Tư thế bú đúng cách cho trẻ sơ sinh

Tư thế cho con bú đúng cách quan trọng thế nào với mẹ và bé? Những tư thế nào giúp mẹ cho bé bú đúng cách để mẹ khỏe bé ngoan? Hãy tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để việc điều dưỡng sau sinh đạt hiệu quả tốt nhất, mẹ nhé!

Không ít mẹ thường có xu hướng bỏ qua những dấu hiệu như đau vú, đau lưng khi cho bé bú. Những điều này ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm nuôi con sau sinh, chất lượng cuộc sống, làm mẹ có cảm giác chán nản trong việc cho con bú. Thế nhưng mẹ có từng nghĩ nguyên nhân gây ra những vấn đề trên là do mẹ cho bé bú sai tư thế? Cách khắc phục tình trạng này khá đơn giản, mẹ chỉ việc điều chỉnh tư thế cho bé bú đúng cách mà thôi!

Một số vấn đề thường gặp khi nuôi con bằng sữa mẹ

Một vài dấu hiệu cứ ngỡ là bình thường ai cũng mắc phải nhưng lại là tín hiệu cho biết mẹ đang cho bé bú sai cách. Ví dụ như:

  • Đau núm vú: có thể cho thấy bạn đang đặt bé bú ở tư thế chưa đúng cách làm bé khó ti sữa hay cũng có thể là dấu hiệu nghi ngờ cho chứng dính dây thắng lưỡi ở trẻ. Do đó, mẹ nên điều chỉnh tư thế hay kiểm tra lưỡi của con khi gặp tình trạng này.
  • Căng tức ngực: Không chỉ đau đầu vú, cơn đau khi cho con bú còn lan ra khắp ngực và khi bé ti xong mẹ có cảm giác nóng rát. Đây có thể là dấu hiệu của việc tắc tia sữa dẫn đến viêm vú.
  • Đau lưng: Việc cho bé bú không đúng tư thế cho bé bú là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đau lưng và đau cổ ở mẹ. Nhiều trường hợp các mẹ bỉm nói rằng mình bị thoát vị đĩa đệm sau thời gian cho con bú nhưng chưa có nhiều nghiên cứu khẳng định điều này.

Cho con bú đúng cách là như thế nào?

Tư thế bú đúng cách cho trẻ sơ sinh

Để thực hành tư thế cho bé bú đúng cách, mẹ cần lưu ý những điều sau đây:

  • Vị trí của con: Đỡ bé để bé hướng mặt về phía bạn, mũi đối diện với bầu ngực.
  • Khuyến khích bé há miệng: Chạm nhẹ môi trên và mũi của bé bằng núm vú để khuyến khích bé há to miệng, nắm bắt lấy núm vú và ngậm bú tốt.
  • Đưa núm vú cho bé: Khi bé đã há to miệng, mẹ hướng núm vú về bé. Mẹ có thể dùng tay để điều chỉnh sao cho phần nhũ hoa bên trên lộ ra nhiều hơn để bé bú dễ dàng và thoải mái hơn.
  • Điều chỉnh tư thế ngậm núm: Kéo nhẹ núm vú ra hoặc đưa sát lại gần và cảm nhận xem bạn có đau hay không? Vị trí nào làm bạn thoải mái nhất mà bé vẫn có phản ứng ngậm, mút và nuốt sữa tốt.
  • Tiếp tục cho bú: Trẻ sẽ mút nhanh lúc đầu và chậm dần về sau.
  • Kết thúc cho ăn: Thông thường, khi đủ sữa bé sẽ ngưng bú và tự nhả ra. Nhưng mẹ cũng có thể giúp bé kết thúc quá trình bú mẹ bằng cách dùng ngón tay nhẹ nhàng kẹp núm vú lại và kéo ra như tín hiệu để bé ngưng mút núm vú.

Đây được xem như các bước cần thiết cho một lần bú mẹ của trẻ, mẹ có thể tham khảo để áp dụng cho những lần bú mẹ của bé con được nhẹ nhàng hơn.

4 tư thế cho bé bú đúng cách giúp mẹ không mỏi, bé không sặc

Vị trí và tư thế khi mẹ cho bé bú cũng quan trọng không kém. Tư thế cho bé bú sai cách kéo dài cũng làm ảnh hưởng đến mẹ và bé. Một vài kiểu cho bú đúng cách mẹ có thể tham khảo:

1. Tư thế kiểu giữ nôi

Đây là tư thế cho con bú phổ biến nhất. Mẹ ngồi trên ghế hay giường, cho bú bắt đầu từ vú phải hay trái, đầu và thân bé được nâng đỡ bởi cánh tay của mẹ và gối kê, bàn tay mẹ bên phải hay trái có thể đặt ở mông bé. Bụng bé áp sát ngực mẹ, đầu, thân bé thẳng trục. Bàn tay của mẹ bên còn lại giúp nâng vú để thuận tiện cho bé ngậm bắt vú.

2. Tư thế cho bé bú đúng cách: kiểu bế chéo

Mẹ ngồi dựa lưng, bắt đầu cho bé bú từ một bên vú. Đầu và thân bé được nâng lên bởi bàn tay và cánh tay của mẹ. Mẹ có thể kê gối dưới cánh tay này. Bụng bé áp sát ngực mẹ, đầu và thân bé thẳng trục. Bàn tay trái của mẹ nâng vú để giúp bé ngậm bắt vú tốt.

3. Tư thế ôm bóng

Chân của bé đặt dưới cánh tay của mẹ ở cùng phía với bầu ngực mà mẹ đang cho con bú. Giữ trẻ bằng cánh tay đó trên gối để nâng bé lên và sử dụng tay còn lại của mẹ để giúp nâng vú lên cho bú ngậm bắt vú dễ dàng hơn.

4. Tư thế cho bé bú đúng cách: Nằm nghiêng cho bé bú

Tư thế bú đúng cách cho trẻ sơ sinh

Tư thế nằm phù hợp với các cữ bú đêm của bé. Nằm nghiêng một bên với một chiếc gối dưới đầu, hướng mặt bé vào bầu ngực mẹ. Khi bé đã ngậm vú đúng cách, mẹ nên kê gối sau lưng và nâng đầu gối lên đỡ bé để tạo tư thế thoải mái hơn cho bé khi bú.

Mẹ cần tập các tư thế cho bé bú sao cho đúng cách để giúp cải thiện những vấn đề hay gặp phải như đau vú, viêm vú, tắc sữa ở mẹ. Ngoài ra, việc cho bé bú đúng cách cũng giúp ngăn chặn tình trạng sặc sữa thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Làm sao để biết bé đã bú đủ sữa?

Nhiều mẹ vẫn lo lắng rằng bé bú chưa đủ no hay luôn sợ con trẻ bị đói khi bú mẹ. Điều này cũng có thể ảnh hưởng nhiều đến nếp sống và sinh hoạt của cả hai mẹ con. Tuy nhiên, để giải đáp được câu hỏi làm sao để biết bé đã bú đủ sữa, đơn giản trước tiên các mẹ có thể tự tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi sau:

  • Bé có quấy khóc hay mút tay sau khi bú không? Nếu trẻ quấy khóc hay mút ngón tay liên tục sau khi bú mẹ, có thể bé con của bạn vẫn chưa no. Tuy nhiên, các biểu hiện này cũng có thể là dấu hiệu của đầy hơi và đau bụng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
  • Số tã mà con của bạn thay mỗi ngày là bao nhiêu? Tần suất bú sữa mẹ, đi tiểu và đi ngoài có thể phản ánh tốt tình trạng tiêu hóa của trẻ.
  • Bé có tăng cân đúng như lịch trình? Thông thường sau sinh từ tuần thứ 2 trở đi bé nên tăng cân đều đặn từ 140-200 gram mỗi tuần, tùy thuộc thể chất từng bé.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và duy trì càng lâu càng tốt, cho đến khi bé được 24 tháng. Trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ, hy vọng các mẹ có thể chuẩn bị sẵn sàng cả về thể chất và tinh thần. Để mẹ khỏe còn bé ăn ngoan, chóng lớn, các mẹ nhé!

Tư thế bú đúng cách cho trẻ sơ sinh

Công cụ tính ngày rụng trứng

Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của bạn, xác định những ngày dễ thụ thai nhất để tăng cơ hội thụ thai hoặc áp dụng biện pháp tránh thai.

Công cụ tính ngày rụng trứng

Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của bạn, xác định những ngày dễ thụ thai nhất để tăng cơ hội thụ thai hoặc áp dụng biện pháp tránh thai.

Mục đích

Theo dõi chu kỳ kinh

Cơ hội thụ thai

Tránh thai

Ngày đầu tiên của chu kỳ gần nhất

Độ dài chu kỳ kinh nguyệt

(ngày)

28

Số ngày hành kinh

(ngày)

7
Tính ngay