Các trò chơi dân gian trong trường học

Chơi mà học

Như thường lệ, 6 giờ sáng hàng ngày, sân trường Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo lại rộn ràng tiếng cười nói, nô đùa của HS. Hàng chục em nhỏ quây quần, túm tụm lại với nhau. Tốp thì nhảy sạp, nhóm chơi nhảy dây, đi cà kheo… Mỗi buổi sáng, sân trường giống như ngày hội văn hóa dân gian với nhiều trò chơi đặc sắc ở các vùng miền khác nhau cùng tụ hội về.

Nhảy sạp là nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Nhận thấy nét hay, độc đáo của điệu múa truyền thống này, các thầy cô đã đưa về trường để HS tìm hiểu và có cơ hội trải nghiệm.

Thay vì sử dụng những thanh tre để nhảy múa, thầy cô tận dụng ống nước nhằm tiết kiệm chi phí và tăng độ bền. Bên cạnh đó, ống nhựa giúp các em hiếu động, chưa chuyên nghiệp không bị trầy xước chân tay khi vui chơi. Mỗi nhóm khoảng 20 HS thay phiên nhau nhảy và gõ sạp.

Em Lê Duy Hiếu, HS lớp 9A cho biết: Trước đây, em chỉ thấy trò chơi nhảy sạp trên tivi, chưa bao giờ được trực tiếp tham gia. Khi thầy cô mang trò chơi này về trường, em tò mò nên nhảy thử. Dần dần em thấy thích thú và say mê trò chơi dân gian này. Không chỉ nhảy sạp, mỗi sáng đến trường em cùng các bạn được tham gia nhảy dây, đẩy gậy, đi cà kheo…

“Những trò chơi dân gian này giúp chúng em tập thể dục nâng cao sức khỏe, tăng tính đoàn kết. Do đó, buổi sáng em cố gắng dậy sớm để có thể dành nhiều thời gian tham gia chơi cùng các bạn”, em Lê Duy Hiếu chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Hoàn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo cùng GV trong trường cũng thường xuyên tham gia vào các trò chơi dân gian với HS.

“Tham gia chơi cùng các em, mình như trở lại tuổi thơ, lại rèn luyện được sức khỏe mỗi ngày. Qua các hoạt động ngoại khóa, nhà trường có thể nắm được tâm tư, tình cảm của học trò. Từ đó, thầy cô có biện pháp giáo dục phù hợp”, cô Hoàn tâm sự.

Các trò chơi dân gian trong trường học
Đều đặn mỗi sáng, cô Nguyễn Thị Hoàn tham gia các trò chơi dân gian với học sinh.

Thoát khỏi thế giới ảo

Thầy Lê Thành Đô cho biết, HS trong trường đa phần nhút nhát, ít tham gia các hoạt động tập thể. Do đó, tôi cùng các đồng nghiệp muốn tạo một sân chơi lành mạnh để các em bớt thụ động và tăng tính đoàn kết. Thầy cô nghĩ đến việc mang trò chơi nhảy sạp, nhảy dây, đẩy gậy… đến gần hơn với HS.

“Trò chơi nhảy sạp, nhảy dây dễ thực hiện, chi phí thấp lại có thể thu hút đông HS tham gia một lần. Do đó, chúng tôi quyết định đưa các trò chơi dân gian này về trường. Các trò chơi dân gian đã tạo sân chơi lành mạnh cho các em trước buổi học và giờ ra chơi, tăng cường sức khỏe cho HS. Bên cạnh đó, giáo dục tinh thần đoàn kết, sự thông minh, khéo léo của các em. Không những vậy, những trò chơi dân gian này còn góp phần duy trì, giữ gìn bản sắc văn hóa, dân tộc”, thầy Đô nói.

Cũng theo thầy Đô, nhà trường mua sắm các vật dụng cần thiết phục vụ trò chơi và để ở trường. Mỗi sáng khi HS đến trường tự động mang ra chơi rồi cất vào khi có trống vào tiết học. Bên cạnh trò chơi dân gian, các em còn tự luyện tập kèn để tham gia biểu diễn văn nghệ mỗi dịp lễ, tết.

Các trò chơi dân gian trong trường học
Thầy và trò cùng nhau chơi nhảy dây, nâng cao sức khỏe, tăng tính đoàn kết.

Cô Nguyễn Thị Hoàn cho hay: Khi mới đưa trò chơi dân gian về trường, HS còn lạ lẫm, ít tham gia. Sau thời gian hướng dẫn của GV, các em trở nên thích thú và hào hứng hơn.

Cũng theo cô Hoàn, hiện nay xã hội phát triển, ngoài giờ học trên trường một số HS thường chơi game, xem tivi… Do công việc bận rộn nên một số phụ huynh ít quan tâm đến con em mình. Điều này vô tình khiến các em thụ động, ảnh hưởng đến mắt, cột sống.

Với mong muốn giúp HS thoát khỏi “thế giới ảo”, nhà trường đã đưa trò chơi dân gian về để các em trải nghiệm. “Từ ngày có trò chơi dân gian, HS đến trường từ rất sớm. Khi thầy cô đến, sân trường đã rộn ràng tiếng các em vui đùa với nhau. Thấy HS được vui chơi, rèn luyện sức khỏe và tăng tính đoàn kết khi tham gia các trò chơi, chúng tôi rất vui và xúc động. Các em còn nói với thầy cô “Bạn nào bây giờ còn chơi game là lỗi thời”. Đó là động lực để giáo viên và nhà trường cố gắng hơn nữa nhằm mang lại nhiều kiến thức, sức khỏe cho học trò”, cô Hoàn nói.

Vừa qua, tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Kon Tum, Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo vinh dự giành được 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 4 Huy chương Đồng. Vào tháng 6 tới đây, một HS của trường sẽ tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc với môn thi “Đẩy gậy”. Theo cô Hoàn, thông qua những thành tích, hiệu quả đã đạt được, thầy và trò nhà trường cố gắng phát huy và đưa nhiều trò chơi dân gian hơn nữa về trường học.

Các trò chơi dân gian trong trường học
Nét mặt trẻ vui vẻ khi chơi trò chơi dân gian - Ảnh Internet

Học sinh tiểu học chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 7 đến 11 tuổi. Có nhiều biến đổi tâm sinh lý quan trọng diễn ra trong qiai đoạn này:

  • Tri giác, trí nhớ, trí tưởng tượng, tư duy của các em phát triển mạnh và phong phú hơn.
  • Đời sống cảm xúc và tình cảm của các em chi phối mạnh mẽ đến các hoạt động và nhận thức của trẻ. Đặc biệt là với nét hồn nhiên của mình, các em luôn hướng tới niềm vui và những cảm xúc tích cực.
  • Hành vi còn mang tính bắt chước những người gần gũi với các em. Với bản tính hiếu động, khó kiềm chế, hành vi ý chí chưa cao các em thường dễ mất tập trung, khó tự chủ và dễ phạm lỗi.
  • Các trò chơi mang tính vận động và xã hội được các em chơi nhiều hơn thay vi chơi với đồ chơi như khi còn học mẫu giáo.

Vì vậy, trò chơi dân gian cho học sinh tiểu học cần được lựa chọn phù hợp với lứa tuổi mà hoạt động "học mà chơi" được xem là chủ đạo này.

2. Lợi ích của trò chơi dân gian cho học sinh tiểu học

  • Duy trì văn hóa và giá trị truyền thống của dân tộc

Trò chơi dân gian là sản phẩm của ông cha ta được lưu truyền qua nhiều thế hệ, nên nó mang các giá trị lịch sử và văn hóa vô cùng lớn. Thông qua trò chơi dân gian, chất liệu dân tộc, tinh thần tập thể, tinh thần đoàn kết dân tộc được thể hiện không thể hòa lẫn với các nền văn hóa khác.

Các chất liệu được sử dụng trong trò chơi dân gian là những chất liệu từ tự nhiên như lá cây, cát, đá, gỗ, đất,...hoàn toàn thân thiện với môi trường.

Các vật dụng được sử dụng trong các trò chơi dân gian thường rất đơn giản, có sẵn; và là những đồ dùng ít có giá trị sử dụng như: cành cây, đá, đất,...Nên kinh phí để tổ chức một trò chơi dân gian thường không đáng kể.

Có rất nhiều trò chơi dân gian cho học sinh tiểu học trong kho tàng trò chơi dân gian Việt Nam như: Cướp cờ, chim đầu đàn, tranh bóng, kéo co, đi cầu tre, thả chó, nhảy bao bố, tranh bóng, chơi ô ăn quan, mèo đuổi chuột, rồng rắn lên mây, chơi chuyền, trốn tìm, ném vòng, úp lá khoai, dung dăng dung dẻ, đánh quay, chơi bi, ném vòng,...

Các trò chơi dân gian trong trường học
Chơi kéo co cho học sinh tiểu học - Ảnh Internet

Dưới đây là một số hướng dẫn trò chơi cho bố mẹ tham khảo.

3.1. Trò chơi tranh bóng

Ý nghĩa:

Trò chơi này sẽ giúp bồi dưỡng tính sáng tạo, khéo léo, đồng thời nâng cao tính sáng tạo cho các em.

Chuẩn bị:

Sân chơi, một quả bóng, phấn (đánh dấu lên sân chơi), hai đội chơi có số lượng như nhau. Vẽ sẵn một vòng tròn đường kính 1m ở giữa sân và đặt quả bóng ở giữa.

Cách chơi:

Trước khi chơi quản trò cần lưu ý: Đặt tên cho hai đội (đội A và đội B); Cho các đội đứng thành hàng ngang ở hai đầu sân chơi, đội nọ cách đội kia tầm 20m; Quy ước đội giữ bóng và đội phá bóng (đội tìm cách mang bóng ra khỏi sân).

Gọi bất kì 2 em trong hai đội lên khu vực tranh bóng. Đội phá bóng (B) sẽ tìm cách lấy bóng từ đội giữ bóng (A). Nếu em đội B lấy được bóng thì em bên đội A phải chạy đuổi theo và tìm cách chạm được vào bạn đã lấy bóng. Nếu chạm được thì bạn đội B sẽ là con tin của đội A và ngược lại, nếu không chạm được thì bạn đội A sẽ là con tin cuả đội B. Kết thúc trò chơi đội nào bắt được nhiều con tin hơn sẽ là đội chiến thắng.

Luật chơi:

Đội B không lấy được bóng mang về trong thời gian quy định thì sẽ bị phạm luật.

Đội A cản trở đội B không mang bóng về đúng giờ quy định thì quả bóng đó không được tính và phải chơi lại.

3.2. Trò chơi "Chim đầu đàn"

Các trò chơi dân gian trong trường học
Trò chơi "chim đầu đàn" cho trẻ cấp 1 - Ảnh Internet

Ý nghĩa trò chơi:

Trò chơi có mục đích bồi dưỡng tinh thần thi đua vì tập thể, phát huy óc quan sát và phán đoán, rèn luyện tính linh hoạt cho các em.

Chuẩn bị:

Sân chơi hoặc bãi rộng, dây bịt mắt, các thành viên chơi.

Cách chơi:

Trước lúc chơi quản trò cần lưu ý: Cho các xếp thành vòng tròn, phân một em làm "Chim đầu đàn", chọn một em khác bịt mắt rồi cho đứng ở giữa vòng tròn.

Sau khi đã chuẩn bị mọi thứ ổn thỏa, quản trò ra hiệu để em ở giữa cởi bỏ khăn bịt mắt và bắt đầu tìm "Chim đầu đàn". Em đóng chim đầu đàn sẽ làm các động tác để các bạn khác làm theo như ngồi xuống, vỗ tay, nhảy,... Nếu bị phát hiện thì "Chim đầu đàn" sẽ bị bịt mắt và trò chơi tiếp tục.

Luật chơi:

Em bị bịt mắt trong một thời gian nhất định (đã được quy định sẵn) nếu không phát hiện được "Chim đầu đàn" sẽ bị phạt.

Bạn nào làm dấu giúp bạn quan sát phát hiện ra chim đầu đàn sẽ bị phạt.

3.3. Trò chơi nhảy bao bố

Các trò chơi dân gian trong trường học
Trò chơi dân gian cho học sinh tiểu học nhảy bao bố - Ảnh Internet

Ý nghĩa:

Trẻ sẽ có cơ hội được rèn luyện tính nhanh nhẹn, khéo léo, khả năng giữ thăng bằng và sức bật. Nhảy bao bố còn giúp tạo không khí vui vẻ, thoải mái và giúp xây dựng tinh thần tập thể.

Chuẩn bị:

Số lượng bao bố ít nhất bằng một nữa số người chơi, sân chơi, người chơi, người cổ vũ (tạo không khí cho trò chơi), phần thưởng.

Cách chơi:

Trước khi chơi quản trò lưu ý: Chia các em thành hai hoặc nhiều đội với số lượng nam nữ đều nhau. Cho các em xếp thành hàng trước vạch xuất phát và đem cho hai bạn một chiếc bao bố đủ rộng cho các em đứng vừa trong bao.

Khi có lệnh của quản trò, từng đội sẽ nhảy về điểm đích đã cho sẵn. Sau khi đội đầu tiên nhảy thì đội thứ hai tiến lên vạch xuất phát và chờ lệnh, trò chơi tiếp tục cho đến đôi cuối cùng.

Luật chơi:

Đội nào về đích nhanh hơn sẽ thắng. Các em được đứng dậy chơi tiếp sau khi bị ngã. Nếu lượng bao tải không đủ có thể cho nhiều hơn hai bạn chung một bao tải.

Ngoài mang nhiều giá trị và lợi ích, trò chơi dân gian cho học sinh tiểu học  còn khiến cho các em lưu giữ được, những cảm xúc tích cực thời học sinh của mình với bạn bè xung quanh. Đó có thể là những kỷ niệm đẹp còn tồn tại dài lâu trong cuộc đời.

Nguyễn Oanh tổng hợp