Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng là gì năm 2024

(LSVN) - Trên cơ sở so sánh Luật Thương mại 2005 với Bộ nguyên tắc PICC về vi phạm hợp đồng, bài viết chỉ ra mặt hạn chế của Luật Thương mại 2005 trong việc nêu định nghĩa cho vi phạm hợp đồng và vi phạm cơ bản, đồng thời đề xuất một số trường hợp giúp xác định một hành vi vi phạm là vi phạm cơ bản nghĩa vụ.

Ảnh minh họa.

Những điều khoản quan trọng liên quan đến vi phạm hợp đồng theo Bộ nguyên tắc Hợp đồng thương mại quốc tế (Principles of International Commercial Contracts-PICC)

Định nghĩa vi phạm hợp đồng (Non-performance defined)

Thông qua phương pháp liệt kê, Điều 7.1.1 Bộ nguyên tắc PICC đã đưa ra định nghĩa cho vi phạm hợp đồng như sau: “Vi phạm hợp đồng là sự thất bại của một bên trong việc thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào theo hợp đồng, bao gồm cả việc thực hiện không đúng và thực hiện chậm trễ nghĩa vụ” [1]. Ta thấy, định nghĩa này viện dẫn ba căn cứ để xác định một hành vi là vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.

Thứ nhất, một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình. Việc không thực hiện bao gồm cả trường hợp bên đó không thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào theo hợp đồng hoặc mặc dù đã thực hiện nghĩa vụ tuy nhiên vẫn còn những nghĩa vụ phía sau chưa được đảm bảo thực hiện. Điều này thể hiện rõ sự không thiện chí của một bên đối với các bên còn lại, do đó, việc ghi nhận căn cứ trên như một hành vi vi phạm hợp đồng là một điều tất yếu.

Thứ hai, việc vi phạm là do không thực hiện đúng nghĩa vụ. Trường hợp này, bên có hành vi vi phạm đã chuẩn bị các điều kiện và thực hiện công việc mà mình đã cam kết, tuy nhiên, việc thực hiện lại không phù hợp với thoả thuận mà các bên đã thiết lập trước đó. Điều này dù xuất phát từ nguyên nhân chủ quan hay khách quan đều tước đoạt đi những gì mà bên bị vi phạm mong đợi đối với hợp đồng.

Thứ ba, việc vi phạm là do chậm trễ trong việc thực hiện nghĩa vụ. Cần phân biệt rõ giữa không thực hiện nghĩa vụ đúng hạn với chậm thực hiện nghĩa vụ. Trường hợp một bên không thực hiện nghĩa vụ đúng hạn thì bên này hoàn toàn không có bất cứ hành động gì chuẩn bị cho việc thực hiện hợp đồng, hầu hết đều xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của bên có hành vi vi phạm. Ngược lại, trong trường hợp chậm trễ thực hiện nghĩa vụ, bên vi phạm đã có một số động thái chuẩn bị cho việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Bên này hoàn toàn mong muốn hợp đồng được thực hiện một cách tốt nhất, tuy nhiên, xuất phát từ một số trở ngại khách quan nên họ không thể thực hiện được nghĩa vụ.

Gia hạn thực hiện nghĩa vụ (Additional period for performance)

Tại Khoản 1 Điều 7.1.5 Bộ nguyên tắc PICC có quy định “Trong trường hợp có hành vi vi phạm, bên bị vi phạm có thể thông báo cho bên kia về việc cho phép gia hạn thực hiện hợp đồng” [2]. Ta thấy, khi xảy ra hành vi vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền gia hạn thêm một khoảng thời gian cho bên vi phạm hoàn thành việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Cần lưu ý rằng, đây là quyền của bên bị vi phạm nên việc gia hạn sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của bên này. Căn cứ vào mức độ vi phạm và sự ưu đãi của bên bị vi phạm đối với bên vi phạm, bên này sẽ quyết định việc có gia hạn hay không cho việc tiếp tục thực hiện hợp đồng của bên kia. Khoản 2 điều này còn có quy định thêm, theo đó “Trong thời gian gia hạn thực hiện, bên bị vi phạm có thể ngừng việc thực hiện nghĩa vụ đối ứng của mình và yêu cầu bồi thường thiệt hại, tuy nhiên, không thể áp dụng các hình thức chế tài khác. Nếu nhận được thông báo của bên kia về việc bên này sẽ không thực hiện nghĩa vụ trong khoảng thời gian đó, hoặc hết hạn thực hiện mà bên đó vẫn chưa thực hiện được, thì bên bị vi phạm có thể viện dẫn bất kỳ chế tài nào khác được quy định trong chương này” [3].

Để bảo vệ bên bị vi phạm và hạn chế thiệt hại cho bên này khi bên vi phạm không thể khắc phục được hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, Bộ nguyên tắc PICC cho phép bên bị vi phạm được tạm ngưng việc thực hiện nghĩa vụ của mình đối với bên kia. Việc tạm ngừng này có thể hiểu là chỉ mang tính chất tạm thời. Bởi, nếu kết thúc khoảng thời gian gia hạn mà bên vi phạm đã hoàn thành được nghĩa vụ của mình thì sự tạm ngưng thực hiện nghĩa vụ của bên bị vi phạm sẽ chấm dứt, các bên có trách nhiệm phải thực hiện lại nghĩa vụ đối ứng của mình với bên kia. Còn trong trường hợp bên kia thất bại trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình trong thời gian gia hạn hay họ trả lời ngay về việc không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên bị vi phạm lúc này sẽ không cần thực hiện tiếp nghĩa vụ, họ có quyền áp dụng các hình thức chế tài khác để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Ngoài ra, quy định tại điều khoản này còn đề cập đến quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của bên bị vi phạm trong thời gian gia hạn thực hiện nghĩa vụ cho bên kia. Điều này là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc bồi thường thiệt hại toàn bộ được quy định tại Điều 7.4.1 của Bộ nguyên tắc này. Theo đó “Bất kỳ hành vi vi phạm hợp đồng nào cũng cho bên bị vi phạm quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại” [4].

Một điểm đáng chú ý là các quy định nêu trên chỉ được áp dụng đối với các hành vi vi phạm thông thường. Còn đối với vi phạm do chậm thực hiện nghĩa vụ thì lại có quy định riêng biệt, cụ thể tại Điều 7.1.3 có ghi nhận “Trong trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ mà việc này không phải là một vi phạm cơ bản thì khi bên bị vi phạm nếu đã thông báo về việc cho phép gia hạn thêm một khoảng thời gian hợp lý thì khi hết thời gian trên bên này có thể yêu cầu huỷ bỏ hợp đồng. Nếu thời gian gia hạn quá ngắn thì nó có thể được kéo dài thêm một khoảng thời gian hợp lý. Bên bị vi phạm có thể thông báo cho bên kia biết rằng nếu họ thất bại trong việc thực hiện nghĩa vụ trong khoảng thời gian đó thì bằng thông báo này hợp đồng sẽ tự động huỷ bỏ” [5]. Khi xảy ra hành vi chậm trễ thực hiện nghĩa vụ, việc gia hạn thực hiện hợp đồng không còn là quyền của bên bị vi phạm mà nó đã trở thành nghĩa vụ của bên này nếu họ muốn áp dụng chế tài huỷ bỏ hợp đồng. Quy định trên được ban hành có lẽ do Bộ nguyên tắc PICC đã xác định rõ mức độ vi phạm trong trường hợp này thấp hơn các vi phạm thông thường khác. Bên vi phạm gần như đã chuẩn bị đầy đủ cho việc thực hiện nghĩa vụ và họ hoàn toàn mong muốn hợp đồng được hoàn thiện. Do đó, việc gia hạn là cần thiết, đảm bảo được nguyên tắc thiện chí, trung thực trong hoạt động thương mại, cũng như giúp cho các bên tăng thêm cơ hội trong việc đạt được mục đích giao kết ban đầu của mình. Thời gian gia hạn ngắn hay dài tuỳ thuộc vào tính chất và mức độ phức tạp của nghĩa vụ cần thực hiện. Vì vậy, trong trường hợp bên bị vi phạm cho phép gia hạn trong một khoảng thời gian quá ngắn sẽ làm cho bên vi phạm không thể nào khắc phục được hậu quả mà mình gây ra. Thế nên, quy định này còn đề cập đến việc bổ sung thêm thời hạn thực hiện nếu như thời gian được bên bị vi phạm đưa ra là quá ngắn. Ngoài ra, quy định trên còn cho phép bên bị vi phạm thực hiện huỷ bỏ hợp đồng một cách tự động thông qua việc thông báo kèm theo nội dung thông báo gia hạn thực hiện nghĩa vụ. Việc này giúp cho bên bị vi phạm hạn chế được tình trạng bị mất quyền yêu cầu huỷ bỏ hợp đồng khi đưa ra yêu cầu chậm trễ hoặc không phù hợp với hợp đồng.

Vi phạm cơ bản nghĩa vụ (Fundamental non-performace)

Không giống với các vi phạm thông thường, vi phạm cơ bản có mức độ nghiêm trọng hơn, do đó, Bộ nguyên tắc PICC thừa nhận nó như là một trong những căn cứ quan trọng để bên bị vi phạm viện dẫn áp dụng chế tài huỷ bỏ hợp đồng. Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 7.3.1 Bộ nguyên tắc này đã liệt kê năm trường hợp để xác định một hành vi là vi phạm cơ bản nghĩa vụ như sau:

“Việc không thực hiện về cơ bản đã tước đoạt đi những gì mà bên bị vi phạm mong muốn đối với hợp đồng, trừ trường hợp bên kia không biết hoặc không thể biết về hậu quả này” [6]. Theo đó, một vi phạm được xem là cơ bản khi nó làm mất đi những gì mà bên bị vi phạm chờ đợi. Điều mà bên bị vi phạm bị tước đoạt chính là những gì mà bên này mong đợi đối với hợp đồng (ví dụ: mong đợi giao hàng đúng hạn, hàng hoá phù hợp với hợp đồng, cung ứng dịch vụ đúng chất lượng,…). Bộ nguyên tắc PICC không đề cập đến việc phải chứng minh thiệt hại là điều kiện cơ bản để viện dẫn áp dụng huỷ bỏ hợp đồng. Điều này xuất phát từ việc PICC xem việc bên bị vi phạm bị tước đoạt đi những gì mà mình mong đợi chính là thiệt hại mà hành vi vi phạm gây ra. Vì vậy, bên bị vi phạm chỉ cần chứng minh việc mình đã bị mất đi những gì mong đợi đối với hợp đồng thì đã có đủ căn cứ để áp dụng chế tài huỷ bỏ hợp đồng.

Ngoài việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bên bị vi phạm, Bộ nguyên tắc PICC còn tính đến yếu tố lỗi của bên vi phạm trong hợp đồng. Theo đó, nếu bên này không thấy trước hoặc không thể thấy trước được hậu quả xảy ra thì bên bị vi phạm không thể áp dụng chế tài huỷ bỏ hợp đồng. Quy định trên được ban hành nhằm mục đích giúp đảm bảo cân bằng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia. Cụ thể, dựa trên nguyên tắc thiện chí và trung thực thì hành vi vi phạm của bên vi phạm trong trường hợp này được xem như hoàn toàn không cố ý bởi xuất phát từ yếu tố chủ quan bên này không hề mong muốn bên bị vi phạm sẽ bị tước đoạt đi những gì mà họ mong đợi đối với hợp đồng. Do đó, việc huỷ bỏ hợp đồng là không cần thiết, bên bị vi phạm có thể áp dụng các chế tài khác để bên vi phạm khắc phục những hậu quả do mình gây ra. Việc này hạn chế được tình trạng hợp đồng bị huỷ bỏ, gây tổn thất lớn cho bên vi phạm.

“Không tuân thủ một cách nghiêm ngặt nghĩa vụ cần thực hiện mà nghĩa vụ này được xem là một yếu tố quan trọng đối với hợp đồng” [7]. Nội dung của hợp đồng chính là những điều khoản mà các bên đã thỏa thuận, nó thể hiện quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ hợp đồng. Trên cơ sở vai trò của các điều khoản trong hợp đồng, nội dung hợp đồng có thể được phân thành ba nhóm chính là điều khoản chủ yếu, điều khoản thông thường và điều khoản tuỳ nghi. Điều mà PICC đề cập đến chính là các nghĩa vụ được thoả thuận trong điều khoản chủ yếu của hợp đồng. Vì đây là những điều khoản mang tính cốt lõi, nếu không tuân thủ đúng thì hợp đồng không thể nào thực hiện được. Một số nghĩa vụ đóng vai trò quan trọng trong hợp đồng có thể kể đến như đối tượng hợp đồng, phương thức thanh toán, thời điểm thực hiện hợp đồng…

“Việc không thực hiện là do cố ý hoặc bất cẩn” [8]. Quy định này được bắt nguồn từ nguyên tắc cơ bản tại Điều 1.7 của Bộ nguyên tắc PICC. Theo đó, các bên khi tham gia vào quan hệ hợp đồng phải dựa trên tinh thần thiện chí và trung thực. Việc không thực hiện hợp đồng trong trường hợp do lỗi cố ý hoặc bất cẩn của bên vi phạm đã thể hiện rõ sự không thiện chí của bên này đối với các bên còn lại trong hợp đồng, đi ngược lại nguyên tắc cơ bản của Bộ nguyên tắc PICC. Thế nên, trong trường hợp này việc không thực hiện nghĩa vụ được xem là một vi phạm cơ bản và bên bị vi phạm mặc nhiên có quyền áp dụng huỷ bỏ hợp đồng.

“Việc không thực hiện hợp đồng cho bên bị vi phạm lý do để tin rằng không thể tin tưởng vào việc thực hiện nghĩa vụ sau này của bên kia” [9]. Theo đó, một bên được quyền huỷ bỏ hợp đồng khi có xuất hiện hành vi vi phạm mà hành vi này là căn cứ để giúp bên bị vi phạm đưa ra kết luận rằng chắc chắn sẽ có vi phạm xảy ra đối với những nghĩa vụ sắp được thực hiện sau đó. Cần lưu ý rằng, hành vi vi phạm được đề cập trong điều khoản này không bắt buộc phải là vi phạm cơ bản. Theo Bộ nguyên tắc PICC thì chỉ cần bên vi phạm không thực hiện hợp đồng và việc không thực hiện này là lý do để bên bị vi phạm không thể tin tưởng vào việc thực hiện trong tương lai thì hành vi vi phạm này đã được xem là một vi phạm cơ bản và bên bị vi phạm có quyền huỷ bỏ hợp đồng.

“Hợp đồng bị vi phạm có thể sẽ dẫn tới những tổn thất không cân xứng của hai bên khi hợp đồng bị huỷ bỏ” [10]. Khi vi phạm hợp đồng xảy ra nó thường gây hậu quả cho hầu hết các bên tham gia. Tuy nhiên, điều mà quy định này muốn nhắc tới là trường hợp xảy ra thiệt hại bất cân xứng giữa bên vi phạm và bên bị vi phạm, cụ thể là thiệt hại mà bên bị vi phạm phải gánh chịu lớn hơn nhiều so với bên vi phạm. Trong trường hợp này, việc yêu cầu huỷ bỏ hợp đồng là một biện pháp cần thiết để bên bị vi phạm tự bảo vệ mình trước hành vi vi phạm của bên kia. Thực tế cho thấy, hành vi vi phạm ít khi bị coi là nghiêm trọng nếu như chúng xảy ra chậm trễ (sau khi chuẩn bị thực hiện hợp đồng), hơn là khi chúng xảy ra sớm (trước khi việc chuẩn bị thực hiện được tiến hành). Xét về khách quan, khi hành vi vi phạm xảy ra trước khi thực hiện hợp đồng nó sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ những nghĩa vụ phía sau, vì vậy việc khắc phục hậu quả là rất khó. Ngược lại, hành vi vi phạm xảy ra trễ sẽ ít nghiêm trọng hơn do các nghĩa vụ được thực hiện trước đó đã cơ bản hoàn thành. Xuất phát từ nguyên nhân trên, căn cứ xác định hành vi vi phạm cơ bản tại điều khoản này thường xuất hiện tại giai đoạn đầu của việc thực hiện hợp đồng.

Một số bất cập liên quan đến vấn đề vi phạm hợp đồng trong Luật Thương mại 2005

Vi phạm hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ chưa được ghi nhận trong Luật Thương mại 2005

Hành vi vi phạm là căn cứ bắt buộc để áp dụng đối với tất cả các hình thức chế tài. Về bản chất, đây là sự cư xử không phù hợp của một bên đối với những gì mà họ đã cam kết trong hợp đồng [11]. Trên thực tế, để xác định việc có hay không một hành vi vi phạm hợp đồng thì ta phải cần xem xét đầy đủ hai yếu tố. Đó là, có quan hệ hợp đồng hợp pháp giữa các bên và có hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ [12]. Nghĩa vụ ở đây không chỉ bó hẹp trong phạm vi các điều khoản mà các bên đã thoả thuận trong hợp đồng mà nó gồm cả những nghĩa vụ theo quy định của pháp luật (khoa học pháp lý thường gọi là nội dung thường lệ của hợp đồng trong thương mại).

Ví dụ, tại Khoản 2 Điều 37 Luật Thương mại 2005 có quy định “Trường hợp chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao hàng mà không xác định thời điểm giao hàng cụ thể thì bên bán có quyền giao hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn đó và phải thông báo trước cho bên mua”. Ta thấy, trong trường hợp các bên chỉ có thoả thuận về thời hạn giao hàng mà không thoả thuận thời điểm giao hàng cụ thể thì luật cho phép bên giao hàng thực hiện nghĩa vụ của mình tại bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn đó. Tuy nhiên, bên này phải đảm bảo việc thông báo cho bên mua biết trước về việc giao hàng của mình. Mặc dù, các bên không có thoả thuận về điều khoản này, nhưng nếu bên giao hàng không thực hiện đúng quy định trên thì cũng sẽ được xem là vi phạm hợp đồng. Cần lưu ý rằng, không phải lúc nào bên trực tiếp giao kết hợp đồng cũng là bên thực hiện nghĩa vụ. Trong một số trường hợp, bên này có thể uỷ quyền cho bên thứ ba thực hiện thay công việc cho mình. Dù vậy, khi bên được uỷ quyền mà có hành vi vi phạm trong phạm vi được uỷ quyền thì cũng được xác định chính là sự vi phạm của chủ thể hợp đồng [13].

Đề cập đến vấn đề vi phạm hợp đồng, Luật Thương mại 2005 có cách hiểu tương đối đồng nhất với quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, tại Khoản 12 Điều 3 Luật Thương mại 2005 có đưa ra định nghĩa cho vi phạm hợp đồng như sau “Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này”. So sánh với Bộ nguyên tắc PICC, ta thấy quy định trên không đề cập đến trường hợp hành vi vi phạm xuất phát từ việc chậm thực hiện nghĩa vụ. Việc thiếu đi trường hợp này làm cho định nghĩa trên không đảm bảo được tính khách quan và phù hợp trong việc xác định hành vi vi phạm nghĩa vụ. Chậm thực hiện nghĩa vụ được hiểu là trường hợp một bên dù đã chuẩn bị cho việc thực hiện nghĩa vụ của mình, tuy nhiên, xuất phát từ một số trở ngại khách quan mà bên này không thể thực hiện được nghĩa vụ đúng như đã thoả thuận. Bên vi phạm hoàn toàn mong muốn được tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình đối với bên kia và sẵn sàng áp dụng các biện pháp để khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.

Ta thấy, trong trường hợp trên, bên vi phạm thể hiện rõ thiện chí trong việc hoàn thành nghĩa vụ. Vì vậy, việc xác định mức độ nghiêm trọng so với các hành vi vi phạm thông thường là thấp hơn. Vậy nên, Luật Thương mại 2005 cần quy định thêm trường hợp này để có thể đối xử một cách phù hợp nhất đối với từng loại vi phạm hợp đồng. Tại Khoản 3 Điều 7.1.5 Bộ nguyên tắc PICC có quy định về việc áp dụng chế tài huỷ bỏ hợp đồng của bên bị vi phạm đối với hành vi chậm thực hiện nghĩa vụ của bên kia. Bên bị vi phạm muốn huỷ bỏ hợp đồng thì họ bắt buộc phải gia hạn thêm thời hạn thực hiện hợp đồng cho bên kia, việc huỷ bỏ hợp đồng chỉ được viện dẫn áp dụng khi bên vi phạm không thể hoàn thành được nghĩa vụ của mình sau khi đã hết thời hạn quy định hoặc bên này thông báo ngay tại thời điểm gia hạn là họ không thể thực hiện được hợp đồng. Điều khoản này trong Bộ nguyên tắc PICC đảm bảo được nguyên tắc thiện chí và trung thực giữa các bên trong hợp đồng. Ngoài ra, việc ban hành quy định trên còn giúp cho bên vi phạm tăng cơ hội khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra, cũng như tăng khả năng giúp cho hợp đồng được thực hiện một cách triệt để, tránh tình trạng hợp đồng bị tuyên vô hiệu với tần suất lớn, gây ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế.

Quy định về vi phạm cơ bản trong Luật Thương mại 2005 chưa thực sự phù hợp

Theo Khoản 13 Điều 3 Luật Thương mại 2005 thì vi phạm cơ bản được hiểu là “sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”. Vấn đề đặt ra ở đây là thiệt hại được đề cập đến trong quy định trên sẽ được hiểu như thế nào cho hợp lý. Nó bắt buộc phải là thiệt hại vật chất thực tế hay chỉ cần bên bị vi phạm không đạt được mục đích giao kết hợp đồng thì đã được xem là thiệt hại như trong Bộ nguyên tắc PICC?

Một điểm đáng chú ý nữa về định nghĩa vi phạm cơ bản là việc sử dụng cụm từ “mục đích của việc giao kết hợp đồng” trong Luật Thương mại 2005 với việc sử dụng cụm từ “những gì mà bên bị vi phạm mong muốn đối với hợp đồng” trong Bộ nguyên tắc PICC để chỉ cho hậu quả mà hành vi vi phạm gây ra thì nội hàm nào sẽ hợp lý hơn? Ta thấy, việc xác định mục đích giao kết hợp đồng sẽ phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của các bên giao kết, nó thường không được minh thị trong hợp đồng mà sẽ được các bên tham gia ngầm hiểu. Do đó, để xác định được mục đích giao kết một cách chính xác là rất khó. Ngược lại, những gì mà các bên mong đợi đối với hợp đồng sẽ được xác định dễ dàng hơn. Bởi nó có thể được chứng minh thông qua những gì mà các bên đã thoả thuận cụ thể trong hợp đồng. Vậy nên, nội hàm trong Bộ nguyên tắc PICC đảm bảo được tính khách quan hơn trong quy định, cũng như giúp việc chứng minh hành vi vi phạm cơ bản của bên bị vi phạm được thuận lợi hơn.

Cuối cùng, Luật Thương mại 2005 chỉ mới dừng lại ở việc đưa ra định nghĩa cho vi phạm cơ bản. So sánh với Bộ nguyên tắc PICC, ta thấy quy định tại Khoản 2 Điều 7.3.1 Bộ nguyên tắc này đã liệt kê cụ thể năm trường hợp làm cơ sở để đánh giá hành vi vi phạm cơ bản trong hợp đồng. Việc quy định chi tiết như trong Bộ nguyên tắc PICC giúp cho toà án xác định được vi phạm cơ bản một cách nhanh chóng và hợp lý hơn, tránh tình trạng cùng một hành vi vi phạm xảy ra nhưng mỗi vị thẩm phán lại đưa ra những nhận định khác nhau. Dẫn đến việc mâu thuẫn, khó áp dụng trên thực tế. Ngoài ra, việc quy định rõ ràng các trường hợp để xác định vi phạm cơ bản còn giúp bên bị vi phạm dễ dàng chứng minh được hành vi vi phạm của bên kia, từ đó bảo vệ tốt hơn lợi ích cho bên này trong quan hệ hợp đồng.

Một số kiến nghị

Thứ nhất, việc ghi nhận thêm trường hợp vi phạm hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ là cần thiết. Luật Thương mại 2005 cần bổ sung thêm quy định trên để có cách đối xử phù hợp đối với từng hành vi vi phạm, từ đó, đảm bảo được nguyên tắc thiện chí, trung thực trong thương mại, cũng như giúp cho hợp đồng được thực hiện một cách triệt để.

Thứ hai, cần sửa đổi định nghĩa vi phạm cơ bản trong Luật Thương mại 2005. Thay vì quy định như hiện tại, có thể đổi lại thành “vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên làm cho bên kia không đạt được những gì mà họ có quyền chờ đợi từ hợp đồng”. Bên cạnh đó, để việc xét xử của toà án được đảm bảo thống nhất, cũng như bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho bên bị vi phạm trong hợp đồng, Luật Thương mại 2005 còn cần quy định thêm một số trường hợp cụ thể để xác định một hành vi vi phạm là vi phạm cơ bản nghĩa vụ.

\==========================

[1] PICC, art. 7.1.1: “Non-performance is failure by a party to perform any of its obligations under the contract, including defective performance or late performance”.

[2] PICC, art. 7.1.5, cl. 1: “In a case of non-performance the aggrieved party may by notice to the other party allow an additional period of time for performance”.

[3] PICC, art. 7.1.5, cl. 2: “During the additional period the aggrieved party may withhold performance of its own reciprocal obligations and may claim damages but may not resort to any other remedy. If it receives notice from the other party that the latter will not perform within that period, or if upon expiry of that period due performance has not been made, the aggrieved party may resort to any of the remedies that may be available under this Chapter”.

[4] PICC, art. 7.4.1: “Any non-performance gives the aggrieved party a right to damages”.

[5] PICC, art. 7.1.5, cl. 3: “Where in a case of delay in performance which is not fundamental the aggrieved party has given notice allowing an additional period of time of reasonable length, it may terminate the contract at the end of that period. If the additional period allowed is not of reasonable length it shall be extended to a reasonable length. The aggrieved party may in its notice provide that if the other party fails to perform within the period allowed by the notice the contract shall automatically terminate”.

[6] PICC, art. 7.3.1, cl. 2, pt. a: “the non-performance substantially deprives the aggrieved party of what it was entitled to expect under the contract unless the other party did not foresee and could not reasonably have foreseen such result”.

[7] PICC, art. 7.3.1, cl. 2, pt. b: “strict compliance with the obligation which has not been performed is of essence under the contract”.

[8] PICC, art. 7.3.1, cl. 2, pt. c: “the non-performance is intentional or reckless”.

[9] PICC, art. 7.3.1, cl. 2, pt. d: “the non-performance gives the aggrieved party reason to believe that it cannot rely on the other party’s future performance”.

[10] PICC, art. 7.3.1, cl. 2, pt. e: “the non-performing party will suffer disproportionate loss as a result of the preparation or performance if the contract is terminated”.

[11] Bùi Ngọc Cường (2008), Giáo trình Luật Thương mại tập 2, NXB Giáo dục, Hà Nội, tr. 26.

[12] Đặng Hồng Dương, “Các trường hợp miễn trách nhiệm với hành vi vi phạm hợp đồng trong thương mại”, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, /cac-truong-hop-mien-trach-nhiem-voi-hanh-vi-vi-pham-hop-dong-trong-thuong-mai1631637231.html?fbclid=IwAR3dP2Jew-FI6wLfTpX2WGx9qHK_0i72eeFN9Y1vjusKABhRKP0FO4UzA3k, đăng tải ngày 14-09-2021 [truy cập ngày 06/4/2022].

[13] Đinh Văn Cường (2020), Thực trạng pháp luật và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về chế tài phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thương mại và mối quan hệ giữa hai chế tài, Tạp chí Khoa học kiểm sát, (03), tr. 52.

Thế nào là vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng?

Vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ (Khoản 1 Điều 351 BLDS). Cũng theo quy định này, bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.

Vi phạm hợp đồng kinh tế là gì?

Vi phạm hợp đồng là hành vi một bên vi phạm (một hoặc nhiều) nghĩa vụ thỏa thuận trong hợp đồng mà hai bên đã ký kết. Ví dụ, Công ty A và Công ty B thỏa thuận (trong hợp đồng bán hàng) là Công ty B sẽ thanh toán tiền mua hàng vào ngày 25/4/2017. Nhưng đến ngày đó, Công ty B không thanh toán.

Phạt vi phạm hợp đồng tối đa là bao nhiêu?

Mức 8% là mức phạt tối đa mà Nhà nước đặt ra để bảo đảm tối ưu quyền lợi hợp pháp của các bên. Do vậy, quyền thỏa thuận vẫn được trao cho các bên đối với mức phạt giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng vi phạm nhưng không quá 8%.

Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng gì?

Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định.

Chủ đề