Biện pháp xử lý hành chính người chưa thành niên

Thứ năm, 06/01/2022 14:23 (GMT+7)

(ĐCSVN) – Bạn đọc Nguyễn Lan Hương, địa chỉ tại huyện Mộc Hóa, tỉnh Quảng Bình hỏi: Trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính thì việc gửi biên bản thực hiện thế nào? Hình thức xử phạt quy định ra sao?

Trả lời:

Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính vừa ban hành có nêu cụ thể, chi tiết những điều khoản liên quan đến việc gửi văn bản xử lý vi phạm cũng như hình thức xử lý đối với người vi phạm chưa thành niên.

 Trong đó, tại các điểm a, Điểm b, khoản 6, điều 12, chương III,  Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định: Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản, trừ trường hợp không xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính. Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản và trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính, thì biên bản còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó.

 Trong khi đó, về xử phạt vi phạm, Điều 25, chương III, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP cũng nêu cụ thể những nội dung liên quan đối với cơ quan thực hiện xử phạt cũng như đối tượng nhận quyết định xử phạt. Cụ thể:

 Điều 25. Xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên

 1. Khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên, trường hợp không xác định được chính xác tuổi để áp dụng hình thức xử phạt, thì người có thẩm quyền xử phạt lựa chọn áp dụng hình thức xử phạt có lợi nhất cho người vi phạm.

 2. Trước khi quyết định xử phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt phải xem xét các điều kiện áp dụng biện pháp nhắc nhở quy định tại Điều 139 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 26 của Nghị định này. Chỉ ra quyết định xử phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên khi không đủ các điều kiện áp dụng biện pháp nhắc nhở.

 Điều 26. Biện pháp nhắc nhở

 1. Biện pháp nhắc nhở là biện pháp mang tính giáo dục được áp dụng thay thế cho hình thức xử phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính để người chưa thành niên nhận thức được những vi phạm của mình.

 2. Đối tượng và điều kiện áp dụng biện pháp nhắc nhở:

 a) Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính khi họ tự nguyện khai báo, thừa nhận và thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình;

 b) Người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính khi hành vi vi phạm hành chính quy định bị phạt cảnh cáo và người chưa thành niên tự nguyện khai báo, thừa nhận về hành vi vi phạm, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình.

 3. Người có thẩm quyền xử phạt căn cứ vào các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp nhắc nhở. Việc nhắc nhở được thực hiện bằng lời nói, ngay tại chỗ và không phải lập thành biên bản./.

Ban Bạn đọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lượt xem: 6039

17/06/2022 02:41:00

Biện pháp xử lý hành chính người chưa thành niên
Biện pháp xử lý hành chính người chưa thành niên

Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên

Việc xử lý vi phạm hành chính với người chưa thành niên chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục và giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích. Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi”. Bên cạnh đó, theo Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016 quy định “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Có thể thấy, khái niệm người chưa thành niên tương đối rộng, bao hàm cả trẻ em và từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi. Trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ bị xử phạt vi phạm về vi phạm hành chính do lỗi cố ý. Còn người từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ bị xử phạt về mọi vi phạm hành chính (theo khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012).

Hình phạt và biện pháp xử lý hành chính áp dụng cho người vị thành niên, theo Điều 135 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với người vị thành niên như sau: Các hình thức xử phạt bao gồm: Cảnh cáo; phạt tiền; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường; văn hóa phẩm có nội dung độc hại; buộc nộp lại khoản thu bất hợp pháp có được do vi phạm hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái pháp luật. Ngoài ra, người chưa thành niên còn có thể bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo Điều 136 Luật Xử lý vi phạm hành chính là: Giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng.

Quyết định mức phạt hành chính đối với người chưa thành niên, theo Điều 134 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), việc xử lý vi phạm hành chính với người chưa thành niên chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục và giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích. Khi xem xét xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, người có thẩm quyền phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được áp dụng nếu xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn. Quyết định xử phạt hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính sẽ căn cứ vào khả năng nhận thức của người chưa thành niên về tính chất nguy hiểm của hành vi, nguyên nhân và hoàn cảnh vi phạm.

Trong đó, quyết định mức xử phạt vi phạm hành chính với người chưa thành niên phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính. Cụ thể: Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi không áp dụng hình thức phạt tiền; người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi: Mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng với người thành niên; bị buộc phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm bằng 1/2 trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu không có tiền nộp phạt, không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay./.

Hải Lam Tường