Thế nào là kiến nghị, phản ánh

THỰC TRẠNG VIỆC PHÂN LOẠI ĐƠN KHIẾU NẠI VỚI ĐƠN PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ TRÊN ĐỊA BÀN QUẢNG TRỊ

Thứ ba - 23/02/2016 16:15
Trong những năm qua, theo báo cáo công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của các huyện, thị, sở, ngành trong tỉnh, cho thấy đơn phản ánh, kiến nghị đang chiếm tỷ lệ rất lớn:
Trong 10 tháng đầu năm 2015 thành phố Đông Hà nhận 669 đơn phản ánh, kiến nghị trên tổng số 676 đơn các loại; Năm 2014 thanh tra huyện Triệu Phong nhận 17 đơn phản ánh, kiến nghị trên tổng số 18 đơn các loại; Từ tháng 01/2013 đến tháng 4/2014 UBND huyện Hải Lăng nhận 52 đơn phản ánh, kiến nghị trên tổng số 63 đơn các loại; Năm 2014 UBND Thị xã Quảng Trị nhận 102 đơn phản ánh, kiến nghị trên tổng số126 đơn các loại v.v; Năm 2015 các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh đã nhận 834 đơn phản ánh, kiến nghị trên 985 đơn các loại.
Vậy thực trạng của hiện tượng này là như thế nào, đây có phải là đơn phản ánh, kiến nghị hay là đơn khiếu nại; Để làm rõ, trước hết chúng ta cùng tìm hiểu các quy định cơ bản của pháp luật liên quan đến phản ánh, kiến nghị và khiếu nại:
* Các quy định về Khiếu nại:
- Theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011:
Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, thì đơn khiếu nại đó không được giải quyết.
* Các quy định liên quan đến phản ánh, kiến nghị:
Luật tiếp công dân năm 2013 quy định:
Kiến nghị, phản ánh là việc công dân cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và những vấn đề có liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, công tác quản lý trong các lĩnh vực đời sống xã hội.
Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 của Chính phủ quy định (sau đây viết tắt là Nghị định 20/2008 của Chính phủ)
- Phản ánh là việc cá nhân, tổ chức có ý kiến với cơ quan hành chính nhà nước về những vấn đề liên quan đến quy định hành chính, bao gồm: Những vướng mắc cụ thể trong việc thực hiện; Sự không hợp pháp, không hợp lý, không đồng bộ, không thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước Quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và những vấn đề khác.
- Kiến nghị là việc cá nhân, tổ chức có phản ánh với cơ quan hành chính nhà nước theo quy định và đề xuất phương án xử lý hoặc có sáng kiến ban hành mới quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân.
- Quy định hành chính là những quy định về cơ chế, chính sách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh và đời sống nhân dân, thuộc phạm vi quản lý của cơ quan hành chính nhà nước, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật.
Như vậy qua khái niệm về phản ánh, kiến nghị cho thấy: Phản ánh chỉ là mới nêu sự việc, còn kiến nghị cũng là phản ánh, nhưng có đề xuất phương án, sáng kiến; Trong thực tế người dân luôn nêu sự việc và có đề xuất, vì vậy đơn phản ánh, kiến nghị thường được gọi là đơn kiến nghị.
Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 24/3/29014 của UBND tỉnh Quảng Trị :
Căn cứ Nghị định 20/2008 của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 14 ngày 24/3/2014 về việc ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trên địa bàn tỉnh; Trong quyết định này đã nêu lại các khái niệm về phản ánh, kiến nghị, quy định hành chính và giao sở Tư pháp giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
* Như vậy, giữa đơn khiếu nại và đơn kiến nghị có sự khác nhau cơ bản:
Về đối tượng tác động làm phát sinh đơn:
Đơn khiếu nại: Đó là quyết định hành chính, do cơ quan hành chính nhà nước ban hành, văn bản cá biệt, quyết định một vấn đề cụ thể, áp dụng một lần; Đơn kiến nghị, phản ánh: Đó là quy định hành chính, do cơ quan nhà nước ban hành hoặc người có quyền ban hành, văn bản quy định chung về chủ trương, đường lối, chính sách, thủ tục hành chính,áp dụng nhiều lần.
Về mức độ ảnh hưởng đến người có đơn:
Đơn khiếu nại: Làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người có đơn, yêu cầu xử lý, phục hồi lợi ích cho cá nhân; Đơn kiến nghị, phản ánh không nhất thiết phải có ảnh hưởng đến người có đơn, chỉ nêu sự việc hoặc có ý kiến đề xuất biện pháp, sáng kiến.
Về thời hạn, thời hiệu giải quyết:
Đơn khiếu nại: Được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật; Đơn kiến nghị, chưa được quy định.
Về cơ quan tiếp nhận đơn:
Đơn khiếu nại: Các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Luật; Đơn kiến nghị: Theo quy định tại Quyết định số 14 ngày 24/3/2014 của UBND tỉnh Quảng Trị, Sở Tư pháp tiếp nhận các đơn thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, đối với UBND cấp huyện chưa có quy định.
Về cơ quan xử lý:
Đơn khiều nại được quy định cụ thể trong Luật Khiếu nại 2011, đơn kiến nghị, Sở Tư pháp chuyển cho các cơ quan ban hành xử lý theo nội dung đơn có liên quan, sau đó chuyển kết quả cho UBND tỉnh qua sở Tư pháp.
Về loại văn bản phải ban hành để giải quyết:
Đơn khiếu nại: Quyết định giải quyết đơn của người có thẩm quyền; đơn kiến nghị; Đơn kiến nghị: Cơ quan, cá nhân ban hành công văn để giải quyết.
* Từ những quy định cơ bản của pháp luật như đã phân tích ở trên, chúng ta cùng xem xét lại thực trạng của việc phân loại đơn khiếu nại, kiến nghị của một số cơ quan, đơn vị hành chính trong những năm qua:
Trên địa bàn huyện Hải Lăng trong năm 2013 và 4 tháng đầu năm 2014 đã phát sinh 62 đơn, trong đó tố cáo 6, khiếu nại 4; phản ánh, kiến nghị 52.
Trong 52 đơn phản ánh, kiến nghị có rất nhiều đơn phát sinh không do các văn bản quy định chung về chủ trương, đường lối, chính sách, thủ tục hành chính mà lý do làm phát sinh đơn là do các quyết định hành chính cá biệt, các hành vi hành chính cụ thể làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người viết đơn. Đơn cử trườn hợp đơn của bà Lê Thị Lý ở thôn Thượng Xá, Hải Thiện có nội dung đề cập đến việc UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây viết tắt là CNQSD đất) cho ông Phan Đình Cảnh đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình bà. Đối chiếu các quy định của pháp luật thì đây là đơn khiếu nại chứ không phải đơn phản ánh, kiến nghị. Tương tự các trường hợp đơn của bà Võ Thị Toán ở thôn Mỹ Chánh, Hải Chánh, đơn ông Văn Tiến Dũng ở xã Hải Phú, đơn bà Văn Thị Dung ở thị trấn Hải Lăng, đơn ông Đặng Quốc Tuấn, thị trấn Hải Lăng, đề cập việc UBND huyện cấp giấy CNQSD đất cho các hộ khác đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.
Năm 2014 Thanh tra huyện Triệu Phong nhận 18 đơn các loại trong đó có 17 đơn phản ánh, kiến nghị; trong số 17 đơn phản ánh, kiến nghị có nhiều nội dung đề cập đến quyết định hành chính, hành vi hành chính mà không phải do các quy định hành chính về chủ trương, đường lối, chính sách làm phát sinh đơn. Như đơn ông Phan Văn Chiên, thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng không đồng ý một số nội dung tại công văn số 662 ngày 23/8/2010 của UBND huyện (như vậy đây là đơn khiếu nại đề cập đến quyết định hành chính), hay đơn của bà Quách Thị Hải ở phường 2, thị xã Quảng Trị, đề cập đến thông báo số 230 của UBND huyện về việc giao đất cho gia đình bà là 160m2 nhưng thực tế không đủ diện tích được giao. Nội dung của đơn không liên quan đến đường lối, chính sách, chủ trương, quy định hành chính.
Tóm lại: Từ thực trạng của việc phân loại đơn như trên, đối chiếu với các quy định của pháp luật cho chúng ta thấy: Nhiều đơn có nội dung khiếu nại nhưng đã được các cơ quan hành chính trên địa bàn xếp loại đơn phản ánh, kiến nghị.
Trên đây là thực trạng của việc phân loại đơn khiếu nại với đơn phản ánh, kiến nghị của một số đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong những năm qua. Mong rằng trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sớm có giải pháp và sự phân định rõ ràng hơn trong việc phân loại đơn để kết quả giảiquyết đơn có tính hiệu quả và thuyết phục hơn./.

Tác giả bài viết: Phòng Nghiệp vụ 3 - Thanh tra tỉnh