Tham luận cải cách hành chính

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao thứ hạng chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian đến.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sau đây xin giới thiệu tham luận với chủ đề Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao thứ hạng chỉ số cải cách hành chính trong thời gian tới.

Nghị Quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Để chỉ đạo triển khai thực hiện, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 05/12/2016 về cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2016 - 2020 và đã xác định mục tiêu là: Xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại; tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, có tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; cung cấp các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 3, 4. Xây dựng chính quyền liêm khiết, kiến tạo, hành động, phục vụ tổ chức, công dân, tạo môi trường thuận lợi để huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trên cơ sở đó HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 34/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 về Đề án cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016 - 2020; Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xây dựng, ban hành, phê duyệt nhiều văn bản để triển khai thực hiện.

1. Kết quả đạt được trong công tác CCHC thời gian qua

Công tác cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai thực hiện toàn diện trên tất cả các nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cải cách chế độ công vụ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính đã tạo được những chuyển biến tích cực và đã đạt được những kết quả nhất định:

- Thể chế của nền hành chính tiếp tục được cải cách, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chất lượng, tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được nâng lên.

- Công tác kiểm soát, ban hành mới, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính được thực hiện thường xuyên, đã mở rộng hình thức, phạm vi công khai, minh bạch hóa thủ tục hành chính và các thông tin quản lý nhà nước, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã tạo nhiều thuận lợi cho tổ chức, công dân trong giao dịch, nhất là giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh, đất đai, giao thông vận tải, xây dựng...

- Tổ chức, bộ máy về cơ bản được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nhiều cơ quan, đơn vị đã rõ về chức năng, nhiệm vụ, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.

- Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được cơ cấu, chuẩn hóa theo ngạch, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ phục vụ tổ chức, cá nhân ngày càng được nâng cao.

- Cải cách tài chính công đạt được kết quả tích cực; thực hiện nghiêm túc việc phân công, phân cấp về quản lý tài chính, ngân sách, làm tăng tính hiệu quả của chi tiêu công, hạn chế sự lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước.

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành được chú trọng, góp phần tiết kiệm thời gian, giấy tờ hành chính; thông tin nhanh, chính xác, thuận lợi trong công tác tổ chức, phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Bước đầu đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho tổ chức và công dân.

Tham luận cải cách hành chính

2. Những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân

a) Những tồn tại, hạn chế

- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tuy được cải cách đáng kể nhưng chất lượng, tính khả thi một số văn bản còn thấp.

- Một số thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; việc giải quyết thủ tục hành chính của một số cơ quan, địa phương còn trễ hẹn so với thời gian quy định. Cơ chế một cửa ở một số cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức, thực hiện chưa đúng quy trình. Chậm triển khai đưa các thủ tục hành chính của các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương theo Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ vào Bộ phận một cửa các cấp.

- Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn khó khăn. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp.

- Kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chưa nghiêm; một bộ phận công chức, viên chức thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, hạn chế về năng lực chuyên môn.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành của các cơ quan hành chính chưa triệt để; việc công khai giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp của một số sở, ngành, địa phương còn chậm.

- Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn ít; tổ chức và công dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến không nhiều; tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng còn thấp, triển khai cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng còn hạn chế.

- Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) liên tục nhiều năm có thứ hạng thấp so với các tỉnh, thành phố trong cả nước (năm 2015 xếp thứ hạng 60/63, năm 2016 xếp thứ hạng 59/63, năm 2017 xếp thứ hạng 63/63, năm 2018 xếp thứ hạng 56/63, năm 2019 xếp thứ hạng 61/63).

b) Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế

Những tồn tại, yếu kém trong công tác cải cách hành chính có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu tập trung ở một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:

- Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng, vai trò, nhiệm vụ cải cách hành chính; chưa thật sự quyết tâm trong công tác lãnh đạo, điều hành.

- Trình độ, năng lực của một số công chức tham mưu, phụ trách công tác cải cách hành chính ở các cấp, các ngành còn hạn chế; đội ngũ công chức ở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính chủ yếu thực hiện kiêm nhiệm và thay đổi thường xuyên nên hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

- Việc quản lý, phân công, phân nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức thiếu chặt chẽ, chưa rõ ràng; đánh giá cán bộ, công chức, viên chức còn theo ý chí chủ quan chưa thực sự dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ. Công tác tuyển dụng viên chức giáo viên, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều sai sót, hạn chế; cán bộ, công chức, viên chức vi phạm bị xử lý kỷ luật còn nhiều

- Cán bộ, công chức cấp xã chưa qua đào tạo còn số lượng lớn nhưng không thể giải quyết ngay được (cán bộ có trình độ chuyên môn sơ cấp 20 người, chiếm 1,08% và chưa qua đào tạo 199 người, chiếm 10,72 %; công chức có trình độ chuyên môn sơ cấp 08 người, chiếm 0,41%; chưa qua đào tạo 29 người, chiếm 1,50%).

- Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính chưa thường xuyên; kết quả thực hiện cải cách hành chính có lúc chậm, không theo chương trình, kế hoạch song chưa có biện pháp xử lý kịp thời.

- Nguồn lực (tài chính và nhân lực) bố trí cho công tác cải cách hành chính còn hạn chế; điều kiện, cơ sở vật chất ở hầu hết các sở, ngành, địa phương vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác cải cách hành chính .

- Hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn của Trung ương về tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị chưa sửa đổi kịp thời và đồng bộ nên khó khăn trong việc thực hiện.

Tham luận cải cách hành chính

3. Nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính trong thời gian đến

- Công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ rộng lớn liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, cần phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhất là vai trò của người đứng đầu.

- Nhiệm vụ cải cách hành chính phải được tiến hành đồng bộ giữa các ngành, các cấp, từ tỉnh đến cơ sở và ngược lại; coi trọng, khuyến khích những sáng kiến, thử nghiệm của địa phương, xác định khâu đột phá trong từng giai đoạn, tìm ra được động lực cụ thể thúc đẩy các hoạt động cải cách

- Công tác cải cách hành chính phải xuất phát từ tình hình, đặc điểm cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, không rập khuôn, máy móc; đồng thời kết hợp tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị, địa phương khác để vận dụng, sáng tạo cho phù hợp.

- Kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở các ngành, các cấp nhằm bảo đảm hiệu lực, chất lượng, tính khả thi cao.

- Tiếp tục rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật; rà soát, đánh giá trình công bố lại bộ thủ tục hành chính của các ngành, địa phương để áp dụng thống nhất trên toàn tỉnh.

- Thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực tại trụ sở cơ quan hành chính, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử; xây dựng và công khai quy trình xử lý, giải quyết công việc hành chính, thủ tục hành chính để tổ chức, công dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ.

- Tiếp tục triển khai thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo đúng quy định của Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương.

- Có kế hoạch đào tạo cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, yêu cầu nhiệm vụ. Phê duyệt lại Đề án vị trí việc làm theo Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 và Nghị định số 106/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ; thực hiện tuyển dụng công chức, viên chức theo vị trí việc làm, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện về ngạnh công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức và đảm bảo nguyên tắc công khai, khách quan, minh bạch, công bằng, cạnh tranh, đúng quy định của pháp luật. Đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ, đánh giá cán bộ, gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Tăng cường thanh tra công vụ, kiểm tra công tác cải cách hành chính tại một số sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị nhằm ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời những công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu gây phiền hà đối với tổ chức và công dân. Tiếp tục thực hiện một số biện pháp chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính theo quy định của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

- Kiểm soát chặt chẽ cơ chế lập, phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; chi thường xuyên và đầu tư công; đẩy mạnh xã hội hóa những lĩnh vực tư nhân có thể đầu tư.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng chính quyền điện tử, công dân điện tử. Tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với những lĩnh vực bức thiết liên quan đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.