Đánh giá bộ 150 câu sát hạch lý thuyết năm 2024

Đo lường kết quả học tập bằng trắc nghiệm khách quan đang được sử dụng phổ biến ở nhiều cấp học và loại hình đào tạo. Riêng trong đào tạo lái xe hiện nay, sau khi kết thúc khóa học, người học phải trải qua kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe với hai phần lý thuyết và thực hành. Phần sát hạch lý thuyết, chủ yếu về pháp luật giao thông đường bộ, sử dụng loại trắc nghiệm nhiều lựa chọn với bộ 150 câu hỏi cho mô tô và bộ 450 câu hỏi cho ô tô. Tuy nhiên, cả hai bộ câu hỏi này còn có một số vấn đề chưa phù hợp với yêu cầu đo lường kiến thức và kỹ năng của người học. Và với cách học thiếu tích cực như hiện nay sẽ khiến cho sau khi đạt sát hạch, người học có thể chỉ có được hiểu biết ít ỏi về pháp luật giao thông đường bộ. Do vậy, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dạy học và sau đó là đến ý thức chấp hành pháp luật giao thông, vấn đề bức xúc của toàn xã hội hiện nay. Ví dụ, tại Hà Nội, chỉ trong ngày 18/7/2013, đã có 1.050 trường hợp vi phạm, 103 giấy phép lái xe bị tước, chủ yếu là với các lỗi vi phạm dễ nhận thấy như sai phần đường, vượt đèn đỏ, dừng đỗ, đi vào đường cấm, vượt sai quy định và không đội mũ bảo hiểm.

2. Trắc nghiệm khách quan và bộ câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn

Trắc nghiệm khách quan là hình thức trắc nghiệm viết với năm loại câu hỏi là câu hỏi ghép đôi, câu hỏi điền khuyết, câu hỏi đúng hoặc sai, câu hỏi nhiều lựa chọn và câu hỏi thí sinh tự tạo đáp án. Trắc nghiệm khách quan được sử dụng phổ biến do có nhiều ưu điểm hơn so với các hình thức khác như vấn đáp, quan sát, tự luận. Đặc biệt là đánh giá được người học ở nhiều cấp độ tư duy khác nhau. Loại câu hỏi nhiều lựa chọn là loại câu hỏi được sử dụng chủ yếu vì có cấu trúc đơn giản và dễ tổ hợp thành bài thi, dễ chấm điểm bằng tay hoặc bằng máy vi tính.

Theo tác giả Lâm Quang Thiệp, cấu trúc của loại câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn bao gồm câu dẫn và 4-6 phương án lựa chọn, trong đó có một và chỉ một đáp án, các lựa chọn còn lại gọi là phương án nhiễu. Mục đích của việc có nhiều phương án lựa chọn là để giảm sự “đoán mò”, người trả lời có xác suất đúng từ 18-25%. Các phương án nhiễu phải gây nhiễu được, tức là phải có vẻ cũng đúng như đáp án.

Đồng thời, tùy theo yêu cầu lượng giá mà câu hỏi có thể được thiết kế ở các cấp độ tư duy từ “biết” cho đến “đánh giá” theo thang Bloom. Trong một bộ câu hỏi nhiều lựa chọn, người soạn có thể thiết kế với các cấp độ “biết”, “thông hiểu”, “vận dụng” và có thể là “phân tích” theo một tỷ lệ nào đó. Các cấp độ cao hơn, “tổng hợp” và “đánh giá”, thường ít được sử dụng.

3. Một số vấn đề về câu hỏi trắc nghiệm dùng cho sát hạch lái xe

Bộ “150 câu hỏi dùng cho sát hạch, cấp giấp phép lái xe mô tô hạng A1 và A2” có 139/150 câu hỏi cũng nằm trong bộ “450 câu hỏi dùng cho sát hạch, cấp giấp phép lái xe cơ giới đường bộ”, chiếm 30,1 %. Hai bộ câu hỏi này có cùng cách thức soạn, cụ thể là đều có các câu hỏi về sa hình, biển báo và về các quy định của pháp luật giao thông đường bộ. Do vậy, chỉ cần phân tích 150 câu hỏi mô tô để xem xét và đánh giá.

3.1. Về thể thức câu hỏi

Ở bộ 150 câu hỏi chỉ có 34 câu có cấu trúc đúng với loại câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, tức là có ít nhất 4 phương án chọn và duy nhất một đáp án, chiếm 22.7 %. 116 câu còn lại sai như bảng dưới đây. Thậm chí, có 14 câu chỉ có 2 phương án lựa chọn và cũng chính là 2 đáp án, tức là hoàn toàn không có phương án nhiễu.

Bảng 1. Thống kê số lượng câu hỏi theo số phương án chọn và số đáp án

Số phương án lựa chọn trong một câu hỏi

Số lượng câu hỏi

1 đáp án

2 đáp án

2

19

14

3

67

12

4

34

4

Cộng

120

30

Trong các phương án lựa chọn lại có kiểu phương án bao gồm các phương án khác, như là “Cả hai ý trên”, “Cả ba ý trên” “Tất cả các ý trên” hoặc “Cả ba biển” (mỗi câu hỏi chỉ dùng 3 biển báo). Khó có thể coi đây là một phương án nhiễu, và vì vậy 22 câu hỏi có các phương án chọn này phải giảm bớt đi một lựa chọn nữa. Đồng thời, việc sử dụng các phương án lựa chọn như vậy cho thấy người soạn thiếu sự đầu tư.

Bảng 2. Số câu hỏi có phương án chọn bao gồm các phương án chọn khác

Phương án lựa chọn

Số lượng câu hỏi

Câu 3 lựa chọn

Câu 4 lựa chọn

1 đáp án

2 đáp án

1 đáp án

2 đáp án

Cả hai ý

4

Cả ba ý

1

Tất cả ý

2

1

2

Cả ba biển

2

10

Cộng

8

1

13

Khi có sự gợi ý trong câu dẫn hay trong phương án chọn thì sẽ không còn là câu hỏi nữa, vì rất dễ dàng trả lời. Ví dụ “câu hỏi 21: Hành vi điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu có bị nghiêm cấm hay không?” là quá rõ ràng để trả lời với người đủ 18 tuổi và có sức khỏe bình thường (điều kiện để được sát hạch lái xe). Một ví dụ khác, “câu hỏi 31: Khi điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy, những hành vi nào không được phép?” có ba phương án “1- Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh…”, “2- Sử dụng xe để kéo đẩy xe khác,… và các hành vi khác gây mất trật tự an toàn giao thông.” và “3- Chạy đúng tốc độ quy định và chấp hành đúng quy tắc giao thông đường bộ.”. Bạn sẽ chọn phương án nào? Có đến 17 câu như vậy (các câu 5, 7, 14-16, 20-25, 27, 29, 31, 60, 71, 77), chiếm 11.3 % bộ câu hỏi.

Câu hỏi 58 có câu dẫn như sau: “Người ngồi trên xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách khi nào?”. Câu hỏi 62 cũng tương tự nhưng hỏi về xe đạp máy. Vấn đề là phải tập thói quen khi đã đội mũ bảo hiểm thì luôn phải cài quai đúng quy cách, dù có ngồi trên xe hay không! Nếu không có thể quên cài quai cả khi đi xe. Đó gọi là văn hóa an toàn.

Riêng “câu hỏi 16: Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy có bị nghiêm cấm hay không?” thì thật khó để bình luận.

3.2. Về cách dùng từ

Một số câu hỏi (17, 42, 53, 63, 66, 74 và 75) có nội dung như là trích dẫn từ văn bản pháp luật, dài và cứng nhắc, rất khó để “đưa pháp luật vào cuộc sống”, đồng thời gây ra khó khăn không cần thiết cho thí sinh. Chẳng hạn “câu hỏi 66: Người đủ bao nhiêu tuổi trở lên thì được điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3,5 tấn; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi?” có thể sửa lại đơn giản là “Người đủ bao nhiêu tuổi thì được lái xe mô tô hai bánh dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên?”. Lưu ý rằng, đây là bộ câu hỏi dùng sát hạch mô tô hai bánh, muốn lái mô tô ba bánh (A3) ô tô, máy kéo thì phải học mới hoàn toàn. Cũng trong câu hỏi này, dùng từ “điều khiển” cũng là cứng nhắc và thiếu chính xác, vì dắt xe hay lái xe đều có thể gọi là điều khiển xe. Chẳng lẽ, chưa đủ 18 tuổi thì không được dắt xe mô tô? Hay có sự lặp lại một cách cứng nhắc từ câu dẫn sang các phương án lựa chọn, như “câu hỏi 17: Người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá bao nhiêu thì bị cấm?” ở cả ba phương án chọn vẫn lặp lại y nguyên cụm từ “người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu” một cách không cần thiết.

Câu hỏi 37 có câu dẫn và các phương án trả lời như sau:

“Tại nơi đường giao nhau, khi người điều khiển giao thông ra hiệu lệnh bằng tay phải giơ về phía trước để báo hiệu thì người tham gia giao thông phải đi như thế nào?

1- Người tham gia giao thông ở phía sau người điều khiển phải dừng lại; người ở phía trước người điều khiển được rẽ trái; người ở phía bên trái người điều khiển được rẽ trái; người đi bộ qua đường phải dừng lại sau lưng người điều khiển giao thông.

2- Người tham gia giao thông ở phía sau và bên phải người điều khiển phải dừng lại; người ở phía trước người điều khiển được rẽ phải; người ở phía bên trái người điều khiển giao thông được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phải đi sau lưng người điều khiển giao thông.”

Thí sinh phải đọc nhiều, nhưng “đo lường” kết quả thì chẳng được bao nhiêu. Khá là cứng nhắc. Các câu hỏi 34, 35, 36 và 38 cũng có tình trạng tương tự. Sao không hỏi một cách đơn giản bằng hình như câu 135 và 136, cũng về hiệu lệnh điều khiển giao thông?

Riêng về văn hóa giao thông có 5 câu hỏi từ 76 đến 80. Tất cả đều thể hiện sự cứng nhắc, thiếu đầu tư trong cách đặt câu dẫn và cả phương án lựa chọn. Chẳng hạn, “câu hỏi 77: Người lái xe cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ,… được coi là hành vi nào trong các hành vi sau đây?” và các phương án chọn là “1- Là bình thường.”, “2- Là thiếu văn hóa giao thông.”, “3- Là có văn hóa giao thông.”. Vì vậy, rất dễ trả lời những câu hỏi này.

3.3. Về độ khó của câu hỏi

Phân tích theo thang đo cấp độ tư duy Bloom, cho thấy có 127 câu ở cấp độ thấp nhất là “biết” (chỉ cần biết là trả lời đúng) chiếm 84.6 %, có 16 câu ở cấp độ “thông hiểu” chiếm 10.7 %, có 7 câu ở cấp độ “vận dụng” chiếm 4.7 %, không có câu ở cấp độ “phân tích”. Có nghĩa là ở phần lớn đề thi, người học chỉ cần “biết” là sát hạch đạt. Thông thường, với một đề thi trắc nghiệm, có khoảng 30 – 50 % câu hỏi “biết”, 30 – 50 % câu hỏi “thông hiểu” và 10 – 20 % câu hỏi “vận dụng” và “phân tích”. Mặt khác, để chấp hành pháp luật giao thông đường bộ thì cần phải “thông hiểu” và “vận dụng” nhiều hơn là “biết”. Bởi tương ứng với cấp độ tư duy “biết” chỉ mới là thái độ “đáp ứng” chứ chưa phải “thừa nhận” hay “tôn trọng” để tự giác chấp hành.

3.4. Về một số nội dung hỏi

Một số nội dung không hoặc ít liên quan đến người lái xe nói chung hoặc lái xe mô tô nói riêng lại được đưa vào bộ câu hỏi. Cố nhiên, hiểu biết càng nhiều thì càng tốt, tuy vậy, trong dạy học chỉ nên chú trọng đến cái cốt yếu. Những cái ít quan trọng thì người học sẽ tự tìm hiểu được khi cần thiết. Ví dụ “câu hỏi 62: Cơ quan nào quy định các đoạn đường cấm đi, đi một chiều, …., lắp đặt báo hiệu đường bộ thuộc địa phương quản lý?” thì chỉ liên quan đến các cơ quan Nhà nước mà thôi, hay “Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của ai?” (câu 32). Các phương án chọn của câu hỏi 74 có đủ cả các loại xe từ ô tô chở người, ô tô tải, ô tô sơ mi rơ moóc, ô tô chuyên dùng đến máy kéo, xe công nông, xe lam, xe lôi máy, xe xích lô máy, xe ba gác máy, xe máy chuyên dùng và xe mô tô, xe máy chỉ để hỏi về tốc độ tối đa trong khu vực đông dân cư của xe mô tô, xe máy!

Có câu hỏi như là để cơ quan quản lý nhà nước “răn đe”: “Khi phát hiện hành vi giả khai báo mất hoặc tẩy xóa, làm sai lệch các thông tin trên giấy phép lái xe; sử dụng giấy phép lái xe hoặc đổi hồ sơ lái xe giả; có hành vi cố tình gian dối để được đổi, cấp mới, cấp lại giấy phép lái xe, ngoài việc bị cơ quan quản lý giấy phép lái xe ra quyết định thu hồi giấy phép lái xe và hồ sơ gốc còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, người lái xe không được cấp giấy phép lái xe trong thời gian bao nhiêu năm?” (câu 69).

4. Kết luận

Có thể khẳng định rằng hai bộ câu hỏi trắc nghiệm dùng cho sát hạch lái xe còn khá nhiều bất cập về cả thể thức lẫn nội dung. Những bất cập này không những chưa phù hợp trong việc đánh giá kết quả, mà còn gây thêm khó khăn cho cả giáo viên và người học trong tiến trình học tập. Trongđào tạo lái xe, câu hỏi sát hạch tốt là một cơ sởđể đảm bảo “đầu ra” có chất lượng. Do vậy, cần phải có sự nghiên cứu, sửa đổi và hoàn thiện các bộ câu hỏi này. Đồng thời, đó cũng là một giải pháp để đảm bảo chất lượng dạy học, góp phần xây dựng văn hóa giao thông, đảm bảo an toàn giao thông cho toàn xã hội.