Các quy luật của tình cảm và Ví dụ

1. Xúc cảm và tình cảm

Thuật ngữ xúc cảm, tình cảm có gốc La tinh là "Movere", nghĩa là sự cử động, rung động. Trong thuật ngữ tiếng Anh, từ "emotion" và "feeling" được dùng để chỉ những xúc cảm, tình cảm của con người theo ý nghĩa khác nhau nhưng không có sự phân biệt rõ rệt giữa xúc cảm với tình cảm.

Xúc cảm, tình cảm cũng là hiện tượng tâm lý nên chúng có bản chất phản ánh. Tuy nhiên, điều đặc biệt là xúc cảm, tình cảm phản ánh sự vật hiện tượng xung quanh dưới dạng những rung động trải nghiệm trong bản thân mỗi chủ thể. Trên thực tế, không phải bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng khiến con người nảy sinh những rung động. Những xúc cảm, tình cảm của con người chỉ xuất hiện đối với sự vật, hiện tượng nào đó có liên quan đến nhu cầu của họ. Nếu một sự vật, hiện tượng thỏa mãn nhu cầu thì gây ra những xúc cảm, tình cảm dương tính, chẳng hạn như hạnh phúc khi được quan tâm, chăm sóc, vui vẻ khi dược gặp lại bạn bè xưa, tự hào khi được khen tặng hoặc khi thành công. Ngược lại, những xúc cảm, tình cảm âm tính sẽ nảy sinh khi nhu cầu của con người không được thỏa mãn.

Ví dụ: Buồn bã khi bị trách phạt, lo lắng khi sức khỏe yếu, tội lỗi khi chuẩn mực đạo đức của mình bị vi phạm, bất an khi bị đe dọa. Con người có rất nhiều nhu cầu khác nhau và chúng cùng tồn tại, vì thế xúc cảm, tình cảm của con người cũng rất phong phú và vô cùng phức tạp.

1.1. Phân biệt xúc cảm và tình cảm

Xúc cảm là những rung động của con người đối với từng sự vật, hiện tương riêng lẻ có liên quan đến nhu cầu, động cơ của người đó trong những tình huống nhất định.

Ở đây cần lưu ý là xúc cảm chỉ xuất hiện khi con người phản ứng trực tiếp với tình huống, hoàn cảnh trong đó từng sự vật, hiện tượng riêng lẻ đang tác động lên người đó. Đơn cử như khi bạn đang rất đói bụng nhưng về đến nhà mọi người không để phần thức ăn thì bạn tức giận, hoặc xúc cảm mừng rỡ xuất hiện khi nghe tin tuần sau sẽ được gặp lại một người bạn rất yêu quý thời phổ thông. Những xúc cảm này liên quan đến nhu cầu vật chất và cả nhu cầu tinh thần của con người. Riêng ở loài vật, xúc cảm cũng xuất hiện những chủ yếu liên quan đến nhu cầu vật chất và mang chức năng sinh vật, giúp chúng tồn tại trong thế giới tự nhiên. Ở con người, những xúc cảm này được xây dựng lại và chịu ảnh hưởng của kinh nghiệm xã hội. Do đó, cách thức thể hiện xúc cảm ở con người được xã hội hóa và mang dấn ấn văn hóa dân tộc, khác hẳn với động vật. Một xúc cảm tức giận có thể thấy biểu hiện căn bản là bàn tay nắm lại, hơi thở mạnh, nhịp thở ngắn, tim đập nhanh, môi mím chặt, mắt đỏ vằn, mặt đỏ, răng nhe ra. Tất cả nói lên sự phòng vệ, đồng thời sẵn sàng tấn công, nhưng ở con người không phải ai tức giận cũng đều nhe răng như thế, mà có thể họ chỉ mím chặt môi và bỏ đi. Sự tức giận ở loài vật liên quan đến nhu cầu sinh vật như bị kẻ thù tấn công bạn tình, cướp mất mồi, sự sống bị đe dọa... riêng ở con người sự tức giận không chỉ nảy sinh trong tình huống như thế mà còn có thể xuất hiện trong những tình huống liên quan đến nhu cầu tinh thần như khi bị xúc phạm cái tôi, khi bị bỏ rơi, khi ganh tỵ, khi bị người bạn đời lừa dối. Đề cập đến thế giới xúc cảm của con người, các nhà nghiên cứu lọc ra những xúc cảm nền tảng.

Những người theo thuyết tiến hóa, tiêu biểu là Darwin, cho rằng xúc cảm của con người là sản phẩm của sự tiến hóa vì nó giúp con người sống sót và tồn tại, chẳng hạn như nỗi sợ khiến cho con người né tránh những tình huống nguy hiểm gây hại cho bản thân. Xúc cảm nền tảng được thuyết tiến hóa cho là những xúc cảm được thể hiện theo cùng một cách và nhận diện như nhau ở những nền văn hóa khác nhau. Sở dĩ như vậy là do những chương trình thần kinh bẩm sinh chi phối, xuất hiện trước cả suy nghĩ và nhận thức của con người. Silvan Tomkins (có thêm xấu hổ, căng thẳng, khinh thường), Canoll Izard (thêm khinh thường, xấu hổ, buồn và tội lỗi) và Robert Plutchik (thêm buồn và chấp nhận / thừa nhận) đưa ra những xúc cảm căn bản khác nhau nhưng nhìn chung có sáu xúc cảm giống nhau, đó là: sợ, giận, thích thú, ghê tởm, vui vẻ và ngạc nhiên. Những xúc cảm nền tảng này xuất hiện ở con người một cách độc lập hoặc cùng xuất hiện và kết hợp với nhau tạo nên những xúc cảm mới, chẳng hạn như sợ và ngạc nhiên tạo nên sự kinh sợ, giận và ghê tởm tạo nên khinh thường, thích thú và vui vẻ tạo nên lạc quan. Tuy nhiên, hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn còn tranh cãi về việc phân chia các xúc cảm nền tảng.

Khác với xúc cảm, tình cảm cũng là những rung động nhưng nó biểu thị thái độ của con người đối với một loạt sự vật, hiện tượng có liên quan đến nhu cầu, động cơ của chủ thể chứ không phải là những rung động đối với từng sự vật, hiện tượng riêng lẻ. Chẳng hạn như, tình yêu là thể hiện của thái độ chấp nhận và hài lòng về một con người nào đó với toàn bộ những đặc điểm nhân cách lẫn hình thể. Tất nhiên, tình cảm không thể hiện một các trực tiếp như xúc cảm trong những tình huống xác định mà nó tồn tại ở dạng tiềm tàng và được nhận biết một cách gián tiếp thông qua những xúc cảm cụ thể. Chính sự khái quát hóa các xúc cảm cùng loại tạo thành một dạng tình cảm nhất định. Do đó, tình cảm mang tính khái quát hơn và có tính chất ổn định bền vững hơn so với xúc cảm. Tình cảm là một thuộc tính tâm lý chỉ có ở con người, giúp con người thực hiện những chức năng xã hội.

Sự khác nhau giữa xúc cảm và tình cảm được tóm tắt ở bảng sau:

XÚC CẢM

TÌNH CẢM

Tồn tại

Có cả ở con người và động vật

Chỉ có ở con người

Mức độ ổn định

Là quá trình tâm lý. Có tính chất nhất thời, phụ thuộc vào tình huống.

Là thuộc tính tâm lý. Có tính chất ổn định và bền vững

Thể hiện

Ở trạng thái hiện thực

Ở trạng thái tiềm tàng

Tiến trình phát triển

Xuất hiện trước

Xuất hiện sau

Chức năng

Thực hiện chức năng sinh vật (giúp cơ thể định hướng và thích nghi với môi trường bên ngoài với tư cách cá thể)

Thực hiện chức năng xã hội (giúp con người định hướng và thích nghi xã hội với tư cách một nhân cách)

Cơ sở sinh lý

Gắn liền với phản xạ không diều kiện, với bản năng.

Gắn liền với phản xạ có điều kiện, với động hình thuộc hệ thống tín hiệu thứ hai

Bảng 1. Sự khác nhau giữa xúc cảm và tình cảm

[h=1.2. Sự biểu hiện của một xúc cảm, tình cảm[/h]

Xúc cảm, tình cảm thường biểu hiện trên ba phương diện: sinh lý; hành vi, cử chỉ, điệu bộ; và nhận thức.

* Những biểu hiện trên phương diện sinh lý:

Những thay đổi về thể chất, sinh lý hoặc những thay đổi trong thành phần các chất hóa học của máu, thần kinh, thể dịch trong cơ thể. Thử hình dung chiếc xe bạn đang chạy bị hư trên một con đường vắng giữa đêm tối. Khi ấy nỗi sợ có thể đi cùng với một loạt thay đổi trong cơ thể như tim đập nhanh hơn, toát mồ hôi, lỗ chân lông nở to, lông dựng lên, hơi thở ngắn, dạ dày co thắt mạnh. Có thể không phải lúc nào những phản ứng này cũng rõ ràng như trên nhưng chắc chắn một xúc cảm, tình cảm của con người luôn kèm theo những phản ứng thể chất như thế. Những thay đổi cơ thể này chính là kết quả phản ứng của hệ thần kinh tự động điều khiển hoạt động của các tuyến nội tiết, cơ và máu. Tuy nhiên, khi con người bắt đầu ý thức được những thay đổi bên trong cơ thể thì có thể điều chỉnh được. Dựa vào những thay đổi này mà các nhà khoa học chế ra những máy kiểm tra trạng thái cảm xúc của con người.

* Những biểu hiện trên phương diện hành vi, cử chỉ điệu bộ

Biểu hiện trên hành vi, nét mặt, cử chỉ, điệu bộ chẳng hạn như khi vui mừng có thể nhảy cẫng lên, cười nhiều, khi buồn nét mặt chảy xệ, vai xệ xuống, nói chậm lại, khi tức giận thì mím chặt môi, tay co lại. Trong nghiên cứu của Ekman thì cơ mặt của con người có thể diễn tả được hơn 7.000 biểu cảm khác nhau. Những thể hiện xúc cảm qua nét mặt thường mang tính chất bẩm sinh, vì một nghiên cứu tiến hành trên những người mù bẩm sinh cho thấy họ cũng có những biểu hiện nét mặt như người sáng mắt khi trải qua những xúc cảm vui, buồn, tức giận. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, có thể có sự khác biệt nhỏ do ảnh hưởng của yếu tố văn hóa. Ngoài ra, chính những nét mặt, cơ thể con người sẽ tác động ngược trở lại các trải nghiệm xúc cảm, tình cảm. Khi ngậm một cây bút chì bằng môi (tạo nên khuôn mặt đi xuống với khóe miệng và chân mày) và cắn bằng răng trong vài phút thì hai nhóm người mô tả mình trải nghiệm hai xúc cảm khác nhau là buồn và vui.

* Những biểu hiện trên phương diện nhận thức

Xúc cảm, tình cảm biểu hiện qua ngôn ngữ, ý thức của con người vì xúc cảm, tình cảm là những trải nghiệm mang tính chất chủ thể rất cao. Ngoài những thay đổi về thể chất và hành vi ra thì con người trải nghiệm một xúc cảm, tình cảm thông qua việc có thể ý thức được về nó và dùng ngôn ngữ để mô tả lại trải nghiệm đó của mình. Tất nhiên, không phải lúc nào con người cũng có thể dùng đúng từ ngữ để diễn tả được xúc cảm, tình cảm mình trải qua, họ có thể dùng những mô tả hình ảnh bóng bẩy để nói về xúc cảm, tình cảm của mình, chẳng hạn như sự tuyệt vọng buồn bã, chơi vơi có thể được mô tả như rơi vào hố sâu không đáy hoặc niềm sung sướng hân hoan có thể được nói đến như một trạng thái lơ lửng trên mây, bồng bềnh và mọi thứ trở nên rực rỡ.

Với ba phương diện này của xúc cảm tình cảm, chủ thể có thể học tập rèn luyện để tự nhận biết về đời sống tình cảm của chính mình đồng thời thể hiện xúc cảm, tình cảm một cách lành mạnh với người khác.

[h=2. Các mức độ của đời sống tình cảm[/h]

Đời sống tình cảm của con người rất đa dạng và phong phú, phức tạp về khía cạnh biểu hiện cũng như sắc thái, cường độ, sự tham gia của các hiện tượng tâm lý khác. Dựa vào cường độ, sự tham gia của ý thức, tính ổn định và đối tượng phản ánh mà đời sống tình cảm được phân chia thành các mức độ sau:

2.1. Màu sắc xúc cảm của cảm giác

Màu sắc xúc cảm của cảm giác là mức độ thấp nhất của đời sống tình cảm. Đó là những xúc cảm có cường độ rất yếu, chỉ tồn tại thoáng qua cùng với quá trình cảm giác nào đó. Kích thích gây ra màu sắc xúc cảm của cảm giác là từng thuộc tính riêng lẻ của sự vật, hiện tượng đó. Chẳng hạn như, một mùi nước hoa nhè nhẹ của cô gái lướt qua gây ra xúc cảm dễ chịu, màu đỏ chói của lá cờ Tổ quốc bay phấp phới gây xúc cảm rạo rực, âm thanh từ bản nhạc rock tạo nên xúc cảm hứng thú. Tuy nhiên, màu sắc xúc cảm của cảm giác có tính chất rất cụ thể và thường không được chủ thể ý thức rõ rệt và đầy đủ.

2.2. Xúc cảm

Xúc cảm có cường độ mạnh hơn màu sắc xúc cảm của cảm giác, là thể nghiệm trực tiếp của một tình cảm nào đó. Đặc điểm chung của xúc cảm là cường độ mạnh, rõ rệt, xảy ra nhanh chóng và do những sự vật hiện tượng cụ thể gây nên, do đó, xúc cảm mang tính khái quát hơn so với màu sắc xúc cảm của cảm giác và đồng thời cũng được chủ thể ý thức rõ nét hơn. Chẳng hạn như, niềm hạnh phúc khi con cái thành đạt, tiếc nuối khi món đồ yêu thích bị mất đi hoặc hư hỏng. Tùy theo cường độ, tính ổn định và mức độ ỷ thức mà xúc cảm được chia thành hai loại đặc biệt là xúc động và tâm trạng.

* Xúc động

Xúc động được biết đến như là những xúc cảm có cường độ rất mạnh, thời gian tồn tại ngắn và trong lúc xúc động, chủ thể có thể mất đi sự kiểm soát của ý thức.

Ví dụ: Một bất ngờ quá lớn có thể gây nên cú sốc về mặt tâm lý khiến cơ thể bị choáng hoặc ngất đi, cơn giận dữ khiến chủ thể mất kiềm chế có thể gây tổn thương đến bản thân và người khác. Chính vì mất đi kiểm soát của ý thức, hành vi trở nên không được điều khiển và không ý thức được rõ rệt hậu quả hành vi của mình, nên xúc động rất nguy hiểm cho chủ thể và người xung quanh. Do đó, việc học cách kiểm soát những cơn xúc động là rất cần thiết trong cuộc sống.

* Tâm trạng

Tâm trạng là những xúc cảm có cường độ hơi yếu nhưng tồn tại dai dẳng có khi hàng tuần, hàng tháng thậm chí hàng năm trời. Chủ thể không ý thức rõ về nguyên nhân hay nguồn kích thích cụ thể của tâm trạng hiện tại. Tâm trạng như một trạng thái tâm lý, cùng tồn tại, bao trùm lên toàn bộ các rung động của chủ thể và ảnh hưởng đến các hiện tượng tâm lý khác cũng như hoạt động của chủ thể ấy.

Ví dụ: Tâm trạng căng thẳng, không tập trung để xem xét mọi khía cạnh của vấn đề khiến cho những quyết định sai lầm có thể xảy ra, hoặc tâm trạng lâng lâng sung sướng có thể khiến con người chỉ nhìn thấy những mặt tích cực và tính phê phán sẽ giảm xuống. Tâm trạng lo lắng bất an sẽ khiến những xúc cảm nghi ngờ thù địch với người khác dễ nảy sinh. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, stress và trầm cảm là những tâm trạng đang rất phổ biến.

2.3. Tình cảm

Tình cảm là những rung động thể hiện thái độ của con người; có cường độ mạnh và bền vững, ổn định. Đối tượng phản ánh của tình cảm là một loạt những sự vật, hiện tượng. Chủ thể ý thức rõ về tình cảm của mình. Tình cảm được xem là mức độ phản ánh cao hơn xúc cảm vì tình cảm do một loạt các sự vật, hiện tượng gây nên và được chủ thể ý thức rõ, mình có tình cảm với ai, với cái gì.

Tùy vào loại nhu cầu được thỏa mãn mà tình cảm được chia thành tình cảm cấp thấp và tình cảm cấp cao.

Tình cảm cấp thấp là những tình cảm xuất hiện do liên quan đến nhu cầu sinh học của con người thường thông báo tình trạng cơ thể.

Tình cảm cấp cao là những tình cảm liên quan đến nhu cầu tinh thần và thể hiện thái độ đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội như tình cảm trí tuệ, tình cảm lao động, tình cảm đạo đức, tình cảm thẩm mỹ.

* Tình cảm trí tuệ: Tình cảm trí tuệ nảy sinh trong quá trình hoạt động nhận thức, cho thấy thái độ của con người đối với những tri thức mới, thể hiện ở sự tò mò ham hiểu biết, óc hoài nghi khoa học, khát khao khám phá cái mới. Nhờ có tình cảm trí tuệ mà con người phát triển tư duy của mình đồng thời giúp cho sự phát triển của nền văn hóa xã hội.

* Tình cảm lao động: Tình cảm lao động là những thái độ thể hiện sự rung động của con người đối với hoạt động lao động, chẳng hạn tinh thần trách nhiệm, yêu lao động.

* Tình cảm đạo đức: Tình cảm đạo đức là những thái độ đối với một loạt những chuẩn mực đạo đức, hoặc với việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức của bản thân và người khác.

Ví dụ: lòng tự trọng, yêu nước, nhân ái, hy sinh, tình yêu nam nữ, tình bạn, tình mẹ con.

* Tình cảm thẩm mỹ: Tình cảm thẩm mỹ nảy sinh khi con người thỏa mãn hay không thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ như tình yêu cái đẹp chân chính, ghê tởm và khinh bỉ cái thấp hèn, xấu xa.

Trên thực tế những tình cảm này đan xen vào nhau. Trong tình cảm đạo đức có thể bao gồm cả tình cảm trí tuệ trong đó, hoặc thậm chí cả tình cảm thẩm mỹ. Chẳng hạn, trong tình yêu nam nữ, con người tò mò khám phá về người kia và thể hiện sự nâng niu trân trọng cái đẹp cái hay của người mình yêu.

Dạng đặc biệt của tình cảm là say mê và đam mê. Khi say mê hoặc đam mê một sự vật, hiện tượng nào đó con người dành hết thời gian trí tuệ, năng lượng của mình vào đối tượng ấy và dường như những sự vật, hiện tượng khác nằm ngoài đối tượng của say mê hay đam mê không còn tồn tại, nói khác đi, không còn ý nghĩa đối với chủ thể đó nữa. Do đó, say mê và đam mê có thể dẫn đến mù quáng.

3. Đặc điểm của tình cảm

3.1. Tính nhận thức

Trong tình cảm luôn có khía cạnh nhận thức, nhận thức được nhu cầu cũng như sự vật, hiện tượng thỏa mãn nhu cầu. Nghĩa là trong tình cảm, chủ thể nhận thức được nguyên nhân, nguồn gốc cũng như mức độ của tình cảm của mình. Yếu tố nhận thức khiến cho tình cảm luôn có đối tượng xác định và được biểu đạt dưới nhiều hình thức như ngôn ngữ hoặc hành động cụ thể. Quá trình nảy sinh và hình thành tình cảm đi cùng với quá trình nhận thức về đối tượng. Khi chủ thể càng nhận thức rõ được về bản chất của đối tượng thì tình cảm trên cơ sở đó càng bền vững và ổn định, sâu sắc hơn.

3.2. Tính chân thật

Tình cảm mang tính chân thật, nó phản ánh chính xác nội tâm con người. Hay nói khác đi, tình cảm phản ánh được nhu cầu của con người, thứ bậc hay mức độ quan trọng của nhu cầu ấy. Con người khó có thể che giấu được tình cảm của mình vì nó là phản ánh dưới dạng những rung động, trải nghiệm, con người không thể tự tạo ra được mà chỉ giả tạo bằng những động tác giả. Đôi khi, chính chủ thể còn không có những hiểu biết chính xác về mình thì tình cảm giúp chủ thể nhận ra bản thân mình rõ nhất. Chẳng hạn như, chủ thể tự nhủ rằng nếu sự việc ấy xảy ra sẽ tức giận, ghen tuông ghê gớm, nhưng khi xảy ra thì lại hoàn toàn dửng dưng không chút rung cảm, điều đó giúp chủ thể nhận ra được điều gì thật sự quan trọng với mình.

3.3. Tính xã hội

Cũng như các hiện tượng tâm lý khác, tình cảm có tính xã hội. Nó chỉ có ở con người và được hình thành trong môi trường xã hội. Những tình cảm đạo đức, thẩm mỹ, trí tuệ như óc hoài nghi khoa học, lòng tự trọng, yêu cái đẹp chỉ tính thành và phát triển trong quá trình con người hoạt động, học tập hay vui chơi cùng nhau. Tính xã hội còn thể hiện trong cách thể hiện của tình cảm, trong những xúc cảm cụ thể khác xa với loài vật. Yếu tố văn hóa, môi trường, giáo dục có tác động đến những biểu hiện tình cảm của chủ thể.

3.4. Tính khái quát

Tình cảm được khái quát hóa và động hình hóa từ nhiều xúc cảm. Chẳng hạn như, niềm vui mỗi khi được một người bạn trong lớp, đồng cảm khi chia sẻ hoàn cảnh với người ấy, biết ơn khi được bạn giúp đỡ, những xúc cảm này khi được diễn ra thường xuyên sẽ khái quát lên thành tình bạn. Tính khái quát phản ánh chính xác thái độ nhất quán của con người đối với một loạt sự vật, hiện tượng. Chính vì tính khái quát này mà tình cảm được xếp vào thứ bậc cao hơn xúc cảm.

3.5. Tính ổn định

Tình cảm có tính ổn định, là thuộc tính tâm lý, một đặc trưng quan trọng của nhân cách con người. Tính ổn định cho phép những biểu hiện của tình cảm bền vững trong những tình huống hoàn cảnh cụ thể qua các xúc cảm đa dạng và cụ thể. Như tình cảm cha con thể hiện qua sự quan tâm chăm sóc con cái không chỉ lúc chúng bệnh mà từ những việc nhỏ như ăn uống, học hành, đi lại, tự hào khi con mình đạt được thành tích nào đó hoặc được người khác khen ngợi, buồn bã khi chúng cãi lời, tức giận khi chứng làm điều sai. Từ đó, cho phép ta phán đoán được cái chính yếu trong đời sống tình cảm của con người khi nắm được những đặc điểm cơ bản tình cảm của người đó.

3.6. Tính đối cực

Trong tình cảm xuất hiện những xúc cảm trái ngược nhau ở cùng một tình huống, hoàn cảnh, chẳng hạn như khi đạt được điểm cao rất vui vì thỏa mãn nhu cần thành đạt của mình, thể hiện mình nhưng có thể kèm với nỗi buồn vì bạn mình không được như thế. Vui - buồn, hạnh phúc - đau khổ, yêu - ghét luôn đi cùng với nhau tạo nên sự đa dạng và phong phú, phức tạp trong đời sống tình cảm con người cũng như khiến cho đời sống tình cảm nhiều sắc thái và thú vị hơn. Nguyên nhân là do sự phức tạp và đa dạng của hệ thống nhu cầu con người.

4. Các quy luật của đời sống tình cảm

Đời sống tình cảm tuân theo những quy luật nhất định và được thể hiện rất rõ trong cuộc sống hàng ngày.

4.1. Quy luật thích ứng

Trong đời sống tình cảm, nếu một xúc cảm hay tình cảm nào đó được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, lặp đi lặp lại nhiều lần một cách không thay đổi sẽ bị suy yếu đi, bị lắng xuống. Đây chính là hiện tượng "chai sạn" xúc cảm, tình cảm vẫn thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Câu tục ngữ Việt Nam "Gần thường xa thương" nói rõ quy luật này.

Quy luật thích ứng gây ra sự nhàm chán trong đời sống tình cảm, trong mối quan hệ giữa người - người với nhau. Đôi khi không nắm rõ quy luật này có thể dẫn đến sự đổ vỡ một mối quan hệ. Vì thế, để tránh hiện tượng "chai sạn" hay sự thích ứng thì chủ thể phải chú tâm tạo ra những xúc cảm, tình cảm mới bằng cách tác động thay đổi môi trường xung quanh và chính bản thân mình. Tuy nhiên, nhờ sự thích ứng con người mới vượt qua được những xúc cảm, tình cảm tiêu cực không mong muốn.

4.2. Quy luật di chuyển

Xúc cảm, tình cảm có thể di chuyển từ đối tượng này sang đối tượng khác. Nghĩa là khi một chủ thể có xúc cảm, tình cảm với một ai đó, việc gì đó, vật gì đó thì có thể chuyển xúc cảm, tình cảm ấy sang một người khác, hiện tượng khác, sự vật khác có hoặc không có liên quan, như câu "Giận cá chém thớt".

Đối với những xúc cảm âm tính như sự tức giận, một trong những nguyên nhân di chuyển là vì sự thể hiện xúc cảm đó lên đối tượng khác sẽ an toàn hơn. Sự di chuyển này có thể hiểu như một cơ chế tự vệ của con người. Quy luật di chuyển khiến xúc cảm, tình cảm của con người tràn lan không biên giới nếu thiếu sự kiểm soát, đôi khi dẫn đến những hậu quả nặng nề nếu xúc cảm, tình cảm với đối tượng chính không được giải quyết.

4.3. Quy luật lây lan

Xúc cảm, tình cảm về một sự vật hiện tượng nào đó từ chủ thể này có thể lan truyền sang chủ thể khác, như hiện tượng vui lây, buồn lây. Quy luật này có cơ sở là tính xã hội con người và được dùng để hình thành tình cảm một cách bị động. Nhờ có quy luật lây lan, con người mới có thể thông cảm, đồng cảm với nhau. Chính sự lây lan xúc cảm, tình cảm đã tạo nên những hiện tượng tâm lý xã hội như bầu không khí tâm lý, tâm trạng xã hội.

Có thể vận dụng quy luật này để tạo nên xúc cảm, tình cảm mong muốn nào đó với một nhóm người, đám đông trong cuộc sống hàng ngày, trong kinh doanh, trong chính trị hay trong giáo dục như xây dựng tinh thần đoàn kết vững mạnh cho một tập thể.

4.4. Quy luật cảm ứng

Đó là sự tác động qua lại giữa xúc cảm, tình cảm âm tính và dương tính, tích cực và tiêu cực trong cùng một loại. Nghĩa là sự thể nghiệm một xúc cảm, tình cảm này có thể làm cho một thể nghiệm khác đối cực với nó xảy ra đồng thời hoặc nối tiếp mạnh hơn hoặc suy yếu đi. Chẳng hạn, một bà mẹ đang rất vui, hài lòng vì được khen thưởng thì khi nghe tin đứa con bị điểm thấp trong lớp, có thể nỗi buồn nhẹ hơn nhiều so với nghe tin đó trong trường hợp không được khen thưởng.

Quy luật cảm ứng xảy ra thường xuyên trong đời sống. Vì vậy, con người cần nhận biết để đánh giá đúng mức độ thật sự của xúc cảm, tình cảm để tránh có những quyết định sai lầm, vội vàng theo xúc cảm, tình cảm ngay tức thời. Trong văn học nghệ thuật, quy luật này thường được sử dụng để xây dựng các tình tiết hoặc nhân vật, nhằm tăng kịch tính, khơi dậy những xúc cảm, tình cảm sâu sắc nơi khán giả.

4.5. Quy luật pha trộn

Trong đời sống tình cảm có pha trộn kết hợp các màu sắc dương tính với âm tính, hơn nữa màu sắc âm tính còn là nguồn gốc và điều kiện để nảy sinh màu sắc dương tính. Nhờ quy luật này mà hai hay nhiều xúc cảm, tình cảm đối lập nhau có thể cùng tồn tại ở một người, chúng không loại trừ nhau mà quy định lẫn nhau. Chẳng hạn, sự tức giận trong tình cảm mẹ con của người mẹ với con mình chính là sự pha trộn của yêu thương với lo lắng, hay vì có sự mong đợi nên mới có sự hờn dỗi trong tình yêu nam nữ. Quy luật pha trộn cho thấy rõ tính chất phức tạp, mâu thuẫn trong đời sống của con người.

4.6. Quy luật hình thành tình cảm

Tình cảm được hình thành trên cơ sở khái quát hóa, động hình hóa, tổng hợp hóa các xúc cảm cùng loại.

Ví dụ: Tình yêu nghề được hình thành qua những xúc cảm dương tính trong khi học tập, tìm hiểu, trong suốt quá trình bắt đầu, dấn thân và trải qua những cung bậc thăng trầm khác nhau trong nghề nghiệp. Đây mới là con đường chính yếu để hình thành tình cảm của con người. Quy luật này cho thấy muốn hình thành tình cảm thì phải bắt đầu từ những xúc cảm cụ thể trong những tình huống cụ thể. Nếu không có các xúc cảm thì không thể có được tình cảm. Do đó, việc đưa con người vào đời sống thực, hoàn cảnh thực để trải nghiệm nhưng rung động là điều kiện cần thiết để xây dựng tình cảm cho người đó.

5. Vai trò của đời sống tình cảm

Nhờ có các xúc cảm, tình cảm con người nhận biết được về bản thân mình rõ nét hơn, ngay từ xa xưa, nguồn gốc các xúc cảm đã giúp bảo vệ con người khỏi những nguy hiểm để đảm bảo sự sinh tồn, thông báo tình trạng cơ thể giúp con người có những phản ứng hành động kịp thời.

Đối với nhân cách, chính những xúc cảm, tình cảm giúp con người khi trải nghiệm, thể nghiệm một xúc cảm, tình cảm, con người nhận ra những nhu cầu của mình một cách rõ ràng hơn và từ đó, có những thái độ điều chỉnh điều khiển hoặc tự giáo dục phù hợp để phát triển nhân cách theo chiều hướng tốt hơn. Hoặc chính những xúc cảm, tình cảm đặc trưng cho nhân cách lại ảnh hưởng chi phối đến cách ứng xử của bạn bè, những người xung quanh chủ thể đó và qua đó ảnh hưởng gián tiếp đến quá trình hình thành nhân cách của chủ thể ấy.

Đối với nhận thức và hoạt động, đời sống tình cảm đóng vai trò như một động lực cho quá trình con người tìm tòi, khám phá thế giới khách quan xung quanh, mở rộng tri thức, hiểu biết cũng như hoạt động tích cực để thay đổi, cải tạo thế giới ấy. Có thể xem xúc cảm, tình cảm là động cơ bền bỉ nhất ảnh hưởng và chi phối toàn bộ hoạt động của con người.

6. Mối quan hệ giữa đời sống và nhận thức

Nhận thức và tình cảm là hai mặt khác nhau trong đời sống tâm lý người nhưng chúng cùng tồn tại, tác động và hỗ trợ cho nhau. Vì cả hai đều là những hiện tượng tâm lý nên nó đều mang tính chủ thể, có bản chất xã hội, tính phản ánh và những thuộc tính của nhận thức và tình cảm nói lên đặc trưng nhân cách của cá nhân ấy. Tuy nhiên, chúng có những khác biệt nhất định, kể cả trong những điểm tưởng chừng hoàn toàn giống nhau ấy.

6.1. Về nội dung phản ánh

Nhận thức phản ánh bản thân sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan nhưng xúc cảm, tình cảm lại phản ánh mối quan hệ giữa sự vật hiện tượng với chính nhu cầu của chủ thể. Chính vì vậy, phạm vi phản ánh của tình cảm hẹp hơn và tính chủ thể lại cao hơn nhiều so với nhận thức.

6.2. Về phương thức phản ánh

Nhận thức phản ánh thế giới khách quan bằng những hình ảnh, khái niệm, còn xúc cảm và tình cảm thì bằng những rung động.

6.3. Về kết quả phản ánh

Kết quả của quá trình nhận thức cho ta biết bản chất, đặc điểm của thế giới khách quan, những xúc cảm, tình cảm lại xác định ý nghĩa của chúng với chủ thể, mang đến ý nghĩa sống cho con người.

6.4. Về quá trình hình thành

Về quá trình hình thành, nhận thức được hình thành bằng con đường khác nhiều so với xúc cảm, tình cảm. Hoạt động nhận thức có thể lượng hóa dễ dàng nhưng đo lường xúc cảm, đặc biệt là tình cảm thì khó hơn rất nhiều. Chính vì vậy, nếu muốn nâng cao nhận thức, phát triển khả năng tư duy, quan sát, trí tưởng tượng, ta có thể giáo dục trẻ bằng những con đường như dạy học, thuyết giảng. Nhưng với xúc cảm, tình cảm, muốn hình thành thì phải có những trải nghiệm thực tế để các em xuất hiện những rung động.

Mặc dù có những điểm khác biệt như trên, nhận thức và xúc cảm, tình cảm lại có mối quan hệ gắn bó với nhau. Nhận thức làm nền tảng cho xúc cảm, tình cảm, định hướng cho đời sống tình cảm của con người. Nhờ có nhận thức mà con người xác định được mối quan hệ sự vật hiện, tượng với nhu cầu của bản thân để nảy sinh những rung động tương ứng. Nhận thức càng sâu sắc sẽ giúp đời sống tình cảm càng ổn định hơn. Ngược lại, chính xúc cảm, tình cảm lại ảnh hưởng khá lớn đến nhận thức. Nó có thể là động lực cho con người vươn đến những tìm tòi, khám phá nhưng cũng có thể khiến nhận thức con người bị sai lệch, mù quáng khi cường độ của xúc cảm, tình cảm quá mạnh. Chính điều này khiến con người gặp khó khăn trong nhận thức, đặc biệt với những người sống thiên về tình cảm.

Trên thực tế, hai thành tố này luôn tương tác cho nhau trong quá trình sống của một con người. Mỗi khi ra một quyết định nào đó con người ngoài phân tích những thiệt - hơn, được - mất, còn tính đến yếu tố ấy mang ý nghĩa như thế nào đối với bản thân mình. Chính sự kết hợp hài hòa giữa nhận thức và đời sống tình cảm sẽ tạo ra những con người cân bằng, ngược lại, có thể tạo nên những người sống rất lý trí, cứng nhắc, nguyên tắc hoặc những người ủy mị, yếu đuối, làm việc nhất thời theo xúc cảm, tình cảm, để tình cảm điều khiển hoặc khống chế chính bản thân mình.