Thường trực ủy ban nhân dân là gì

Điều 1. Quy định chung
Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ủy viên là Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 104, Điều 105, Điều 106, Điều 107 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Điều 66, Điều 67, Điều 68, Điều 69, Điều 70, Điều 71, Điều 72, Điều 73, Điều 74, Điều 75 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015; Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 ngày 30/01/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về việc Hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân và các quy định khác của pháp luật. 

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh
1. Triệu tập các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh; phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc chuẩn bị kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh.
2. Đôn đốc, kiểm tra Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan nhà nước khác ở địa phương thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
3. Giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật tại địa phương.
4. Chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; xem xét kết quả giám sát của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh khi xét thấy cần thiết và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất; giữ mối liên hệ với đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnhtổng hợp chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh để báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh; yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân giải trình các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.
5. Tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp công dân theo quy định của pháp luật; đôn đốc, kiểm tra và xem xét tình hình giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân để báo cáo tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh.
6. Phê chuẩn danh sách Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh trong số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và việc cho thôi làm Ủy viên của Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh theo đề nghị của Trưởng ban của Hội đồng nhân dân tỉnh.
7. Trình Hội đồng nhân dân tỉnh lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu theo quy định tại Điều 88 và Điều 89 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
8. Quyết định việc đưa ra Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc đưa ra cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.
9. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh báo cáo về hoạt động của Hội đồng nhân dân cùng cấp lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.
10. Giữ mối liên hệ và phối hợp công tác với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp; mỗi năm hai lần thông báo cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp về hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh
1. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định pháp luật khác có liên quan. 
2. Chịu trách nhiệm tập thể về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; chịu trách nhiệm cá nhân trước Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ, quyền hạn được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phân công. 
3. Chỉ đạo việc thể chế hóa chủ trương của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, chỉ đạo xây dựng và thực hiện chương trình hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ và hằng năm.
4. Chỉ đạo hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh. Thay mặt Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh giữ mối liên hệ với các cơ quan Trung ương, Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước, các tổ chức quốc tế trong quan hệ đối ngoại của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp, các tổ chức xã hội khác và công dân.
5. Chỉ đạo công tác chuẩn bị kỳ họp; chủ tọa các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh; chủ trì các phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các cuộc họp của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh với Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh. Chủ trì giải quyết những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh phát sinh giữa hai kỳ họp. Chủ trì họp đánh giá, rút kinh nghiệm công tác tổ chức các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh.
6. Trực tiếp hoặc phân công nhiệm vụ các Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh giúp Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. Trường hợp vắng mặt hoặc do yêu cầu của nhiệm vụ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh ủy quyền cho Phó Chủ tịch thay mặt Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo hoạt động của Thường trực Hội đồng dân tỉnh, đồng thời xử lý công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh. 
7. Ký các loại văn bản: Văn bản của Hội đồng nhân dân tỉnh gửi các cơ quan Trung ương, Tỉnh ủy; các tờ trình của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trình kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh; nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh; Biên bản kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh; phê chuẩn kết quả bầu cử, miễn nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện; nghị quyết, quyết định cá biệt thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; các văn bản về quyết định chủ trương đầu tư, lĩnh vực ngân sách, tài nguyên; đối ngoại. 

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh
1. Thực hiện nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh phân công, chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công. 
2. Giúp Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; công tác chuẩn bị tổ chức các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh; phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và các công việc khác có liên quan (nếu có). 
3. Thay mặt Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các hoạt động giám sát, thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định của pháp luật. 
4. Chỉ đạo, theo dõi tình hình, kết quả hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; chuẩn bị các nội dung báo cáo công tác định kỳ, đột xuất của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; công tác bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp thông tin, nâng cao năng lực đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. 
5. Tổ chức để Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật, việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh giao. 
6. Điều hành hoạt động thường xuyên của bộ máy chuyên trách của Hội đồng nhân dân tỉnh. Chỉ đạo chung hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh. Chủ trì các phiên họp giao ban trong nội bộ cơ quan và các cuộc họp với báo chí. 
7. Ký các văn bản thuộc thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh (ngoài các văn bản thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh) theo quy định của pháp luật, quy định tại Quy chế này và ký các văn bản do Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh ủy quyền. 
Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh
1. Chịu trách nhiệm tập thể về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; chịu trách nhiệm cá nhân trước Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ, quyền hạn được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phân công; tham gia chuẩn bị các nội dung, chương trình phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh theo sự phân công của lãnh đạo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; tham gia các phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh. 
2. Chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Ban, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban được quy định tại Khoản 4 Điều 6, Điều 108, Điều 109, Điều 110, Điều 111 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;Điều 76, Điều 77, Điều 79, Điều 80, Điều 81, Điều 82 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 và thực hiện nhiệm vụ do Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phân công, theo sự phân công, phối hợp, điều hành của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh.
3. Tiếp công dân theo sự phân công của lãnh đạo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.
4. Trực tiếp theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, kiến nghị sau giám sát thuộc lĩnh vực của Ban và địa bàn được phân công phụ trách.
5. Trực tiếp theo dõi kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc nội dung lĩnh vực Ban phụ trách.

Chương II
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

Điều 6. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh hoạt động thường xuyên, theo đúng các quy định của pháp luật, chấp hành Quy chế làm việc của Tỉnh ủy theo nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ tập thể, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân tỉnh. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phân công trách nhiệm cá nhân phụ trách từng lĩnh vực cụ thể; các thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm tập thể về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; chịu trách nhiệm cá nhân trước Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ, quyền hạn được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phân công. 
Điều 7. Chế độ họp của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh 
1. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh mỗi tháng họp một phiên vào ngày 28 hằng tháng (trường hợp trùng vào thứ 7, chủ nhật hoặc ngày lễ, Tết thì sẽ họp vào ngày làm việc tiếp theo liền kề). Khi xét thấy cần thiết, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh có thể họp đột xuất theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh. Căn cứ lịch công tác và tình hình thực tế, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh có thể gửi xin ý kiến các đồng chí thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh bằng văn bản hoặc liên hệ trực tiếp. 
2. Lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh (Chủ tịch và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh) hội ý mỗi tháng 2 lần vào ngày 15 hàng tháng và trước phiên họp Thường trực HĐND tỉnh của thángđể thống nhất những nội dung thuộc thẩm quyền của lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh hoặc những định hướng, chủ trương, nội dung sẽ báo cáo cho Thường trực HĐND tỉnh tại phiên họp định kỳ và đột xuất (Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh dự và làm thư ký). Tùy nội dung hội ý, lãnh đạo Thường trực mời Trưởng, Phó một số Ban của HĐND tỉnh tham dự buổi hội ý.
3. Thành phần dự phiên họp hằng tháng thực hiện theo khoản 5, khoản 6 Điều 106 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Tại các phiên họp tháng, có thể mời phóng viên báo, đài phát thanh và truyền hình tỉnh dự, đưa tin. 
4. Khi cần thiết, tại phiên họp tháng, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh có thể thực hiện hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn và giải trình đối với thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh, người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh. 
Điều 8. Chuẩn bị kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh
1. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh họp thống nhất nội dung, thời gian tổ chức kỳ họp và ban hành Kế hoạch chuẩn bị kỳ họp. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện. Tổ chức họp báo để thông tin về kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo chuẩn bị nội dung các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh; kiểm tra các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình Hội đồng nhân dân tỉnh; xem xét giải quyết trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri; chỉ đạo các vấn đề khác liên quan đến công tác chuẩn bị kỳ họp. 
3. Phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thống nhất và ban hành Kế hoạch tiếp xúc cử tri; tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp xúc cử tri theo luật định.
4. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; dự kiến Chương trình kỳ họp để gửi đến đại biểu dự họp; dự kiến Chương trình điều hành của Chủ tọa kỳ họp gửi đến các cá nhân liên quan để thực hiện; chỉ đạo công tác tuyên truyền trước, trong, sau kỳ họp và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm khác để tổ chức kỳ họp đạt kết quả. 
5. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định triệu tập kỳ họp, dự kiến chương trình kỳ họp và gửi đến các cơ quan, đơn vị liên quan và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định tại Khoản 2, Điều 80 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. 
6. Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành liên quan họp rà soát, kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ họp; thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị chung của cử tri; thống nhất chương trình kỳ họp.
7. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh trả lời tại kỳ họp hoặc trả lời bằng văn bản giữa hai kỳ họp. 
8. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh họp với Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành liên quan để kiểm tra dự thảo nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh trình tại kỳ họp. 
Điều 9. Trách nhiệm của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh sau kỳ họp
1. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ kỳ họp gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Chỉ đạo đăng Công báo, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. 
2. Tổ chức họp rút kinh nghiệm về công tác tổ chức kỳ họp. 
3. Phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp xúc cử tri, báo cáo về kết quả kỳ họp, tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân thực hiện nghị quyết. 
4. Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; ban hành, triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết. 
5. Chỉ đạo các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện các cam kết của người trả lời chất vấn tại kỳ họp và trả lời bằng văn bản sau kỳ họp. 
Điều 10. Xem xét, giải quyết công việc giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh 
1. Khi có vấn đề cần thiết, cấp bách, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh; triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, xem xét quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền hoặc những nội dung được Hội đồng nhân dân tỉnh giao hoặc ủy quyền theo quy định của pháp luật. 
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, cho ý kiến đối với các tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất. 

Chương III
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 11. Đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan Trung ương
1. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện báo cáo định kỳ 6 tháng, năm về hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh và gửi các tài liệu kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. 
2. Các Ủy viên của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh khi được mời tham dự các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan Trung ương phải báo cáo và thực hiện theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh. 
Điều 12. Đối với Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh
Chịu sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy thông qua Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh (theo Quy chế làm việc của Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026) do Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành. 
Điều 13. Đối với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định (Thực hiện theo Quy chế phối hợp hoạt động giữa Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội Bình Định nhiệm kỳ 2021-2026). 
Điều 14. Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh (Thực hiện theo Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực Hội đồng nhân dân và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026). 
 Điều 15. Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh (Thực hiện theo Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026). 

Điều 16. Đối với các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh
Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; phân công các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp và các nội dung Ủy ban nhân dân tỉnh trình Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh giữa hai kỳ họp; giao các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện một số nội dung trong chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và một số nhiệm vụ khác. 
Điều 17. Đối với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh 
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh chịu sự lãnh đạo toàn diện của lãnh đạo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trong hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh. Văn phòng tham mưu và giúp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện các nhiệm vụ được giao theo luật định.
Lãnh đạo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo, phân công thực hiện nhiệm vụ cho Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Chánh Văn phòng hoặc Phó Chánh Văn phòng phụ trách công tác liên quan. Lãnh đạo Văn phòng có trách nhiệm phân công, chỉ đạo cán bộ, công chức thuộc bộ máy của Văn phòng thực hiện các nhiệm vụ phù hợp chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền được giao và nhiệm vụ khác do lãnh đạo Thường trực phân công.
Điều 18. Đối với các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan tư pháp tỉnh và các cơ quan liên quan
1. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tạo điều kiện để các tổ chức chính trị - xã hội động viên nhân dân tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội tỉnh được mời tham dự các phiên họp công khai của Hội đồng nhân dân tỉnh và có thể được mời tham dự các phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh khi bàn về các vấn đề có liên quan.
2. Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm báo cáo tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả thực nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định; giải trình các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh nếu có yêu cầu. Lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, người đứng đầu các cơ quan có liên quan có thể được mời tham dự phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh khi bàn về vấn đề thuộc lĩnh vực, phạm vi nhiệm vụ được giao. Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và các cơ quan có liên quan chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, có trách nhiệm báo cáo, cung cấp tài liệu và giải trình phục vụ hoạt động giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh. 
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ trao đổi, thống nhất để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra./.