Các văn bản pháp luật về bình đẳng giới

https://binhphuoc.gov.vn/vi/stttt/binh-dang-gioi/cac-nguyen-tac-co-ban-ve-binh-dang-gioi-va-chinh-sach-cua-nha-nuoc-ve-binh-dang-gioi-1103.html /themes/binhphuoc/images/no_image.gif

Bình Phước : Cổng thông tin điện tử https://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png

Chủ nhật - 27/11/2022 16:15 5742

Điều 6, Điều 7 Luật Bình đẳng giới quy định cụ thể các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới và chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới như sau:

1. Các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới - Nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. - Nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới. - Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới. - Chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới. - Bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật. - Thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân. 2. Các chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới - Bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển. - Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; tạo điều kiện để nam, nữ chia sẻ công việc gia đình. - Áp dụng những biện pháp thích hợp để xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. - Khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới. - Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ những điều kiện cần thiết để nâng chỉ số phát triển giới đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương mà chỉ số phát triển giới thấp hơn mức trung bình của cả nước

Theo Điều 41 Luật bình đẳng giới, các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình gồm:

1. Cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.

2. Không cho phép hoặc cản trở thành viên trong gia đình tham gia ý kiến vào việc sử dụng tài sản chung của gia đình, thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì định kiến giới.

3. Đối xử bất bình đẳng với các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính.

4. Hạn chế việc đi học hoặc ép buộc thành viên trong gia đình bỏ học vì lý do giới tính.

5. Áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, thực hiện biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên thuộc một giới nhất định.

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam năm 2015 và năm 2019 của Ủy ban Dân tộc, tình trạng bất bình đằng, thậm chí vi phạm pháp luật Luật Bình đằng giới trong gia đình còn diễn ra khá nhiều. Theo báo cáo, ở các dân tộc không tuân theo chế độ mẫu hệ, do quan niệm đàn ông là người chăm lo gia đình, thờ cúng tổ tiên, nên hầu hết tài sản đều phải do nam giới quản lý, sử dụng, định đoạt, đồng thời được hưởng thừa kế mọi tài sản từ cha mẹ, cho nên có tới 74,2% số hộ gia đình dân tộc thiểu số, nam giới đứng tên độc lập về quyền sở hữu đất đai và tín dụng. Ở một số dân tộc như dân tộc Hmông, Dao, Brâu, Vân Kiều, Giáy…, thì tỷ lệ phụ nữ được đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ chiếm 11,3%. Phụ nữ dân tộc thiểu số phụ thuộc lớn về kinh tế vào người cha, người chồng, thậm chí cả người con trai và do đó, trở nên yếu thế, không được tham gia, quyết định nhiều vấn đề trong gia đình. Việc quản lý tài chính, chi tiêu trong gia đình phần lớn đều do nam giới quyết định.

Phụ nữ dân tộc thiểu số mặc nhiên bị gắn trách nhiệm phải ở nhà lo toan công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình, phụng dưỡng cha mẹ, sinh con. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình dân tộc thiểu số vẫn xảy ra, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số thường xuyên phải chịu sự bạo hành, đánh đập từ người chồng, người cha khi say rượu hoặc thậm chí chỉ là do thấy không vừa ý... Ngay cả việc kết hôn, phụ nữ dân tộc thiểu số nhiều khi không được lựa chọn bạn đời theo tình cảm của mình, mà do cha mẹ gả, ép hôn, họ không có “tiếng nói” quyết định trong nhiều vấn đề.

Tình trạng trẻ em gái bị bắt bỏ học (khi gia đình nghèo, không có điều kiện về kinh tế) để dành phần đi học cho trẻ em trai; phụ nữ trẻ em gái thường xuyên cõng theo em trong khi vui chơi, làm việc nhà, trong khi học bài... là hình ảnh không hiếm gặp trong cuộc sống thường ngày vùng dân tộc thiểu số.

Còn theo nghiên cứu của GS, TS Nguyễn Hữu Minh Đề tài cấp quốc gia “Một số vấn đề cơ bản về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số nước ta” điều tra khảo sát 2.894 đại diện hộ gia đình 17 dân tộc thiểu số tại 8 tỉnh: Lạng Sơn, Hà Giang, Điện Biên, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng cho thấy, bạo lực tinh thần xảy ra nhiều hơn ở nhóm theo chế độ mẫu hệ, bạo lực kinh tế xảy ra nhiều hơn ở nhóm phụ hệ. Tây Nguyên có tỷ lệ cao nhất ở cả ba nhóm bạo lực, đặc biệt là bạo lực tinh thần (46%) trong khi tỷ lệ này ở các khu vực khác là dưới 18%. Khu vực Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ bạo lực thấp nhất. Một tác nhân quan trọng dẫn đến bạo lực của chồng đối với vợ là do “say rượu”.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một bộ phận xã hội hiểu không đúng về bình đẳng và bình đẳng giới, trình độ nhận thức pháp luật kém, tư tưởng “người đàn ông là chủ trong gia đình”, định kiến “phụ nữ không giỏi bằng đàn ông”, “đó là việc của phụ nữ”... Những nhận thức mang tính định kiến giới còn tồn tại trong tư duy của nhiều người, thậm chí ở ngay cả trong giới nữ, dẫn đến tình trạng cam chịu, sợ hãi, chấp nhận…, đôi khi lại ở dưới cái mác “hy sinh cho gia đình” hoặc “việc riêng của mỗi nhà”, “xấu chàng hổ ai”. ..

Việc ứng xử với bạo lực của phụ nữ cũng là nguyên nhân thúc đẩy bạo lực gia tăng. Qua khảo sát, trong các trường hợp bị bạo lực, đa số nạn nhân đều giữ im lặng về hành vi bạo lực với người chồng (72,1%). Rất ít trường hợp nói với người có trách nhiệm xử lý (chưa đến 2%).

Ngoài ra, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số không nhận thức được quyền sỡ hữu của mình đối với tài sản, với quyền được học tập, nâng cao trình độ,..

Thực hiện Luật Bình đẳng giới, thúc đẩy việc nhận thức các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình sẽ giúp cho giới nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi nâng cao hiểu biết pháp luật, nhìn nhận rõ quyền của mình trong gia đình, từ đó tạo được chính kiến và điều kiện phát triển bản thân.

Vì vậy cần tăng cường sự kết nối chặt chẽ hơn giữa gia đình và chính quyền cơ sở mà trước tiên là cán bộ hòa giải ở cơ sở và sau đó là sự quan tâm sát sao của cấp xã nhằm nắm bắt và hạn chế các hành vi bạo lực của chồng đối với vợ tốt hơn.

Nâng cao học vấn và tăng cường tập huấn về bình đẳng giới cho người dân, đặc biệt là phụ nữ, cũng như xây dựng môi trường hỗ trợ pháp lý cho họ có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo đảm bình đẳng giới về tham gia công việc gia đình, quyền tài sản của người dân và hạn chế, tiến tới xóa bỏ các hành vi bạo lực của chồng đối với vợ trong các gia đình dân tộc thiểu số.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, truyền thông nhận thức giới, hiểu biết pháp luật về bình đẳng giới. đặc biệt vùng dân tộc thiểu số và miền núi là việc làm vô cùng cần thiết, nhằm thúc đẩy việc thực hiện các cam kết ưu tiên của Việt Nam về bình đẳng giới./.