dị biệt do ẩm thực ở hai nước khác nhau. Cỗ bàn của người Hàn rất thịnh soạn có nhiều món khác nhau bài trí theo một trật tự trái – phải, trước – sau. Khi nhìn vào bàn cúng, phía phải là phía đông, còn phía trái là phía tây và các đồ cúng được bày trí thành 5 hàng.

Hàng thứ nhất ( trái cây) từ trái sang phải theo thứ tự: táo tàu, hạt dẻ, trái hồng, trái lê; màu đỏ đặt phía đông, màu trắng đặt phía tây.

Hàng thứ hai ( món đồ khô, món rau) đặt rau sống ở phía đông, rau chín phía tây, đặt món đồ khô bên trái, món mắm cá bên phải.

Hàng thứ ba ( món lẩu) và hàng thứ tư (món thịt, món chiên, bánh gạo hấp: đặt món cá phía đông, món thịt phía tây, đầu cá phía đông, đuôi cá phía tây.

Hàng thứ năm ( cơm, canh) đặt cơm bên trái, canh bên phải.

Trong khi đó, đồ cúng của người Việt sử dụng cho lễ cáo gia tiên gồm có trầu, rượu, hoa quả, xôi chè, cỗ mặn và không theo nguyên tắc nào bày biện trên bàn cúng. Nhưng bàn thờ tổ tiên trong gia đình gia tộc thể hiện rất rõ triết lý Âm – Dương, Ngũ Hành. Trên bàn thờ chỗ cao nhất gọi là giường hành ( Ngũ Hành), các đồ vật thứ tự bày biện trên bàn thờ gọi là ngũ sự, biểu hiện của Ngũ Hành như sau ( Nguyễn Đăng Duy, 2004):

- Bát hương, lư hương biểu thị hành Thổ

- Cây đèn biểu hiện hành Hỏa

- Lọ cắm hoa biểu hiện hành Mộc

- Mâm ngũ quả biểu hiện hành Kim

- Đài để rượu, nước thể hiện hành Thủy

Mâm ngũ quả thể hiện ngũ hành như sau:

- Cam, quýt đỏ, hành Hỏa

- Chuối vỏ xanh hành Mộc

- Bưởi Phật thủ vàng hành Thổ

- Na ruột trắng hành Kim

- Hồng tía (đen) hành Thủy

- Đến lễ vật cúng thì: cỗ tam sinh thịt bò, lợn (âm) số 2, thịt dê ( dương) số 1, dẫn đến 2+1 =3, số 3 đủ Âm Dương, cỗ tam sinh đủ âm dương:

- Xôi gà: xôi (âm), gà ( dương)

- Xôi (âm), chè ( nước đường) ( dương)

- Trầu nước: trầu cau (dương), nước (âm)

- Rượu đủ âm dương ( rượu nước-âm, bốc hơi nước –dương)

Các đồ cúng của người Việt thể hiện lý thuyết Âm Dương, Ngũ hành theo tính chất hay theo màu sắc của nó, trong khi đó người Hàn chú trọng hình thức hơn, quan tâm đến cách bô trí đồ cúng trên bàn thờ.

Có một số nét dị biệt trong đồ cúng: người Việt trên bàn thờ không thể thiếu trầu cau, còn người Hàn không có trầu và không có tục ăn trầu. Đặc biệt chuối là thứ không thiếu được trên bàn cúng của người Việt vì đây là dấu vết của tín ngưỡng phồn thực của cư dân Đông Nam Á trong khi đó Hàn Quốc lại chú trọng 4 thứ quả bắt buộc trên bàn thờ là: lê, hồng, hạt dẻ, chà là ( Cao Thế Trình, tr. 63).

Về lễ nghi, con cháu người Hàn khi tham gia cúng tế đều thực hiện các nghi thức rất trọng thể: 2 lần phủ phục ( quỳ, dập đầu gối xuống đât trong khi đó người Việt nghi thức đó chỉ dành cho chủ tết đảm nhiệm, những người khác có thể không thực hiện (phổ biến nhất hiện nay là đứng vái). Nhà nghiên cứu Nhật bản Suenari Michio nhận xét, người Hàn tuân thủ nghi lễ theo Nho giáo trung thực tới mức không tìm thấy ở người Hán Trung Quốc.

Việc cúng tổ tiên chủ yếu do người con trai trưởng đảm nhiệm. Việc theo dõi ngày dỗ kỵ cũng do con trai trưởng. để ghi nhớ ngày dỗ hàng năm, họ thường có Kỵ Nhật Bản: bản ghi ngày dỗ ông bà tổ tiên. Người Hàn tiến hành nghi lễ khá phức tạp và chia thành nhiều giai đoạn hơn người Việt: Ngênh thần -> Giáng thần-> Tham thần -> Sơ hiến -> Độc chúc -> Á hiến -> Chung hiến -> Thiêm chước -> Kháp thi chính trợ -> Hạp môn -> Khải môn -> Hiến trà -> Triệt thi Phúc Phạn -> Từ Thần -> Triệt sàng -> Ẩm Phúc.

Hôn nhân và địa vị của người phụ nữ

Quan niệm hôn nhân của người Hàn và Việt chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo. Nho giáo là một trong những hệ tư tưởng thể hiện rõ nét nhất của sự bất bình đẳng nam nữ “nam tôn, nữ ti”, “nam nữ hữu biệt” (nam nữ phải giữ khoảng cách). Nho giáo trói buộc người phụ nữ với tam tòng và tứ đức, vì thế trong suốt cả đời người, người phụ nữ bao giờ cũng ở đại vị phụ thuộc. Khi Nho giáo du nhập vào Hàn Quốc và Việt Nam thì những quan niệm này tác động đến đời sống hôn nhân và gia đình.

Người Hàn cũng như người Việt, hôn nhân là nghĩa vụ thiêng liêng duy nhất giúp duy trì nòi giống và phát triển thêm nguồn nhân lực. Và để đáp ứng cho nhu cầu nguồn nhân lực trong sản xuất nông nghiệp, vì vậy khi xem xét đến việc chọn dâu người ta quan tâm đến khả năng sinh con của người phụ nữ, đặc biệt phải có con trai để thờ cúng tổ tiên.

Theo quan niệm của Nho giáo, hôn nhân là vì quyền lợi của gia đình và gia tộc chứ không phải vỉ quyền lợi của đôi nam nữ. Hệ quả của quan niệm đó là, người phụ nữ không được quyền quyết định việc kết hôn mà do cha mẹ và người thân định đoạt. Quan hệ giữa cha mẹ và con trai, đặc biệt cha và con trai là trung tâm của hệ tộc. Vì cha mẹ quyết định hôn nhân nên phải nhờ người mai mối. Vì thế trong nhiều trường hợp trong lễ cưới cô dâu và chú rể có thể là những người chưa quen biết nhau. Phong tục của người Hàn khuyên khích lấy vợ người khác làng để tránh trường hợp anh em họ gần xa có thể lấy nhau mà theo quan niệm Nho giáo là không thể chấp nhận dù đó là người cùng huyết thống qua nhiều đời. Ở Hàn Quốc có câu tục ngữ phản ánh quan niệm tránh lấy người cùng làng: “ Nhà sui gia và nhà vệ sinh càng xa càng tốt”. Trong khi đó người Việt lại cho rằng lấy vợ trong làng là tốt hơn cả “ lấy vợ giữa làng hơn người sang thiên hạ” nhằm củng cố mối quan hệ thân thiện trong làng thông qua việc kết hôn nhằm củng cố mối quan hệ nội bộ trong làng. Người Việt trong những gia đình quan lại, gia đình Nho giáo việc “ cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” tồn tại hàng ngàn năm. Theo quan niệm của người Hàn, việc kết hôn cho con cái theo thứ tự tôn ti trong gia đình, những người anh (chị) lấy vợ ( chồng) trước sau đó mới đến người em thứ sau. Quan niệm này gắn liền với “ tôn ti, trật tự” có lớn trước mới có sau cho đến ngày nay người Hàn vẫn áp dụng như vậy.

Môn đăng hộ đối trong hôn nhân giữa người Hàn và Việt cũng có nét giống nhau. Nguyên tắc tôn ti của chế độ đẳng cấp Hàn Quốc tồn tại lâu dài trong lịch sử, vì vậy trong hôn nhân đặt quyền lợi gia đình lên tất thảy. Hôn nhân đã mang màu sắc giai cấp, đẳng cấp. Ở Hàn Quốc cuộc hôn nhân nam nữ thuộc hai đẳng cấp khác nhau bị quan niệm xã hội cấm đoán. Về mặt luật pháp bị cấm “ Lưỡng thiển bất hôn pháp”. Trong xã hội truyền thống người Việt cũng coi trọng nguyên tắc này, nhất là trong tầng lớp quan lại và trí thức Nho giáo. Nhưng trong dân chúng, nguyên tắc này có thể du di; thường là địa vị xã hội và điều kiên kinh tế của nha gái có thể thấp hơn nhà trai thì có thể chấp nhận, nhưng ngược lại thì ít được chấp nhận hơn.

Do chịu ảnh hưởng của Nho giáo vốn coi trọng Lễ, nên nghi lễ hôn nhân của Hàn và Việt đều chịu ảnh hưởng phong tục của người Hán và có sự vận dụng ít nhiều khác biệt nhưng vẫn tôn trọng những nguyên tắc cơ bản. Việc lấy vợ lấy chồng trước hết phải xem tử vi để biết đôi nam nữ có hợp nhau hay xung khắc, coi ngày, giờ các lễ hỏi, cưới; quà tặng cho nhà gái, các lễ như giao bái, hợp cẩn, cúng tổ tiên là những nghi thức bắt buộc.

Một vài nhận xét

Từ sự nghiên cứu so sánh trên đây về gia đình của người Hàn và Việt, có thể rút ra một số nhận xét sau đây:

Trước hết, nhửng yếu tố văn hóa trong gia đình của người Hàn và Việt có nhiều yếu tố tương đồng là do những yếu tố văn hóa nội sinh của hai tộc người này đều là những cư dân nông nghiệp lấy canh tác lúa nước là chủ yếu. Sự tương đồng về loại hình kinh tế - văn hóa tạo nên những nét đồng quy văn hóa của hai tộc người, mặc dù trong quá trình lịch sử, sự giao lưu văn hóa do sự xa cách đã diễn ra không đáng kể.

Một yếu tố khác là, hai tộc người này đều tiếp nhận văn hóa Trung Hoa qua quá trình giao lưu tiếp xúc văn hóa, có khi cưỡng bức, áp đặt có khi tự nguyện nhưng đã chịu ảnh hưởng khá sâu đậm văn hóa Trung Hoa, nhất là Nho giáo mà nhiều nhà Đông phương học thế giới đã xếp Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản nẳm trong không gian văn hóa Trung Hoa hay không gian văn hóa bị Hán hóa. Những yếu tố văn hóa ngoại sinh do quá trình tiếp biến văn hóa đã tạo ra những nét văn hóa tương đồng khi đối chiếu so sánh.

Tuy nhiên, nếu xét tổng thể và xét riêng từng thành tố văn hóa thì cho thấy gia đình là thiết chế xã hội truyền thống của người Hàn và Việt có những nét khác biệt. Điều này được giải thích là do nguồn gốc và lịch sử tộc người của hai dân tộc Hàn, Việt là khác nhau, cách thức tiếp nhận văn hóa Trung Hoa trong quá trình bản địa hóa là khác nhau. Hơn nữa, hai tộc người này lại sinh sống trong môi trường sinh thái khác nhau. Vì thế có những nét khác biệt là điều dễ hiểu.

Có thể nhận thấy, gia đình người Hàn về đại thể chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa nhất là Nho giáo sâu đậm hơn, tuân thủ các giáo lý và nghi lễ Nho giáo nghiêm túc và trung thực hơn tới mức không tìm thấy ở người Hán Trung Quốc chủ nhân sản sinh ra nề văn hóa này. Điều này có thể giải thích được, là do cội nguồn văn hóa Hàn và Hán có những yếu tố tương đồng trong cách thức tổ chức xã hội như tính tôn ty, trật tự theo thứ bậc trên dưới, trước sau theo trật tự đẳng cấp rất khó thay đổi. Trong khi đó, văn hóa Việt thuộc văn hóa Đông Nam Á thời cổ, yếu tố mẫu hệ bảo lưu đậm nét hơn, nó làm mềm đi những yếu tố mang tính quân quyền phụ quyền mang tính đẳng cấp của Nho giáo khi du nhập và tiếp biến văn hóa.

Gia đình truyền thống của người Hàn và người Việt đã biến đổi nhanh chóng dưới tác động khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây, Nhật Bản và nhất là trong quá trình hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế và văn hóa hiện nay. Tuy nhiên, những yếu tố văn hóa trong gia đình vẫn bảo lưu theo quy luật kế thừa. Vì vậy, hiện nay những yếu tố tương đồng và khác biệt của hai nền văn hóa vẫn cho chúng ta nhận diện được những đặc trưng của chúng.

Trong bối cảnh hai nước ngày càng đẩy mạnh quan hệ ngoại giao, hợp tác kinh tế và trao đổi văn hóa, các cô dâu Việt lấy chồng Hàn ngày một đông ( hơn 40.000 cô dâu Việt) và cả người Việt lao động ở Hàn Quốc càng gia tăng trong khi đó người Hàn sang Việt Nam làm ăn, sinh sống ngày càng nhiều thì việc nghiên cứu trên đây là rất cần thiết góp phần vào việc thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước khi có sự hiểu biết và chia sẻ lẫn nhau trong sự cộng cảm văn hóa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

  1. Vũ Khiêu (chủ biên), 1995. Nho giáo và gia đình. Nxb KHXH.
  1. Ngô Đức Thịnh. Dòng họ trong đời sống xã hội hiện nay. Trong sách: Văn hóa các dòng họ ở Nghệ An ( Kỷ yếu Hội thảo), 1997, Nxb Nghệ An.
  1. Trần Quốc Vượng. Đôi lời về văn hóa dòng họ ở Việt Nam. Trong sách: Văn hóa các dòng họ ở Nghệ An ( Kỷ yếu Hội thảo), 1997, Nxb Nghệ An.
  1. Nhiều tác giả, 2002. Văn hóa, xã hội và ngôn ngữ Hàn Quốc. Nxb Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
  1. Grant Evans. 2001. Bức khảm văn hóa châu Á: Tiếp cận Nhân học Nxb Văn hóa dân tộc.
  1. Nguyễn Long Châu, 2000. Tìm hiểu văn hóa Hàn Quốc. NXB Giáo dục.
  1. Kim Hyun Jae, 2005. Gia đình và hôn nhân của người Hàn ( so sánh với người Việt). Luận án Tiến sĩ dân tộc học.
  1. Jeong Nam Song. Một số đặc điểm nông thôn Hàn Quốc. Trong sách: Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang ( chủ biên), (1996). Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay. Hà Nội.
  1. Lê Thị Thu Giang, 2003. Ý thức gia đình Nho giáo trong cách suy nghĩ của người Hàn. Nghiên cứu Nhật bản và Đông Bắc Á, số 6(48), 12-2003.
  1. Choi Hana, 2011. Bước đầu tìm hiểu hương ước thời Chosun của Hàn Quốc và hương ước Việt Nam. Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3 (121), 3-2011.
  1. Cao Thế Trình, 2008. Vài phương diện trong tục cúng tế tổ tiên ở người Hàn ( qua đối sánh với tục thờ phụng tổ tiên người Việt). Tạp chí Dân tộc học số 5-2008.
  1. Cao Thế Trình, 2010. Tìm hiểu tín ngưỡng Thần Hoàng ở Hàn tộc ( qua đối sánh tín ngưỡng Thành Hoàng ở Việt tộc). Tạp chí Dân tộc học, số 3-2010.
  1. Seo Kwanmo. Xã hội Hàn Quốc hiện đại. NXB Đại học quốc gia, Hà Nội, tr, 110)
  1. Lê Trung Vũ, 2000. Nghi lễ đời người. NXb, Văn hóa dân tộc.
  1. Toan Ánh, 1998. Việt nam phong tục.
  1. Nguyễn Đăng Duy, 2004. Văn hóa Việt Nam đỉnh cao Đại Việt, Hà Nội.
  1. Joo Kang Hyun, 2006. Văn hóa Hàn Quốc – những điều bí ẩn ( bản chữ Hàn).
  1. Tương đồng văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc, 1996. Nxb, Văn hóa thông tin.
  1. Lê Quang Thiêm, 1998. Văn hóa, văn minh và yếu tố văn hóa truyền thống Hàn. Nxb văn học.
  1. Hàn Quốc: Lịch sử và văn hóa, 1996. Nxb Văn hóa.
  1. Biến đổi gia đình Hàn Quốc hiện nay?
  1. Trần Thị Thu Lương, 2010. Những đặc trưng văn hóa hàn Quốc: từ truyền thống đến hiện đại. Đề tài khoa học cấp Bộ.