Cách sử dụng stay focused trên máy tính

“Liệu bạn có thể rời chiếc điện thoại của mình được bao lâu? Đối với rất nhiều người, việc tập trung vào các hoạt động như học, làm việc, đọc sách hay đơn thuần chỉ là nghỉ ngơi ngày càng trở nên khó khăn hơn, đơn giản là vì tay chúng ta lúc nào cũng cảm thấy ngứa ngáy và muốn cầm ngay chiếc điện thoại lên. Nếu vậy thì Forest sẽ là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho bạn trong việc xây dựng một thói quen sử dụng điện thoại một cách lành mạnh hơn” 

Đây là những gì đã được viết trong mục App of the Day khi App Store gợi ý ứng dụng có tên Forest. Nếu các bạn xem mục Top Paid Apps (top các ứng dụng mất phí), bạn sẽ thấy Forest đứng đầu tiên.

Nhiều bạn có thể đã biết, Forest là ứng dụng theo dõi thời gian giúp bạn tập trung hơn trong công việc và học tập. Mình đã dùng Forest được hơn 1 năm nay và phải nói đây là ứng dụng “tuyệt vời nhất hệ mặt trời”, và được mình ưu ái xếp vào thanh dock mặc định phía dưới của iPhone.

Và ở bài viết này, mình sẽ chia sẻ tất tần tật những gì mình biết về Forest, ví dụ như cách sử dụng, một số tính năng hữu tích, và đồng thời ở cuối bài viết sẽ có một đường link google drive có chứa đựng hình nền đơn giản với dòng chữ “Stay focused, be present” mà mình tự tạo.

Nói qua về Forest

Có lẽ chúng ta nên bắt đầu từ việc Forest được tạo ra như thế nào? Ai đã phát triển ứng dụng này, và câu chuyện đằng sau sự phát triển đó.

Forest được phát triển bởi nhóm Seekrtech vào năm 2014. Founder của nhóm này là Amy Cheng và Shaokan Pi, và cả hai đều từng là thạc sĩ ngành Computer Science (Khoa học máy tính) của trường đại học quốc gia Thanh Hoa (National Tsing Hua University), Đài Loan.

Chứng nghiện smartphone luôn là một vấn đề nhức nhối được bàn tán rất nhiều, và người ta còn đặt tên cho hội chứng này là “Nomophobia” (No Mobile phone Phobia), tức là hội chứng bất an khi không có điện thoại bên cạnh. Là những người thuộc chuyên ngành máy tính, Amy và Shaokan tin rằng họ sẽ phát triển được một ứng dụng giúp gỡ bỏ lớp kết dính giữa người dùng và điện thoại.

Ban đầu hai người định phát triển một ứng dụng có tính năng khoá điện thoại trong một khoảng thời gian, nhưng dường như nó sẽ chỉ càng khiến cho người dùng cảm thấy khó chịu hơn. Vì vậy, họ đưa ra một ý tưởng khác. Vẫn là một ứng dụng “khoá” điện thoại, nhưng theo một cách nhẹ nhàng hơn, và gọi nó là Forest.

“Bạn bấm nút trồng cây, và trong thời gian đó, bạn đặt điện thoại sang một bên và tập trung vào công việc”. Đồng thời họ nói thêm lí do vì sao họ tin rằng ứng dụng trồng cây online này sẽ thành công: “Vì không ai lại nỡ phá huỷ chiếc cây đang phát triển cả”. Đây cũng là điểm khác biệt của Forest so với những ứng dụng theo dõi thời gian thông thường khác xuất hiện ở trên app store thời điểm đó.

“Stay focused, be present”

Khi mở ứng dụng, bạn sẽ thấy màn hình chờ của Forest là một khung nền trắng, với logo app và dòng chữ “Stay focused, be present”, có nghĩa là, “Luôn tập trung, có mặt trong khoảnh khắc hiện tại”. Bạn có thể thắc mắc, một ứng dụng theo dõi thời gian chủ yếu để phục vụ cho học tập và làm việc thì chỉ cần cụm từ “Stay focused” là đủ rồi, chứ thêm “Be present” vào làm gì.

Mình cũng từng tò mò vì sao Amy và Shaokan lại đặt motto cho app là như vậy, nên đã tìm hiểu thử bằng việc truy cập trang chủ https://www.forestapp.cc/. Ở đây mình thấy có một bức hình giải thích khá đơn giản, nhưng lại rất ý nghĩa. “Bạn có thể tập trung ở mọi lúc, mọi nơi”. Tập trung ở đây không chỉ đơn thuần là tập trung trong công việc hay học tập, mà còn là tập trung vào thời điểm hiện tại. Đó có thể là một bữa ăn rất bình thường như mọi ngày, hoặc có thể là một buổi ngồi cafe ngoài phố với bạn bè. Những lúc như vậy tại sao ta không cùng nhau trồng cây, đặt điện thoại sang một bên, và cùng tận hưởng những khoảnh khắc giản dị đó. Đây là những gì mình hiểu được từ việc nhìn vào bức hình này, và mình tin đây cũng là những gì hai người sáng lập muốn gửi gắm đến người dùng app này.

Cách sử dụng stay focused trên máy tính
Bạn có thể sử dụng Forest trong bữa ăn, để 2 người có thể trò chuyện ăn uống vui vẻ với nhau

Các chức năng cơ bản

Cách sử dụng stay focused trên máy tính
Hình 1: giao diện chính; Hình 2: Chế độ trồng cây; Hình 3: Các loại cây

Màn hình chính là một khung hình màu xanh lá cây nhạt, có hình tròn ở phía giữa và bên trong đó là một chiếc cây. Khung giờ tối đa bạn có thể đặt để trồng cây là 120 phút (2 tiếng). Mình thường set theo khung giờ Pomodoro là 25 phút. Kết thúc 25 phút ứng dụng sẽ có một mục “Take Break” tức là nghỉ giải lao, và bạn có thể bấm vào đó để đếm giờ nghỉ giữa các hiệp.

Ở phía góc trên màn hình có 2 logo lửa và người. Bấm vào đó sẽ hiện ra Plant Mode. Nếu bạn bật Deep Focus Mode (tập trung sâu) thì chỉ cần rời màn hình ứng dụng là ngay lập tức cây sẽ chết, kể cả khi đó là trường hợp khẩn cấp, ví dụ như cuộc gọi từ sếp. Vì vậy, hãy bật chế độ này khi bạn thực sự cần bước vào chế độ tập trung sâu mà như Cal Newport gọi đó là Deep Work Mode. Nếu những người bạn của bạn đều dùng Forest thì mọi người có thể trồng cây cùng nhau và bật chế độ Plant Together Mode. Với chế độ này thì cây của ai đó hỏng sẽ dẫn đến việc toàn bộ các cây đang trồng của mọi người đều bị chết hết.

Nếu bạn bấm trực tiếp vào khung hình tròn, nó sẽ hiện ra các loại cây mà bạn đang sở hữu. Khi mới bắt đầu sử dụng app bạn sẽ chỉ được mấy cái cây cơ bản trông không được bắt mắt cho lắm, nhưng khi đã sử dụng lâu và chăm trồng cây như mình thì bạn sẽ thu thập được kha khá Coin (góc trên cùng bên phải) và sử dụng nó để mua cây khác, cũng như là nhạc BGM. Như các bạn có thể thấy thì mình bây giờ có 10486 xu, và trước đó cũng đã tiêu kha khá cho việc mua cây, mà lại toàn mua cây đắt tiền (2000). Như mình trồng thì 25 phút sẽ được 9 xu, tức là làm tròn thì 30 phút là 10 xu. Nhưng nếu trồng 2 tiếng thì sẽ được 43 xu thay vì 40 xu.

Store và Settings

Cách sử dụng stay focused trên máy tính
Ấn vào hình 3 dấu gạch ngang ở trên cùng bên trái, bạn sẽ thấy một số mục như Forest, Timeline, rồi có Settings ở phía dưới cùng. Nhân lúc đang nói về Coin thì mình chia sẻ qua về cái Store trên ứng dụng này. Store là nơi bạn có thể tìm mua một số loại cây mà bạn muốn trồng. Giá cây dao động từ 300 đến 2000, tuỳ vào từng loại cây. Cây nào “lởm lởm” như kiểu bụi (bush) thì 300, cây hoa anh đào mình hay trồng là 1200, còn như cây hướng dương, cây Celestial (dịch nôm na là cây tiên) là 2000. Bạn có thể sử dụng xu để mua nhạc nền, nhưng thú thật là BGM của Forest ít lắm, và mình nghĩ bên Seekrtech cũng không có ý định phát triển thêm mục này.

Trong settings, bạn sẽ thấy một số chức năng thiết lập cơ bản như tắt/bật thông báo, giữ nguyên màn hình khi đang trồng cây,… Ở đây có một mục là App Whitelist. Ngược lại với Black list, bạn có thể chọn một số app quan trọng vào mục Whitelist, ví dụ như Phone, hay là app học ngoại ngữ chẳng hạn, để khi sử dụng những app đó thì cây vẫn sẽ được trồng bình thường. Tuy nhiên thì tình năng này chỉ có trên Android chứ không có ở iOS. Vì vậy, người dùng iPhone sẽ chỉ có 2 lựa chọn, hoặc bật chế độ Deep Focus Mode, hoặc là tạo tính tự giác không đụng đến điện thoại dù việc sử dụng app khác sẽ không làm cây bị chết. Như mình thì mình tạo được một thói quen hễ cứ trồng cây là chỉ được sử dụng app phục vụ mục đích học tập và làm việc, nên nói chung là rất ít khi bị mất tập trung.

Tính năng theo dõi trồng cây

Cách sử dụng stay focused trên máy tính

Quay lại với các tab trên cùng như Forest hay Timeline. Timeline sẽ là nơi bạn có thể theo dõi lịch sử trồng cây của bạn theo ngày, và nó sẽ cho bạn biết chính xác giờ bạn bắt đầu trồng, giờ kết thúc, khoảng thời gian bạn trồng là bao nhiêu. Tab Forest là nơi lưu trữ dữ liệu trồng rừng của bạn. Bạn có thể xem số cây bạn đã trồng theo ngày, tuần, tháng hoặc theo năm. Vì mình chỉ trồng có cây hoa anh đào nên trông nó cũng khá đồng nhất. Tuần trước thời gian tập trung của mình là 34 tiếng 37 phút, chia trung bình ra mỗi ngày là gần 5 tiếng. Ngoài ra có duy nhất một chiếc cây bị hỏng, và đây là do chính mình tự bấm nút Give Up (bỏ cuộc), vì lúc đó tuy đã set thời gian là 25 phút nhưng ngay từ phút thứ 10 mình đã dừng công việc và không muốn làm tiếp. Thật ra bạn cũng có thể xoá cây bị hỏng đó (tốn xu), nhưng mình thì mình vẫn giữ đấy.

Cách sử dụng stay focused trên máy tính

Kéo xuống dưới tab Forest, bạn sẽ thấy có thêm 2 mục là Focused Time Distribution và Tags Distribution.

Focused Time Distribution (F.T.D) là một biểu đồ đường thẳng cho bạn biết khung giờ hay là khoảng thời gian bạn tập trung trong một ngày hoặc một tuần, một tháng. Nhìn vào bức ảnh phía trên, bạn có thể thấy biểu đồ F.T.D có dấu hiện đi lên vào lúc 6 giờ, thời điểm mình thực hiện thói quen buổi sáng, và 8 giờ, thời điểm mình bắt đầu học hoặc làm việc. Đường thẳng này có dấu hiệu đi xuống từ buổi chiều, đơn giản là vì mình là early bird nên thường sẽ rất tập trung vào sáng sớm và càng về sau mức độ tập trung càng giảm.

Tiếp theo là Tags Distribution, được hiển thị dưới dạng biểu đồ hình tròn với các loại màu tương ứng với loại hình công việc khác nhau. Bạn có thể chia các công việc trong mục Tags (hình 3). Ví dụ, trong mục Tags của mình sẽ có mục học tiếng Hàn (màu đỏ), viết blog (màu da cam), học (màu xanh lá cây nhạt), đọc sách (màu xanh lá cây đậm), project (màu tím),… Mỗi lần trồng cây mình sẽ đặt tag tương ứng với công việc mình làm lúc đó, và sau đó bạn có thể thấy được khoảng thời gian bản thân dành cho mỗi công việc theo lượng phần trăm. Ví dụ như trong tuần 13 – 19/04 mình dành gần một nửa thời gian cho các project vlog, trong khi đó chỉ dành có 7% cho viết blog, và đúng là tuần trước mình chỉ ra có 1 bài viết.

Nếu bạn muốn trồng cây thật, Forest sẽ giúp bạn thực hiện ước muốn đó

Cách sử dụng stay focused trên máy tính

Trong ứng dụng còn có một mục Real Forest. Đây là một dự án mang tên Trees For the Future, được thành lập với mục đích giúp khôi phục các vùng đất bị suy thoái, đặc biệt là ở Châu Phi. Với việc việc ấn nút Plant a real tree với 2500 xu, bạn có thể đóng góp một chút sức lực nho nhỏ của mình vào việc trồng cây thật và góp phần cải thiện hệ sinh thái và môi trường của Châu Phi.

Mình và Forest

Mình biết đến app này cũng khá lâu rồi, từ hồi còn ở Nhật. Tuy nhiên phải đến tầm tháng 11 năm 2018 mình mới tải về và dùng để tính giờ học ôn thi IELTS. Thi IELTS xong mình lại để đấy một thời gian, đến đợt bắt đầu ôn thi JLPT N1 từ tháng 4 thì mình mới sử dụng lại.

Mình bắt đầu sử dụng Forest như một ứng dụng “không-thể-thiếu” từ cuối năm ngoái. Khi đó mình thực hiện một chiến dịch mà mình gọi là “Track everything” (theo dõi toàn bộ), bao gồm theo dõi thói quen (vốn đã thực hiện từ lâu), theo dõi thời gian lúc học và làm việc (sử dụng Forest), và theo dõi toàn bộ lịch trình của một ngày với Google Calendar. Và rồi việc sử dụng Forest nó giống như là một hoạt động hiển nhiên trong những ngày tháng đầu năm 2020 này.

Hi vọng là bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về ứng dụng Forest và không ngại bỏ ra một khoản tiền phải nói là rất nhỏ để có thể sử dụng app này.

And two more things…

1. Bạn có thể truy cập vào link dưới đây để chơi thử trò chơi đánh giá tính cách do chính Seekrtech phát triển nhé. Bạn sẽ biết được tính cách của mình như thế nào, đặc biệt là trong khoản tập trung học tập và làm việc, cũng như là loài cây phù hợp để bạn trồng. Phải nói là nó khá chính xác đó.

https://forest-mt.seekrtech.com/

2. Như đã hứa thì mình cũng sẽ gắn link drive chia sẻ ảnh nền có dòng chữ “Stay focused, be present” cho bạn nào cần, và trong drive đó có cả những bức hình nền cho máy tính, so feel free to download it all if you like.

https://drive.google.com/open?id=1KM02wCzIQxaKC0MMCO7zzrG8nSeiNa2U

Stay focused, be present,

Kira

Nguồn tham khảo

https://sea.pcmag.com/news/18700/put-down-your-phone-or-this-app-will-destroy-virtual-towns

https://appsamurai.com/mobile-app-success-story-forest-by-seekrtech/

https://jelskehoeijmakers.wordpress.com/health/keep-your-mind-on-your-forest/

https://medium.com/@nina.semczuk/5-practices-from-deep-work-by-cal-newport-thatll-change-your-life-303847ec5f3c