Các loại bụi trong không khí

PHÂN LOẠI BỤI

 Theo nguồn sinh ra bụi 

– Bụi hữu cơ: (gồm bụi có nguồn gốc từ động vật như lông gia súc, súc vật và bụi thực vật như bông, đay, gỗ, ngũ cốc, giấy…).
– Bụi vô cơ: như các kim loại (đồng, chì, kẽm, sắt, mangan…) các khoáng chất như (thạch anh, cát, than, chì, amiăng…) các bụi vô cơ nhân tạo (xi măng, thuỷ tinh…).
– Bụi hỗn hợp: có thể có ở nhiều nơi, trong đó có thể nhiễm lẫn 30 – 50% bụi khoáng chất. Loại bụi này dễ gây bệnh hơn bụi đơn thuần, thí dụ có nhiều silic, amiăng sẽ tác hại nhiều lên cơ thể so với các bụi khác.

Theo kích thước hạt bụi.

Phân loại bằng cách này rất quan trọng vì gắn liền với khả năng phân tán của bụi trong môi trường.
– Bụi cơ bản (trên 10micron).
– Bụi dưới dạng mây (0,1 – 10micron).
– Bụi dưới dạng khói (< 0,1micron).

PHÂN LOẠI HỮU CƠ VÀ VÔ CƠ 

Hợp chất Hữu Cơ độc hại (VOCs)

VOCs thường dùng để nói đến hỗn hợp các chất hữu cơ độc hại bay trong không khí xuất phát từ các sản phẩm do con người chế tạo, chẳng hạn như các dung môi toluen, xylene và dung môi xăng thơm lacquer (lacquer thinner). Trong quá trình liên kết để tạo thành lớp sơn, VOCs thải ra từ sơn là tổng các hợp chất hữu cơ bay hơi thoát ra từ quá trình sơn, ngoại trừ nước

Formaldehyde là một trong các VOCs thông thường nhất. Formaldehyde là một chất khí không màu nhưng nặng mùi. Khí này thường có trong nhiều vật liệu xây cất như ván ép, ván ép mạt cưa, và keo (hồ). Cũng có formaldehyde trong một số màn cửa sổ và vải vóc, và trong những loại vật liệu lót cách ly bằng foam nào đó

Các nguồn VOCs khác gồm đốt nhiên liệu như khí đốt, củi và dầu hôi, cũng như các sản phẩm thuốc lá. VOCs cũng phát xuất từ các sản phẩm chăm sóc cá nhân như nước hoa và thuốc xịt tóc, thuốc chùi rửa, thuốc giặt khô, sơn, sơn mài, vẹc ni, các tiếp liệu tiêu khiển, và từ máy sao chụp và máy in.

Chất Độc Vô Cơ 

Hợp chất vô cơ là những hợp chất hóa học không có mặt nguyên tử cacbon, ngoại trừ khí CO, khí CO2, acid H2CO3 và các muối cacbonat, hidrocacbonat. Chúng thường được xem là kết quả của sự tổng hợp từ các quá trình địa chất,

Chất độc vô cơ là những chất độc của kim loại nặng có tính độc cao và được phân lập bằng phương pháp vô cơ hoá. Ví dụ: chì, thuỷ ngân, Asen

NGUỒN THẢI CÔNG NGHIỆP

Công nghiệp năng lượng

Công nghiệp năng lượng gồm 3 ngành chính: Điện – Than – Dầu khí

Ngành điện:

ngành điện của nước ta có cơ cấu các nhà máy phát điện là:

– Thủy điện 66% là ngành không gây ô nhiễm môi trường khí nhưng tiềm ẩn khả năng biến đổi môi trường – sinh thái vùng hồ chứa nước và thủy vực vùng hạ lưu.

-Nhiệt điện: 21%

-Tuabin khí và điezen: 13%

Các nhà máy nhiệt điện dùng than làm nhiên liệu có lượng tiêu hao than từ 0,4  0,8 kg/kwh. Nguồn cung cấp than là các mỏ than vùng đông bắc. Theo TS Phạm Ngọc Đăng: năm 1993 các nhà máy tiêu thụ gần 480.000 tấn than và thải ra khí quyển 6.713 tấn khí SO2; 2.724 tấn NOx; 277,9 × 103 tấn CO2 và 1491 tấn bụi. Đây là nguồn gây ô nhiễm rất lớn nhưng việc khắc phục còn rất khó khăn và tốn kém.

Các nhà máy dùng dầu F.O làm nhiên liệu chủ yếu tập trung ở phía nam như Thủ đức – Cần thơ – Hiệp phước. Nguồn khí thải chủ yếu là CO và SOx do trong dầu F.O hàm lượng lưu huỳnh rất cao (tới 3%).

Với các nhà máy dùng khí làm nhiên liệu thì nguồn gây ô nhiễm không khí chỉ là CO2, NO2.

Ngành khai thác than:

Ngành khai thác than ít có nguy cơ trực tiếp gây ô nhiễm không khí, có chăng chỉ có nguồn phát sinh bụi từ các tuyến vận chuyển, phân loại than mà thôi. Ngành này tiềm ẩn khả năng làm biến đổi môi trường – sinh thái vùng khai thác do cây cối bị triệt phá, đất đá bị đào xới…

Ngành khai thác dầu khí: 

Nguồn phát thải chất ô nhiễm là việc đốt bỏ khí đồng hành và những sự cố dò rỉ khí đốt trên các tuyến vận chuyển, sử dụng.

Công nghiệp hóa chất

1. Hóa chất cơ bản: chúng ta ít có nhà máy sản xuất hóa chất cơ bản lớn , nhất là ở khu vực phía nam. Nhưng có một số nhà máy công nghiệp khác có theo dây chuyền sản xuất hóa chất xút – clo trên cơ sở điện phân muối ăn. Tại những cơ sở này, hơi Clo được thải bỏ tự do vào không khí là một nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Tùy theo các dạng sản phẩm làm ra mà các cơ sở sản xuất hóa chất cơ bản có chất thải làm ô nhiễm môi trường khí. Ví dụ: SO2 từ công nghệ sản xuất acide sunfuric; clo từ công nghệ điện phân muối ăn.

2. Phân hóa học: nguồn ô nhiễm lớn nhất tại các nhà máy phân hóa học là bụi, sau đó là hơi SO2 và fluo nếu là dây chuyền sản xuất super lân, hay NH3, CO2 nếu là sản xuất phân đạm.

3. Thuốc trừ sâu: các nhà máy thuốc trừ sâu ở nước ta có hai dạng chính là thuốc trừ sâu dạng lỏng và rắn. Ở các nhóm clo hữu cơ và lân hữu cơ là loại có độc tính cao. Trong quá trình pha chế, đóng gói thành phẩm, có hơi thuốc trừ sâu bay hơi vào không khí gây ô nhiễm môi trường khí. Ngoài ra phải kể tới bụi ở các dây chuyền sản xuất thuốc bột và hột bay vào môi trường không khí. Tuy khối lượng không nhiều nhưng khí thải của các xí nghiệp này rất độc hại nên cần đặc biệt chú ý.

Công nghiệp luyện kim

Cả nước chỉ có một nhà máy luyện gang từ quặng sắt ở Thái nguyên, nhà máy này vừa luyện gang và luyện cốc, khí thải của nhà máy chứa nhiều CO, CO2, CyHx, SOx, NH3 và bụi…Hiện nay nhà máy sản xuất với năng suất rất thấp.

Thường gặp nhất là lò luyện thép Hồ quang ở cả miền nam và miền bắc. Khi hoạt động, lò luyện thường làm ô nhiễm khu xung quanh vì khói bụi của quá trình sản xuất. Trong khí thải của lò, lượng CO cho tới 15% – 20% (thể tích); H2 chiếm 0.5% – 35%.Tải lượng bụi trung bình tính theo thành phẩm là 6-9Kg/tấn thép hay 3~10g/m3 khí thải. Thành phần chủ yếu của bụi là oxýt sắt, ngoài ra còn có oxít măng gan, canxi, ma nhê… Đây đang là nguồn gây ô nhiễm đáng kể nhất ở các khu công nghiệp, chưa kể tới trong các nhà máy này còn có các lò nung đốt dầu FO thải ra môi trường các loại khí độc hại đặc trưng.

Cùng ở dạng này ta còn gặp các lò sản xuất đất đèn, đá mài…Cũng là loại lò nung dùng hồ quang điện.

Chúng ta còn phải chú ý đến khí thải của hàng trăm cơ sở nấu đúc kim loại nằm trong khu vực dân cư .Các loại lò này thường dùng dầu FO và than đá làm nhiên liệu,nấu lại kim loại và phế liệu nên khói thải của các cơ sở thường làm ô nhiễm khu vực xung quanh.

Công nghiệp vật liệu xây dựng

Sản xuất xi măng:

Hiện chúng ta đang có rất nhiều nhà máy sản xuất xi măng. Bao gồm hai công nghệ chính là xi măng lò đứng công suất thấp, chất lượng thấp, sản xuất thô sơ và xi măng lò quay có công suất và chất lượng cao. Khí thải từ lò nung xi măng có hàm lượng bụi, CO, CO2, Fluor rất cao và cỏ khả năng gây ô nhiễm nếu không được kiểm soát tốt. Hiện tại, vấn đề ô nhiễm môi trường do bụi và khói ở một vài nhà máy xi măng vẫn đang chưa được giải quyết.

Sản xuất gạch đất nung:

Tại các cơ sở công nghiệp lớn, gạch đất nung trong các lò tuy-nen dùng nhiên liệu là dầu DO hay FO, các nhà máy này phát thải vào không khí chất gây ô nhiễm do đốt dầu vẫn đang tồn tại, còn chưa được giải quyết triệt để. Chất gây ô nhiễm là tro bụi, CO2, SOx.

Tại các lò gạch thủ công dùng trấu, củi, than làm ô nhiên liệu,do đặc tính công suất nhỏ, ở rải rác nên khí thải chứa tro bụi, CO2 ảnh hưởng tới các nhà dân lân cận. Khi tập trung thành các làng nghề thì vấn đề sẽ trở nên bức xúc hơn.

Sản xuất gạch gốm, đồ gốm sứ:

Các nhà máy sản xuất gạch ceramic có nguồn phát thải lớn chất gây ô nhiễm vào không khí là tháp sấy Kaolin và lò nung. Trong khí thải thường chứa: CO, CO2, Fluor, SOx…

Lò nung thải khí thải đốt nhiên liệu dầu mỏ trừ các xí nghiệp có lò nung dùng gaz.

Bụi từ dây chuyền cân trộn nghiền cao line và phụ gia.

Khí thải chất ô nhiễm từ lò đốt:

Lò đốt nhiên liệu là tên gọi chung cho tất cả các loại như lò hơi, lò nung, lò rèn, buồng sấy…dùng để đốt nhiên liệu rắn hay lỏng lấy nhiệt lượng phục vụ cho nhu cầu sản xuất, đời sống. Quá trình cháy trong lò sẽ sinh ra khí thải có nồng độ CO2, CO, SOx, NOx và tro bụi. Tùy theo đặc điểm của mục đích sử dụng mà khí thải của lò đốt còn mang theo các chất ô nhiễm đặc trưng khác. Khi tính toán lắp dựng lò đốt và ống thải không hợp lý, khí thải lò đốt sẽ làm ô nhiễm không khí vùng lân cận dưới chiều gió.

Cần phải có sự chú ý đặc biệt tới lò đốt rác thải vì ngoài khí thải do cháy nhiên liệu còn có khí thải do các thành phần của rác cháy hay bốc hơi vào khí thải.

Ô nhiễm giao thông:

Cùng với đà phát triển của công nghiệp hóa, số lượng các phương tiện giao thông ngày càng nhiều. Vì vậy trên các tuyến giao thông đông đúc ở các đô thị thường xuất hiện vấn đề ô nhiễm không khí do bụi và khí thải của xe có động cơ gây ra. Đặc điểm của loại khí thải này là nguồn thải thấp, di động và không đều. Ở các tuyến có mật độ lưu thông cao khí thải hợp lại thành nguồn phát thải theo tuyến làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường hai bên đường. Những chất ô nhiễm đặc trưng của khí thải giao thông là bụi, CO, CyHx, SOx, chì, CO2 và Nox , Benzen.