Việt Nam có chung đường biên giới quốc gia trên đất liền với Trung Quốc là bao nhiêu km?

Việt Nam đã giải quyết được dứt điểm 2 trong 3 vấn đề lớn về biên giới lãnh thổ do lịch sử để lại trong quan hệ Việt- Trung.

Theo kế hoạch dự kiến, hôm nay 23/8, tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cùng Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ đồng chủ trì “Hoạt động kỷ niệm 20 năm ký Hiệp ước biên giới và 10 năm triển khai 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc”.


Đây là sự kiện quan trọng để hai nước tổng kết, đánh giá các thành tựu, kinh nghiệm trong công tác phối hợp giữa hai bên sau 10 năm triển khai 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền và 20 năm ký Hiệp ước biên giới Việt Nam - Trung Quốc cũng như việc hợp tác, phát triển tại khu vực biên giới.

 

Việt Nam có chung đường biên giới quốc gia trên đất liền với Trung Quốc là bao nhiêu km?
Khánh thành cột mốc 1116 tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn
 (Ảnh:biengioilanhtho.gov.vn)

 

Tiến trình đàm phán hoạch định biên giới trên đất liền


Nhìn lại lịch sử, tiến trình đàm phán hoạch định biên giới và phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam- Trung Quốc đã trải qua những dấu mốc quan trọng. 


Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ở vùng Đông Á đã ra đời hai nhà nước độc lập là Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa (1945) và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949). Đầu năm 1950, quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã được chính thức thiết lập. Hơn 3 năm sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, tháng 11/1957, Ban bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay) đã gửi thư cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị hai bên tôn trọng đường biên giới lịch sử do hai bản Công ước về hoạch định biên giới đã ký kết năm 1887 và năm 1895 giữa chính quyền Pháp ở Đông Dương và triều đình nhà Thanh ở Trung Quốc về giải quyết mọi cuộc tranh chấp bằng con đường đàm phán. 


Tháng 4/1958, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trả lời đồng ý với đề nghị của Việt Nam, tôn trọng đường biên giới lịch sử được hai bản Công ước Pháp- Thanh năm 1887 và năm 1895 xác lập. 


Cho đến sau Hiệp định Paris tháng 1/1973, vấn đề đàm phán về biên giới Việt Nam- Trung Quốc mới được khởi động. Cuộc đàm phán lần thứ nhất được tiến hành vào tháng 8/1974. Sau đó, do tình hình khu vực có nhiều biến động, quan hệ hai nước trở nên khó khăn, các cuộc đàm phán vẫn tiến hành nhưng không đem lại kết quả. 


Sau khi quan hệ giữa hai nước Việt Nam- Trung Quốc được bình thường hóa, ngày 7/11/1991, hai bên đã ký bản Hiệp ước tạm thời về việc giải quyết công việc trên vùng biên giới hai nước. Trải qua nhiều lần trao đổi, ngày 19/10/1993, bản Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ Việt Nam- Trung Quốc được ký đã đưa cuộc đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền đi vào thực chất. Kết quả là ngày 30/12/1999 tại Hà Nội, Chính phủ hai nước đã ký “Hiệp ước hoạch định biên giới trên đất liền giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. 


Trên cơ sở Hiệp định năm 1999, hai bên phối hợp tiến hành khảo sát thực địa để phân giới cắm mốc trên suốt chiều biên giới dài 1449,566 km với 1970 cột mốc (1548 cột mốc chính, 422 cột mốc phụ, chưa kể 1 cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam- Trung Quốc- Lào). Ngày 31/12/2008, công tác phân giới cắm mốc trên toàn biên giới đất liền Việt Nam- Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành. 


Tiếp theo là việc đàm phán và ký kết các Nghị định thư về công tác phân giới cắm mốc, về quy chế quản lý biên giới, về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu. Ngày 14/7/2010, hai bên chính thức tuyên bố các văn kiện liên quan đến phân giới cắm mốc và quản lý biên giới đất liền Việt Nam- Trung Quốc có hiệu lực, hai bên bắt đầu quản lý theo đường biên giới mới. 


Lần đầu tiên trong lịch sử, hai nước xác lập được một đường biên giới rõ ràng trên đất liền 

 

Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam- Trung Quốc và việc hoàn thành phân giới cắm mốc, xác định rõ ràng một đường biên giới trên đất liền tạo cơ sở để các ngành chức năng tiến hành quản lý biên giới một cách hiệu quả, ngăn ngừa hiện tượng xâm canh, xâm cư do thiếu hiểu biết về đường biên giới. Đây chính là tiền đề, là cơ sở pháp lý quan trọng để hai bên tiến hành quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam- Trung Quốc, mở ra cơ hội mới cho công cuộc phát triển của mỗi nước, đặc biệt là tạo điều kiện cho các địa phương biên giới hai bên củng cố an ninh, mở rộng hợp tác và phát triển kinh tế. 

Đường biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc dài 1.449,566 km (trong đó đường biên giới đi theo sông, suối là 383,914 km) tiếp giáp giữa 07 tỉnh của Việt Nam: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang- Quảng Tây/Trung Quốc. Phía Việt Nam có 168 xã, phường, thị trấn, 34 huyện, thị xã, thành phố biên giới, 72 đồn biên phòng. Phía Trung Quốc có 14 huyện biên giới, 09 trạm hội ngộ, hội đàm, 07 đơn vị, 29 tổ công tác và đài quan sát của lực lượng Bộ đội Biên phòng; 09 trạm kiểm soát biên phòng và 03 đơn vị của lực lượng công an biên phòng.

Lực lượng biên phòng Việt Nam và Trung Quốc kiểm tra mốc quốc giới

Địa hình các tỉnh tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc phức tạp, không đồng nhất, có nhiều dãy núi cao từ 2.000 - 3.000m. Hệ thống núi ở phía Tây (Lai Châu, Lao Cai) đều chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, có độ dốc lớn, mức độ chia cắt sâu và chia cắt ngang đều lớn. Khu vực Đông Bắc đồi, núi thấp độ cao trung bình 600-700m và thấp dần chạy ra sát biển khiến cho dải đồng bằng ven biển rất hẹp.

Sự phân bố dân cư các xã biên giới mang tính đặc thù của vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, địa hình bị chia cắt mạnh. Nhìn chung đây là khu vực có dân cư thưa, toàn tuyến có 20 dân tộc cư trú; dọc tuyến chủ yếu là dân tộc thiểu số, phổ biến nhất là Tày và Nùng; nhiều dân tộc thiếu số có quan hệ sắc tộc, dòng họ và có chung đặc điểm về văn hóa với các dân tộc bên kia biên giới.

Có một thực tế lịch sử là đồng bào các dân tộc vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc có tâm lý không “an cư” vì thường bị sức ép từ bên kia biên giới. Do đời sống kinh tế và điều kiện xã hội thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, dịch bệnh vẫn còn xảy ra; hiện tượng thất học và nạn mù chữ gia tăng; đời sống tinh thần của bà con dân tộc thiểu số còn nhiều thiếu thốn và lạc hậu.

Biên giới Việt Trung được hình thành từ lâu đời, đến thời kỳ nhà nước Văn Lang, Âu Lạc và đầu kỷ nguyên độc lập (khoảng năm 968) biên giới Việt Nam - Trung Quốc được hình thành chủ yếu theo tập quán, dựa theo ranh giới các điểm có dân cư sinh sống, ở những nơi có đường qua lại hai bên đặt các Đồn, Ải để quản lý việc qua lại.

Ngày 29/6/1887, tại Bắc Kinh/Trung Quốc, Pháp đại diện phía Việt Nam (đang đô hộ Việt Nam) đã ký Công ước hoạch định biên giới với nhà Thanh đại diện phía Trung Quốc (gọi là công ước năm 1887) trong đó chưa có vùng Phong Thổ và Mường Tè/Lai Châu.

Đến năm 1895, hai bên ký công ước bổ sung cho công ước 1887 hoạch định dứt điểm biên giới Việt Nam - Trung Quốc và biên giới Lào - Trung Quốc. Thực hiện Công ước 1887 - 1895, hai bên đã thống nhất cắm 314 cột mốc trên biên giới từ Lai Châu đến Quảng Ninh. Sau khi ký Công ước 1887 và Công ước bổ sung 1895 đến trước khi Việt Nam giành được độc lập, Pháp và nhà Thanh không ký thêm văn bản pháp lý nào liên quan đến việc thay đổi hoặc sửa đổi đường biên giới.

Sau khi cách mạng hai nước thành công (Việt Nam năm 1945, Trung Quốc năm 1949), năm 1957 - 1958 hai Đảng gửi thư cho nhau thoả thuận: “Duy trì nguyên trạng đường biên giới lịch sử để lại” tôn trọng và quản lý đường biên giới theo Công uớc Pháp - Thanh (1887-1895).

Năm 1991, hai nước bình thường hóa quan hệ, thông qua thương lượng giải quyết hòa bình vấn đề biên giới, Chính phủ nước cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký "Hiệp định tạm thời về việc giải quyết các công việc trên vùng biên giới”. Sau đó, hai nước đồng ý đẩy nhanh tiến trình đàm phán giải quyết cả biên giới trên bộ, trên biển, trước mắt giải quyết biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ.

Ngày 30/12/1999, đại diện hai nước đã ký "Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa".