Xây dựng nghị quyết chi bộ

Tổ chức thực hiện nghị quyết lãnh đạo của Đảng nói chung, nghị quyết lãnh đạo của chi bộ nói riêng là một trong những khâu rất quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng, là quá trình biến những nội dung đề ra trong nghị quyết thành hiện thực. Với ý nghĩa đó cùng với việc xây dựng nghị quyết thì tổ chức thực hiện nghị quyết là một khâu rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của chi bộ.

Tổ chức thực hiện nghị quyết lãnh đạo của Đảng nói chung, nghị quyết lãnh đạo của chi bộ nói riêng là một trong những khâu rất quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng, là quá trình biến những nội dung đề ra trong nghị quyết thành hiện thực. Với ý nghĩa đó cùng với việc xây dựng nghị quyết thì tổ chức thực hiện nghị quyết là một khâu rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của chi bộ.

Nội dung của nghị quyết được xác định một cách khoa học là cơ sở quan trọng của sự thành công, nhưng như thế vẫn chưa đủ, mà cần phải tổ chức thực hiện rành rọt và kiên quyết để biến nghị quyết thành hiện thực. Nếu không thực hiện được điều này thì theo V.I.Lê-nin, mọi nghị quyết dù được luận chứng khoa học nhất vẫn chỉ là văn kiện được viết ra trên giấy, các nhiệm vụ đề ra trở thành không tưởng, một ước vọng ngây thơ. Vì vậy, Người yêu cầu những người cộng sản phải tiến hành công tác tổ chức thực tiễn và với đầu óc thiết thực.

Thực tiễn chứng minh rằng, việc tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết của các chi bộ đã góp phần xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đội tiền phong lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Những năm qua, phần đông các chi ủy, chi bộ trong toàn Đảng đã xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thực hiện khá tốt chế độ phân công công tác, quy định trách nhiệm, quyền hạn của từng chi uỷ viên trong tổ chức thực hiện nghị quyết, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, “khả năng nhận thức, vận dụng cụ thể hoá và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của cấp uỷ cấp trên của nhiều tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) còn yếu, chưa đủ sức phát hiện, giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở; có TCCSĐ bị mất sức chiến đấu”(1). Một số cán bộ, đảng viên “chưa thực sự coi trọng đổi mới phong cách, lề lối làm việc, bệnh thành tích còn nặng và khá phổ biến”(2); chưa thực hiện nói đi đôi với làm, tình trạng nói nhiều làm ít, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm còn diễn ra ở nhiều nơi. Một bộ phận cán bộ, đảng viên thụ động, ỷ lại tập thể, hoặc nguyên tắc cứng nhắc. Những hiện tượng đó đã ảnh hưởng không tốt đến tổ chức thực hiện nghị quyết, làm giảm uy tín và sức mạnh lãnh đạo của chi bộ đối với cơ quan, đơn vị. Có bí thư chi bộ còn mang bệnh hình thức, chủ trì ra nghị quyết xong không tổ chức thực hiện triệt để, hoặc tổ chức thực hiện qua loa, đại khái, không kiểm tra việc thực hiện của các chi ủy viên, các bộ phận, các ngành. Trong quá trình thực hiện nghị quyết, một số chi bộ còn rập khuôn, giáo điều, máy móc, hoặc quan liêu, mệnh lệnh. Có chi bộ chưa biết phát huy vai trò của các tổ chức, nhất là tổ chức quần chúng, không động viên khen thưởng kịp thời những nhân tố mới có tác dụng thúc đẩy phong trào trong thực hiện nghị quyết. Một số chi bộ chưa có sự phân công hợp lí, sự phân định rành mạch quyền hạn và trách nhiệm của chi uỷ viên và trách nhiệm của người chủ trì cơ quan, đơn vị, dẫn đến hiện tượng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm, hoặc thực hiện không hết nội dung mà nghị quyết đã đề ra.

Để tổ chức thực hiện tốt nghị quyết của chi bộ, cần thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau đây:

1. Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn cho các chi uỷ viên, trước hết là bí thư và phó bí thư chi bộ. Nội dung bồi dưỡng phải toàn diện, cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn, chú trọng bồi dưỡng năng lực tổ chức thực tiễn, năng lực công tác xây dựng đảng. Biện pháp, hình thức bồi dưỡng đa dạng, linh hoạt có thể thông qua hội nghị cấp ủy đảng các cấp; giao ban hội ý; các đợt học tập, sinh hoạt chính trị; qua tự học tập, tự bồi dưỡng của từng chi ủy viên. Hình thức tự học tập, tự bồi dưỡng của từng chi ủy viên là rất quan trọng, quyết định trực tiếp đến năng lực tổ chức thực hiện nghị quyết trên cương vị, chức trách được giao. Do đó, cần khắc phục những biểu hiện thiếu trách nhiệm, coi nhẹ việc bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất, năng lực của các chi uỷ viên và hiện tượng lười học, ngại rèn luyện, phấn đấu.

2. Thường xuyên đổi mới phong cách lãnh đạo, hoàn thiện quy trình tổ chức thực hiện nghị quyết của chi bộ. Nội dung của nghị quyết có đầy đủ, sâu sát đến đâu nhưng người tổ chức thực hiện không có phong cách lãnh đạo khoa học, không có quy trình chặt chẽ thì hiệu quả đạt được của nghị quyết không cao. Chi uỷ phải thực hiện đúng chức năng tập thể lãnh đạo, không bao biện, làm thay công việc thuộc chức năng quản lí, chỉ huy điều hành của người chỉ huy, hoặc không được tách rời, đối lập giữa sự lãnh đạo của chi bộ với việc chỉ huy, quản lí của người chủ trì. Duy trì và thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quy trách nhiệm rõ ràng; đồng thời, đề cao vai trò tiền phong gương mẫu, nói đi đôi với làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là bí thư và phó bí thư chi bộ, động viên mọi thành viên trong cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả nghị quyết.Sâu sát, thường xuyên liên hệ mật thiết với cấp dưới và quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, cán bộ phải có óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm, chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Có thường xuyên sâu sát, gần gũi cấp dưới và quần chúng thì từng chi uỷ viên mới nắm được thái độ, tâm tư, nguyện vọng của họ và mới có thể phát hiện ra sự đúng sai của việc tổ chức thực hiện nghị quyết, mới thấy được nhân tố mới, những điển hình tiên tiến để nhân rộng. Sâu sát thực tiễn mới phát hiện ra những khiếm khuyết của các chủ trương để bổ sung, sửa chữa, có quyết định đúng đắn nhằm khắc phục, hạn chế khuyết điểm kịp thời.

Cùng với việc đổi mới phong cách làm việc của chi ủy, cần hoàn thiện quy trình tổ chức thực hiện nghị quyết lãnh đạo của chi bộ trên một số bước cơ bản sau đây:

Bước 1: Tổ chức quán triệt nghị quyết của chi bộ đến các tổ chức, từng cán bộ, đảng viên, làm cho toàn chi bộ, cơ quan, đơn vị thông suốt và có niềm tin vững chắc. Quán triệt và phổ biến nghị quyết phải tuân thủ đúng nội dung và phạm vi tác động của nghị quyết lãnh đạo. Để thực hiện có hiệu quả bước này, bí thư chi bộ phải phân công công việc cụ thể cho mỗi cấp uỷ viên và phát huy vai trò của các tổ chức trong đơn vị.

Bước 2: Cụ thể hoá nghị quyết thành kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ của cán bộ chủ trì, các tổ chức trong đơn vị. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc nghị quyết lãnh đạo và thực hiện phân công tổ chức thực hiện của chi bộ, cán bộ chủ trì các cấp và các tổ chức căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ của mình cụ thể hoá những chủ trương, biện pháp, chỉ tiêu thành kế hoạch, chương trình hành động, đến từng việc làm cụ thể phù hợp với thực tiễn, biến nghị quyết thành hiện thực.

Bước 3: Tổ chức các phong trào cách mạng của quần chúng nhằm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Đây là bước quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc đưa nghị quyết vào cuộc sống. Trên cơ sở chương trình, kế hoạch của cơ quan, đơn vị mà tổ chức cho cán bộ, đảng viên, quần chúng thực hiện có hiệu quả, bằng những hành động cụ thể, trước tiên cần hoàn thành nhiệm vụ theo chức trách, nhiệm vụ.

Bước 4: Tổ chức kiểm tra việc thực hiện nghị quyết, kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh, tạo điều kiện cho các tổ chức và mọi cán bộ, đảng viên thực hiện tốt những nội dung của nghị quyết theo chức năng nhiệm vụ. Trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết cần theo dõi diễn biến tư tưởng của mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng để giải quyết kịp thời; phát hiện những vấn đề bất cập để bổ sung chủ trương, biện pháp lãnh đạo đúng đắn. Mỗi chi ủy viên phải sâu sát cơ quan, đơn vị, sâu sát quần chúng, phải nói và làm theo nghị quyết, kiên quyết đấu tranh và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm, những biểu hiện thiếu trách nhiệm, thiếu gương mẫu.

Bước 5: Tiến hành chặt chẽ việc sơ kết, tổng kết kinh nghiệm thực hiện nghị quyết, chuẩn bị và ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ tiếp theo. Sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm cần đánh giá chính xác kết quả, ưu điểm, khuyết điểm trong quá trình tổ chức thực hiện; rút ra được những kinh nghiệm thành công và chưa thành công. Sau khi sơ kết, tổng kết phải thông báo kết quả cho các tổ chức, các lực lượng có liên quan và báo cáo lên cấp uỷ cấp trên; đồng thời, triển khai những công việc cần phải làm để chuẩn bị cho nghị quyết tiếp theo.

3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết để phát huy ưu điểm, phòng ngừa và khắc phục kịp thời sai lầm, khuyết điểm. Lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Do vậy, cấp uỷ các cấp, trực tiếp là bí thư, phó bí thư chi bộ và chi uỷ viên cần thường xuyên quan tâm thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát theo sự phân công của chi bộ, phải coi việc đi sát cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra kết quả thực hiện nghị quyết là nhiệm vụ quan trọng. Từng chi uỷ viên cần xây dựng kế hoạch đi cơ sở và thực hiện nghiêm túc kế hoạch đó. Kế hoạch phải xác định rõ nội dung, thời gian, địa điểm và những vấn đề cần lưu ý để việc thực hiện được chính xác. Tránh hiện tượng qua loa, đại khái, không nắm được việc tổ chức thực hiện nghị quyết đến đâu, kết quả thế nào.

4. Phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng và mọi thành viên trong cơ quan, đơn vị. Nghị quyết của chi bộ được tổ chức thực hiện không chỉ bằng nỗ lực của chi ủy, chi bộ mà phải bằng sức mạnh tổng hợp của các tổ chức và mọi thành viên trong đơn vị, do vậy cần phát huy tinh thần tự giác, tích cực chủ động của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong chi bộ và phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, tổ chức chính trị-xã hội trong triển khai thực hiện nghị quyết, đặc biệt là vai trò xung kích của chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Chi bộ cần thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng chi đoàn vững mạnh, thực sự là nơi quy tụ quần chúng; chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất để chi đoàn hoạt động; tổ chức có hiệu quả, thiết thực các phong trào hành động cách mạng và đoàn viên, thanh niên xung kích trong thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị. Hằng tháng, căn cứ vào nghị quyết lãnh đạo của chi bộ, các tổ chức quần chúng, các tổ chức chính trị-xã hội xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, thiết thực, tránh hình thức, không trọng tâm, trọng điểm.

Chi bộ cần thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức về sự cần thiết, vai trò, trách nhiệm của mọi người trong việc tổ chức thực hiện nghị quyết của chi bộ; tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để mọi đảng viên, quần chúng thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ.

Th.s. Cao Ngọc Hải

 Học viện Hải quân
 

(1, 2) Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khoá X), Nxb CTQG, H. tr 92.