Căn cước công dân bao lâu thì có

Tương tự như Chứng minh nhân dân thì Căn cước công dân không có thời hạn vĩnh viễn, mà công dân phải đổi khi đến thời hạn nhất định. Vậy căn cước công dân có thời hạn bao lâu? Khách hàng quan tâm vui lòng theo dõi nội dung bài viết dưới đây để có thêm thông tin hữu ích.

Thời hạn của chứng minh nhân dân

CMND có giá trị sử dụng 15 năm. Mỗi công dân Việt Nam chỉ được cấp một CMND và có một số CMND riêng. Nếu có sự thay đổi hoặc bị mất CMND thì được làm thủ tục đổi, cấp lại một giấy CMND khác nhưng số ghi trên CMND vẫn giữ đúng theo số ghi trên CMND đã cấp.

Hết thời hạn 15 năm này, công dân sẽ phải thực hiện các thủ tục cấp đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chíp.

Thời hạn của thẻ căn cước công dân

Không giống thời hạn của CMND, thời hạn của CCCD được tính theo độ tuổi được quy định tại điều 21 Luật Căn cước công dân 2014:

Điều 21. Độ tuổi đổi thẻ Căn cước công dân

1. Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

2. Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định tại khoản 1 Điều này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Đối tượng được cấp thẻ Căn cước công dân

Theo Luật Căn cước công dân 2014, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp thẻ Căn cước công dân. Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ tuổi theo quy định. Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước tuổi quy định thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Ngoài ra, những ai đã có Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân mã vạch được đổi sang thẻ Căn cước công dân gắn chip khi có yêu cầu hoặc khi thẻ cũ hết hạn…

Lưu ý:

– Số thẻ căn Cước công dân có 12 số. Đây chính là mã định danh cá nhân của mỗi cá nhân. Mã này gắn liền với cá nhân từ khi sinh ra cho đến khi cá nhân chết đi, không thay đổi và trùng lặp với bất cứ người nào khác.

– Mã định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dùng để kết nối, cập nhật chia sẻ khai thác thông tin của công dân.

– Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Thủ tục Đổi thẻ Căn cước công dân

– Đổi thẻ Căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu.

– Thành phần hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:

+ Tờ khai Căn cước công dân (ký hiệu là CC01);

+ Phiếu thu nhận thông tin Căn cước công dân (ký hiệu là CC02).

+ Trường hợp thông tin không đầy đủ, thống nhất thì xuất trình Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân cũ hoặc các  giấy tờ hợp pháp khác về những thông tin cần ghi trong Tờ khai Căn cước công dân.

+ Thẻ Căn cước công dân cần đổi.

– Trình tự thực hiện đổi thẻ căn cước công dân

Bước 1: Công dân điền vào Tờ khai Căn cước công dân tại Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an cấp huyện hoặc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện (nếu đã triển khai) hoặc khai Tờ khai điện tử trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến.

Bước 2:

Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị công dân xuất trình Sổ hộ khẩu, trường hợp thông tin trên Sổ hộ khẩu chưa đầy đủ hoặc không thống nhất với thông tin công dân khai trên Tờ khai Căn cước công dân thì yêu cầu công dân xuất trình Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân cũ hoặc các giấy tờ hợp pháp khác về những thông tin cần ghi trong Tờ khai Căn cước công dân để đối chiếu. Trường hợp đã có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì kiểm tra thông tin công dân trên Tờ khai Căn cước công dân với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần đổi thẻ:

Cán bộ tiếp nhận hồ sơ thu lại thẻ Căn cước công dân.

Trường hợp công dân thông tin có sự thay đổi, chưa được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì yêu cầu công dân xác định thông tin chính xác và xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong Tờ khai Căn cước công dân.

Trường hợp đủ điều kiện, thủ tục thì tiến hành thu nhận vân tay, chụp ảnh chân dung của công dân, Phiếu thu nhận thông tin Căn cước công dân (mẫu CC02) chuyển cho công dân kiểm tra xác nhận thông tin, thu lệ phí theo quy định, in giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho công dân.

Trường hợp đủ điều kiện nhưng thông tin chưa đầy đủ, chính xác thì hướng dẫn công dân bổ sung hoặc kê khai lại. Nếu thiếu giấy tờ liên quan theo quy định thì hướng dẫn bằng văn bản cho công dân, ghi rõ nội dung cần bổ sung.

Trường hợp qua đối chiếu thông tin thấy không đủ điều kiện thì trả lại hồ sơ cho công dân và ghi rõ lý do vào Tờ khai Căn cước công dân.

Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ ngày lễ, tết).

Bước 3: Thời gian trả kết quả: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ ngày lễ, tết); nơi trả kết quả tại cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ hoặc trả qua đường bưu điện.

Căn cước công dân bao lâu thì có

Thời gian trả thẻ khi làm căn cước công dân gắn chíp (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại Điều 25 Luật Căn cước công dân 2014

Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Luật này, cơ quan quản lý căn cước công dân gắn chíp phải cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân gắn chíp cho công dân trong thời hạn sau đây:

Trường hợp cấp mới, cấp đổi:

- Tại thành phố, thị xã không quá 07 ngày làm việc;

- Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc;

- Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc.

Trường hợp cấp lại:

- Tại thành phố, thi xã không quá 15 ngày làm việc;

- Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc;

- Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc.

Lưu ý: Trên thực tế, vì số lượng người yêu cầu cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp quá lớn dẫn đến cơ quan thẩm quyền quá tải. Vì thế, thời gian trả thẻ căn cước công dân gắn chíp có thể kéo dài hơn so với Luật quy định.

02 cách nhận thẻ Căn cước công dân gắn chíp

Theo điểm e khoản 1 Điều 12 Thông tư 07/2016/TT-BCA ( được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 3 Điều 1 Thông tư 40/2019/TT-BCA):

“Cơ quan nơi tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, trả thẻ Căn cước công dân và số hộ khẩu (nếu có) theo thời gian và địa điểm trong giấy hẹn. Nơi trả thẻ Căn cước công dân là nơi làm thủ tục cấp thẻ; trường hợp công dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì công dân ghi cụ thể địa chỉ nơi trả thẻ tại Tờ khai căn cước công dân. Cơ quan nơi tiếp nhận hồ sơ trả thẻ Căn cước công dân tại địa điểm theo yêu cầu của công dân bảo đảm đúng thời gian và công dân phải trả phí dịch vụ chuyển phát theo quy định.”

Như vậy, người dân có thể nhận thẻ căn cước công dân gắn chíp qua 02 cách:

- Cách 1: Nhận trực tiếp tại nơi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp.

- Cách 2: Nhận thẻ qua bưu điện. Với cách này người dân cần ghi rõ địa chỉ nơi trả thẻ tại Tờ khai Căn cước công dân gắn chíp và khi nhận phải tự thanh toán phí chuyển phát. Trường hợp nhận thẻ qua bưu điện thì Công an vẫn phải đảm bảo đúng thời gian theo quy định.

Xem thêm:

>> Bộ Công an thông tin việc chậm trả căn cước công dân gắn chip cho người dân

Sai thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip người dân phải làm gì? Trình tự thủ tục như thế nào?

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 bắt buộc phải có CMND/CCCD gắn chíp không? Các quy định nào cần biết về việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT?

Được dùng Căn cước công dân gắn chip thay BHYT và rút tiền mặt tại ATM? Mức lệ phí cấp CCCD sẽ thay đổi như thế nào từ ngày 01/7/2022?

Trung Tài

HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN