Tâm lý học tích cực là gì

Tâm lý học tích cực là một nhánh nghiên cứu mới có tuổi đời khoảng hơn 20 năm nay, nhưng đã mở ra rất nhiều con đường để mỗi chúng ta có thể nhìn thấu vào đời sống nội tâm của mình, và thực sự tập trung vào “những gì làm cho cuộc đời trở nên đáng sống và tốt đẹp”. Cuốn sách “Tâm lý học tích cực – Khoa học về Phương thức sống an lạc” do Acacia C. Parks và Stephen M. Schueller biên soạn là cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam giới thiệu lý thuyết và hướng dẫn thực hành các can thiệp tâm lý học tích cực đối với cá nhân, gia đình, nhóm xã hội, lớp học gặp phải vấn đề tâm lý.

Vượt lên giới hạn của một khoa học thuần túy, tâm lý học tích cực gợi mở con đường hướng tới cuộc sống hạnh phúc và an lạc đích thực, cuộc sống dựa trên trí tuệ, lòng nhân ái và ý thức về cái tôi. Cuốn sách này cho thấy tâm lý học tích cực như một khoa học về phương thức sống an lạc.

Đặc biệt, cuốn sách ra đời trong những ngày tháng bất định do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong những ngày mà nhiều người trong chúng ta “chạy trốn khỏi quá khứ, lo lắng trong hiện tại và bất định về tương lai”, những bài thực tập trong cuốn sách có thể trở thành những công cụ hữu ích giúp mỗi cá nhân nhận diện về thực tế một cách tỉnh thức, từ đó xây dựng lại kết nối với chính mình và với những người thân thương.

Tâm lý học tích cực là gì
Dẫn đề
Chị ơi, em biết là làm cô giáo thì tình thương cho trẻ phải chia đều. Nhưng bé X thì thuận lợi, ngày nào cũng cười với em, bé Y thì không hợp tác, đụng vào là khóc? Tình thương của cô giáo có thực sự là chia đều được không chị? Em phải làm sao?

Bạn đã bao giờ nghe một lời tâm sự thật lòng từ cô giáo như vậy chưa? Tôi thì đã từng. Cô giáo cũng là một con người đầy hỉ nộ ái ố như chúng ta. Và đã là con người, thì ai cũng dễ dàng phát sinh tình cảm hơn với những gì thuận lợi cho mình.

Chúng tôi không nghĩ rằng cô giáo đáng trách khi cô thích bé X hơn bé Y. Chúng tôi lại càng không nghĩ rằng bé Y có lỗi vì quấy khóc hơn. Điều cần thiết là những hướng dẫn, những can thiệp để nuôi dưỡng tinh thần của cô giáo. Chúng tôi chỉ mong ước tất cả các giáo viên đều được học về Tâm Lý Học Tích Cực.

Tâm Lý Học Tích Cực (Positive Psychology) là gì?
Tâm lý học tích cực là một nghiên cứu khoa học về thế mạnh và đức hạnh của con người, là một lĩnh vực mới của tâm lý học, được Dr. Martin Seligman khởi xướng từ năm 1988, với Mihaly Csikszentmihalyi và Christopher Peterson được coi là đồng sáng lập của phong trào này. Phong trào tâm lý học tích cực có thể được mô tả là “nghiên cứu về những gì tạo thành cuộc sống dễ chịu, cuộc sống gắn kết, và cuộc sống có ý nghĩa.” Đây là một sự đối lập với tâm lý phân tích và tâm lý hành vi, vốn chỉ tập trung vào những hành vi không phù hợp hay những suy nghĩ tiêu cực.

Các lý thuyết hướng dẫn là P.E.R.M.A. của Seligman, và lý thuyết dòng chảy (Flow) của Csikszentmihalyi, trong khi đức hạnh và điểm mạnh tính cách (Character Strengths and Virtues) của Seligman và Peterson cũng là một đóng góp lớn cho việc nghiên cứu phương pháp luận về tâm lý học tích cực.

Tâm Lý Học Tích Cực có thể làm gì?
Tâm lý học tích cực cung cấp rất nhiều những can thiệp để nuôi dưỡng phát triển, tạo ý nghĩa, phát huy điểm mạnh, hành xử tối ưu và xây dựng môi quan hệ với người khác. Như trong dẫn dề bên trên, chúng tôi đề nghị có thể thực hiện hai can thiệp cơ bản của Tâm Lý Học Tích Cực cho cô giáo.

Can Thiệp Ba Điều Tốt (Three Good Things in Life Intervention)
Người tham gia can thiệp Ba Điều Tốt được yêu cầu viết ra ba sự kiện tích cực đã xảy ra với họ trong từng ngày và giải thích tại sao những chuyện tốt đó lại đến. Can thiệp Ba Điều Tốt đã được thực hiện với mẫu nghiên cứu người lớn (Anselmo, 2010), thiếu niên (McCabe-Fitch, 2009), và nhân viên công sở (Carlton, 2009). Những phát hiện khuyến cáo rằng chỉ cần bỏ ra một tuần liệt kê và cân nhắc đến ba điều tốt xảy ra mỗi ngày, ta sẽ tăng sự tận hưởng với những sự kiện tích cực và cảm thấy hạnh phúc hơn, cả trong thời gian dài (ví dụ: sáu tháng sau can thiệp; Anselmo, 2010; Seligman và cộng sự, 2005) lẫn thời gian ngắn (ví dụ: một tháng sau can thiệp; Carlton, 2009).

Áp dụng can thiệp Ba Điều Tốt, cô giáo được khuyến khích dành 30 phút mỗi cuối ngày, để viết ra ba điều tốt liên quan đến bé Y vừa xảy đến trong ngày hôm đó. Ba điều tốt liên quan đến bé Y được hiểu là ba việc mà bé Y làm cô và các bạn vui, dễ chịu, hoặc ít nhất là ba việc mà bé Y ít làm phiền lòng lớp học nhất. Lưu ý rằng việc viết ra Ba Điều Tốt chỉ đơn giản tập trung vào những cảm giác tích cực mà kí ức đó mang lại. Nghĩ về ba kí ức nào trong quá khứ, mà bạn thấy dễ chịu nhất, không tập trung vào những chuyện “tại sao” và “làm thế nào” xung quanh chuyện đó. Bởi như nghiên cứu của Wilson, Centerbar, Kermer, & Gilbert năm 2005, viết về một trải nghiệm tích cực có thể khuyến khích ta xây dựng một câu chuyện logic, đôi khi khiến ta “biện hộ rằng ta không có lỗi”; và điều này sẽ gây phản tác dụng khi thực hiện can thiệp.

Sau một tuần thực hiện can thiệp Ba Điều Tốt, bây giờ cô giáo có thể mô tả lại cảm xúc và cảm giác của cô về bé Y.

Can Thiệp Dựa Trên Điểm Mạnh (Strength Based Intervention)
Các can thiệp dựa trên điểm mạnh không bỏ qua điểm yếu, nhưng can thiệp làm việc trên cơ sở đầu tư thời gian và năng lượng trong các lĩnh vực vốn có điểm mạnh, có nhiều khả năng thành công. Can thiệp không sử dụng các nguồn lực để khắc phục các điểm yếu. Nếu ta cần chiếm ưu thế, thì phát huy điểm mạnh để làm điều đó, có ý nghĩa hơn là chỉ tập trung vào điểm yếu.

Cô giáo có thể áp dụng Can Thiệp Dựa Trên Điểm Mạnh cho trẻ. Cô quan sát và nhận biết được một điểm mạnh của trẻ, sau đó tập trung thiết kế những hoạt động sẽ gia tăng, nuôi dưỡng và phát huy được điểm tốt này. Sau một tuần thực hiện can thiệp, quan sát lại biểu hiện của bé.

Đó là hai trong rất nhiều can thiệp của Tâm Lý Học Tích Cực, nhằm hướng đến mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa cô và trò.

Kết luận:
Tâm Lý Học Tích Cực có ứng dụng sâu rộng trong tất cả lĩnh vực cuộc sống, và đặc biệt ảnh hưởng đến Giáo Dục. Thay đổi một thói quen tư duy là thay đổi hành động của bạn. Chúng tôi mong sẽ giới thiệu một lĩnh vực Tâm Lý Học Tích Cực chính xác đến với nhiều người. Mong tất cả các cô giáo đều được học Tâm Lý Học Tích Cực. Bởi lẽ Giáo Dục trước hết bắt đầu bằng một thái độ, ý thức, sau đó mới đến nội dung giảng dạy.

Nguồn tham khảo:
Định nghĩa Tâm Lý Học Tích Cực – https://positivepsychologyprogram.com/what-is-positive-psychology/

Các can thiệp lấy nguồn từ: The Wiley Blackwell Handbook of Positive Psychological Interventions.

Three Good Things in Life Intervention – Nurturing the Capacity to Savor (p.42) – Jennifer L. Smith, Patrick R. Harrison, Jaime L. Kurtz, and Fred B. Bryant

Strength Based Interventions – Strengths Interventions (p.66) – Michelle C. Louis and Shane J. Lopez

Người tổng hợp: Tanya Chi
Bản quyền dịch: Nhóm Cánh Diều