Cách điều trị bệnh hoại tử cơ trên tôm thẻ

Bệnh hoại tử cơ là một bệnh truyền nhiễm do tác nhân vi rút gây ra (infectious myonecrosis virus IMNV). Đây là một trong những bệnh vi rút trên tôm được phát hiện trong thời gian gần đây nhất. Năm 2002, bệnh xảy ra lần đầu tiên ở các ao nuôi tôm thẻ chân trắng Penaeus vannamei miền Đông Bắc Braxin. Sau đó, bệnh lây lan sang các nước khác thuộc khu vực Châu Á như Indonesia, Thái Lan và tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Quá trình lây lan của IMNV qua các châu lục khác nhau được ghi nhận là do sự nhập chuyển của tôm bố mẹ P. vannamei.

IMNV là vi rút có vật chất di truyền là ARN mạch đôi, với kích thước 7.560bp, cấu trúc không có lớp màng bao. Phân tích phát sinh loài dựa vào gen RNA-dependent RNA polymerase (RdRp) đã phân loại IMNV vào họ Totiviridae, giống Giardiavirus.

Tôm thẻ chân trắng được ghi nhận là vật chủ chính của IMNV do khả năng gây tỉ lệ chết cao ở loài tôm này. IMNV thường gây tỉ lệ chết cho tôm thẻ chân trắng trong khoảng từ 40 cho đến 70% quần đàn. Tuy nhiên, trong các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng có xảy ra dịch bệnh thì tỉ lệ chết do IMNV có thể lên đến 100%. Trong điều kiện phòng thí nghiệm đã cho thấy IMNV có khả năng cảm nhiễm với hai loài tôm, tôm xanh Nam Mỹ (Penaeusstylirostris) và tôm sú (Penaeus monodon).Nhiệt độ và nồng độ muối được xem là một trong những yếu tố môi trường có ảnh hưởng đến quá trình bộc phát của bệnh hoại tử cơ.

Cách điều trị bệnh hoại tử cơ trên tôm thẻ

Hình2. Bệnh hoại tử cơ do Infectious myonecrosis virus (IMNV). (a) Hình chụp dưới kính hiển vi điện tử, IMNV nhiễm tự nhiên trên tôm thẻ chân trắng ở Brazil; (b) (c) dấu hiệu bệnh hoại tử cơ trên tôm thẻ chân trắng; (d) kích thước của cơ quan bạch huyết của tôm nhiễm IMNV tăng gấp 2-4 lần so với kích thước thông thường (đánh dấu trong vòng tròn). Nguồn: Lightner, 2011.

Ở giai đoạn cấp tính, tôm bệnh hoại tử cơ thường có các dấu hiệu bệnh lý như phần cơ bụng và cơ đuôi trắng đục, do vậy có thể dẫn đến hiện tượng hoại tử và đỏ ở các vùng cơ này. Trong một số trường hợp, cơ quan lympho trương to lên gấp 2-4 lần kích thước bình thường (Hình 1). Ao tôm nhiễm IMNV mức độ nặng có thể chết đột ngột và kéo dài trong nhiều ngày. Bệnh hoại tử cơ với tỉ lệ chết cao đột ngột, thường xảy ra vào sau các thời điểm hay các hoạt động có thể gây sốc cho tôm ví dụ chài tôm, độ mặn hay nhiệt độ thay đổi một cách đột ngột... Một số tôm bệnh chết do IMNV vẫn ở trạng thái no với ruột đầy thức ăn, đó là do tôm vừa được cho ăn no ngay trước thời điểm xuất hiện của các nhân tố gây sốc kể trên.

Bệnh hoại tử cơ IMN trên tôm thẻ chân trắng có dấu hiệu lâm sàng và đặc điểm mô bệnh học tương tự với bệnh trắng đuôi trên tôm biển gây ra bởi một loài vi rút khác có tên là Penaeus vannamei novavirus PvNV. Do vậy, cần lưu ý đặc điểm này trong quá trình chẩn đoán bệnh.

Tôm thẻ chân trắng ở giai đoạn ấu niên, tiền trưởng thành là thường nhạy cảm nhất với IMNV. Trong đó, cơ quan đích của IMNV được ghi nhận là cơ vân, mô liên kết, tế bào máu, và cơ quan bạch huyết. Do vậy, đây là một trong những cơ quan được sử dụng cho các qui trình chẩn đoán bệnh. Trường hợp tôm nhiễm IMNV mãn tính, cơ quan bạch huyết được ưu tiên dùng để phân lập IMNV. Chân bơi là cơ quan được khuyến cáo nên dùng cho quá trình phát hiện IMNV trên tôm bố mẹ.