Đại hội 13 dự kiến tháng 1 2023

  • Tiến sỹ Vũ Cao Phan
  • Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội

12 tháng 1 2021

Đại hội 13 dự kiến tháng 1 2023

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị cho kỳ Đại hội 13 dự kiến khai mạc vào hạ tuần tháng Giêng 2021

Việt Nam vừa đi qua một chu kỳ phát triển 10 năm (cùng kế hoạch 5 năm) và đang bước vào chu kỳ mới.

Không đạt các mục tiêu chiến lược vì các nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng những gì có được cũng xứng đáng để gọi thành công.

Việt Nam đã xử lý kiên quyết, chặt chẽ và ngay từ đầu với đại dịch COVID-19, nhờ đó hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất. Như là một thắng lợi kép, Việt Nam đã phát triển kinh tế trở lại trong khi thế giới còn đầy rẫy khó khăn.

Kết quả là, Việt Nam vượt qua Singapore và Malaysia để vào tốp 4 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, thậm chí Quỹ tiền tệ Quốc tế (IFM) còn cho rằng Việt Nam đã ở trong top 3, vượt qua Philippines về mức độ thịnh vượng, và cả về tổng sản phẩm quốc nội lần thu nhập tính theo đầu người. Tờ Philstar (Philippines) cho đó là một cú giáng đôi (đối với nước này).

Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) còn dự báo với khả năng hồi phục và bật dậy nhanh chóng sau Covid-19, Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2023 và là nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á sau Indonesia vào năm 2035. Cũng là thời điểm Việt Nam sẽ vượt qua Đài Loan, theo JCER.

Đấy không phải là sự so sánh quá lạc quan. Điều mà chúng tôi thấy được là Việt Nam đã không bị hụt hơi do hoàn cảnh và đó là tin tốt đối với một nền kinh tế vốn và vẫn còn đang ở trình độ thấp.

Để đổi mới không chỉ là khẩu hiệu

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Để có sự phát triển với chất lượng trong chu kỳ mới, Việt Nam cần có thêm các nỗ lực và đổi mới, theo tác giả

Phải thừa nhận một số ngành khoa học - công nghệ như chế tạo, thông tin viễn thông đã có những bước nhảy nhưng nhìn chung lĩnh vực này vẫn giữ khoảng cách với nhóm các nước dẫn đầu Đông Nam Á, đặc biệt là Đông Á.

Thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Cố thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu từng có một phát biểu (và là một phát kiến?) đáng chú ý. Ông cho rằng các nước Đông Bắc Á có tư duy sáng tạo còn các nước Đông Nam Á có khả năng kỹ thuật. Dù sau đó ông còn có những ý kiến khác về Việt Nam nhưng phát biểu ấy đã khiến tôi ám ảnh. Nhất lại là suốt chặng đường phát triển vừa qua, Việt Nam giống như một minh chứng.

Đánh giá chặng đường 10 năm qua, các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội 13 của Đảng đã thừa nhận khoa học, công nghệ chưa là động lực cho phát triển. Nhưng cho 10 năm tới? "Phát triển nhanh khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo là động lực chính của tăng trưởng kinh tế" cùng một lô động từ "đổi mới" tiếp sau đó thì cũng chỉ là khẩu hiệu.

Nên chăng thành lập một Hội đồng khoa học - công nghệ trực thuộc Thủ tướng Chính phủ, gồm những người như ông Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và một số người khác. Và muốn phát triển khoa học và công nghệ, cần lắm một hệ sinh thái đi cùng.

Tôi chỉ xin nêu một ví dụ. Thành thị, gắn với các cụm công nghiệp, luôn là môi trường của khoa học, công nghệ. Thậm chí là môi trường tiên khởi. Phải thừa nhận trên thực tế, tốc độ đô thị hóa ở nước ta còn chậm, không đúng với nhận định vừa đề cập ở trên về phát triển nhanh và đổi mới KH-CN là động lực.

Từ nhận định ấy, đề ra chỉ tiêu "tỉ lệ đô thị hóa tăng lên 50%" (thêm 10%) trong 10 năm tới là thấp. Và cũng cần phải thừa nhận nữa là tăng chậm nhưng lộn xộn, rất lộn xộn từ nội đô đến ngoại ô, trong phạm vi một đô thị đến cả nước. Cần một cơ cấu để quy hoạch và quản lý vấn đề này, một vấn đề có tư cách hệ sinh thái của khoa học - công nghệ.

Nhân sự vẫn luôn quan trọng cho Đại hội

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tiếp đón Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 27/02/2019 tại Văn phòng Chính phủ

Ở Đại hội Đảng lần nào, vấn đề nhân sự cũng quan trọng. Nó thường được thảo luận tại những kỳ họp cuối cùng của khóa trước là vì vậy. Mỗi nhiệm kỳ thông thường được thiết kế 14 Hội nghị Trung ương.

Đã có một nhiệm kỳ trước đây, nhân sự được giới thiệu ra Hội nghị TW 14 bị bác hàng loạt nên phải tổ chức thêm một Hội nghị vớt gọi là Hội nghị TW 14 rưỡi. Đặt thêm danh "Hội nghị TW 15" về sau này có lẽ là vì vậy.

Quan trọng nhất là nhân sự lãnh đạo: Chức danh Tổng bí thư và các chức danh được chuẩn bị cho phía Nhà nước: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

Ở một nhiệm kỳ cũng không xa là mấy, chức danh Tổng bí thư và Thủ tướng rơi vào tay những vị vừa kém tài lại thiếu đức (Vị Tổng bí thư lúc ấy từng tuyên bố một câu nhớ đời: "Trước khi làm bất cứ việc gì, chúng ta phải xem trong trường hợp ấy Bác Hồ đã xử sự hay hành động thế nào". Không biết chính ông có làm vậy được không?).

Hệ quả là đất nước đã có một thời kỳ phải nói thẳng là phát triển ì ạch. Và đó là kinh nghiệm để chúng ta xem xét.

Cũng đã đến lúc không thể duy trì tư duy vùng miền khi tìm kiếm lãnh đạo. Tư duy ấy không phải là điều kiện cần và cũng không phản ánh năng lực thật.

Ở một chu kỳ phát triển mới rất quan trọng của Việt Nam (2021 - 2030) cũng là để đáp ứng hy vọng của thế giới, chúng ta cần tìm được những nhà lãnh đạo có năng lực và tâm huyết.

Ở cương vị Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã chứng tỏ một nhiệm kỳ làm việc đáng khen ngợi, đưa đất nước vượt qua rất nhiều khó khăn, đạt được kết quả được cả thế giới thừa nhận với tác phong năng nổ, sâu sát, luôn xuất hiện ở những thời điểm cần thiết của công việc và trách nhiệm.

Ông là một trong số những Ủy viên Bộ Chính trị đã vượt quá hạn tuổi theo quy định (không nhiều). Nhưng với sức khỏe có thể thấy, tôi cho rằng ông xứng đáng và phải được giữ lại, thậm chí ở cương vị cao nhất của Đảng.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà nghiên cứu chính trị từ Hà Nội.