Triển lãm nội thất 2023

Với hàng loạt các hoạt động giao thương từ online đến offline, Vietnam Furniture Matching Week (VFMW) 2022 là một trong những sự kiện lớn và quan trọng của ngành gỗ và nội thất Việt Nam trong năm 2022. Đây là dịp mà các doanh nghiệp nội thất Việt Nam đón đầu đơn hàng cho năm 2023.

Tiếp nối thành công của Tuần lễ giao thương nội thất Việt Nam - Vietnam Furniture Matching Week (VFMW) 2021, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Vietrade), Sở công thương TP.HCM tiếp tục triển khai tuần lễ VFMW 2022. Sáng nay (29.3), đại diện Ban tổ chức đã có cuộc gặp gỡ báo chí để thông tin về các chương trình hoạt động của sự kiện đặc biệt này.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch HAWA, cho biết khác với việc thiếu đơn hàng và khá bị động khi dịch bệnh bùng phát trong năm ngoái, năm nay, nhu cầu nội thất thế giới vẫn trên đà tăng. Doanh nghiệp (DN) ngành nội thất Việt Nam hiện đã kín đơn hàng cho đến quý III, thậm chí là hết năm 2022. Tuy nhiên, cùng với dịch bệnh, những biến động về chính trị thế giới thời gian gần đây cũng đang gây nên xáo trộn đáng kể cho chuỗi cung ứng, nguồn cung nguyên liệu và nhất là tình hình và chi phí logistic.

Triển lãm nội thất 2023

Đại diện Ban tổ chức VFMW 2022 gặp gỡ chia sẻ thông tin với báo đài. Ảnh: P.Quyên


Theo ông Phương thì "VFMW 2022 được tổ chức không chỉ nhằm hỗ trợ DN sản xuất nội thất và thủ công mỹ nghệ Việt Nam mở rộng tìm kiếm khách hàng ở cả thị trường xuất khẩu lẫn nội địa mà còn tạo ra các kết nối giao thương trong cả hệ sinh thái nội thất để DN có thể tiếp cận cả những dịch vụ phụ trợ, vận chuyển, kiểm định… tốt nhất trong chuỗi cung ứng ngành”.

Theo đó, VFMW 2022 sẽ diễn ra từ 13 đến 20.4, kết hợp giữa các hoạt động offline lẫn online. Cụ thể, về chuỗi hoạt động offline, trong hai ngày 13 và 14.4.2022, Furniture Sourcing Day là hoạt động hướng đến hỗ trợ các nhà sản xuất Việt Nam tìm kiếm đối tác và kết nối giao thương B2B. Tựa như một hội chợ thu nhỏ, DN trong ngành sẽ được tiếp cận các nhà nhà mua hàng quốc tế (đội ngũ sourcing) cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ phụ trợ để chia sẻ các thông tin, quảng bá sản phẩm chủ lực, sản phẩm mới nhất của mình.

Ngoài các gian hàng của DN tham gia triển lãm, trong ngày 14.4, Ban tổ chức còn dành không gian để các DN có thể kết nối trực tiếp với nhau, cùng gặp nhau tại chuỗi Café kết nối DN theo từng chuyên đề, là những mã hàng của ngành như: Indoor, outdoor, sofa, tủ kệ bếp… Mỗi đơn vị sẽ có một phút giới thiệu nhanh về mình để các DN khác nhận dạng đối tượng phù hợp với nhu cầu kết nối. Sau phần tự giới thiệu, các đơn vị sẽ tham gia giao thương để trao đổi 1-1 theo nhu cầu.

Triển lãm tại VFMW 2021. Ảnh: Quý Hoà


Song song với công tác giao thương, VFMW 2022 còn mang đến DN trong ngành thông tin đắt giá cho các vấn đề đang rất “nóng” hiện nay như nguyên vật liệu, logistic, chuyển đổi số… thông qua các hội thảo chuyên đề, gồm: Hội thảo giao thương “Kết nối chuỗi cung ứng vật liệu nội thất cho dự án” tổ chức bởi HAWA và Hiệp hội xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA) vào lúc 14g30 ngày 13.4.202; Hội thảo “Xu hướng vận tải logistic trong tình hình mới - Doanh nghiệp ngành gỗ thích ứng để phát triển” tổ chức bởi HAWA và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) vào lúc 8g30 ngày 14.4.2022; Tọa đàm “Chuyển đổi số ngành gỗ và công bố sáng kiến phát triển mạng lưới CIO ngành gỗ” do HAWA và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vào lúc 14g ngày 14.4.2022.

Chương trình dự kiến thu hút 500 doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ hỗ trợ, hơn 100 văn phòng đại diện và nhà mua hàng quốc tế.

Trong khi đó, từ 13 đến 20.4.2022, chuỗi các hoạt động online diễn ra trên nền tảng triển lãm trực tuyến hopefairs.com sẽ là con đường giao thương hiện đại để các nhà sản xuất Việt Nam tiếp cận doanh nghiệp mua hàng trên toàn thế giới.  

Triển lãm nội thất 2023

Nhờ nền tảng HOPPE, khách hàng toàn cầu cũng sẽ được chiêm ngưỡng một “festival” nội thất trực tuyến. Ảnh: Quý Hòa

Hơn 100 nhà sản xuất nội thất Việt Nam sẽ tham gia triển lãm trực tuyến trong thời gian này trên hopefairs.com. Năm nay, vẫn trên công nghệ triển lãm trực quan 360 độ nhưng hopefairs.com đã được nâng cấp để tạo điều kiện cho DN triển lãm và đơn vị mua hàng quốc tế có thể xúc tiến các cuộc gặp mọi lúc, mọi nơi trên mọi thiết bị. Từng DN tham gia triển lãm đều có trang minisite được thiết kế riêng, thể hiện đầy đủ thông tin, hồ sơ năng lực, nhu cầu kết nối… để việc chọn lọc đối tác được hiển thị với kết quả phù hợp cao nhất.

Tính chủ động trong công tác giao thương online trên nền tảng HOPE được nâng cao tối đa thông qua bộ công cụ giao thương mới, giúp DN và nhà mua hàng có thể đặt lịch làm việc trực tuyến với nhau. Ban tổ chức cũng đã tổ cổng thông tin thị trường đa dạng và hữu ích về các thị trường US, EU, Anh, Úc, các thị trường mới RCEP… cùng chuỗi broadcast được thực hiện bởi các chuyên gia và nhà triển lãm quốc tế để DN trong ngành có thể tham khảo và nắm bắt thông tin thiết thực, chuyên ngành.

Đặc biệt, hội thảo giao thương trực tuyến “Tiềm năng xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Anh” diễn ra vào lúc 15 ngày 19.4 trên nền tảng trên nền tảng Zoom và Hopefairs.com sẽ mang đến DN thông tin thú vị về thị trường còn khá mới mẻ này.

Các sự kiện online dự kiến sẽ thu hút 100.000 lượt tiếp cận trên các kênh mạng xã hội; 5.000 nhà mua quốc tế trực tuyến; 1.000 lượt kết nối giao thương B2B trực tiếp và trực tuyến với các thị trường lớn: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Anh, Úc, ASEAN... 

Trọng Văn