Tư duy thời đại số là gì

Việc thiếu kiến thức, kỹ năng kết hợp với tâm lí hiếu kì, mục đích giải trí thiếu lành mạnh có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đến sự phát triển của học sinh, tạo ra các vấn đề xã hội cũng như môi trường sinh thái số. Chính vì vậy, việc triển khai các chương trình tập huấn, cung cấp các tài nguyên cũng như trang bị kiến thức và kỹ năng số cho giáo viên, học sinh, sinh viên là vô cùng cần thiết. 

Các kiến thức về Kỹ năng số và An toàn trực tuyến cho học sinh Việt Nam được Tập đoàn Meta và Vietnet-ICT tổ chức triển khai tại 39 tỉnh, thành phố trong ba năm từ 2019 đến 2021 đã để lại những con số ấn tượng, khẳng định sự cần thiết và hữu ích của chương trình.

Ghi nhận từ phía giáo viên

Tư duy thời đại số là gì

Học sinh lớp 11A8 trường THPT Nguyễn Thái Học, thành phố Vĩnh Yên hào hứng với nội dung học tập

Theo báo cáo đánh giá tác động của chương trình Tư duy thời đại số, được thực hiện bởi Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đối với các tỉnh/thành đã triển khai, 99% giáo viên tham gia tập huấn đều hài lòng về nội dung kiến thức và cách thức triển khai của chương trình; 88% giáo viên nhận thấy rõ sự thay đổi về kỹ năng và hành vi của học sinh khi tham gia môi trường trực tuyến.

Mặc dù không phải là chương trình chính khoá nhưng các giáo viên đều cố gắng lồng ghép giảng dạy với nhiều hình thức sinh động như tích hợp trong giờ Tin học, Giáo dục công dân, Công nghệ, sinh hoạt, hoạt động ngoại khoá…

87% giáo viên đã tổ chức các hoạt động làm việc/thảo luận theo nhóm; 85% giáo viên có ứng dụng công nghệ trong giảng dạy; 63% giáo viên đã tổ chức cho học sinh thuyết trình, kể chuyện, đóng kịch,… 

Các nội dung kiến thức được giáo viên lựa chọn giảng dạy nhiều nhất là: Dấu chân số, Bảo vệ danh tính số, Mẹo phát hiện tin giả, Tôn trọng trong giao tiếp trực tuyến. Một số nhà trường còn tích cực triển khai 100% chương trình đến tất cả các lớp.

88,6% giáo viên đánh giá “Đồng ý” và “Rất đồng ý” vì chương trình đã cung cấp tài liệu, hướng dẫn phù hợp đi kèm các mô-đun rất chuyên nghiệp;

97,9% giáo viên sử dụng bộ tài liệu bài giảng trình chiếu do chương trình cung cấp; 70,63% giáo viên sử dụng các trò chơi trực tuyến; 67,37 giáo viên sử dụng bộ video giảng dạy mẫu và 65,27% giáo viên sử dụng bộ video tình huống;

86,94% giáo viên ghi nhận sự hỗ trợ phù hợp của dự án trong lúc triển khai bao gồm tư vấn trực tiếp, gián tiếp; gửi quà tặng chứng nhận cho giáo viên; 90% giáo viên ghi nhận nhà trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ triển khai chương trình. 

Ghi nhận từ phía học sinh

74% học sinh cho biết các em đã áp dụng kiến thức được học trong chương trình vào thực tế; 79% học sinh sẵn sàng chia sẻ kiến thức đã được học đến bạn bè và gia đình; 78%-84% học sinh cho rằng các em đã được cải thiện các nhóm kỹ năng như: biết lựa chọn các loại thông tin nên và không nên chia sẻ; sử dụng các công cụ để bảo vệ danh tính số; biết quản lí các tài khoản mạng xã hội; biết các đặt ra các quy tắc ứng xử trên môi trường mạng; biết lựa chọn thông tin để chia sẻ; biết cách phòng tránh các tình huống nguy hiểm trên Internet và chú ý đến xác thực thông tin các tài khoản lạ…

Không chỉ trang bị kiến thức số, học sinh có thể phát triển thêm các kỹ năng mềm khác như: làm việc nhóm, thuyết trình, giải quyết vấn đề do cách tổ chức linh hoạt, sáng tạo của giáo viên. Nhờ đó, học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn và có hứng thú hơn trong học tập. 

Một số trở ngại cần được khắc phục

Mặc dù thu được nhiều kết quả tích cực trong thời gian triển khai, song chương trình Tư duy thời đại số cũng còn gặp một số trở ngại nhất định. Đầu tiên là yếu tố về điều kiện cơ sở vật chất của các nhà trường.

16%-29% giáo viên cho biết điều kiện cơ sở vật chất như kết nối Internet, phòng thực hành, thiết bị không hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến sự chênh lệch về hiệu quả tiếp nhận giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Thời lượng dành cho chương trình Tư duy thời đại số tại các nhà trường cũng bị hạn chế, chưa đảm bảo đủ để giáo viên triển khai toàn bộ các mô-đun. 73% giáo viên chỉ triển khai giảng dạy một số thay vì tất cả 7 mô-đun vì thiếu thời gian. Giáo viên thường phải linh hoạt lồng ghép trong các giờ học khác. Nhiều giáo viên cũng đề xuất phân chia nội dung các mô-đun cho các cấp học và lớp học để phù hợp với nhu cầu và nhận thức của lứa tuổi học sinh…

Năm 2022, chương trình Tư duy thời đại số tiếp tục được triển khai và đổi mới. Với những ghi nhận và phản ánh trong Báo cáo đánh giá tác động kể trên, là một giáo viên sớm nhận thấy lợi ích tích cực của chương trình và trực tiếp triển khai cho học sinh, tôi hy vọng, chương trình sẽ được các cấp, ngành giáo dục, các thầy cô giáo đón nhận và thúc đẩy để đóng góp trách nhiệm của mình, xây dựng không gian số hiệu quả, văn minh, an toàn, nhất là cho những công dân số tương lai.