Cửa thần phù ở đâu

Hạ lưu sông Ðáy, đất Ninh Bình đầu thế kỷ 11, đến chùa Ðông Hải - chùa Thiên Ðô, còn nghe sóng vỗ. Phía trước trông xa bóng Hòn Nẹ, Thần Phù, núi An Tiêm, động Từ Thức... Dải núi có hang động kéo dài địa mạch Tam Ðiệp - Biện Sơn, mục đầu của dãy Trường Sơn. Chúng tôi về Nga Sơn thăm căn cứ Ba Ðình, nơi tụ nghĩa dưới cờ Cần Vương của Lãnh binh Ðinh Công Tráng, (quê Nham Tràng, Thanh Liêm, Hà Nam), thời đầu kháng Pháp, rồi thuê thuyền, tìm vào nơi phát tích câu ca:

Lênh đênh qua cửa Thần Phù

Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm...

Ðủ biết, thời ấy sóng dữ, réo quanh ngọn núi có chữ 'Thần', thủ bút của chúa Trịnh Sâm (1771) đánh dấu mốc cửa biển Thần Phù, nay 'Cửa Thần' đã yên vị trong đất liền (xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Biển mênh mông bãi ngang vốn nông, lại không có dòng hải lưu chảy qua, phù sa sông Hồng, sông Thái Bình trườn theo hướng Ðông Bắc - Tây Nam, được núi che chắn sóng, làm cho mặt biển khá êm, lại gặp lúc trời yên gió thuận chỉ vài ngày đoàn dời đô vượt biển an toàn, còn địa lợi đến thời nay cho ta mở những khu nghỉ mát, du lịch...

Sông cũ đổi dòng, thắt cổ bồng ôm trọn miền đất sa non mơn mởn như dáng nàng tiên nữ uốn mình trước biển. Cát ngấy mặn, nơi có thứ rau Quan Âm, hạt tám thơm, nếp cái hoa vàng ta chỉ được thưởng thức vào dịp lễ Tết cổ truyền. Nhớ ngày về thăm nông trường Rạng Ðông, gặp cán bộ, chiến sĩ miền nam tập kết ra bắc, đang ngày đêm đắp đê lấn biển, trồng cói, cấy lúa. Ðêm văn nghệ đoàn kết Bắc - Nam, tôi xúc động đọc bài thơ tặng các chiến binh anh hùng phương nam: Sông thắt cổ bồng xòe nếp váy/ Vòng eo hoa lý nước non mình/ Sông Ðáy, sông Ninh chùng dải lụa/ Gió quẩn theo chân gái Ðông Bình./ Ai bảo đất này như hũ rượu/ Cất bằng men ruộng nếp Quần Liêu/ Ta bảo đất này như chiếc đó/ Ðơm cả khơi xa, nhịp thủy triều/ Ai bảo đất này như sanh cói/ Dệt vừa cả nước chiếu gường đôi/ Ta bảo đất này như hạt tám/ Thơm thảo lòng dân tự mấy đời... Ðừng ví von nhiều e chẳng đủ/ Mười năm một xã biển cho người/ Ðầu sóng Cồn Mờ vừa lấp ló/ Rạng Ðông chừng đã bớt xa xôi (Miền Hạ)...

Vịnh biển ấy, năm Thiên Cảm Thánh Vũ thứ nhất (Giáp Thân 1044), vua Lý Thái Tông xuất quân chinh phục Chiêm Thành qua cửa Ðại Ác. Giai thoại còn ghi, vua tôi nhà Lý được Áp Lãng Chân Nhân trợ giúp, sóng yên, bể lặng, ngài đổi tên là cửa Ðại An, nay thuộc tỉnh Nam Ðịnh.

Thuyền quân đưa vua Lý và tướng sĩ trở về kinh đô theo mạch sông Hồng, đến hành điện Lý Nhân (xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), nơi này bao lần đón nhà vua nghỉ khi đi kinh lý bên ngoài, khi về cày ruộng tịch điền, xem dân gặt lúa...

Hai thế kỷ sau, tháng Chạp năm Tân Hợi (1311), Trần Anh Tông xuất chinh đường biển, vỗ yên biên thùy phía nam. Có lẽ từ đó con đường du lịch biển Việt Nam mở ra tự thời trung đại. Bình yên trở về, ngài ghé thuyền thăm núi An Tiêm - Sự tích trái dưa thời Hùng Vương, lại thăm động đá tương truyền nơi Từ Thức gặp Tiên... Thuận buồm, ghé thăm Dục Thúy Sơn, ứng tác bài thơ 'Ðánh Chiêm Thành về đậu thuyền cửa biển Phúc Thành', đủ biết thời đó, đất thành phố Ninh Bình vẫn được coi là cửa biển. Huyện Kim Sơn, mãi tới năm Minh Mệnh thứ 10 (1830) mới được lập do công Nguyễn Công Trứ.

Bờ biển Nam Ðịnh dài 72 cây số, công đầu khai khẩn thuộc các quý tộc nhà Trần. Trưởng công chúa Thái Ðường, con vua Trần Thái Tông, được vua cha hạ giá gả cho Hầu tước Vũ Tính quê Lục Ngạn (Bắc Giang). Tướng Vũ Tính tham gia trận đánh quân Nguyên ở ải Nội Bàng. Chồng mất, công chúa xin triều đình cho về khai khẩn đất Bắc Hà - Thi Liệu (xã Ðại Thắng, huyện Vụ Bản), giờ chỉ cách thành phố Nam Ðịnh non chục cây số. Làng mới do công chúa lập có trại thủ (đầu làng), trại vỹ (cuối làng), còn có cả soi chợ (bãi chợ), bãi phơi lưới...

Bãi biển nương dâu, đến thời Lê mới thấy các vị liệt tổ xứ Quần Anh (huyện Hải Hậu), tìm đến khai hoang lập ấp. Theo thư tịch 'Ðịa án tư điền thế nghiệp' do các liệt tổ tâu trình lên triều đình vua Lê, xin khai thác bãi bồi Lạch Lác, ghi rõ mốc giới tứ cận. Theo đó, phương Ðông trông ra Núi Nẹ, Thần Phù. Phương Nam: 'Quán vu thập bát xích thủy thâm', có nghĩa là mốc giới biển tới độ sâu 18 sải nước thềm lục địa, vẫn thuộc giang phận Quần Anh...

Còn đất Thái Bình, thời Ðinh - Tiền Lê cũng ầm ì sóng biển. Bố Hải Khẩu (thành phố Thái Bình), nơi đóng quân của tướng Trần Minh Công (một trong Mười hai sứ quân). Theo 'Bùi gia thế trạch', (gia phả họ Bùi), mô tả thời đó, Bố Hải hoang vu, bãi lầy sú vẹt thành rừng, sông lớn chảy qua có thuồng luồng, cá độc, lại có trại Phương Man của người Chiêm Thành sinh sống (nay xã Thụy Dũng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình)... Từ năm 1828, cư dân các ngả từ Kiến Xương, Vũ Thư, cả dân tỉnh Nam Ðịnh, Hà Nam,... lưu tán vì các trận hồng thủy, tìm đến khẩn hoang, lập ra những lý, giáp, hình thành đất đai huyện Tiền Hải, (Tiền Hải có nghĩa là đất trước biển)...

Ôn cố tri tân, để hình dung bãi biển thuở xưa từng là một cung đường do Thiên Ðô tiên phong tướng quân Ðào Cam Mộc dong thuyền dời đô mùa Thu năm Canh Tuất (1010). Ðâu phải không gặp trở ngại, nhưng do chuẩn bị kỹ, đoàn thuyền hơn trăm mũi giương buồm, thuận gió, kíp lên thành Ðại La, nơi kinh đô mới. Thế mà đã nghìn năm qua...

----------------

Tham khảo 'Lịch sử Ðảng bộ Thái Bình', NXB Chính trị Quốc gia 2000. 'Quần Anh dấu xưa mở đất' Hội VHNT Nam Ðịnh 2003.

    Thần Phù vào khoảng thế kỷ thứ x còn là một cửa biển hiểm yếu. Nơi đây đã phát tích câu ca dao: “ Lênh đênh qua cửa Thần Phù, Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm”. Thuyền bè xưa qua cửa Thần Phù nơi có dòng nước xoáy rất nguy hiểm, câu ca nói đến việc chèo lái con thuyền cuộc đời qua cửa biển trần gian. Từ việc chèo lái thuyền, dân gian muốn ẩn ý đến việc tu nhân tích đức. Tu là sửa, tu nhân là sửa mình vì“nhân vô thập toàn”. Người biết sửa mình mới là người ngoan. Lịch sử về cửa biển Thần Phù để lại không nhiều nhưng qua một số tư liệu sử sách cổ quý giá và những huyền thoại lưu truyền trong dân gian cũng đủ chứnh minh cửa biển Thần Phù là một địa danh nổi tiếng. Xin được điểm lại một vài sự kiện chính liên quan đến cửa biển này.

Cửa thần phù ở đâu

Cửa Thần Phù

​    Sách “ Khâm định Việt sử thông giám cương mục” viết rằng: “ Ngô Nhật Khánh (?- 979) là bà con của Ngô Tiên Chúa (Ngô Quyền). Trước kia Ngô Nhật Khánh từng xưng là An Vương, cùng trong Mười hai sứ quân giữ đất tranh hùng. Khi Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp được Ngô Nhật Khánh rồi, bèn lập mẹ của hắn làm Hoàng Hậu, hỏi em gái của hắn cho con mình là Nam Việt Vương Đinh Liễn, lại gả Công chúa Phất Kim cho hắn nữa. Thế mà Ngô Nhật Khánh vẫn không bớt oán hờn. Hắn dẫn vợ là Công chúa của Đinh Tiên Hoàng đi trốn. Tới cửa biển Nam Giới (Tức là cửa Sót, nằm ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hà Tĩnh) hắn rút dao bên mình ra rạch mặt vợ mà kể tội: Cha mày đã lừa gạt để ức hiếp mẹ con ta. Ta có đâu lại vì mày mà bỏ qua tội ác của cha mày. Thôi mày hãy trở về, ta sẽ một thân một mình đi tìm ai có thể cứu được ta đây. Nói rồi Ngô Nhật Khánh chạy sang Chiêm Thành. Sau, nghe tin Đinh Tiên Hoàng mất (979), Ngô Nhật Khánh dẫn quân Chiêm Thành, theo đường biển mà vào cướp phá. Chẳng dè, khi quân của chúng qua cửa biển Đại Nha và cửa biển Tiểu Khang ( cửa biển Thần Phù ) thì phong ba nổi lên, nhận chìm hết tất cả thuyền bè, Ngô Nhật Khánh bị chết đuối. Chúa Chàm ( Tức vua Chiêm Thành) may được thoát nạn, thu nhặt tàn quân mà chạy về”.Thế mới hay lưới trời lồng lộng thưa mà khó thoát. Dù Ngô Nhật Khánh có thoát được sự trừng phạt của triều đình nhà Đinh bởi tội phản phúc của mình thì cũng không thể thoát được sấm chớp, bão giông của đất trời, biển cả về tội phản quốc, hại dân để mưu cầu lợi ích cá nhân. 

    ​Nguyễn Trãi (1380-1442) đã từng qua biển Thần Phù nhìn thấy cảnh núi non hiểm trở, sóng biển dữ dội nơi đây mà cảm khái thương tiếc cho sự ngiệp đổi mới xây dựng đất nước của nhà Hồ trong thời gian ngắn đã thất bại trong cuộc kháng chiến chống xâm lược của giặc Minh “Anh hùng di hận cửu thiên niên” (Anh hùng để hận đến mấy ngàn năm). Đặc biệt ở bài“ Thần Phù hải khẩu” ( Cửa biển Thần Phù) “ Thiên địa đa tình khôi cự tẩm, Huân danh thử hội tưởng đương niên” (Trời đất đa tình mở vụng biển lớn,Công danh gặp hội ấy nhớ ngàn năm). Nguyễn Trãi nhớ đến công lao của người anh hùng Hồ Quý Li.

​    Vào năm 1044, vua Lý Thái Tông (1000-1054)đem quân chinh phạt Chiêm Thành đến biển Thần Phù bị sóng to, gió cả không đi được. May nhờ đạo sĩ Áp Lãng dẹp yên sóng dữ. Khi chiến thắng trở về nhà vua tìm đạo sĩ thì ông đã mất. Vua bèn phong cho ông là Áp Lãng Chân Nhân ( Người dẹp yên sóng dữ ). Nhân dân quanh vùng biết ơn ông lập đền thờ để ghi ơn công trạng. Làng Phù Sa có hai ngôi đình cùng tọa lạc trên một mảnh đất. Đây là hai ngôi đình duy nhất ở vùng này còn giữ nguyên được nét hoa văn, kiến trúc tài hoa thời Lê cùng kiệu, đồ thờ tế lễvà những hiện vật cổ quý hiếm. Đình Nam thờ Triệu Việt Vương (524-571), người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Lương Trung Quốc. Đình Đông thờ ngài Áp Lãng Chân Nhân. Cả hai ngôi đình này đã được Bộ Văn hóa cấp bằng “ Di tích Lịch sử quốc gia” (1999). Đền Nhân Phẩm là ngôi đền cổ, hiện vẫn còn nguyên vẹn cũng thờ thần Áp Lãng Chân Nhân.

Cửa thần phù ở đâu

Đình Phù Sa: đây là một di tích văn hóa ở cửa biển Thần Phù được xếp hạng di tích quốc gia.

Đình thờ Triệu Việt Vương

Cửa thần phù ở đâu

Đền Ấp Lãng: là đền thờ Ấp Lãng Chân Nhân. Đền thuộc thôn Yên Phẩm xã Yên Lâm. Đây là ngôi đền cổ có kiến trúc đơn giản, giống một ngôi nhà cổ. Lễ hội đền diễn ra vào ngày 6/1 âm lịch hàng năm.

​    Đến năm 1472, vua Lê Thánh Tông(1442-1497) cử đại thần Lê Niệm chiêu mộ nhân dân trong vùng quai đê chắn sóng biển, tạo ấp điền, làng mạc. Đê Hồng Đức được đắp bằng đá trộn đất sét cao, to, rộng, dài khoảng 50 km. Đê bắt đầu từ thôn Nhân Phẩm chạy qua các thôn xã như: Phù Sa, Đông Đoài, Càn thôn, Côi Trì ( Yên Mô ); Duyên Phúc, Cống Thủy, Nhuận Ốc, Bồng Hải ( Yên Khánh ); Đại Đê, Quỹ Đê, Liễu Đê ( Nghĩa Hưng ) và điểm cuối là Quần Anh, Hội Khê ( Hải Hậu ). Hiện nay dấu tíchđê Hồng Đức vẫn còn ở một số nơi.

​    Thế mới biết cửa biển Thần Phù qua bao nhiêu biến thiên lịch sử vẫn giữ nguyên một chữ “ THẦN ” trên vách đá. Có lẽ thiên địa sinh ra Thần Phù để núi non, biển cả, sóng gió ngàn đời khắc sâu, nhắc nhở,cảnh báo cho con người trước mọi đổi thay của thời thế. Ngày nay biển đã lùi xa hàng chục km nhường chỗ cho những xóm làng trù phú, cư dân đông đúc với cuộc sống thanh bình nhộn nhịp. “ Điện, đường, trường, trạm dựng xây, Khu công nghiệp giày da may liên hoàn . Nhà Văn hóa đẹp khang trang, Quê hương đổi mới đàng hoàng đẹp thay ! ”… Vùng cửa biển Thần Phù có loại gạo tám thơm, nếp cái hoa vàng thường được dùng vào dịp lễ tết cổ truyền. Nơi đây còn có một đặc sản rượu Yên Lâm nổi tiếng thơm ngon cùng với nem Yên Mạc (Yên Mô) đã trở thành những món ăn ẩm thực lừng danh khắp vùng “ Nem Yên Mạc níu chân người, Yên Lâm bầu rượu một đời tìm nhau”.

Cửa thần phù ở đâu

Chữ “Thần” bằng hán tự xuất hiện trên núi Thạch Bi

​    Yên Lâm là một xã  nằm ở phía Đông Bắc dãy núi Tam Điệp nơi tận cùng của huyện Yên Mô. Đảng bộ Yên Lâm có bề dày truyền thống đấu tranh và xây dựng với 70 năm tuổi Đảng. Là  xã nghèo về tiềm năng nhưng chỉ trong một thời gian  không dài, Đảng bộ và chính quyền  nhân dân đã huy động được nguồn lực để xây dựng Nông thôn mới đạt trên 328 tỉ đồng trong đó nhân dân đóng góp trên 129 tỉ đồng. Qua hai cuộc kháng chiến anh dũng chống ngoại xâm của dân tộc và công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc, xã Yên Lâm đã được Nhà nước truy tặng 4 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, ghi nhận 280 người có công với Cách mạng và được tặng thưởng 822 Huân chương các loại. Đặc biệt, Đảng bộ, quân, dân Yên Lâm rất vinh dự, tự hào đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu: “ Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân” ( 2005 ). Yên Lâm cũng đã phấn đấu được công nhận là xã Nông thôn mới ( 2017 ).

​Quả là “ Danh bất hư truyền ”!

​Xuân Kỷ Hợi 2019

Phạm Xuân Quyết