Bảo hộ chỉ dẫn địa lý là gì

Nhu cầu bảo hộ đối với các sản phẩm có chất lượng đặc thù của các quốc gia trên thế giới không ngừng tăng. Thương mại quốc tế phát triển khiến cho việc làm hàng nhái, hàng giả các sản phẩm nổi tiếng càng trở nên phổ biến. Điều này làm nảy sinh nhu cầu cần có những quy định cụ thể mang tính quốc tế nhằm bảo hộ đối tượng đặc biệt này. Hiệp định TRIPS được coi là văn bản pháp lý về sở hữu trí tuệ toàn diện nhất với các quy định cụ thể về chỉ dẫn địa lý như sau: “chỉ dẫn địa lý (Geographical Indications) được hiểu là một chỉ dẫn nhằm xác định một sản phẩm có xuất xứ từ lãnh thổ của một nước thành viên hoặc từ một vùng, một khu vực địa lý của nước đó, mà chất lượng, danh tiếng hay các đặc tính khác của sản phẩm chủ yếu có được do nguồn gốc địa lý này mang lại”.

Theo định nghĩa này thì một sản phẩm được mang chỉ dẫn địa lý là sản phẩm phải có ba điều kiện:

Thứ nhất, các chỉ dẫn này có thể là dấu hiệu bất kỳ (từ ngữ, hình ảnh) miễn là qua đó có thể chỉ ra được hàng hóa mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ bắt nguồn từ lãnh thổ của quốc gia nào hoặc thuộc khu vực địa phương nào của lãnh thổ quốc gia đó. Tuy nhiên dấu hiệu trên hàng hóa phải liên quan đến một quốc gia cụ thể hoặc một địa phương, khu vực của một quốc gia cụ thể đến mức qua dấu hiệu người tiêu dùng biết được hàng hóa bắt nguồn từ đâu.

Thứ hai, hàng hóa mang chỉ dẫn địa lý phải có nguồn gốc từ quốc gia hoặc từ khu vực địa phương mà hàng hóa đó được xác định mang chỉ dẫn địa lý.

Thứ ba, hàng hóa mang chỉ dẫn địa lý phải có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do quốc gia hay khu vực địa phương đã được chỉ dẫn là nơi hàng hóa bắt nguồn quy định.

Thuật ngữ “địa lý” được dùng ở đây với một nghĩa rộng, “địa lý” không chỉ với nghĩa phạm vi, khu vực hay một vùng của lãnh thổ, mà còn thể hiện yếu tố hành chính, kinh tế và văn hóa của vùng địa lý đó. Điều đó có nghĩa “chỉ dẫn địa lý” theo cách hiểu của Hiệp định TRIPS không nhất thiết là một tên gọi. chỉ dẫn địa lý còn có thể là những dấu hiệu, ký hiệu hoặc những từ ngữ khác với tên gọi địa lý, miễn là chúng thể hiện được mối liên hệ giữa sản phẩm với nguồn gốc xuất xứ. Những dấu hiệu, ký hiệu hoặc những từ ngữ ấy tuy không là tên gọi địa lý của một khu vực hay một địa phương nhưng chúng lại có khả năng làm cho khách hàng gắn kết với đặc điểm riêng biệt của hàng hóa. Chẳng hạn như hình tháp Eiffel chỉ những sản phẩm có nguồn gốc từ Paris (Pháp), hay hình ảnh con Kangaroo chỉ các sản phẩm có nguồn gốc từ Australia. Như vậy, chỉ dẫn địa lý có những quy định chặt chẽ hơn chỉ dẫn nguồn gốc nhưng không quá ràng buộc như tên gọi xuất xứ. Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó. Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hóa học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.

Mặc dù là thành viên của Công ước Paris 1883 từ năm 1949 nhưng cho đến năm 1995, những quy định đầu tiên về tên gọi xuất xứ mới được chính thức đưa vào Điều 786 Bộ luật Dân sự 1995, theo tinh thần của Công ước Paris như sau:

Tên gọi xuất xứ hàng hóa là tên địa lý của nước, địa phương dùng để chỉ xuất xứ của mặt hàng từ nước, địa phương đó với điều kiện những mặt hàng này có tính chất, chất lượng đặc thù dựa trên các điều kiện địa lý độc đáo và ưu việt, bao gồm yếu tố tự nhiên, con người hoặc kết hợp cả hai yếu tố đó.

Năm 2005, Luật sở hữu trí tuệ ra đời và đến năm 2009 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi và bổ sung đã đưa ra một định nghĩa ngắn gọn hơn về chỉ dẫn địa lý và những đặc trưng của chỉ dẫn địa lý được đưa vào phần quy định về điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý chứ không gộp trong định nghĩa như trong Nghị định 54/2000/NĐ-CP. Năm 2019, luật Sở hữu trí tuệ tiếp tục được sửa đổi và bổ sung theo Luật số 42/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2019 và Luật Sở hữu trí tuệ số 07/VBHN-VPQH ngày 25/6/2019 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2019 vẫn giữ nguyên định nghĩa về chỉ dẫn địa lý của các văn bản luật trước đây: “Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể”.

Như vậy, chỉ dẫn địa lý nằm trong nhóm đối tượng được bảo hộ thông qua sở hữu công nghiệp, cơ quan quản lý và cấp văn bằng bảo hộ là Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ. Bên cạnh đó, bảo hộ chỉ dẫn địa lý được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật của các bộ ngành liên quan đặc biệt là các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bộ Y tế…

1.2. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Chỉ dẫn địa lý xuất hiện do nhu cầu của những người sản xuất muốn đánh dấu cho các sản phẩm của mình để nhằm phân biệt sản phẩm do họ sản xuất với sản phẩm đến từ những vùng khác. Càng ngày, các nhà sản xuất càng ý thức được vai trò quan trọng như một phương tiện xúc tiến thương mại, làm gia tăng giá trị và uy tín cho sản phẩm, mang lại những lợi ích kinh tế to lớn cho người sử dụng chỉ dẫn địa lý, như tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn khách hàng; sản phẩm bán chạy hơn và giá thành sản phẩm cũng cao hơn so với những sản phẩm khác cùng loại không được sản xuất ở khu vực địa lý đặc biệt đó. Người tiêu dùng cũng dựa vào những dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý để nhận biết và lựa chọn sản phẩm. Có thể nói, được sử dụng những chỉ dẫn địa lý đã trở nên nổi tiếng là mong muốn của hầu hết các nhà sản xuất. Vì vậy, các chủ thể khác, vì mục đích lợi nhuận có thể sẵn sàng tìm mọi cách để lợi dụng danh tiếng, uy tín từ chỉ dẫn địa lý của người khác.

Việc sử dụng chỉ dẫn địa lý bất hợp pháp không những có thể gây tổn hại đến uy tín và lợi ích của những người sản xuất ở khu vực địa lý đó mà còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng khi mua nhầm phải những hàng hóa không đúng nguồn gốc, làm mất lòng tin của công chúng vào những dấu hiệu vẫn giúp họ xác định nguồn gốc của sản phẩm. Uy tín sản phẩm càng cao thì nhu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý lại càng lớn. Đó là nhu cầu bảo vệ quyền được thông tin đúng sự thật của người tiêu dùng khi lựa chọn hàng hóa và nhu cầu bảo vệ thành quả đầu tư của những người sản xuất tại địa phương trong việc xây dựng uy tín cho sản phẩm.

Từ đó, một vấn đề đặt ra là nếu việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý chỉ dừng lại ở việc ghi nhận quyền của con người sử dụng chỉ dẫn địa lý thì chưa đủ mà còn cần phải quy định các cơ chế hữu hiệu bao gồm những phương thức và biện pháp nhất định để có thể ngăn chặn và chống lại hành vi xâm phạm từ phía các chủ thể khác. Vì vậy, pháp luật các quốc gia bên cạnh việc quy định khung pháp lý trong việc xác lập và thực hiện quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý còn có những quy định bảo vệ chỉ dẫn địa lý chống lại hành vi xâm phạm và các biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi này.

Thực tế, chỉ dẫn địa lý càng nổi tiếng càng có uy tín rộng rãi trên thị trường thì nhu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý đó chống lại các hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý càng lớn.

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý được hiểu là: Nhà nước thông qua các quy định pháp luật quy định việc xác lập, công nhận và thực hiện quyền đối với chỉ dẫn địa lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể chống lại hành vi xâm phạm chỉ dẫn địa lý.

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý là một nhu cầu tất yếu bởi khi pháp luật quy định quyền của người sản xuất kinh doanh đối với chỉ dẫn địa lý đồng thời, quyền đó cũng phải được pháp luật bảo vệ, những hành vi mang tính xâm phạm quyền từ các chủ thể khác phải được ngăn chặn một cách kịp thời, chính xác, đồng thời phải có chế tài để xử lý các hành vi này, vừa mang tính chất trừng phạt chủ thể vi phạm, vừa mang tính chất răn đe.

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý là một quá trình dài và phức tạp, đòi hỏi sự đầu tư lớn. Nhà nước – chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý là chủ thể thực hiện việc bảo hộ, thông qua hoạt động của các cơ quan chức năng và sự phối hợp của các tổ chức, cá nhân có quyền lợi liên quan. Không chỉ đơn thuần là sử dụng các công cụ pháp luật nghiêm cấm và xử phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý bao gồm cả việc tiến hành đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý không còn chỉ bó hẹp trong pháp luật quốc gia mà nó trở thành vấn đề quốc tế được quy định trong các điều ước quốc tế song phương và đa phương.

- Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý tức là bảo hộ độc quyền của cư dân một vùng sử dụng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm có nguồn gốc từ vùng đó. Trong Luật Sở hữu trí tuệ 2019 không quy định thế nào là bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhưng đã quy định về văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý (Điều 92) và điều kiện bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý (Điều 79).

chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;

+ Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.

- Hình thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý

+ Bảo hộ chỉ dẫn bằng pháp luật riêng: Pháp là nước đầu tiên và điển hình trong việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý bằng một luật riêng. Đây là nơi mà luật đầu tiên về bảo hộ chỉ dẫn địa lý được thông qua, trong đó quy định về một hình thức sở hữu công nghiệp đặc biệt đó là tên gọi xuất xứ hàng hóa. Nội dung bảo hộ một chỉ dẫn địa lý là chống việc sử dụng các chỉ dẫn địa lý thương mại trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đó cho sản phẩm không đạt các chỉ tiêu pháp lý (không có nguồn gốc từ khu vực địa lý tương ứngkhông đạt các chỉ tiêu về sản phẩm hoặc các chỉ tiêu về quy trình sản xuất sản phẩm).

+ Bảo hộ chỉ dẫn địa lý bằng pháp luật về nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận: Nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận có thể dùng để bảo hộ từ những chỉ dẫn nguồn gốc đơn thuần đến chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ, kể cả những chỉ dẫn địa lý đã được xác lập các chỉ tiêu pháp lý. Cả hai hình thức bảo hộ này đặc biệt có ý nghĩa để các doanh nghiệp hoặc hiệp hội doanh nghiệp chủ động phát huy vai trò của giới tư nhân. Tuy nhiên, cả hai hình thức bảo hộ này chỉ có hiệu quả trong một chừng mực nhất định vì chỉ có thể kiểm soát những người tự nguyện sử dụng các nhãn hiệu chứa chỉ dẫn địa lý mà không cấm những người không gia nhập tập thể và những người không chịu sự giám định, chứng nhận sản phẩm sử dụng chỉ dẫn địa lý.

+ Bảo hộ chỉ dẫn địa lý bằng pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh: Chống cạnh tranh không lành mạnh có nội dung chống hành vi sử dụng các chỉ dẫn thương mại làm sai lệch nhận thức và thông tin về hàng hóa nhằm gây nhầm lẫn về xuất xứ hàng hóa cho người tiêu dùng trong quá trình nhận biết, chọn lựa hàng hóa, với điều kiện hành vi sử dụng đó gây thiệt hại hoặc có nguy cơ gây thiệt hại cho các chủ thể kinh doanh hoặc người tiêu dùng. Hình thức bảo hộ này chỉ nhằm vào việc bồi thường thiệt hại gây ra do việc sử dụng chỉ dẫn địa lý sai trái. Đối với hình thức bảo hộ không cần đăng ký này khi xảy ra xâm phạm quyền thì việc chứng minh sự đáp ứng các điều kiện để được hưởng sự bảo hộ thuộc nghĩa vụ của chủ thể quyền và thường gặp khó khăn, tốn kém.

- Vai trò của chỉ dẫn địa lý

Đối với việc xúc tiến thương mại, chỉ dẫn địa lý là một công cụ hữu hiệu, đặc biệt với kinh doanh xuất khẩu. chỉ dẫn địa lý mang lại giá trị gia tăng, giúp sản phẩm thâm nhập thị trường và phát triển một cách nhanh chóng, dễ dàng nhờ chất lượng và uy tín của sản phẩm gắn chỉ dẫn địa lý. Do những đặc tính riêng biệt của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý mà chúng được nhận biết tốt hơn trên thị trường. Điều này khiến cho việc thực hiện chiến lược marketing hay các hoạt động xúc tiến thương mại trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều. chỉ dẫn địa lý mạnh cũng giống như một thương hiệu mạnh luôn tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường để phát triển bền vững.

Chỉ dẫn địa lý có nhiều tác dụng kinh doanh mạnh mẽ giống như tác dụng của nhãn hiệu hàng hóa. Tầm cỡ của những đặc sản địa phương có thể được nâng lên trong con mắt người tiêu dùng khi một cộng đồng người địa phương và các thành viên của cộng đồng được hưởng độc quyền để sử dụng một chỉ dẫn địa lý riêng biệt. Ngoài ra, chỉ dẫn địa lý có thể bổ sung cho sản phẩm khả năng marketing rất năng động, đặc biệt khi chất lượng làm nên sự nổi tiếng của một vùng được bảo hộ thực sự bằng kinh nghiệm của người sử dụng qua thời gian vì chỉ dẫn địa lý vốn dĩ thuộc sở hữu tập thể nên chúng là công cụ tuyệt vời đối với sự phát triển kinh tế khu vực và kinh tế dựa trên cộng đồng.

Chỉ dẫn địa lý còn giúp bảo vệ và giữ gìn các di sản truyền thống lâu đời về ẩm thực, đặc sản, nghề thủ công… Vì vậy, việc giữ gìn những nét đẹp văn hóa của địa phương góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển công nghiệp du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái của vùng, thu hút lượng khách du lịch quan tâm tìm hiểu ngành nghề truyền thống, đồng thời góp phần phát triển các ngành dịch vụ phụ trợ, đem lại nguồn lợi ích kinh tế cao cho cư dân địa phương thông qua các hoạt động xuất khẩu tại chỗ.

2. Thực trạng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với hàng nông sản

2.1. Khái quát thực trạng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với hàng nông sản của Việt Nam

Là một quốc gia định hướng xuất khẩu, lấy xuất khẩu làm nguồn thu ngoại tệ đáng kể, Việt Nam cần tuân thủ đầy đủ các qui định về truy xuất nguồn gốc của thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ việc tuân thủ các qui định này. Đồng thời, cũng có rất ít các tài liệu đầy đủ, cụ thể liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm được tuyên truyền, phổ biến đến cộng động doanh nghiệp.

Trong những năm gần đây, số lượng sản phẩm đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam gia tăng nhanh. Tính đến 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp trên 1,3 nghìn Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận (NHCN), nhãn hiệu tập thể (NHTT) cho các sản phẩm nông thôn gắn với dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý, trong đó có 70 chỉ dẫn địa lý (5,34%), 305 NHCN (23,3%) và 936 NHTT (71,36%). Đã có 1.096 sản phẩm nông sản (chiếm 83,6 %) và 215 sản phẩm nông thôn khác (chiếm 16,40%) được bảo hộ. Đặc điểm của các sản phẩm được đăng ký bảo hộ là: các sản phẩm đặc sản, tiểu thủ công nghiệp truyền thống của các địa phương, sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý, gắn với cộng đồng ở khu vực nông thôn.

Bảng 1. Số lượng chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu chứng nhận, Nhãn hiệu tập thể được cấp giấy chứng nhận đăng ký

STT

Hình thức bảo hộ

Số lượng

Nông sản

Khác

Tổng cộng

1

Chỉ dẫn địa lý (*)

65

5

70

2

Nhãn hiệu chứng nhận

258

12

270

3

Nhãn hiệu tập thể

773

198

971

Tổng cộng

1.096

215

1.311

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ 2019

(*) Có 76 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, trong đó có 70 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 06 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài được bảo hộ tại Việt Nam

Thống kê trên phạm vi cả nước, đã có 41 tỉnh/thành phố có sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, 61 tỉnh/thành phố có sản phẩm được bảo hộ NHTT và 51 tỉnh/thành phố có sản phẩm được bảo hộ NHCN. Đối với nông sản, vùng có số lượng nông sản được bảo hộ nhiều nhất tính đến tháng 10/2019 là Đồng bằng sông Cửu Long 284 sản phẩm (22,88%), tiếp đến là Trung du và miền núi phía Bắc với 279 sản phẩm (22,48%), Đồng bằng sông Hồng 218 sản phẩm (17,57%), Duyên hải Miền Trung 116 sản phẩm (9,35%), Bắc trung Bộ 100 sản phẩm (8,05%), Đông Nam Bộ 64 sản phẩm (5,15%) và Tây Nguyên là khu vực có số lượng nông sản được bảo hộ thấp nhất với 55 sản phẩm (4,43%). Nhiều sản phẩm nông sản đã được thị trường thế giới biết đến như: Cam Cao Phong; Xoài Cát Hòa Lộc (Tiền Giang), Nho Ninh Thuận; Nước mắm Phú Quốc, Chè Tân Cương; Hoa hồi Lạng Sơn,… nhưng vẫn chưa khai thác hết được tiềm năng và thế mạnh của chỉ dẫn địa lý sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản Việt trên thị trường thế giới. chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho các địa phương như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Sơn La, Lạng Sơn, Bình Thuận…

Ở Việt Nam đã có đầy đủ các quy định liên quan đến chỉ dẫn địa lý bao gồm: Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi và bổ sung theo Luật số 42/2019/QH14 ngày 14/6/2019 và theo Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH ngày 25/6/2019 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2019; Nghị định hướng dẫn thi hành luật sở hữu trí tuệ liên quan (Văn bản hợp nhất số 04/VBHN-BKHCN ngày 18/01/2019 đối với các Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2011; Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/ 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành, có hiệu lực kể từ ngày 09/11/ 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp). Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp. Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện pháp luật về sở hữu công nghiệp và quản lý các đối tượng sở hữu công nghiệp do cơ quan mình quản lý.

Chỉ dẫn địa lý đang cho thấy vai trò quan trọng trong phát triển xuất khẩu, thể hiện trên bốn phương diện: (1) chỉ dẫn địa lý bảo vệ nhà sản xuất chống lại nạn hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng không để bị đánh lừa; (2) chỉ dẫn địa lý hỗ trợ việc xúc tiến thương mại và là một hộ chiếu cho xuất khẩu, bởi lẽ nó là cơ sở bảo đảm uy tín , sản phẩm đến từ gốc và có chất lượng được khẳng định bằng chính tên gọi của vùng lãnh thổ và được quốc tế công nhận; (3) chỉ dẫn địa lý là một công cụ để phát triển nông thôn và mở ra một cách sản xuất khác: Giữ gìn và hồi sinh năng lực các vùng nông thôn; tăng thêm giá trị của sản xuất theo phương pháp truyền thống; cho phép quảng bá di sản nông nghiệp của quốc gia đồng thời giữ được truyền thống văn hoá; bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học; (4) chỉ dẫn địa lý góp phần thực hiện sự công bằng kinh tế, bởi lẽ sự phong phú về các chỉ dẫn địa lý tiềm năng được phân bổ đều giữa các nước đã phát triển và các nước đang phát triển. Mặt khác, chỉ dẫn địa lý được các quốc gia bảo hộ, với mức chi phí thấp đối với các nhà sản xuất.

1.2. Một số tồn tại, hạn chế

  1. Về chính sách

- Các quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ (SHTT)

Các quy định pháp lý của Việt Nam đối với chỉ dẫn địa lý, NHTT và NHCN đã khá đầy đủ nhưng mới chỉ dừng lại ở vấn đề đăng ký. Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung các năm 2009, 2019; Nghị định số 103/2006/NĐ-CP, ngày 22/9/2006 của Chính phủ; Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/2/2007 của Bộ Khoa học và Công Nghệ và các Thông tư sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp đã quy định chi tiết những vấn đề liên quan đến xác lập quyền bảo hộ đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ, trong đó có chỉ dẫn địa lý, NHCN và NHTT. Tuy nhiên, việc triển khai các quy định nói trên đang gặp khó khăn, cụ thể là:

+ Về hoạt động xác lập quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý

Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản dưới luật mới chỉ quy định về điều kiện bảo hộ, chủ sở hữu, yêu cầu về hồ sơ (đơn đăng ký), trình tự, thủ tục thẩm định hồ sơ nhưng chưa quy định cụ thể nội dung và cách thức thẩm định hồ sơ. Do đó, hoạt động thẩm định nội dung hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý đang gặp nhiều khó khăn, cụ thể là thẩm định các nội dung: chất lượng đặc thù, khu vực địa lý, lịch sử - danh tiếng, quy trình kỹ thuật, điều kiện tự nhiên, mối liên hệ giữa chất lượng đặc thù và khu vực địa lý.... Đây là những lĩnh vực chuyên môn sâu, nằm ngoài khả năng chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần có các quy định cụ thể để các ngành có chuyên môn phù hợp tham gia hợp lý vào quá trình thẩm định chỉ dẫn địa lý.

+ Về hoạt động quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, NHTT và NHCN

Đối với chỉ dẫn địa lý các quy định pháp lý chưa đề cập chi tiết, cụ thể là vấn đề quản lý chỉ dẫn địa lý được quy định tại Điểm 4, Điều 121, Luật SHTT đó là: Nhà nước là chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó. Nhà nước có thể trực tiếp thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, vấn đề trao quyền sử dụng như thế nào, quản lý chỉ dẫn địa lý ra sao thì các văn bản pháp luật nêu trên chưa đề cập đến.

Đối với NHTT và NHCN, quyền quản lý và phát triển thuộc về chủ thể đăng ký nhãn hiệu. Các quy định của Luật SHTT và văn bản hướng dẫn chưa có những quy định cụ thể ở khía cạnh quản lý, đặc biệt là việc quản lý các nhãn hiệu này gắn với dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý, một tài sản gắn với cộng đồng.

- Về chính sách hỗ trợ của nhà nước, địa phương: Bên cạnh các địa phương như: Quảng Ninh, Sơn La, Bắc Ninh, Bến Tre… có chính sách đầu tư nhằm phát triển thương hiệu cộng đồng thì các địa phương khác còn tồn tại một vấn đề như: i) tập trung chủ yếu vào nội dung xây dựng hồ sơ đăng ký, hoạt động hỗ trợ quản lý và phát triển còn nhiều hạn chế, dẫn đến các sản phẩm được bảo hộ chưa thực sự phát huy được giá trị như mong đợi; ii) có nhiều nguồn lực hỗ trợ ở các nội dung khác nhau, tập trung ở ba ngành là: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, nhưng sự phối hợp và tập trung nguồn lực còn rất hạn chế, dẫn đến nguồn lực bị phân tán, chưa phát huy được hết hiệu quả.

  1. Hạn chế trong xây dựng hồ sơ đăng ký thương hiệu cộng đồng

Việc lựa chọn sản phẩm, hình thức bảo hộ quyền SHTT hiện nay được các địa phương rất quan tâm, tuy nhiên trong quá trình triển khai còn những khó khăn, bất cập, đó là:

- Chưa có tiêu chí hoặc phương pháp rõ ràng trong việc lựa chọn hình thức bảo hộ: chỉ dẫn địa lý, NHTT hay NHCN, đặc biệt là đối với các chỉ dẫn địa lý. Cụ thể như, đối với việc đăng ký chỉ dẫn địa lý cần dựa vào điều kiện của sản phẩm như: danh tiếng, chất lượng đặc thù của sản phẩm do điều kiện địa lý quyết định. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm lựa chọn dấu hiệu đăng ký chưa được biết đến rộng rãi, không phải là tên gọi truyền thống, đã được sử dụng trong thương mại, như: Cừu Phan Rang hay Cừu Ninh Thuận, Gạo Séng Cù Lào Cai hay gạo Séng Cù Mường Khương, sầu riêng Cái Mơn hay sầu riêng Bến Tre..., dẫn đến những khó khăn trong công tác thẩm định hồ sơ đăng ký cũng như việc sử dụng, phát triển thương hiệu đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm.

- Về chủ thể đăng ký bảo hộ SHTT: đối với các NHTT, nhiều địa phương lựa chọn các tổ chức chính trị - xã hội (Hội nông dân, Hội phụ nữ), hoặc các Hội làm vườn... làm chủ sở hữu, gây khó khăn trong công tác quản lý, phát triển bởi NHTT không gắn với mục tiêu hoạt động, chức năng, nhiệm vụ được giao của tổ chức. Đối với NHCN thì chủ yếu là các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là UBND huyện, các phòng chuyên môn, thiếu chức năng và năng lực về chứng nhận sản phẩm, chưa có sự tách biệt giữa quản lý nhà nước và mối quan hệ dân sự theo quy định của Luật SHTT. Đối với các chỉ dẫn địa lý, đây là một đối tượng đặc biệt, yêu cầu cao về chuyên môn SHTT, do đó nhiều địa phương giao cho UBND huyện, Chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ sở hữu gây khó khăn cho các chủ thể trong hoạt động xây dựng hồ sơ, quy định và tổ chức bộ máy quản lý các chỉ dẫn địa lý.

- Vấn đề lựa chọn sản phẩm để bảo hộ chưa gắn với thực tiễn và yêu cầu sản xuất, kinh doanh ở địa phương cũng như nhu cầu của thị trường. Sản phẩm bảo hộ thường là các sản phẩm nguyên liệu thô, rất ít sản phẩm chế biến, hoặc những sản phẩm không gắn với truyền thống (như tôm nuôi công nghiệp, thâm canh) hay sản phẩm không gắn với giống truyền thống (như dê nhập nội hay dê lai...). Điều này hạn chế gia tăng giá trị cho sản phẩm tương xứng với tiềm năng và danh tiếng của các đặc sản địa phương.

- Việc lựa chọn các tiêu chí bảo hộ trong chỉ dẫn địa lý, NHCN hay điều kiện bảo hộ NHTT còn bất cập, đặc biệt là chưa gắn với: i) sử dụng các tiêu chí phổ biến, không phải là các tiêu chí mang đặc trưng, gắn liền với điều kiện địa lý của sản phẩm; ii) tiêu chí chất lượng không có tính khả thi trong kiểm soát (tiêu chí về vi lượng, tiêu chí không sử dụng được bằng phương pháp cảm quan, phải sử dụng phân tích bằng kỹ thuật chuyên sâu - phòng thí nghiệm...); iii) sử dụng các tiêu chí tự nguyện như TCVN, VIETGAP, GLOBALGAP...

- Quy trình kỹ thuật, phương pháp sản xuất được lựa chọn mang tính phổ cập, chưa quan tâm đến các yếu tố truyền thống, đặc trưng riêng đối với các sản phẩm. Do đó dẫn đến những khó khăn trong hoạt động kiểm soát, đặc biệt là chưa đáp ứng các yêu cầu để bảo hộ ở nước ngoài như: Nhật Bản, EU...

  1. Khó khăn trong hoạt động quản lý, phát triển thương hiệu cộng đồng

- Đối với hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý: sự thiếu vắng khung chính sách chung ở cấp độ quốc gia dẫn đến việc quản lý chỉ dẫn địa lý được giao về các địa phương, dẫn đến sự thiếu thống nhất trong việc ban hành các văn bản quản lý giữa các địa phương. Mặc dù Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ thể, nhưng các mô hình tổ chức quản lý rất đa dạng, 65,7% số chỉ dẫn địa lý được giao cho Sở Khoa học và Công nghệ quản lý, còn lại là do các UBND huyện/thị xã/thành phố hoặc Hội quản lý. Quy định về hệ thống kiểm soát chỉ thể hiện ở trên văn bản, chưa được áp dụng vào thực tiễn do chưa phù hợp với điều kiện sản xuất của sản phẩm, thiếu nguồn lực (tài chính, con người) để tổ chức vận hành, thiếu sự tham gia các ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp vào hoạt động kiểm soát. Trong khi đó, vai trò và năng lực của các tổ chức tập thể còn hạn chế, chưa đủ năng lực để tham gia vào hoạt động tổ chức, quản lý các chỉ dẫn địa lý, dẫn đến việc triển khai các mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhiều mô hình không thể vận hành trên thực tế, mới triển khai được hoạt động trao quyền sử dụng.

- Đối với quản lý và phát triển các NHTT: Do đặc thù về điều kiện sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, nên nhiều địa phương không xây dựng và thành lập được các HTX, hoặc các HTX hoạt động chưa hiệu quả, do đó việc phát triển thương hiệu cho nông sản không lựa chọn được HTX mà phải giao cho các hội nghề nghiệp hoặc tổ chức chính trị-xã hội làm chủ sở hữu. Điều này dẫn đến những khó khăn trong quản lý và phát triển NHTT, đó là: i) năng lực, vai trò tổ chức, phát triển thương mại, tham gia trực tiếp vào các kênh phân phối còn hạn chế, thiếu sự liên kết trong sản xuất do đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của cộng đồng; ii) các tổ chức chính trị nghề nghiệp thực hiện chức năng kiêm nhiệm, thiếu nguồn lực để tổ chức, thúc đẩy các NHTT; iii) nếu lựa chọn HTX thì quy mô và khả năng mở rộng thành viên của các HTX là yếu tố làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các cá nhân khác trong cộng đồng… Ngoài ra, việc giải thế, sắp xếp lại tổ chức của địa phương dẫn đến vấn đề chuyển đổi chủ sở hữu NHTT cũng gây ra những khó khăn trong quản lý và phát triển bền vững các đặc sản địa phương dưới hình thức NHTT.

- Hoạt động quản lý các NHCN hiện nay được giao cho các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là UBND cấp huyện. Do đó, khó khăn trong việc chuẩn hóa, đánh giá và thực thi các yêu cầu trong quản lý, kiểm soát các tiêu chí chứng nhận. Ngoài ra, hoạt động quản lý NHCN thường được giao theo nhiệm vụ kiêm nhiệm, không thuộc chức năng quản lý nhà nước, do đó phát sinh nhiều khó khăn: i) các văn bản quản lý được ban hành gặp nhiều trở ngại về mặt pháp lý (đặc biệt là các quy định về thủ tục hành chính); ii) nguồn lực để tổ chức đánh giá, kiểm soát và thực hiện các hoạt động quảng bá, nâng cao danh tiếng, giá trị thương hiệu gắn với sản phẩm còn hạn chế.

- Sự hỗ trợ của Nhà nước chưa liên tục và chỉ tập trung hỗ trợ các nội dung đăng ký bảo hộ, còn các nội dung về quản lý, phát triển thị trường còn hạn chế, chưa đủ để thúc đẩy và nâng cao năng lực của đơn vị quản lý, đặc biệt là các tổ chức tập thể. Bên cạnh đó, sự đồng hành của các doanh nghiệp thành viên cho các hoạt động phát triển thương hiệu cộng đồng cùng với thương hiệu của từng doanh nghiệp còn chưa cao, trong khi để tiếp cận và phát triển được thị trường thì các tổ chức tập thể cần sự hỗ trợ, đồng hành thường xuyên, liên tục, đặc biệt là các vấn đề về xây dựng sản phẩm, quảng bá và phát triển thị trường.

3. Giải pháp phát triển chỉ dẫn địa lý đối với hàng nông sản

+ Ưu tiên các chính sách tín dụng, chính sách thúc đẩy đầu tư cho nông nghiệp; chính sách hỗ trợ nhằm phát huy tiềm lực về đất đai, tài chính, khoa học kỹ thuật, phát triển thị trường cho sản phẩm theo chỉ dẫn địa lý.

+ Xây dựng chương trình tổng thể về phát triển chỉ dẫn địa lý và thương hiệu nông sản Việt Nam, trong đó có bao gồm đầy đủ các hướng dẫn thực hiện về lộ trình, các công cụ tài chính, kỹ thuật, thị trường, cơ chế phối hợp, hệ thống chia sẻ, xác định thị trường, ngành hàng tập trung xây dựng chỉ dẫn địa lý gắn với phát triển thương hiệu … một cách khả thi áp dụng thực tiễn để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện;

+ Phát triển hệ thống xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý phát triển thương hiệu, tăng cường các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng thương hiệu nông sản;

+ Tích cực tuyên truyền, vận động bà con nông dân tham gia vào các hội, hiệp hội, làng nghề để thống nhất quan điểm trong việc áp dụng quy trình sản xuất, hạn chế sản xuất tự phát, làm mai một danh tiếng các sản phẩm đặc sản địa phương trong mắt người tiêu dùng;

+ Thực hiện phối hợp lồng ghép các chương trình có kinh phí, nhân lực do các Bộ, Ban, Ngành, địa phương quản lý như Chương trình khuyến công, chương trình khuyến nông, Chương trình xúc tiến thương mại, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học và công nghệ, chương trình xây dựng nông thôn mới…. có cùng các nội dung triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển của ngành, sản phẩm và địa phương.

Chỉ dẫn địa lý là gì?

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trong thời hạn bao lâu?

Căn cứ vào Khoản 7 Điều 93 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định về hiệu lực về văn bằng bảo hộ như sau: 7. Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp. Theo quy định chỉ dẫn địa lý là đối tượng được bảo hộ vô thời hạn kể từ ngày cấp.

Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý là gì?

Người có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý là mọi tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất hàng hoá mang chỉ dẫn đó tại lãnh thổ quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương tương ứng, với điều kiện hàng hoá do người đó sản xuất phải bảo đảm uy tín hoặc danh tiếng vốn có của loại hàng hoá đó.

Ai có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý?

Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước. Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý.