Trên lĩnh vực văn hóa Đảng ta xác định chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng


Trên lĩnh vực văn hóa Đảng ta xác định chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng


1. Khái niệm văn hóa theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Khái niệm văn hóa có nội hàm phong phú và ngoại diên rất rộng, vì vậy có rất nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, khái niệm văn hóa được hiểu theo cả ba nghĩa rộng, hẹp và rất hẹp.

Theo nghĩa rộng, Hồ Chí Minh nêu văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra với phương thức sử dụng chúng, nhằm đáp ứng lẽ sinh tồn, đồng thời đó cũng là mục đích của cuộc sống loài người.

Người viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Định nghĩa về văn hóa của Hồ Chí Minh đã khắc phục được những quan niệm phiến diện về văn hóa trong lịch sử và hiện tại.

Theo nghĩa hẹp, Người viết: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần chú ý đến, cũng phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhưng văn hóa là một kiến trúc thượng tầng”.

Theo nghĩa rất hẹp, văn hóa đơn giản là trình độ học vấn của con người, thể hiện ở việc Hồ Chí Minh yêu cầu mọi người phải đi học “văn hóa”, xóa mù chữ,…

2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hóa mới

Theo Hồ Chí Minh, nền văn hóa dân tộc phải được xây dựng trên năm điểm lớn sau đây:

1- Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường.

2- Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng.

3- Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội.

4- Xây dựng chính trị: dân quyền.

5- Xây dựng kinh tế”.

Muốn xây dựng nền văn hóa dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì phải xây dựng trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức, tâm lý con người.

3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người

3.1- Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của con người

Hồ Chí Minh khẳng định, con người là vốn quý nhất, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Theo Người, “vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”.

Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Con người là mục tiêu của cách mạng, nên mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ đều vì lợi ích chính đáng của con người, có thể là lợi ích lâu dài, lợi ích trước mắt; lợi ích cả dân tộc và lợi ích của bộ phận, giai cấp, tầng lớp và cá nhân.

Không phải mọi con người đều trở thành động lực mà phải là những con người được giác ngộ và tổ chức. Họ phải có trí tuệ và bản lĩnh, văn hóa, đạo đức, được nuôi dưỡng trên nền tảng truyền thống lịch sử và văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam… Chính trị, văn hóa, tinh thần là động lực cơ bản trong động lực con người. Con người là động lực chỉ có thể thực hiện được khi họ hoạt động có tổ chức, có lãnh đạo. Vì vậy, cần có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

3.2- Quan điểm của Hồ Chí Minh về chiến lược “trồng người”

Hồ Chí Minh khẳng định: “Trồng người” là yêu cầu khách quan, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cách mạng. Con người phải được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển, vừa nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với nghĩa rộng, vừa nằm trong chiến lược giáo dục - đào tạo theo nghĩa hẹp…

Trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, “trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Điều này cần được hiểu là ngay từ đầu phải đặt ra nhiệm vụ xây dựng con người có những phẩm chất cơ bản, tiêu biểu cho con người mới xã hội chủ nghĩa, làm gương, lôi cuốn xã hội. Đây là một quá trình lâu dài, phải không ngừng hoàn thiện, nâng cao; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, gia đình và của chính bản thân mỗi người.

Quan niệm của Hồ Chí Minh về con người mới xã hội chủ nghĩa gồm hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau. Một là, kế thừa những giá trị tốt đẹp của con người truyền thống (Việt Nam và phương Đông). Hai là, hình thành những phẩm chất mới như: có tư tưởng xã hội chủ nghĩa; có đao đức xã hội chủ nghĩa; có trí tuệ và bản lĩnh để làm chủ (bản thân, gia đình, xã hội, thiên nhiên…); có tác phong xã hội chủ nghĩa; có lòng nhân ái, vị tha, độ lượng. Chiến lược “trồng người” là một trọng tâm, một bộ phận hợp thành của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện chiến lược “trồng người”, cần có nhiều biện pháp, nhưng giáo dục và đào tạo là biện pháp quan trọng bậc nhất. Bởi vì, giáo dục tốt sẽ tạo ra tính thiện, đem lại tương lai tươi sáng cho thanh niên. Ngược lại, giáo dục tồi sẽ ảnh hưởng xấu đến thanh niên. Nội dung và phương pháp giáo dục phải toàn diện, cả đức, trí, thể, mỹ; phải đặt đạo đức, lý tưởng và tình cảm cách mạng, lối sống xã hội chủ nghĩa lên hàng đầu. “Trồng người” là công việc “trăm năm”, không thể nóng vội “một sớm một chiều”, “việc học không bao giờ cùng, còn sống còn phải học”.


.

Cập nhật lúc: 20:08, 18/11/2021 (GMT+7)

Đại hội Đại biểu toàn quốc (Đại hội) lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Ðảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội”. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo, xác định gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, “trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.

Trên lĩnh vực văn hóa Đảng ta xác định chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng
Một tiết mục trong chương trình văn nghệ của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai. Ảnh: My Ny

 Như vậy, có thể thấy, văn hóa được xem và đặt ngang hàng với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh. Điều này thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa và là sự tiếp nối, kế thừa những quan điểm, chủ trương, đường lối về văn hóa của Đảng.

* Sớm quan tâm đến xây dựng văn hóa

Ngay từ năm 1943, tức 2 năm trước khi giành được độc lập, Đảng Cộng sản Đông Dương đã quan tâm đến vấn đề văn hóa. Để chống lại chính sách văn hóa phản động của phát xít Pháp - Nhật và tay sai, Đảng ta đưa ra bản Đề cương văn hóa Việt Nam. Đề cương văn hóa Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên).

Trong bản đề cương này, Đảng Cộng sản Đông Dương xác định phạm vi văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Đảng Cộng sản Đông Dương chính thức thông qua Đề cương hóa Việt Nam bày tỏ thái độ của mình đối với vấn đề văn hóa và khẳng định mặt trận văn hóa là một trong 3 mặt trận: kinh tế, chính trị, văn hóa. Những người cộng sản Việt Nam không chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa…

Đề cương văn hóa khẳng định: “Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội”. Đề cương cũng chỉ ra rằng, cách mạng văn hóa có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính trị thành công (cách mạng văn hóa phải đi sau cách mạng chính trị). Sau khi Đảng công bố bản đề cương này, Hội Văn hóa Cứu quốc ra đời. Như vậy, Đề cương văn hóa Việt Nam là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ. Điều này khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm quan tâm đến công tác văn hóa, văn nghệ.

* Đường lối văn hóa, văn nghệ phục vụ kháng chiến và thống nhất Tổ quốc

Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Sáng 3-9, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên 6 nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ mới, trong đó có 2 nhiệm vụ cấp bách liên quan đến văn hóa, đó là diệt giặc dốt và mở lại một chiến dịch giáo dục nhân dân. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, chế độ thực dân đã hủ hóa dân tộc Việt Nam bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Vì vậy, một nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân: “Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”.

Ngày 3-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 44 thành lập Ban Trung ương vận động Đời sống mới với nhiều nhân vật, nhà văn hóa uy tín như: Trần Huy Liệu, Dương Đức Hiền, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Tấn Gi Trọng… Tháng 3-1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tài liệu Đời sống mới để giải thích những vấn đề, chủ trương cũng như các biện pháp xây dựng một đời sống mới về văn hóa.

Tháng 7-1948, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ 2, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho hội nghị, trong thư có đoạn: “Trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc vĩ đại của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng… Chúng ta cần phải xây dựng một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân”. Người cũng nêu nhiệm vụ cụ thể của văn hóa là “chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của dân mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới. Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế”.

Đại hội lần thứ III của Đảng (năm 1960) xác định chủ trương tiến hành cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa đồng thời với cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất và cách mạng về khoa học, kỹ thuật, là chủ trương xây dựng và phát triển nền văn hóa mới, con người mới. Các Đại hội IV và Đại hội V của Đảng tiếp tục kế thừa, thực hiện đường lối phát triển văn hóa mà Đại hội III của Đảng đã đề ra. Nhiệm vụ quan trọng của văn hóa trong giai đoạn này được xác định là tiến hành cải cách giáo dục trong cả nước, phát triển khoa học, văn hóa nghệ thuật, giáo dục....

* Đường lối văn hóa trong đổi mới đất nước

Đại hội VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có văn hóa. Ngày 28-11-1978, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới. Đây có thể xem là nghị quyết chuyên đề đầu tiên về văn hóa trong giai đoạn đất nước đổi mới. Nghị quyết khẳng định: “Văn hóa là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần của xã hội, thể hiện trình độ phát triển chung của một đất nước, một thời đại, là lĩnh vực sản xuất tinh thần tạo ra những giá trị văn hóa…”. Nghị quyết cũng khẳng định tự do sáng tác là điều kiện tiên quyết để có các tác phẩm giá trị đích thực: “Tự do sáng tác là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn hóa, văn nghệ, để phát triển tài năng”. Đây là lần đầu tiên sau khi đất nước thống nhất, vấn đề tự do sáng tác đã được Đảng đề cập.

Trên lĩnh vực văn hóa Đảng ta xác định chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng
Bản Đề cương Văn hóa Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943. Ảnh: TL

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (được Đại hội VII thông qua) lần đầu tiên đưa ra quan niệm nền văn hóa Việt Nam có đặc trưng: tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thay cho quan niệm nền văn hóa Việt Nam có nội dung xã hội chủ nghĩa, có tính chất dân tộc, có tính đảng và tính nhân dân được nêu ra trước đây. Cương lĩnh chủ trương xây dựng nền văn hóa mới, tạo ra đời sống tinh thần cao đẹp, phong phú và đa dạng. Cương lĩnh khẳng định: “Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao. Chống tư tưởng, văn hóa phản tiến bộ, trái với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những giá trị cao quý của loài người, trái với phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Đại hội VII, VIII, IX, X, XI và nhiều nghị quyết Trung ương đã xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và coi văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển. Đây có thể xem là một nhận thức mới, một tầm nhìn mới của Đảng về văn hóa phù hợp với quy luật chung phổ quát của thế giới. Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) ngày 14-1-1993 đã ban hành Nghị quyết về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt với khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (tháng 7-1998) đã nêu ra 5 quan điểm cơ bản chỉ đạo quá trình phát triển văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đề ra những nhiệm vụ cụ thể về xây dựng văn hóa và con người Việt Nam.

Để ngăn chặn, phòng chống văn hóa phẩm độc hại, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27-7-2008 về chống sự xâm nhập của các văn hóa phẩm độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội. Nghị quyết Trung ương 9, khóa IX (tháng 1-2004), Đảng xác định thêm phát triển văn hóa đồng bộ với phát triển kinh tế. Hội nghị Trung ương 10, khóa IX (tháng 7-2004) đặt vấn đề bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với nhiệm vụ không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội. Đây là bước phát triển quan trọng trong nhận thức của Đảng về vị trí của văn hóa và công tác văn hóa trong quan hệ với các mặt công tác khác.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu lên 8 phương hướng cơ bản, trong đó có việc kế thừa nội dung từ Cương lĩnh 1991 là “xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI, Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đề ra 5 quan điểm, 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp quan trọng về xây dựng văn hóa và con người Việt Nam.

Có thể thấy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, cùng với đường lối, quan điểm về phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, củng cố quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Đảng, Nhà nước Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa, con người Việt Nam. Kể từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đến Nghị quyết Trung ương IX khóa XI là chủ trương, quan điểm nhất quán có tính kế thừa, bổ sung, phát triển tư duy lý luận của Đảng về xây dựng, phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam.

Vũ Trung Kiên