Chiến tranh Vị Xuyên năm bao nhiêu?

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên-Hà Tuyên

Báo chí Việt Nam đưa tin, ngày 13/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các đại biểu Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên-Hà Tuyên ngay tại Phủ Chủ tịch.

Đây là hoạt động nhằm hướng tới kỳ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7, vẫn theo báo Việt Nam.

Lần gần đây nhất lãnh đạo nhà nước gặp gỡ chính thức các cựu binh chiến tranh biên giới được báo chí đưa tin đã cách đây tám năm.

Hồi tháng 7/2014, cũng tại Phủ Chủ tịch, ông Trương Tấn Sang khi đó là Chủ tịch nước đã tiếp 80 cựu chiến binh Sư đoàn 356, đơn vị lập nhiều thành tích bảo vệ biên giới phía Bắc tại các cao điểm thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang từ năm 1984 đến 1988.

Từ đó tới nay, đây mới là lần thứ hai hoạt động thăm gặp các cựu binh mặt trận Vị Xuyên diễn ra ở cấp lãnh đạo nhà nước, theo các nhà quan sát.

Ông Nguyễn Tấn Sang cũng được cho là nhân vật đầu tiên trong 'Tứ trụ' thắp hương cho các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới 1979 vào ngày 17/2/2016, gần một tháng sau Đại hội XII.

Không nêu đích danh Trung Quốc

Hàng loạt báo lớn ở Việt Nam như Quân đội Nhân dân, Lao động, Tin tức, báo Chính phủ đưa tin về sự kiện Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên.

Tuy nhiên, các bài viết trên những báo này không hề đề cập hay nhắc đến tên Trung Quốc.

Ví dụ, báo Quân đội Nhân dân có đoạn: "Chủ tịch nước bày tỏ cảm động gặp mặt các CCB (cựu chiến binh), trong đó có nhiều tướng lĩnh từng kinh qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đầy khốc liệt, lại tiếp tục nhận nhiệm vụ tham gia chỉ huy tác chiến và chiến đấu ở Mặt trận Vị Xuyên."

Bài viết Tuổi trẻ có tựa đề "" đăng ngày 12/7/2022 - kỉ niệm "giỗ trận Vị Xuyên" đầy xúc động cũng không nhắc đến tên Trung Quốc.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Các mũi tấn công chính của Trung Quốc vào Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới 1979

Một tài khoản Facebook chia sẻ bài báo của Tuổi Trẻ và bình luận: "Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thì nêu đích danh, còn mặt trận Vị Xuyên được cho là oanh liệt, giúp bảo vệ lãnh thổ nhưng chống ai thì không nói. Đọc báo Việt Nam về cuộc chiến này cứ như thể đó là một cuộc chiến tan vào hư không mà không biết ai là kẻ thù."

Việc truyền thông chính thống của Việt Nam không nêu đích danh Trung Quốc khi nước này có những hành động gây hấn, xung đột với Hà Nội đã từng xảy ra nhiều lần.

Chẳng hạn như với các sự kiện tàu Trung Quốc đâm các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, mặc dù vài năm gần đây có một số thời điểm báo chí đã nhắc hẳn tên Trung Quốc, nhưng bên cạnh đó cũng có hàng loạt vụ việc tương tự xuất hiện trên báo với từ 'tàu lạ', đặc biệt vào thời điểm vụ việc mới xảy ra, gây bức xúc trong dư luận.

Ví dụ, mới đây, hôm 6/6, trang có bài "Khẩn trương truy tìm tàu lạ đâm chìm tàu cá ngư dân Quảng Ngãi" về vụ va chạm trên biển khiến ba ngư dân Việt Nam chết và mất tích, năm người bị thương.

Nhà báo Huy Đức từng viết "tàu thì lạ nhưng sự hèn hạ thì quen" khi đề cập tới việc ngư dân Việt Nam phải sống với nỗi kinh hoàng vì những vụ đâm tàu như hải tặc này.

Bình luận với BBC News Tiếng Việt ngày 14/7, một nhà quan sát từ Việt Nam cho rằng, việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có buổi gặp gỡ chính thức như thế với các cựu chiến binh chiến đấu ở Mặt trận Vị Xuyên ngay tại phủ chủ tịch đã là một bước tiến bộ.

"Cách đây chừng 10 năm, tới ngày kỷ niệm thì không thấy nhắc, không thăm viếng, không báo chí. Bây giờ thì có nhắc tới, có tưởng niệm, có làm lễ cầu siêu, có thăm gặp, có báo chí.

"Nhưng trong bối cảnh hiện này thì báo chí vẫn chưa đề cập tên Trung Quốc vì nhìn chung, ảnh hưởng của Trung Quốc vẫn còn rất lớn đối với Việt Nam," người này nêu nhận định.

Trong bài viết trên trang , cuối bài có đề cập một chữ 'Trung Quốc' hiếm hoi, nhưng vẫn không gọi tên cuộc chiến đấu ở Mặt trận Vị Xuyên là chống ai, chỉ nói tới quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc và chủ trương ngoại giao:

"Đề cập hiện nay Việt Nam và Trung Quốc đang tích cực xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, phát triển, Chủ tịch nước mong muốn các cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động của Hội theo tôn chỉ, mục đích và quy chế hoạt động..."

Một nhà báo ẩn danh từ Việt Nam nói với BBC hôm 14/7 rằng các tòa soạn không chính thức nhận được thông báo hay bị kiểm duyệt gì về việc đưa tin sự kiện này cũng như việc nhắc tên Trung Quốc.

"Tôi nghĩ hầu hết do tự kiểm duyệt mà ra, các tờ báo tự sợ là chính với câu nói quen thuộc: Vì đại cục nên các đồng chí cân nhắc".

Trao đổi với BBC hôm 14/7, ông Phạm Viết Đào, tác giả ba cuốn Biên khảo "Vị Xuyên & Thế sự Việt-Trung", bình luận:

"Theo tôi, chủ yếu là người viết - cả nhà báo lẫn nhà văn không được động viên, không được cởi trói. Không phải ai cũng liều đi tù như tôi để viết sách. Và người ta phải tâm huyểt phải dày công suy nghĩ thu thập mới viết được một cuốn sách. Hiện nay đến Đảng và nhà nước còn né thì nhà văn nước mình cứ viết theo chỉ đạo, theo đường lối cho nó lành...nên dẫn tới tình cảnh không dám chỉ mặt, gọi tên Trung Quốc,"

Nguồn hình ảnh, Hình do ông Phạm Viết Đào cung cấp

Chụp lại hình ảnh,

Nhà văn Phạm Viết Đào (bên trái) gặp gỡ Giáo sư Hirohide Kurihara, nhà Việt Nam học, người Nhật Bản (bên phải) để tìm hiểu về "Vị Xuyên & Thế sự Việt-Trung" (tháng 5/2019, tại Hà Nội)

Nhà văn cũng nhận xét, tuy có những thay đổi như nghĩa trang Vị Xuyên đã được tu sửa khang trang hơn, nhưng cuộc gặp giữa ông Phúc và Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên-Hà Tuyên "chưa thực sự giải quyết được vấn đề lịch sử. Vấn đề chiến tranh biên giới đó giờ báo chí vẫn né tránh, không gọi tên."

Cụ thể, nhà văn ghi nhận trong buổi gặp gỡ các cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên ngày 26/12/2018, tướng Nguyễn Văn Huy báo cáo đã làm việc với Bộ chính trị và Ban Bí thư về việc đề nghị Đảng và Nhà nước tổ chức tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang cho những đơn vị, cá nhân có thành tích đặc biệt…Trong buổi gặp gỡ này, tướng Huy cũng :

"Trước nay có nhiều ý kiến, nhiều người nói cuộc chiến tranh khu vực biên giới Việt-Trung nói thế là không chính xác; Phải nói đây là cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược."

Cũng theo ghi nhận của ông Xuân Đào tại sự kiên trên, tướng Nguyễn Văn Huy thông báo, Tổng Cục chính trị có công văn trả lời Ban liên lạc về vấn đề tuyên dương:

"Hiện nay Đảng và Nhà nước mới có chủ trương tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong hai kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Chưa có chủ trương tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang đối với các đơn vị chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc; Chúng tôi đã có ý kiến với Tổng Cục chính trị, sắp tới chúng tôi sẽ làm kiến nghị: Ba, bốn mươi năm rồi mà chưa có chủ trương thì đợi tới cái thời nào…"

Tác giả cho biết, bộ ba cuốn sách về sự kiện lịch sử này được nhiều độc giả ở trong nước, châu Âu và Mỹ ủng hộ, chứng tỏ người dân nói chung vẫn rất muốn hiểu rõ về sự kiện này:

"Tôi tự in sách, tự phát hành và gửi tới mọi người qua bưu điện dưới dạng tặng cho họ. Thời kỳ đầu người ta giám sát người mua nhưng không có cớ gì tịch thu, mất thì bưu điện phải đền nên sách vẫn đến tay người đọc."

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Những người biểu tình chống Trung Quốc mang theo biểu ngữ tham gia các cuộc tuần hành quanh Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, không chính thức đánh dấu kỷ niệm lần thứ 37 cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu với Trung Quốc ngày 17/2/1979. Những hoạt động quần chúng bày tỏ thái độ chống Trung Quốc như thế này thường không được chính phủ Hà Nội khuyến khích vì e ngại ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Vấn đề 'thường bị né tránh'

Ngày 16/2/2022, trên trang Facebook cá nhân, ông Huy Đức viết bài "Biên giới tháng Hai & phương Bắc" có đoạn:

"Cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới, kéo dài hơn mười năm đã cướp đi sinh mạng hoặc một phần cơ thể của hàng vạn thanh niên thuộc thế hệ chúng tôi (sinh trong các thập niên 1950s, 1960s); đồng thời làm khánh kiệt quốc gia và nhấn chìm vị thế của người Việt Nam xuống đáy."

"Thật là xấu hổ khi kể từ sau Hội nghị Thành Đô, cuộc chiến tranh Biên giới tháng 2/1979 đã dần bị lãng quên. Bài báo đầu tiên trên báo nhà nước, Biên Giới Tháng Hai, nhắc lại sự kiện này, đưa lên Sài Gòn Tiếp Thị chỉ sau vài tiếng đã bị tuyên giáo bắt gỡ xuống (2-2009). Các lễ dâng hương viếng hương hồn các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc này thường bị né tránh. Nhiều 17/2, chúng tôi đi trên các nẻo đường Biên giới mà mồ liệt sĩ không có một nén hương..."

"Dân chúng không bao giờ tha thứ cho những ai hèn hạ. Nhưng dân chúng đã phải trả giá rất đắt với những nhà lãnh đạo chỉ muốn làm người hùng. Dân chúng cần những bộ óc chiến lược, hiểu lòng dân mà không tạo cơ hội cho những âm mưu đến từ phương Bắc." bài viết ghi.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đón tiếp Đặng Tiểu Bình tại Washington vào cuối tháng Giêng 1979, trước khi tấn công Việt Nam

Hồi tháng 2/2021, trao đổi với BBC, nhà nghiên cứu, giảng viên lịch sử Đinh Kim Phúc đề xuất:

"Nhà nước cũng cần phải có một ngày chính thức để tưởng niệm tất cả anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống cho sự nghiệp bảo vệ đất nước trong thời kỳ hiện đại sau năm 1975, chứ không chỉ không chỉ ngày 27/7 thương binh liệt sỹ nói chung. Cần có ngày dành riêng cho cuộc chiến 1979, để tượng niệm những chiến sỹ đã hi sinh xương máu giữ gìn độc lập đất nước trước họa phương Bắc từ quân xâm lược Trung Quốc."

Chiến tranh biên giới phía bắc 1979, hay còn gọi là Chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979, là một cuộc chiến ngắn diễn ra từ 17/2 đến 16/3/1979.

Tuy nhiên, dù chưa đầy một tháng, các nhà nghiên cứu và quan sát vẫn nhận định đây là cuộc chiến khốc liệt giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trên thực tế, cuộc chiến kéo đã dài suốt 10 năm sau đó, khi Trung Quốc vẫn duy trì nhiều sư đoàn, trung đoàn độc lập áp sát biên giới lấn chiếm lãnh thổ, biến Việt Nam thành thao trường.

Cuộc chiến được Việt Nam gọi là Chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc 1979 hay Cuộc chiến chống bè lũ bành trướng phương Bắc. Còn phía Trung Quốc gọi là Chiến tranh đánh trả tự vệ trước Việt Nam.

Nó gắn liền với tuyên bố nổi tiếng của Chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi đó là "phải dạy cho Việt Nam một bài học".

Cho đến nay hai nước Trung Quốc và Việt Nam vẫn chưa công bố toàn bộ các con số thương vong, theo giới quan sát quốc tế.

Trung Quốc chỉ thừa nhận có 7.000 quân tử vong và 15.000 bị thương nhưng các nguồn Phương Tây ước tính có 28.000 quân Trung Quốc bị giết và 43.000 bị thương.

Phía Việt Nam không nói số thương vong trong quân đội nhưng nói nhiều về số , theo nhà sử học quân sự Peter Tsouras.

Trong khi đó, theo thống kê của Ban liên lạc cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên, từ năm 1984 đến 1989 hơn 4.000 bộ đội Việt Nam hy sinh, hàng nghìn người bị thương, hơn 2.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt.