Cách xử lý túi ni lông

"Nếu là người mua sắm có ý thức, bạn cần xem xét vòng đời của bất cứ thứ gì bạn đang sử dụng", hãng tin CBC đánh giá. Theo thống kê của tổ chức quốc tế SPREP, mỗi năm nhân loại sử dụng 5 triệu tỷ tấn túi nilon. Riêng ở Mỹ, khối lượng túi nilon được sản xuất và sử dụng là 100 tỷ tấn. Những túi nilon không được xử lý trên đất liền sẽ được xả thẳng ra biển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái dưới lòng đại dương và sức khỏe con người.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã bắt đầu hành động. Tại Canada, một số vật liệu nhựa dùng một lần sẽ bị loại bỏ vào năm 2025. Nghiên cứu tại Canada cho thấy vào năm 2016, người dân nước này đã thải ra 3 triệu tấn chất thải nhựa, nhưng chỉ 9% trong số này được tái chế.

Cách xử lý túi ni lông

Rác thải nhựa tạo ra thách thức nan giải với môi trường. (Ảnh: Circular Solutions)

Phần còn lại được đưa vào các bãi chôn lấp, các cơ sở tái chế chất thải thành năng lượng hoặc xả thẳng ra môi trường, nơi chúng có thể gây hại cho động vật hoang dã bởi mất đến hàng trăm năm để phân hủy.

Canada đặt mục tiêu không còn rác thải nhựa vào năm 2030. Để đạt mục tiêu này, Canada ban hành lệnh cấm nhắm vào 6 loại vật liệu nhựa, một trong số đó là túi nilon dùng một lần - thứ vật dụng quen thuộc mà nhiều người Canada sử dụng để mua hàng tạp hóa và các loại hình mua sắm khác.

Theo số liệu của giới chức Canada, có tới 15 tỷ túi nilon được sử dụng mỗi năm ở nước này. Đây là một trong những nguồn rác thải nhựa lớn được tìm thấy trên các bờ biển. 

Cấm sử dụng túi nilon dùng một lần cũng là giải pháp được một số nước cân nhắc. Tuy nhiên, tìm vật liệu thay thế không phải vấn đề đơn giản. 

Nghiên cứu của CBC cho thấy có những chiếc túi làm bằng vật liệu có thể tái sử dụng như túi cotton hay túi giấy. Dù vậy, một túi giấy cần được sử dụng từ 4 - 8 lần để ít ảnh hưởng đến khí hậu hơn so với túi nhựa sử dụng một lần. Trong khi đó, một túi vải cotton cần được sử dụng từ 50 - 150 lần để có hiệu quả tốt hơn đối với môi trường.

Dưới đây là những vật liệu khả thi để thay thế túi ni lông dùng một lần đã trở nên quen thuộc với con người.

Túi vải cotton 

Túi vải cotton có tác động đến môi trường lớn hơn so với bất kỳ loại túi nào khác trong quá trình sản xuất do lượng năng lượng cần thiết để phát triển, tưới nước và bón phân cho bông (thành phần làm ra túi vải cotton) rất cao.

Tuy nhiên, túi vải cotton có độ bền đáng nể, có thể sử dụng hàng trăm, thậm chí hànng nghìn lần. Thay vì dùng hàng chục túi nilon mỗi tháng, con người có thể chỉ cần một túi vải cho vài tháng hoặc vài năm. "Độ bền của túi vải cotton làm nó trở nên thân thiện hơn nhiều so với môi trường", Tony Walker, phó giáo sư nghiên cứu môi trường tại Đại học Dalhousie ở Halifax, nhấn mạnh.

Cách xử lý túi ni lông

Túi vải cotton có độ bền lớn. 

Dùng túi vải cotton, đồng nghĩa con người có thể sử dụng một vật liệu với chức năng tương đương túi ni lông trong khoảng thời gian dài, mà số lượng sử dụng và xả thải chỉ bằng một phần nhỏ. 

Ngoài ra, túi vải cotton được làm từ nguồn tài nguyên có thể phân hủy khi hết tuổi thọ sử dụng, dù nghiên cứu của Liên hợp quốc năm 2020 cho thấy cách xử lý túi vải cotton đóng vai trò rất quan trọng. Việc đốt chất thải để làm túi vải cotton là giải pháp thân thiện hơn so với chôn lấp.

Túi giấy 

Theo chuyên gia Tony Walker, túi giấy có một số ưu điểm như ó thể phân hủy dễ dàng, có thể ủ thành phân hữu cơ hay tái chế thành giấy.

Dù vậy, cũng giống như vật liệu làm vải cotton, giấy đòi hỏi khá nhiều năng lượng để sản xuất, cần có các sản phẩm lâm nghiệp làm nguyên liệu thô và tốn nhiều nhiên liệu để vận chuyển hơn so với các nguyên liệu nhẹ khác.

Một nhược điểm lớn khác của giấy là độ bền thấp, dễ rách hơn nhiều so với túi nilon, do đó không thuận tiện để đựng những vật liệu nặng.

Tại Việt Nam, một số cửa hàng, cơ sở kinh doanh đã sử dụng túi giấy (hoặc khuyến khích khách hàng tự mang túi giấy) thay cho túi nilon, tuy nhiên, chưa có căn cứ nào đo lường được mức độ hiệu quả của giải pháp này tới môi trường. 

Cách xử lý túi ni lông

Túi giấy được sử dụg phổ biến ở một số cửa hàng. 

Túi nhựa dùng nhiều lần 

Một số nhà bán lẻ tại Canada cung cấp cho khách hàng các loại túi có thể tái sử dụng làm bằng vật liệu nhựa, đơn cử như polyethylene mật độ thấp (LDPE), polypropylene (PP), polyethylene terephthalate (PET) hay polyester. Một số cơ sở kinh doanh khác sử dụng loại thùng nhựa có thể tái sử dụng mà người mua có thể mang theo để đựng các mặt hàng.

Theo ông Walker, một chiếc túi có thể tái sử dụng, tái chế "là điều tuyệt vời, hơn là lãng phí nó bằng cách chỉ dùng một lần".

"Tuy nhiên, túi nhựa dùng một lần hay nhiều lần, nói cho cùng vẫn được làm từ sản phẩm nhiên liệu hóa thạch, nên sẽ phải xử lý rất cẩn thận khi không sử dụng nữa", ông Walker chia sẻ thêm. 

Túi sinh học 

Những chiếc túi này thường được quảng cáo là thân thiện với môi trường, nhờ khả năng phân hủy thành vật liệu vô hại nhanh hơn so với nhựa thông thường.

Song, ông Walker cho rằng thành phần làm nên những chiếc túi này không phải 100% có nguồn gốc sinh học như thực vật hoặc tảo, mà vẫn có hàm lượng khoảng 25% nguyên liệu làm từ các sản phẩm dầu mỏ. Do đó, loại túi này vẫn yêu cầu các điều kiện cụ thể để phân hủy ở cuối chu kỳ trong các cơ sở quản lý hoặc tái chế chất thải.

Theo ông Walker, ngay cả khi túi sinh học bị phân hủy, chúng vẫn có nguy cơ rò rỉ ô nhiễm vi nhựa ra môi trường, trừ khi chúng thực sự được làm 100% từ các nguyên liệu sinh học.

Bên cạnh đó, những chiếc túi sinh học cũng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường. Bởi quy trình sản xuất loại túi này đòi hỏi nguyên liệu từ thực vật, nếu giao đất để sản xuất lương thực phục vụ riêng cho loại túi này thì có thể gây ra tình trạng thiếu lương thực ở nhiều nơi trên thế giới.

"Để sản xuất túi sinh học, chúng ta phải đánh đổi bằng nguy cơ mất an ninh lương thực hoặc chặt phá rừng nguyên sinh để phục vụ nguyên liệu đầu vào. Loại túi này không phải thuốc chữa bách bệnh", ông Walker chia sẻ.