Sự khiết tịnh trong đời sống hôn nhân là gì

Khiết tịnh hay còn gọi là sự thanh khiết, đức thanh sạch (*)

Có thể sống khiết tịnh được chăng?
Bài viết của Cha T.G. Morrow, với sự cho phép của Giáo quyền, ©1994

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải xem xét 3 câu hỏi sau: Nói một cách chính xác, khiết tịnh là gì? Hành động nào hàm chứa đức khiết tịnh của người Kitô giáo? Và làm thế nào để sống khiết tịnh?

Khiết tịnh là gì?
Theo Thánh Thomas Aquino và triết gia Aristotle, chúng ta có thể định nghĩa đức khiết tịnh là thói quen tiết chế ham muốn tình dục vì lý do chính đáng. Lưu ý rằng đây không chỉ là sự chỉnh đốn hành vi, vốn là sự tự kiểm soát, nhưng còn là ước muốn mãnh liệt dẫn dắt hành vi tình dục. Cũng cần lưu ý về nguyên tắc lý do chính đáng, nghĩa là lý lẽ phù hợp với Quy Luật Muôn Đời của Thiên Chúa. Nó không chỉ đơn thuần là lý lẽ của thế gian, vốn xem bất cứ hành vi tình dục tránh thai ngoài ý muốn và tránh bệnh là chuyện hợp lý.

Thế nào là lối sống theo đức khiết tịnh?
Vậy thế nào là lối sống mà đức khiết tịnh mời gọi chúng ta sống theo? Trước tiên ta nên xem lời Chúa Giêsu nói thế nào trong Kinh Thánh: Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người,ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế. (Mátthêu 15, 19-20). Thánh Phaolô thêm vào: Anh em phải biết rõ điều này: không một kẻ gian dâm, ô uế hay tham lam nào được thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Đức Ki-tô và của Thiên Chúa. (Êphêsô 5,3-7 hoặc Galát 5, 19-21) (Gian dâm là hành vi giao cấu tự nguyện giữa hai người khác phái chưa kết hôn).

Như vậy, Kinh Thánh đã nói rõ ràng về tình dục ngoài hôn nhân. Một số người đã tìm cách hợp lý hóa nó theo cách của họ xung quanh chuyện này nhưng rốt cuộc lại chối bỏ giáo huấn của Giáo Hội và những gì thuộc về Hội Thánh. Chối bỏ lời Kinh Thánh dạy còn tệ hơn là phạm tội liên quan đến tính dục do yếu đuối. Vậy nếu do thiếu hiểu biết thì sao? Liệu có người Kitô hữu đích thực nào có thể không biết các chuẩn mực đạo đức Kinh Thánh mà không bị chê trách?

Giáo Hội Công giáo nói rõ hơn về chủ đề trong Kinh Thánh này: Chỉ trong hôn nhân đích thực, chức năng của tính dục mới có ý nghĩa thực sự và hợp đạo đức. (Tuyên bố về Luân lý tính dục, Bộ Giáo lý Đức tin, 1975, đoạn 5). Trong cùng văn kiện này (đoạn 10), chúng ta tìm thấy: Phẩm cấp đạo đức của tính dục liên quan đến giá trị cao quý của đời sống con người, thế nên mọi xúc phạm trực tiếp đến phẩm cấp này, về khách quan, là nghiêm trọng. (Rõ ràng văn kiện đã theo lời trích của Thánh Phaolô như đã nói ở trên: Không ai bị loại trừ khỏi Vương quốc nước trời vì lỗi phạm không đáng kể.) Rút ra từ điều này và những giáo huấn khác, ta có thể kết luận: bất cứ sự khêu gợi hoặc hành vi tính dục nào ngoài hôn nhân chuẩn mực giữa vợ chồng đều là tội trọng. Đó có thể bao gồm: thủ dâm, gian dâm, kích dục, ngoại tình, hành vi tính dục đồng giới, và ngay cả những ý nghĩ ham muốn (Mátthêu 5,28).Sống trong một thế giới đang chìm trong tình dục như hiện nay, điều này nghe có vẻ quá đáng nhưng lời dạy của Chúa luôn là chướng ngại vật đối với thế giới con người. Thế giới trần tục không có chỗ cho thập giá.

Tại sao tình dục ngoài hôn nhân lại sai trái? Nói ngắn gọn là do: 1)Tính dục là biểu tượng của tình yêu vợ chồng đã giao kết (và sự vuốt ve, âu yếm trong quan hệ giữa vợ và chồng là để chuẩn bị cho hành vi tình dục); 2) Tình dục làm sản sinh con cái, con cái nên được thụ thai và nuôi dưỡng trong tình yêu vững bền của hôn nhân.

Làm thế nào để sống khiết tịnh
Làm thế nào chúng ta có thể phát triển nhân đức khiết tịnh để khi sống theo cách thức này, ta không phải khổ sở vất vả, hay nói như thánh Thomas Aquino là hãy sống nhân đức ấy một cách vui sướng, dễ dàng và nhanh chóng?

Hiển nhiên, như hoa quả của Chúa Thánh Thần, khiết tịnh không phải là điều người ta có thể đạt đến nếu không muốn bỏ công cầu nguyện hay nỗ lực. Quả ngọt trên cây thường xuất hiện sau cùng. Vì thế, để là hoa quả của Thánh thần, đòi hỏi một quá trình vun trồng thật tốt trong ơn nghĩa Chúa. Để bắt đầu sống khiết tịnh trong thế giới này, chúng ta phải có một đời sống tinh thần mạnh mẽ. 15 phút suy niệm mỗi ngày (với kinh Mân Côi hoặc với Lời Chúa), tham dự thánh lễ thường xuyên và lãnh nhận các bí tích sẽ là những việc cần thiết cho những ai muốn đạt được nhân đức này.

Nhưng liệu có phương thức nào để chúng ta có thể tận dụng hiệu quả ơn sủng nhận được từ việc rèn luyện tinh thần để phát triển đức khiết tịnh?

Có. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc xem xét những gì triết gia Aristotle và Thánh Thomas Aquino đã nói trong Summa Theologica (Tóm tắt Thần học, I, q81, a3): ham muốn tính dục không chỉ vâng theo lý lẽ mà còn vâng theo xúc cảm cũng như trí tưởng tượng. Do vậy, đầu tiên chúng ta phải cẩn trọng với những gì ta xem, nhìn. Xem những bộ phim khai thác chuyện tình dục, xem phim khiêu dâm hoặc ngay cả chú tâm vào người khác với cách ăn mặc khêu gợi cũng trở nên liều thuốc độc cho những ai đang tìm kiếm sự khiết tịnh, trong sạch. Tệ hại nhất của những thứ này là việc sử dụng các hình thức khiêu dâm, bởi văn hóa khiêu dâm mô tả tình dục đơn thuần chỉ là trò tiêu khiển và con người (cả nam lẫn nữ) chỉ là những đồ vật để thỏa mãn không hơn không kém. Tất cả là sự lừa dối khủng khiếp.

Óc tưởng tượng cũng là một khía cạnh nguy hiểm tiềm tàng. Khi chúng ta ý thức về một ý nghĩ đen tối, chúng ta phải lập tức đuổi nó đi và thay vào đó bằng một ý nghĩ lành mạnh đầy màu sắc khác, ví dụ như một trận bóng, một cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp,Thêm nữa, chúng ta nên theo lời khuyên của Thánh John Vianney là hãy làm dấu Thánh Giá (miệng đọc, tay làm dấu: Lạy Chúa chúng con, vì dấu Thánh Giá, xin chữa chúng con, cho khỏi kẻ thù) để xua đuổi cám dỗ và cùng với Thánh Catherine Siena, kêu tên Chúa Giêsu liên tục trong lòng (đó là cách mà Thánh Nữ đã chiến đấu chống lại hàng loạt cám dỗ xấu xa). Một ý tưởng đen tối tình cờ xuất hiện thì không phải là tội, nhưng nếu chúng ta sẵn lòng chiều theo nó, tội lỗi sẽ tiến vào. Như Chúa Giêsu đã chỉ ra rằng con người có thể thật sự phạm tội từ trong lòng.

Hơn nữa, vì trong lòng chúng ta xuất hiện sự giằng co, muốn kiểm soát ham muốn tình dục. Thật sẽ chẳng ích gì khi đương đầu với ham muốn đang làm bá chủ lúc ấy, vì thế chỉ nên nói không với sự hấp dẫn của ham muốn. Còn nếu kiểm soát được, việc ấy sẽ kiềm nén ham muốn trong tiềm thức, chờ cơ hội sẽ bùng phát. (ĐTC Gioan Phaolô II đã nói như thế trong cuốn Tình Yêu và Trách Nhiệm trước khi Ngài làm Giáo Hoàng, Nxb. Ignatius Press, trg 198). Vào một lúc yếu mềm, ham muốn sẽ thật sự bùng phát bằng hành vi tình dục. Ta thấy điều này nơi những người cố kiềm nén nhiều tuần lễ nhưng rồi bỗng chốc xả láng, vùi mình vào cuộc chơi, cứ thế lặp đi lặp lại chu kì này.

Người hiểu biết phải đương đầu khéo léo với những ham muốn, phải xác định những lợi ích và giá trị có thể đạt được bằng cách sống nhân đức khiết tịnh, tạo nên những lợi ích có thể thay thế thú vui thân xác.

Giá trị của đức khiết tịnh
Để có thể giảm đi những oán giận nội tâm và tìm được an bình, ta phải tự nhủ mình sẽ đạt được lợi ích gì khi quyết định sống đức khiết tịnh? Đầu tiên và trên hết, món quà quý giá nhất mà người Kitô hữu chúng ta có được là mối liên hệ tình yêu mật thiết với Chúa Giêsu. Khi tự nguyện hoặc chủ tâm xâm phạm sự thanh khiết nghĩa là chúng ta phá hủy mối liên hệ ấy với Thiên Chúa, vốn là nguồn sống và con đường cứu rỗi. Cái giá phải trả thật quá đắt chỉ vì vài phút giây lạc thú.

Một lợi ích khác được lưu giữ bởi việc lựa chọn sống theo đức khiết tịnh là việc nêu cao tính thiêng liêng của tính dục. Bởi tính dục quá thiêng liêng nên nó chỉ nên có trong hôn nhân. Sống đức khiết tịnh, chúng ta tránh tầm thường hóa tình dục như trò tiêu khiển đơn thuần. Vì thế khi một người nam hay nữ bắt đầu đời sống tính dục trong hôn nhân vợ chồng, người ấy sẽ cảm nghiệm được sự mật thiết sâu đậm và độc nhất mà tính dục mang lại cho họ.

Một giá trị thêm vào: khi chọn lựa khiết tịnh, chúng ta sẽ sống đúng phẩm giá con người vốn được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Vì lẽ đó, chúng ta được thêm sức mạnh để sống theo lý trí hơn là theo ham muốn thôi thúc của bản năng (như loài vật). Bằng việc rèn luyện sức mạnh này, chúng ta sống đúng phẩm giá con người theo hình ảnh của Thiên Chúa.

Khi kiềm chế hành vi tình dục với người khác, chúng ta có thể nêu cao giá trị của con người như một tổng thể, hơn là rơi vào xu hướng (do tội nguyên tổ) xem người khác chỉ là đồ vật để thỏa mãn. Giá trị của tình dục muốn nói ở đây là các giá trị mà con người có được, một thứ rất quý giá mà chúng ta nên biết rõ, nhưng đó chỉ là một trong muôn vàn các giá trị. Ăn cơm trước kẻng hay tình dục trước hôn nhân, đặc biệt ở nam giới, là nguyên do gây ra xu thế xem phụ nữ chỉ là vật dụng để thỏa mãn, hơn là một con người bình đẳng, đáng được yêu thương và tôn trọng, chứ không phải chỉ để sử dụng. (Xem Tình Yêu và Trách Nhiệm, Gioan Phaolô II, trang 41).

Một giá trị khác nữa đó là tầm quan trọng của việc phát huy những cách thức yêu thương quan trọng nhất trong suốt thời gian lứa đôi tìm hiểu nhau. Tình yêu trao ban chính mình, tình bạn và sự quý mến nhau là những cách thức giúp nhau giữ vững cuộc hôn nhân. Chúng nên được phát huy thành những thói quen trong thời kì hẹn hò để đến khi hôn nhân bắt đầu và khi mối liên hệ tính dục bắt đầu diễn ra, những cách thức yêu thương cơ bản ấy tuy kém hứng khởi hơn so với lúc ban đầu nhưng sẽ thành bản năng yêu thương thứ hai của đôi vợ chồng. Nếu một đôi trai gái quan hệ tình dục với nhau trước hôn nhân, họ hầu như không thể phát huy tình yêu vị tha như những thói quen. Sự ích kỷ sẽ len vào, và nó thường làm mọi thứ để thỏa mãn cũng giống như tình dục. Còn đối với những đôi trai gái không quan hệ trước hôn nhân, họ dễ dàng sẵn lòng phục vụ nhau trong tình yêu Chúa, dễ dàng biểu lộ tình yêu bằng cách yêu mến nhau mà không cần tiến đến việc quan hệ thân xác, như thế họ có thể phát triển những mối quan tâm chung, vốn là tâm điểm của tình bạn mật thiết. Thực ra, tình dục trước hôn nhân che dấu vết rạn nứt tai hại của sự thiếu hụt căn bản của tình bạn, vốn rất cần thiết cho cuộc hôn nhân tốt đẹp.

Bằng cách liên tục nhắc nhở bản thân về những giá trị này, một cách nào đó, chúng ta có thể lồng ghép lý trí vào ham muốn đến lúc khi ham muốn xuất hiện, nó sẽ hòa nhập cùng lý trí. Lợi ích của đức khiết tịnh phải được khách quan hóa, nội tâm hóa, như thế ý chí sẽ luôn được đặt đối diện với lợi ích, lợi ích này giải thích sự cần thiết của việc kiềm chế những thúc bách của ham muốn xác thịt và thú vui nhục thể. Chỉ khi nào lợi ích giá trị này chiếm hữu tâm trí và ý chí, thì ý chí sẽ an bình và tự giải phóng nó khỏi ý nghĩ bị thua cuộc. Đó là bình an mà đức khiết tịnh mang lại. (Xem Tình Yêu và Trách Nhiệm, trang 198).

Một cách khác để áp dụng giá trị này là chúng ta phải biến đổi tâm hồn, sau khi đã hoán cải tâm trí. Dấu hiệu cho thấy một tâm hồn chưa được biến đổi là khi chúng ta muốn sống khiết tịnh chỉ theo lý thuyết, nhưng chẳng thực hành điều gì để tránh xa tội lỗi, phạm đến đức khiết tịnh. Có một số người dù đã chấp nhận giáo huấn của Hội Thánh về tính dục, nhưng vì nhàm chán hoặc quyến luyến với hấp dẫn tính dục, vì thế lại tiếp tục đùa giỡn với nó. Ví dụ, một đôi nam nữ nọ cứ cố tình kéo dài một nụ hôn khi nằm trên giường dù biết rằng nó sẽ dẫn đến những hệ lụy tiếp theo là hành quan hệ tình dục. Hoặc có người mời bạn mình ngủ lại qua đêm (với ý nghĩ sẽ chẳng có gì xảy ra) mặc dù biết rằng đấy là dịp tội dễ mắc phải; hoặc có khi đó là một người đã lập gia đình đi ăn tối một mình với một phụ nữ quyến rũ khác. Những người như thế đã mắc tội, đi ngược lại với tình yêu và đức khôn ngoan bằng cách cố ý tự đặt mình vào tình huống cám dỗ. Thử hỏi xem nếu họ thật sự yêu Chúa nhưng lại đi tới những bờ vực như thế rồi lại kêu lên: Ôi, hy vọng tôi không bị rơi xuống vực.

Tự kiểm soát bản thân phải được xem như kẻ dẫn dắt ham muốn tính dục cho đến khi tính ấy được rèn luyện, nhưng về bản chất đấy không phải là một đức tính đúng nghĩa, bởi nó liên quan đến việc phải chiến đấu nội tâm liên tục. Nói cách khác, khiết tịnh là một đức tính một nhân đức thật sự bởi nó thắng vượt ham muốn nhờ lý trí, vì thế không cần phải chiến đấu. Với đức khiết tịnh, con người thống nhất cả con tim và khối óc để theo đuổi những giá trị cao quý hơn trong mối liên hệ với Thiên Chúa, theo đuổi chân lý về sự linh thiêng của tính dục cũng như phẩm giá của chính mình.

Đức khiết tịnh là một chủ đề khó và đòi hỏi thời gian. Con người phải kiên nhẫn chờ đợi quá trình đâm hoa kết trái do niềm vui của tình yêu mà nó mang lại. Nhưng đồng thời, đức khiết tịnh là con đường chắc chắn dẫn tới hạnh phúc. (Xem Tình Yêu và Trách Nhiệm, trang 172).

Như vậy, quay lại câu hỏi: Có thể sống khiết tịnh được chăng? Câu trả lời là: Hoàn toàn có thể. Có lẽ sẽ không dễ gì trong thế giới ngập tràn tình dục như hiện nay, nhưng với ơn sủng được thông ban qua Thánh lễ, các bí tích và lời cầu nguyện, điều ấy hoàn toàn có thể. Và hơn thế nữa, nhờ ơn sủng, ta không chỉ đạt được đức khiết tịnh mà cảcuộc sống vĩnh hằng đời sau.

Catholic Faith Alive, Inc. 1910 Ventura Ave.Silver Spring, MD 20902 (301) 649-2037 www.cfalive.org


(*) Giáo lý Hội thánh Công giáo có nói về nhân đức khiết tịnh như sau:

Số 2337 Sống khiết tịnh là làm chủ phái tính, nhờ đó thống nhất được đời sống thể lý và tinh thần. Phái tính cho thấy con người thuộc về thế giới vật chất và sinh học, nhưng khi được hội nhập vào tương quan giữa người với người, trong đó người nam và người nữ hiến thân cho nhau trọn vẹn và vĩnh viễn, phái tính mới có giá trị thực sự nhân linh. Như vậy, đức khiết tịnh liên quan đến toàn thể nhân vị (con người) và đòi hiến thân trọn vẹn.

2338 Người khiết tịnh giữ được toàn bộ sức mạnh của sự sống và tình yêu có nơi mình; nhờ đó thống nhất được nhân vị và tránh được mọi thái độ làm tổn thương đến sự thống nhất này. Người khiết tịnh không chấp nhận cuộc sống hai mặt, cách nói hai ý (Mt 5,37).

2339 Ðức khiết tịnh đòi hỏi phải học biết tự chủ, để sống như một con người. Rõ ràng con người phải chọn lựa: hoặc chế ngự các đam mê và được bình an; hoặc làm nô lệ chúng và trở nên bất hạnh (Hc 1,22). Phẩm giá con người đòi họ phải hành động theo một sự lựa chọn ý thức và tự do, được tác động và quyết định bởi một xác tín cá nhân chứ không phải chỉ dưới hiệu quả các thôi thúc của bản năng hoặc của một sự cưỡng chế bên ngoài. Con người đạt đến phẩm cách đó khi tự giải thoát khỏi mọi nô dịch của các đam mê, nhờ tự do chọn lấy điều thiện, con người theo đuổi cùng đích của mình và khôn khéo thực sự tạo cho mình những phương tiện thích ứng (x.GS 17).

2340 Ai muốn trung thành với những lời hứa khi được rửa tội và chống lại các cơn cám dỗ, phải dùng những phương thế sau: phải biết mình, khổ chế tùy theo hoàn cảnh, tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa, thực hành các đức tính luân lý và chuyên cần cầu nguyện. Khiết tịnh giúp chúng ta tìm lại được sự thống nhất bản thân đã đánh mất khi để cho mình bị phân tán. (T.Âu tinh, conf.10,29)

2342 Muốn tự chủ phải luyện tập lâu dài và công phu. Không bao giờ có thể coi như đã tập xong, phải cố gắng suốt đời, ở mọi lứa tuổi (x.Tt 2,1-6), phải đặc biệt cố gắng vào một số giai đoạn hình thành nhân cách, như tuổi nhi đồng và thiếu niên.

2343 Ðời sống khiết tịnh cũng có những qui luật tăng trưởng, phải kinh qua những bất toàn và có khi cả tội lỗi nữa. Ngày qua ngày, con người đức độ và khiết tịnh được hình thành bằng nhiều lựa chọn tự do. Nhờ đó, họ nhận biết, yêu mến và chu toàn điều thiện luân lý qua những giai đoạn tăng trưởng (x. FC 34).

2344 Sống khiết tịnh là nhiệm vụ của mỗi người, nhưng cũng là một nỗ lực về văn hóa, vì sự thăng tiến của nhân vị và sự phát triển của xã hội lệ thuộc nhau (x. GS 25,1). Người ta chỉ sống khiết tịnh được, khi các quyền của con người được tôn trọng, đặc biệt quyền được thông tin và giáo dục để biết tôn trọng các giá trị luân lý và tâm linh của đời sống con người.

Những cách sống khiết tịnh

2348 Mọi tín hữu đều được mời gọi sống khiết tịnh. Ki-tô hữu là người đã mặc lấy Ðức Ki-tô (Gl 3,27), khuôn mẫu của đời sống khiết tịnh. Ai tin vào Ðức Ki-tô đều được mời gọi sống đời khiết tịnh tùy theo bậc sống của mình. Khi nhận bí tích Thánh Tẩy, người tín hữu cam kết giữ đức khiết tịnh trong đời sống tình cảm.

2349 Mỗi người giữ đức khiết tịnh tùy theo bậc sống của mình: người này trong bậc trinh khiết hay độc thân của đời thánh hiến, một cách thức dễ dàng tận hiến trọn vẹn tâm hồn cho Thiên Chúa; kẻ khác trong bậc gia đình hay độc thân, tùy theo luật luân lý xác định (x. CDF, déd.Persona humana À11). Người có gia đình được mời gọi giữ đức khiết tịnh trong đời sống vợ chồng; người độc thân giữ đức khiết tịnh khi sống tiết dục.

Có ba hình thức sống khiết tịnh: khiết tịnh của bậc hôn nhân, khiết tịnh của người góa bụa và khiết tịnh của kẻ đồng trinh. Chúng ta không ca tụng lối sống này mà loại bỏ lối sống khác. Về điều này, kỷ luật của Hội Thánh rất rộng rãi (T.Am-rô-xi-ô,Vid. 23).

2350 Những người đã đính hôn cũng được mời gọi tiết dục để giữ khiết tịnh. Trong thời gian thử thách này, họ học biết tôn trọng lẫn nhau, tập chung thủy và hy vọng được đón nhận nhau như quà tặng của Thiên Chúa. Họ sẽ dành những hành động biểu lộ tình yêu vợ chồng cho sau ngày thành hôn. Họ phải giúp nhau sống khiết tịnh.